Theo đó, Chứng khoán An Bình bị phạt 250 triệu đồng vì đã không đảm bảo được các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có thể kiểm chứng được.
Cụ thể, công ty chứng khoán này là tổ chức tư vấn cho Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001 với giá trị 800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại nghị quyết số 1606/2021 về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đang lưu trữ lại chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành.
Bên cạnh đó, bản công bố thông tin của Soleil ghi nội dung: "Công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu". Trong khi trên thực tế vào đầu năm 2020 công ty này lại có dư nợ trái phiếu hơn 699 tỉ đồng.
Ngoài ra, phía Chứng khoán An Bình còn bị phạt tiền 60 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn nhiều tài liệu như: Báo cáo số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp trên từng tổ chức lưu ký; Báo cáo tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu trong kỳ; Báo cáo số lượng tổ chức phát hành đăng ký trái phiếu và khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký trong kỳ; Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính Chứng khoán Everest 250 triệu đồng vì không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
Cụ thể, Chứng khoán Everest là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty Cung Điện Mùa Đông (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã WTPCH2125003, nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định.
Theo bản công bố thông tin, Cung Điện Mùa Đông ghi "thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành". Tuy nhiên, nội dung này lại bất nhất so với dữ liệu khác, khi công ty có 2 mã trái phiếu WTPCH2124001, WTPCH2124002 với tổng trị giá 450 tỉ đồng, nhưng tính đến ngày 30-11-2021 các trái phiếu này vẫn chưa kết thúc và chưa phát sinh nợ gốc, lãi trái phiếu.
Thêm vào đó, bản công bố cũng trình bày các dự án Cung Điện Mùa Đông đã và sắp triển khai. Song với dự án đang triển khai khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc, Kiên Giang), Chứng khoán Everest lại không có hồ sơ và tài liệu thể hiện vai trò của Cung Điện Mùa Đông tại dự án này.
Ngoài ra, Chứng khoán Everest cũng bị phạt thêm 150 triệu đồng vì báo cáo có nội dung sai lệch. Theo biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng giữa công ty chứng khoán này và Cung Điện Mùa Đông thì tổng giá trị trái phiếu WTPCH2125003 chào bán thành công là 0 đồng. Nhưng phía công ty chứng khoán đã báo cáo sai lệch về khối lượng chào bán thành công và phương thức phát hành.
Cụ thể, Chứng khoán Everest báo cáo Cung Điện Mùa Đông phát hành 3.220/3.230 tỉ đồng trái phiếu WTPCH2125003 vào ngày 1-1-2021 theo phương thức đại lý phát hành. Song trong bản sau đó, Chứng khoán Everest lại báo cáo con số bị sụt mạnh xuống còn 10/3.230 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 16-12-2021 theo phương thức đại lý phát hành.
Trong một báo cáo khác của Chứng khoán Everest gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về mã trái phiếu WTPCH2125003, có ghi khối lượng đăng ký và lưu ký trong kỳ là 0,01 tỉ đồng, khối lượng trái phiếu đăng ký và lưu ký tại thời điểm cuối kỳ là 3.230 tỉ đồng. Tuy nhiên trong báo cáo gửi đến đoàn kiểm tra thì các số liệu nêu trên đều bằng 0.
Thêm vào đó, Chứng khoán Everest báo có 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước nắm giữ trái phiếu WTPCH2125003, nhưng số liệu cung cấp đoàn kiểm tra lại là không có nhà đầu tư nào.
Ngoài bị xử phạt hành chính, Chứng khoán Everest còn buộc phải cải chính thông tin.
Cập nhật ngày 21/4/2022: Tân Hoàng Minh thừa nhận đang khó tìm khách mua dự án để hoàn tiền trái phiếu
Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết nhiều lãnh đạo cấp cao đang bị tạm giam ở nhiều nơi. Vì chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn, nên tập đoàn chưa có lộ trình cụ thể hoàn tiền cho nhà đầu tư đến hạn. Hiện đang tìm người mua 3 dự án.
Buổi gặp gỡ giữa nhà đầu tư trái phiếu và lãnh đạo thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa kết thúc vào tối 20-4, tại trụ sở tập đoàn ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Sau khi nhận được hàng loạt câu hỏi của các nhà đầu tư, ông Vũ Đình Luyện - phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV khách sạn Tân Hoàng Minh - đại diện trả lời.
Đầu tiên, ông Luyện cho biết các thủ tục để ông Đỗ Hoàng Minh (con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch Tập đoàn Tập Hoàng Minh) trở thành người đại diện theo pháp luật và thực hiện các công việc liên quan hiện vẫn đang trong quá trình tiến hành, do đó quyền tiếp cận và thanh lý tài sản chưa thể thực hiện xong.
"Chúng tôi hứa sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục này", đại diện Tân Hoàng Minh cho hay.
Theo ông Luyện, một khó khăn là nhiều lãnh đạo cấp cao liên quan đến 9 lô trái phiếu vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ hiện đang bị tạm giam ở nhiều nơi, trong khi những người này lại thạo về dòng tiền và các vấn đề liên quan đến trái phiếu.
Về các nguồn thu được chi vào dự án phát triển của tập đoàn, ông Luyện cho biết hiện đã tạm dừng việc thi công, và M&A (sáp nhập và mua lại) các dự án để không sử dụng thêm tiền huy động được từ nhà đầu tư.
Theo dự tính, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ xử lý một số dự án của tập đoàn để giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm: dự án tòa nhà cao ốc văn phòng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), dự án Hoàng Hải - Phú Quốc, dự án Thiên Bảo - Phú Quốc.
Tuy nhiên hiện tại tập đoàn gặp khó khăn trong việc thanh lý tài sản, đồng thời gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng mua dự án.
Về lộ trình thanh toán, theo ông Luyện, do hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các hợp đồng đến hạn và chưa đến hạn của nhà đầu tư, nên tập đoàn chưa thể đưa ra lộ trình cụ thể.
Dù vậy, ông Luyện cho biết trong trường hợp nhà đầu tư mong muốn hoán đổi sang tài sản khác, thì có thể đề xuất để xin ý kiến người có thẩm quyền quyết định.
Cập nhật ngày 6/4/2022: Cảnh nợ nần của nhóm công ty Tân Hoàng Minh
Là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản định vị phân khúc siêu sang, phần lớn dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều đang được phụ trách bởi một công ty thành viên. Trong đó, nhóm công ty con gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil là các chủ đầu tư dự án nổi tiếng nhất của tập đoàn.
Đây cũng là 3 doanh nghiệp liên quan vụ phát hành 9 đợt trái phiếu giá trị hơn 10.000 tỷ đồng trái quy định pháp luật. Kết quả là Ủy ban Chứng khoán đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này, đồng thời Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo báo cáo tài chính đến năm 2020, nhóm công ty này cũng là những thành viên có giá trị tài sản lớn nhất thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tuy nhiên, phần lớn tài sản các công ty lại được cấu thành từ nợ.
Công ty lớn nhất trong nhóm này là Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp đứng ra đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm rồi bỏ cọc và là chủ đầu tư dự án D’.Capitale Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Ngôi Sao Việt chính là chủ đầu tư của dự án D’.Capitale Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Việt Linh. |
Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Ngôi Sao Việt là 1.600 tỷ đồng, trong đó, ông Lê Mạnh Dũng nắm 80,729% và Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc nắm 19,271% còn lại.
Trong đó, Hoàng Hải Phú Quốc có vốn điều lệ gần 882 tỷ đồng, do ông Đỗ Hoàng Việt (con trai thứ 2 của ông Đỗ Anh Dũng) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Ông Việt cũng là phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm đấu thầu; Trung tâm tài chính kế toán Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông cũng là một trong 6 bị can bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố cùng với ông Dũng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngôi Sao Việt hiện là công ty con lớn nhất trong hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản công ty này biến động rất mạnh trong giai đoạn 2016-2020, thời điểm xây dựng và mở bán dự án D’.Capitale.
Cụ thể, năm 2016, tổng tài sản của công ty này là 8.310 tỷ đồng và tăng vọt lên mức 16.131 tỷ chỉ một năm sau đó (2017). Giá trị tài sản doanh nghiệp những năm tiếp theo đạt lần lượt 17.313 tỷ (năm 2018); 8.301 tỷ (năm 2019) và 7.605 tỷ đồng (năm 2020).
Dù sở hữu tổng tài sản trên dưới chục nghìn tỷ, nhưng phần lớn số này lại được cấu thành từ các khoản nợ phải trả.
Theo đó, năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty này là hơn 1.900 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới trên 6.400 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 3,4 lần. Khoản nợ phải trả thời điểm này cũng chiếm gần 80% tổng tài sản công ty.
Đến năm 2020, trong số 7.605 tỷ đồng tổng tài sản thì nợ phải trả của Ngôi Sao Việt cũng là hơn 6.800 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 800 tỷ đồng, tương đương hệ số nợ/vốn chủ ở mức 8,4 lần. Mức rất cao so với cơ cấu tài chính của một doanh nghiệp bất động sản.
Cũng trong giai đoạn này, kết quả kinh doanh của Ngôi Sao Việt tương đối trồi sụt. Sau giai đoạn 2016-2017 không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán hàng, đến năm 2018, công ty ghi nhận 80,3 tỷ đồng doanh thu, nhưng chịu lỗ 10 tỷ đồng.
Doanh thu công ty tăng đột biến lên 10.036 tỷ đồng trong năm 2019 sau đó cùng với khoản lãi sau thuế kỷ lục 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, doanh thu của công ty này đã giảm mạnh về 783 tỷ đồng cùng khoản lỗ ròng hơn 1.000 tỷ.
Tính trong 5 năm giai đoạn này, Ngôi Sao Việt ghi nhận gần 11.000 tỷ đồng doanh thu nhưng lại lỗ lũy kế hơn 700 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp chỉ còn gần 804 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.902 tỷ năm trước đó.
Cũng sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng là Công ty Soleil, chủ đầu tư Dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An tại số 2 Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội). Đến cuối năm 2020, công ty có tổng tài sản 6.255 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 281 tỷ đồng, còn lại hơn 5.974 tỷ là nợ phải trả. Như vậy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Soleil lên tới 21,2 lần.
Tương tự Ngôi Sao Việt, năm kinh doanh hiệu quả nhất của Soleil cũng là 2019 với 2.595 tỷ đồng doanh thu và 71,5 tỷ đồng lãi trước thuế. Các năm còn lại, công ty này chủ yếu thua lỗ. Riêng năm 2020, công ty ghi nhận 318 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ ròng 135 tỷ.
Tính trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu lũy kế của công ty này là 2.900 tỷ, nhưng lại lỗ sau thuế hơn 128 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp có quy mô tài sản nhỏ nhất nhóm nhưng Cung Điện Mùa Đông, chủ đầu tư dự án D’. El Dorado I, lại là công ty phát hành trái phiếu lớn nhất giai đoạn tháng 7/2021-3/2022 của Tân Hoàng Minh.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong nửa năm trở lại đây, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 3 lô trái phiếu và huy động 3.680 tỷ đồng, cao nhất trong số 3 công ty khiến ông chủ tập đoàn bị khởi tố.
Tuy nhiên, tương tự 2 công ty trên, chủ đầu tư này cũng sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao với tỷ lệ nợ/vốn chủ ở mức 6,3 lần vào cuối năm 2020.
Cụ thể, tổng tài sản đến cuối năm 2020 của Cung Điện Mùa Đông là 2.177 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm hơn 86%, tương đương 1.879 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ là 298 tỷ đồng.
Tương tự Soleil, Cung Điện Mùa Đông cũng chưa ghi nhận doanh thu bán hàng giai đoạn 2016-2018. Đến năm 2019, công ty này đạt 1.141 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế gần 77 tỷ đồng. Khoản doanh thu đã giảm mạnh trong năm tiếp theo còn 113 tỷ và lợi nhuận giảm về 4,3 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, cơ quan điều tra xác định ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã cùng các cá nhân khác sử dụng 3 công ty thành viên kể trên để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định.
Tổng trị giá trái phiếu phát hành là 10.300 tỷ đồng, tuy nhiên tiền huy động từ nhà đầu tư đã không được sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành.
Kết quả là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này, còn ông Đỗ Anh Dũng cùng các cá nhân liên quan bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.