Giữa tháng 3, đất nền thứ cấp (mua đi bán lại) tại TP HCM và các tỉnh ven giảm giá 10-25% so với đầu năm do nhà đầu tư ngộp tài chính xả hàng.
Đất nền các huyện ven đô và khu vực ngoại thành Sài Gòn tiếp đà giảm giá trong hơn 2 tháng đầu năm. Tại Cần Giờ, những lô thổ cư nhỏ trên đường Giồng Ao hồi tháng 1 rao giá 34 triệu đồng một m2, nay hạ xuống 30 triệu đồng một m2, giảm gần 12% so với đầu năm ngoái và giảm trên 30% so với 12 tháng qua.
Đất nền hỗn hợp (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản xen kẽ diện tích thổ cư) mặt biển thị trấn Cần Thạnh lô lớn trên 2.000-3.000 m2 hiện có trường hợp chào giá giảm 20-25% so với tháng đầu năm. Dù biên độ giảm giá mạnh, anh Quốc, một môi giới địa phương cho biết đa phần chủ đất tại Cần Giờ vẫn thuộc nhóm giảm lời, chưa đến mức cắt lỗ.
Tại huyện Bình Chánh, giá bán đất nền trên thị trường thứ cấp cũng giảm 15-25% tùy nền cỡ lớn hoặc nhỏ. Một số lô đất nông nghiệp diện tích lớn trên 5.000-10.000 m2 thậm chí giảm gần 30% do người đang nắm giữ rổ hàng bị áp lực tài chính, không thể gồng gánh được lãi và nợ ngân hàng buộc phải thoát hàng. Nhóm đất nền dự án tại Tân Túc, Tân Kiên, Bình Hưng cũng rớt giá khoảng 15% so với tháng 12/2022.
Ở các tỉnh giáp ranh TP HCM, giá đất nền lẻ ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và xa hơn là Bảo Lộc, Bình Phước cũng ghi nhận tình trạng nhà đầu tư thoát hàng giảm giá 15-30% so với quý IV/2022. Trong đó, đất rẫy, đất trồng cây lâu năm lô lớn từ 1.000 m2 trở lên có đà giảm giá mạnh hơn so với đất thổ cư lô nhỏ 100-200 m2.
Thông tin từ Nhatot cũng cho biết trong tháng 3, giá nhà đất chào bán thứ cấp tại TP Thủ Đức giảm 6,9% so với đầu năm nay nhưng vẫn neo ở mức cao trung bình 114 triệu đồng một m2 với vị trí mặt tiền đường. Trong khi giá nhà liền thổ huyện Nhà Bè giảm 8,3% so với tháng 1 (trung bình khoảng 89 triệu đồng một m2 vị trí mặt tiền).
Giới trong ngành cho rằng nguyên nhân giá đất nền giảm mạnh đến từ việc chủ đất ngộp tài chính, bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo lắng thị trường khó khăn dài hạn nên muốn thu hồi tiền về hay kiếm kênh đầu tư khác tiềm năng hơn. Do đó, họ chấp nhận ra hàng giảm lời, không có lời, thậm chí chịu lỗ.
Cập nhật ngày 25/5/2022: Đất nền Bình Dương và các tỉnh ven TPHCM có dấu hiệu hạ nhiệt
Phân khúc đất nền dự án và đất nền có sự sụt giảm lực cầu mạnh nhất ở thị trường Bình Dương, lần lượt ở mức 18% và 15%.
Các chuyên gia tại đây lý giải bất động sản tỉnh này không nằm ngoài ảnh hưởng của các biện pháp thắt chặt quản lý nhà đất gần đây như siết tín dụng bất động sản hay tăng cường kiểm soát giao dịch bất động sản.
Đặc biệt, tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng trở nên e dè hơn sau những sai phạm của các đơn vị kinh doanh bất động sản như FLC, Tân Hoàng Minh. Chưa kể, nhiều ngân hàng đang nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi trong dân.
Ngoài Bình Dương, nhiều thị trường trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ cũng chứng kiến mức độ quan tâm đến bất động sản giảm từ 10% đến hơn 40%.
Riêng với phân khúc đất nền, không chỉ thị trường phía Nam mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước đã xuất hiện dấu hiệu hạ nhiệt từ tháng 4. Mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước lúc này giảm đến 18% so với hồi tháng 3 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Cập nhật ngày 20/11/2021: Giao dịch đất nền TP.HCM và vùng ven tăng trở lại
Báo cáo cập nhật thị trường đất nền các tỉnh phía Nam của DKRA Việt Nam cho biết trong tháng 10, toàn thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận nguồn cung và thanh khoản tăng trở lại.
Các tỉnh phía Nam ghi nhận 9 dự án đất nền mở bán gồm 4 dự án mới, 5 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo. Tổng nguồn cung trong tháng là 649 sản phẩm, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2020 (535 sản phẩm) và tăng 6,8 lần so với tháng 9.
Việc TP.HCM và các tỉnh phía Nam dỡ phong tỏa trong tháng 10 giúp khách hàng có thể di chuyển đi xem đất, từ đó nâng tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 36% (233 sản phẩm), bằng 65% so với cùng kỳ năm trước (359 sản phẩm), tăng hơn 10 lần so với tháng trước.
![]() |
TP.HCM lần đầu có nguồn cung đất nền trở lại sau một thời gian dài không có nguồn cung mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nguồn cung mới trong tháng 10 tập trung chủ yếu ở 4 địa phương là TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh Bình Dương và Tây Ninh không ghi nhận nguồn cung mới trong tháng qua.
Tỉnh Long An dẫn đầu thị trường đất nền phía Nam với 3 dự án mở bán (1 dự án mới, 2 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 353 sản phẩm, chiếm 54% tổng nguồn cung toàn thị trường.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 dự án mở bán trong tháng qua, cung cấp ra thị trường 140 sản phẩm, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong tháng qua. Trong đó, 89% lượng nguồn cung của tỉnh tập trung tại dự án ở huyện Châu Đức. Mặt bằng giá sơ cấp trong tháng tăng, mức tăng trung bình 15-30% so với đợt mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản thị trường ở mức trung bình.
Trong khi đó, suốt tháng 10, thị trường đất nền TP.HCM ghi nhận một dự án mới được mở bán, cung cấp ra thị trường 26 nền. Đây là lần đầu xuất hiện nguồn cung mới tại thị trường TP.HCM sau chuỗi thời gian dài thiếu vắng dự án, song tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 8%, tương đương 2 sản phẩm.
Nguồn cung mới vẫn khan hiếm dù đã dỡ phong tỏa được một tháng, đồng thời sức cầu chung trên thị trường ở mức khá thấp, mặt bằng giá bán thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước.
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, trong tháng 10 vừa qua, mức độ quan tâm đến bất động sản tại nhiều địa phương đã tăng mạnh mẽ trở lại. Tại TP.HCM, mức độ quan tâm của thị trường đến các sản phẩm bất động sản tăng 89% so với tháng trước đó, bằng 90% so với tháng 5 - thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trong khi đó, mức độ quan tâm của các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều tăng mạnh từ 62-72% so với tháng 9.