"Dạo quanh khu Thạnh Mỹ Lợi, An Phú, An Khánh, hàng loạt chủ đất đã đưa ra mức giá mới chênh từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng mỗi lô đất so với 2 tháng trước", ông H.Đ nói.
Nhà đầu tư này cho biết ông không thể nhớ nổi số lần thị trường bất động sản quận 2 lập đỉnh giá mới trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng mạnh đến giao dịch của thị trường cũng như tâm lý của người mua bất động sản, từ đó thị trường khá im ắng trong khoảng nửa năm.
"Kết quả đấu giá đất tại Thủ Thiêm là một thông tin gây sốc với giới đầu tư. Đây là cơ sở để những ai đang sở hữu bất động sản tại những khu vực quanh Thủ Thiêm nói riêng và khu Đông TP nói chung có niềm tin hơn vào sự tăng trưởng giá mạnh mẽ trong thời gian tới", ông nói thêm.
Giá đất trục đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi đã tăng 80-100 triệu đồng/m2 trong khoảng 2 tuần vừa qua, nâng mặt bằng giá của trục đường này lên mức 450-500 triệu đồng/m2.
Tại khu dân cư Huy Hoàng gần đó với vị trí gần UBND TP Thủ Đức vốn có giá trước thời điểm dịch bệnh ở mức khoảng 160-300 triệu đồng/m2, các chủ đất cũng đã nâng giá 10-15 triệu đồng/m2 trong đầu năm nay. Nhìn trên toàn thị trường quận 2 cũ, các chủ nhà đất cũng đang rao bán các sản phẩm căn hộ, đất nền mới mức giá tăng 15-20% so với đầu năm 2021.
Các đơn vị môi giới cũng cho biết gần đây nhóm nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc đã nhanh chóng quay trở lại khu vực này.
Theo báo cáo quý IV/2021 của Chợ Tốt Nhà, khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM được kiểm soát, nhu cầu mua bán bất động sản đã tăng nhanh trở lại. Trong đó, 3 khu vực có sức hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư là quận 12, quận 9 cũ và quận Thủ Đức cũ với nguồn cầu tăng so với quý III/2021 lần lượt là 250%, 210% và 190%. Quận 9 và Thủ Đức cũ cũng là những khu vực có biên độ giá tăng cao nhất trong 3 tháng cuối năm với mức tăng là 6,8 và 8,4%.
Bên cạnh đó, thị trường huyện Bình Chánh cũng đã có làn sóng đầu tư bất động sản mạnh mẽ trở lại trong khoảng hơn 2 tháng qua. Người bán đã chủ động nâng mức giá 10-15%.
Tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, các lô đất 80-90 m2 đang có giá trung bình khoảng 3,2-4 tỷ đồng tùy vị trí. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất trung bình tại đây đã tăng từ hơn 20 triệu đồng/m2 lên mức khoảng 40 triệu đồng/m2. Giá rao bán đất và căn hộ tại Bình Chánh trên các trang môi giới bất động sản trực tuyến cũng tăng mạnh 10-40% trong 2 tháng cuối năm 2021.
Ngày 10/12/2021 vừa qua, TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Thiêm) với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm. Trong đó, mức đấu giá cao nhất lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2.
Ông Trung, trưởng bộ phận môi giới một doanh nghiệp bất động sản cho biết, ngay sau phiên đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm 1 tuần, ông đàm phán thuê một căn shophouse trên đường Nguyễn Cơ Thạch thuộc khu đô thị Sala cho khách hàng. Ngày đầu, chủ nhà ra giá 7.500 USD/tháng, nhưng khi chốt lại ngày hôm sau thì chủ lại muốn giá 8.000 USD.
"Tôi hỏi vì sao giá tăng chỉ sau một ngày thì người chủ cho rằng giá bất động sản thương mại cũng như cho thuê khu vực này 'giờ đã khác' sau đợt đấu giá vừa qua", ông Trung nói và cho biết cũng tại khu vực này, một căn shophouse dù suốt thời gian dài để trống vì không có khách thuê, nhưng chủ nhà vẫn ra giá bán hơn 100 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau", gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị "nén" sau một thời gian dài do nguồn cung khan hiếm và tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh khiến dòng tiền của các nhà đầu tư lúc này đang chuyển hướng sang bất động sản như một kênh trú ẩn trong 1-2 năm. Chính vì vậy, cùng với kết quả đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm, mức độ quan tâm bất động sản và lượng giao dịch sẽ tăng trong năm 2021.
Cập nhật ngày 12/7/2021: Giá đất TP Thủ Đức tăng nhanh, vượt mốc 200 triệu đồng/m2
Báo cáo thị trường bất động sản quý II tại TP.HCM của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy giá bất động sản cả phân khúc căn hộ và nhà đất đều biến động mạnh.
Cụ thể, giá bán căn hộ tại TP.HCM biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân đã biến mất hoàn toàn ở nội thành.
Số liệu ghi nhận giá bán căn hộ biến động mạnh nhất ở về khu vực TP Thủ Đức, quận 7 và một số quận trung tâm. Nếu so với năm 2019, giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng 2 lần. Thời điểm 2019, giá cao nhất khoảng 35 triệu đồng/m2 nhưng hiện nay, giá thấp nhất đã là 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2.
Giá bình quân của số căn hộ cao cấp được chào bán trong quý II đạt số kỷ lục từ trước đến nay ở TP.HCM và cả Việt Nam với khoảng 228 triệu đồng/m2. Điển hình là 1.095 căn hộ tại dự án Grand Maria Saigon tại quận 1 có giá từ 366 triệu đồng/m2 đến 500 triệu đồng/m2, dự án Dragon Sky View Thủ Đức có giá 450 triệu đồng/m2, Thủ Thiêm Zeit River là 160 triệu đồng/m2…
Ở phân khúc nhà đất, giống như căn hộ, loại hình nhà phố thương mại tại TP Thủ Đức cũng bị đẩy giá rất mạnh. Từ mức giá nhỏ hơn 100 triệu đồng/m2 đến nay đều ở ngưỡng trên dưới 200 triệu đồng/m2. Cụ thể là các dự án như Thủ Thiêm Zeit River hay Ruby Boutique Residence….
Nhà ở liền kề tại những khu vực này đều đã chạm ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ và nhà đất tại TP Thủ Đức bị đẩy lên mức cao kỷ lục. Ảnh: Chí Hùng. |
Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra do thiếu nguồn hàng dự án nên hiện tượng gom đất, gom sổ để tạo sản phẩm phân lô, phân nền diễn ra rất mạnh, tại một số huyện như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh,…
Bình luận về thị trường thứ cấp trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng kể từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản ổn định và tăng trưởng tốt, giá bất động sản tăng rất bền vững.
Hàng năm, giá bất động sản bình quân tăng hơn 10%, nhiều dự án tốt có thể tăng trên 20%/năm dẫn đến phát triển mạnh các nhóm đầu tư bất động sản để bán lại ở thị trường thứ cấp, sinh lợi. Năm 2019 và đặc biệt là năm 2020 giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp.
"Lợi dụng tình hình thị trường thiếu nguồn cung, giá căn hộ tại TP.HCM bị đẩy tăng gần 100% so với thời điểm năm 2018. Nhưng hiện tại, mức giá này có rất ít giao dịch, thanh khoản trên thị trường kém. Trước tình thế này, các nhà đầu tư ồ ạt tung hàng ra bán, chấp nhận giảm, lỗ sâu để thu hồi vốn, dẫn đến nguồn cung ở thị trường thứ cấp có lượng hàng khá dồi dào nhưng tiêu thụ chậm", ông Nguyễn Văn Đính nói thêm.
Mặc dù cho rằng giá bất động sản tăng một phần do tình trạng đẩy giá song ông Đính cũng khẳng định thực tế hiện nay giá bất động sản sơ cấp và nguồn cung trong tương lai cũng đang đối mặt với áp lực phải tăng giá, bởi một số yếu tố.
Thứ nhất là giá đất trên thị trường sau cơn sốt nhiều nơi vẫn còn ở mức cao nên đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cao.
Thứ hai, khung giá đất ở nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%.
Thứ ba, vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản).
Thứ tư, thủ tục phê duyệt dự án kéo rất dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí và chi phí cơ hội là rất cao.