Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 292,2 tỷ đồng, tăng cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bất động sản tăng mạnh gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 94,7 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần quý 1/2021.
Nhờ lãi gộp ở mức cao nên mặc dù nguồn lợi nhuận khác sụt giảm mạnh từ 15,1 tỷ đồng xuống còn 1,8 tỷ đồng, CEO Group vẫn báo lãi sau thuế 25,7 tỷ đồng – khả quan hơn rất nhiều so với kết quả lỗ 38 tỷ đồng của quý 1/2021.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao do doanh thu bất động sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lợi nhuận tăng cao, song dòng tiền kinh doanh của CEO lại âm 57 tỷ đồng, cải thiện hơn so với con số âm 130,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Dòng tiền kinh doanh âm khiến doanh nghiệp phải tăng cường vay nợ. Cụ thể, tổng dư nợ đi vay chiếm gần 50% nợ phải trả, ghi nhận hơn 1.750 tỷ đồng. Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 1/2022 ở mức 833,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 7 tỷ đồng so với đầu năm và khoản vay nợ tài chính dài hạn tăng 10 tỷ đồng lên hơn 916 tỷ đồng.
Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận đạt 305,7 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021, cho thấy mức tăng trưởng bứt phá với tổng doanh thu quý đạt 796,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 305,7 tỷ đồng.
Như vậy, tổng doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp đạt 1,249 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 82 tỷ đồng, vượt 2,1 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Hoạt động SXKD của Tập đoàn CEO trong quý IV/2021 còn ghi nhận nhiều điểm tích cực như: tính đến ngày 31/12/2021, hàng tồn kho giảm 58 tỷ đồng; nợ phải trả giảm 476 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 80 tỷ đồng so với thời điểm ngày 1/1/2021.
Trong quý IV, CEO Group ra mắt thành công nhiều dòng sản phẩm mới cao cấp (Ảnh phối cảnh phân khu Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City)
Nhờ sự sáng tạo thay đổi chiến lược sản phẩm và công tác bán hàng linh hoạt, trong 3 tháng cuối năm 2021, doanh nghiệp đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch năm theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ đã đề ra.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thời gian qua, Tập đoàn CEO vẫn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm ở 2 thị trường trọng điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Điển hình, với dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có quy mô 358,3ha tại Khu tinh tế Vân Đồn, Tập đoàn đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt 2 dòng sản phẩm mới, gồm: phân khu biệt thự biển Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn đậm chất Bali và phân khu nhà phố biển Sonasea Silk Path lấy cảm hứng từ “con đường tơ lụa” trên biển.
Ảnh phối cảnh phân khu Sonasea Silk Path - một trong những dòng sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực của CEO Group tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City
Cũng tại dự án trên, Tập đoàn CEO lần đầu tiên định danh và phát triển concept nghỉ dưỡng “Homeliday” (kết hợp của “second-home” (ngôi nhà thứ 2) và “holiday” (kỳ nghỉ) với mục tiêu tạo ra không gian đa chức năng để con người có thể nghỉ dưỡng, làm việc hay ẩn mình trong dịch bệnh. Doanh nghiệp kỳ vọng concept này sẽ góp phần đưa Vân Đồn vươn mình trở thành trung tâm ngôi nhà thứ hai cho Việt Nam và toàn cầu, tương tự như hướng phát triển từng rất thành công tại Phú Quốc.
Sự kết hợp mới mẻ của những sản phẩm cao cấp và mô hình nghỉ dưỡng độc đáo tại dự án “All in one” (tất cả trong một) đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhạy bén và trở thành điểm sáng của bức tranh thị trường BĐS nghỉ dưỡng miền Bắc thời điểm cuối năm.
Cập nhật quý 3/2021: lỗ tiếp 59 tỷ, 9 tháng lỗ nặng
Tập đoàn C.E.O (CEO) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu giảm phân nửa chỉ còn 124 tỷ đồng.
Khấu trừ giá vốn CEO lãi gộp 14 tỷ đồng, giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/8 con số cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm, trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi 7 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. CEO cho biết năm nay tập trung triển khai và kinh doanh các Dự án trọng điểm như Dự án River Silk City Hà Nam, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Vân Đồn Harbor City...
Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng, khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO là thử thách lớn. Quý 3/2021 cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ.
Kinh doanh trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản CEO vào mức 7.012 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ, trong đó tiền mặt Công ty giảm đáng kể.
Cập nhật quý 2/2021: lỗ 126,7 tỷ
CTCP Tập đoàn C.E.O (mã CK: CEO) đã công bố BCTC quý 2/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể riêng quý 2 doanh thu thuần đạt gần 141 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên kinh doanh dưới giá vốn khiến CEO lỗ gộp gần 29 tỷ đồng.
Trong kỳ công ty chỉ có hơn 7 tỷ đồng doanh thu tài chính giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, mặc dù chi phí được cắt giảm mạnh nhưng kết quả CEO vẫn lỗ sau thuế 126,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 112 tỷ đồng. Trong đó công ty mẹ chịu lỗ gần 76 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ được phía CEO Group giải trình là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, CEO đạt 283 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 32% so với cùng kỳ, LNST âm 165 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ hơn 94 tỷ đồng.
Trước đó năm 2020, CEO Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp đã không hoàn thành kế hoạch năm khi doanh thu chỉ đạt 1.324 tỷ đồng doanh thu, giảm đến 70% so với 2019 và lỗ 103 tỷ đồng - Đây cũng là năm lỗ đầu tiên sau nhiều năm kinh doanh có lãi.
Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, tăng gần 21% so với kết quả thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của CEO giảm 5% so với đầu năm về 7.077 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn đạt 2.225 tỷ đồng, chiếm 31,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.474 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng tài sản; bất động sản đầu tư đạt 796 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 626 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn nợ phải trả là 3.791 tỷ đồng chiếm 53,6% tổng nguồn vốn trong đó vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 1.955 tỷ đồng chiếm 51,6% trong tổng nợ phải trả. Lỗ cao trong những quý vừa qua khiến LNST chưa phân phối của CEO giảm mạnh từ 173 tỷ đồng xuống còn gần 77 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2021: lỗ hơn 38 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021 với doanh thu thuần đạt 142 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản ghi nhận giảm 30% xuống còn 71 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 62% xuống gần 71 tỷ đồng. Quý này, công ty tiếp tục không có doanh thu từ hoạt động thương mại.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 54% về gần 9 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý đều giảm so với cùng kỳ.
Kết quả, CEO Group báo lỗ hơn 38 tỷ đồng quý đầu năm trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng. Doanh ngiệp cho biết, LNST quý này giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kéo theo doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm.
Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của CEO Group ở mức 7.203 tỷ đồng, giảm 235 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng từ 665 tỷ đồng lên hơn 682 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn hơn 2.186 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như: Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City (hơn 2.137 tỷ đồng), Khu du lịch Green Hotel & Resort (gần 45 đồng). Doanh nghiệp không còn ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án Sonasea Villas & Resort 2 và Hana Garden City.
Tính đến cuối kỳ, CEO còn hơn 112 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn 116 tỷ đồng so với đầu năm.
Nợ phải trả giảm 5% so với đầu kỳ về hơn 3.785 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ đi vay chiếm 51%, ghi nhận gần 1.934 tỷ đồng.
Mới đây, CEO Group có thông báo đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội liên quan đến các biện pháp để khắc phục việc thua lỗ trong năm nay.
Thông báo này được đưa ra hơn một tuần sau khi Sở chứng khoán Hà Nội đưa cổ phiếu CEO vào diện cảnh báo.
Tại thông báo trên, doanh nghiệp cho biết, để khắc phục tình trạng thua lỗ như năm 2020 (lỗ hơn 100 tỷ đồng), doanh nghiệp đã và đang triển khai áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, một loạt các biện pháp được đưa ra như: Chủ động áp dụng các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới; thúc đẩy và tập trung phát triển du lịch nội địa, chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để đảm bảo sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát và mở cửa đường bay quốc tế trở lại; tiết giảm tối đa các chi phí.
Đồng thời, doanh nghiệp thúc đẩy việc kinh doanh các dự án bất động sản trọng điểm, đặc biệt là các dự án bất động sản đô thị.
Tập đoàn CEO
Hướng đến mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn CEO tập trung vào 5 trụ cột kinh doanh cốt lõi bao gồm: Phát triển và quản lý Bất động sản, Phát triển và quản lý Bất động sản nghỉ dưỡng, Du lịch - Quản lý khách sạn, Xây dựng, Phát triển nguồn nhân lực.
Hiện công ty tập trung triển khai và kinh doanh các dự án trọng điểm của tập đoàn như Sonasea Vân Đồn Harbor City, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Residences. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án và nghiên cứu và phát triển các dự án tiềm năng, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển của Tập đoàn.
Đối với mảng bất động sản nghỉ dưỡng, CEO Group tập trung khai thác thị trường du lịch trong nước, chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để đảm bảo kịp thời đón khách du lịch quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, kiểm soát, quản lý chặt chẽ và tiết kiệm chi phí vận hành đối với các khách sạn và triển khai các hình thức huy động vốn hiệu quả.