Bộ Công an truy nã nhiều cựu lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát

ĐĂNG NGUYÊN

30/10/2023 07:41

Hai cựu chủ tịch HĐQT cùng 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đang được kêu gọi "tự giác ra đầu thú", sau khi bị khởi tố do liên quan đại án Vạn Thịnh Phát.

msb3-1616061847.png

Ngân hàng Sài Gòn (SCB)

Ngày 29/10, Bộ Công an cho biết 7 người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành, đều là cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB); Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB.

Ngày 25/10, 7 người trên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Tham ô tài sản. Các bị can được cho là "đã bỏ trốn" hoặc "không biết rõ đang ở đâu".

7 người bị xác định liên quan vụ án Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.

C03 yêu cầu các bị can "tự giác ra đầu thú để hưởng khoan hồng" và để được đảm bảo quyền tự bào chữa, trình bày các nội dung liên quan vụ án. Người dân nếu phát hiện những người bỏ trốn trên "có quyền bắt và áp giải ngay" đến cơ quan công an, VKS hoặc trụ sở chính quyền nơi gần nhất. 

scb-truyna-1698626224.jpg

Bị can Sương, Thành, Vũ, Tồn, Ziang, George, Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới). Ảnh: Bộ Công an

Vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được C03 điều tra từ 7/10/2022 với 4 người đầu tiên bị bắt là bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cả bốn người bị điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019.

Đến ngày 28/3, C03 khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) và 4 người của đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức đã có hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật để tạo lập 25 gói trái phiếu. Các lô trái phiếu này có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng đã bán cho người mua (trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Cập nhật ngày 25/9/2023: Sau nhiều biến cố, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) nhận nhân sự Agribank về làm Chủ tịch

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, ông Phan Đình Điền, thành viên Hội đồng thành viên Agribank, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thay ông Vũ Anh Đức từ 22/9. Sau một năm đảm nhiệm chức Chủ tịch tại SCB, ông Vũ Anh Đức quay trở về công tác, đảm nhiệm vị trí quan trọng tại VietinBank.

Còn Chủ tịch mới vừa được bổ nhiệm, ông Phan Đình Điền, có gần 30 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông Điền từng đảm nhận nhiều vị trí từ lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo chi nhánh tới thành viên Hội đồng thành viên Agribank. Ông được Ngân hàng Nhà nước đánh giá có năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là nhiều kinh nghiệm xử lý nợ.

Dưới sự dẫn dắt của ông Điền, cơ quan quản lý kỳ vọng SCB tiếp tục ổn định, đảm bảo an toàn, sớm hoàn thành xây dựng và được phê duyệt đề án tái cơ cấu tổng thể.

Tháng 10 năm ngoái, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt, Ngân hàng Nhà nước đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động của SCB đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu. Gần đây, cơ quan này đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB.

scb-dien-chu-tich-1695605660.jpg

Ông ông Phan Đình Điền, thành viên Hội đồng thành viên Agribank, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn (SCB) từ 22/9. Ảnh: Agribank

Cập nhật ngày 3/7/2023: giải thể nhiều phòng giao dịch tại TP.HCM

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo về việc chấm dứt hoạt động 3 phòng giao dịch Bàu Cát, Nhà Rồng và Cô Giang (TP.HCM).

Trong đó, phòng giao dịch Bàu Cát và phòng giao dịch Nhà Rồng chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6, còn phòng giao dịch Cô Giang chấm dứt hoạt động từ ngày 7/7.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, SCB cũng thông báo chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch khác là: PGD Hưng Dũng - chi nhánh Nghệ An, PGD Thành Công - chi nhánh Hai Bà Trưng, PGD Quận 1 - chi nhánh Cống Quỳnh. Trong đó, PGD Hưng Dũng chấm dứt hoạt động từ ngày 1/6. PGD Thành Công và PGD Quận 1 chấm dứt hoạt động từ ngày 10/6.

SCB cho biết mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại 3 phòng giao dịch trên đều được bảo đảm thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch hiện hữu của ngân hàng.

Ngoài ra, thông báo mới nhất của SCB gửi đến khách hàng còn có việc thống nhất đầu số hotline.

Cụ thể, từ ngày 1/7, SCB chính thức sử dụng duy nhất số hotline 1900 6538 thay cho đầu số 1800 545438 nhằm tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong liên hệ và nhận phản hồi từ ngân hàng.

Cập nhật ngày 7/11/2022: TP HCM yêu cầu SCB đối thoại với người mua trái phiếu

Gần đây, một số người dân tụ tập đông đúc trước trụ sở của Ngân hàng Sài Gòn (SCB), bày tỏ sự bất bình liên quan đến các hợp đồng trái phiếu mua theo tư vấn của nhân viên ngân hàng.

Lãnh đạo TP HCM yêu cầu SCB không né tránh người mua trái phiếu còn đại diện ngân hàng khẳng định "không vô can" với vấn đề này và sẽ đồng hành cùng người dân.

Tại cuộc họp ngày 4/11, Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng và Phó chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu yêu cầu SCB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và các đơn vị khác, chủ động bố trí địa điểm tiếp người dân rộng rãi.

SCB được yêu cầu cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ và tuyệt đối không được né tránh, văn bản thông tin về kết luận chỉ đạo của TP HCM cho hay.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng yêu cầu người dân bình tĩnh và thực hiện đúng theo quy định về giải quyết khiếu nại.

Sau chỉ đạo của thành phố, ngày 7/11, SCB cũng lần đầu tiên tổ chức buổi làm việc trực tiếp với một số khách hàng mua trái phiếu của Công ty An Đông thông qua ngân hàng.

Nhiều người dân tại cuộc họp bức xúc khi nhân viên ngân hàng đã chào mời họ mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực. Nhiều người mua trái phiếu trong bối cảnh chung sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển qua loại sản phẩm mới. Họ cho biết không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ ký vào tờ uỷ nhiệm chi, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp đầy đủ.

Tại cuộc họp 7/11, ông Hoàng Minh Hoàn – Phó tổng giám đốc thường trực SCB cho biết ngân hàng không chủ trương chỉ đạo cán bộ nhân viên tư vấn sai lệch cho khách hàng. Tuy nhiên, ông khẳng định "ngân hàng không vô can trong vấn đề liên quan đến trái phiếu của khách hàng". Do đó, ngân hàng cam kết cùng phối hợp với Công ty chứng khoán Tân Việt, tổ chức phát hành, các cơ quan chức năng có liên quan để đồng hành cùng với người dân.

Đại diện của chính quyền địa phương tại cuộc họp cũng cho biết, SCB sẽ cùng các bên có liên quan tham mưu cho thành phố, sớm có văn bản gửi đến Trung ương để kiến nghị giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người mua trái phiếu.

Theo Công ty chứng khoán Tân Việt, có khoảng 40.000 khách hàng mua trái phiếu An Đông qua SCB, gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Ngày 26/12/2011, Thống đốc NHNN chính thức cấp Giấy phép số 283/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2012.

Đây được xem như một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của cả ba ngân hàng, đánh dấu sự thay đổi toàn diện về quy mô tổng tài sản, mạng lưới, công nghệ và nhân sự… Trên cơ sở thừa kế những thế mạnh vốn có của 3 ngân hàng, cùng sự quyết tâm của Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, toàn thể CBNV, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của Quý Khách hàng, Cổ đông, đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB đã không ngừng lớn mạnh với quy mô Tổng tài sản hàng đầu Việt Nam đạt 673.276 tỷ đồng, Vốn điều lệ hơn 20.020 tỷ đồng tính đến 30/09/2021. Với 239 điểm giao dịch, hiện nay mạng lưới hoạt động của SCB đang phủ rộng khắp 28 tỉnh/thành thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.

Tiềm lực tài chính vững mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh, công nghệ hiện đại, danh mục các sản phẩm đa dạng cùng chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, đây chính là nền tảng để SCB phát triển mạnh mẽ theo định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ - đa năng - hiện đại hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói, đáp ứng mọi nhu cầu của Khách hàng, SCB tự hào mang lại giá trị và đảm bảo quyền lợi thiết thực cho Đối tác, Cổ đông; cũng như xây dựng chế độ phúc lợi và môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ CBNV.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.