Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Ngắn hạn chốt lời, trung hạn giảm margin
Gặp khó trước ngưỡng 1,200 điểm, VN – Index điều chỉnh nhẹ so với cuối tuần trước. Cụ thể, trong hai phiên đầu tuần (22 & 23/02), dòng tiền liên tục đổ vào thị trường khiến chỉ số tăng điểm nhẹ và tiến gần ngưỡng 1,180. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ tư (24/02) thì lực cung mạnh xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN Index có thời điểm rơi hơn 23 điểm ngay trong phiên. Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy tại vùng giá thấp được kích hoạt đã giúp chỉ số giữ vững ngưỡng 1,150 điểm và chủ yếu dao động trong biên độ hẹp trong 2 phiên cuối tuần (25 - 26/02).
Tính chung cả tuần thì VN Index giảm 5.03 điểm (-0.43% so với tuần trước) và đạt 1,168.47 điểm, trong khi HNX Index ghi nhận mức tăng 18.04 điểm (+7.80% so với tuần trước) và đạt 249.22 điểm. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh không thay đổi nhiều so với tuần trước và vẫn duy trì ở mức cao.
Dòng tiền trên thị trường vẫn đang khá dồi dào và lực cung chốt lời đều được hấp thụ khá tốt khiến cho giá cổ phiếu nói chung không điều chỉnh giảm sâu.
Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn đang khá lạc quan trước những diễn biến tích cực của VN Index cùng việc một số doanh nghiệp niêm yết công bố ước tính kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận tương đối khả quan.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời ngắn hạn một phần danh mục để bảo vệ thành quả và chờ đợi những nhịp giảm điểm trong phiên trên thị trường để mua lại cổ phiếu ở những vùng giá thấp hơn.
Về xu hướng trung hạn, diễn biến hiện tại của VN Index vẫn đang là khá tích cực, tuy nhiên nhà đầu tư cần tránh lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn này để hạn chế rủi ro cho danh mục đang nắm giữ trong trường hợp thị trường tiếp tục xuất hiện một số phiên điều chỉnh giảm mạnh tương tự như tuần vừa qua.
Khuyến nghị:
- Ngắn hạn: Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời ngắn hạn một phần danh mục để bảo vệ thành quả và chờ đợi những nhịp giảm điểm trong phiên trên thị trường để mua lại cổ phiếu ở những vùng giá thấp hơn
- Trung và dài hạn: Diễn biến hiện tại của VN Index vẫn đang là khá tích cực và tạo cơ sở để tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, tuy nhiên nhà đầu tư cần tránh lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn này để hạn chế rủi ro cho danh mục đang nắm giữ trong trường hợp thị trường tiếp tục xuất hiện một số phiên điều chỉnh giảm mạnh tương tự như tuần vừa qua.
Công ty Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC): tuần tới rung lắc, điều chỉnh
Tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến đi ngang tích lũy với các phiên tăng giảm đan xen. Chỉ số nhiều khả năng sẽ thử thách vùng kháng cự 1175-1185 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Đây vẫn sẽ là vùng cản có thể tạo ra áp lực rung lắc, điều chỉnh cho thị trường khi tiếp cận.
Về tổng thể, thị trường vẫn đang nằm trong giai đoạn dao động tích lũy bên dưới vùng kháng cự 1185-1200 điểm.
Chúng tôi cho rằng, đây là quá trình tích lũy cần thiết để giúp thị trường và các nhóm cổ phiếu tạo mặt bằng giá mới trước khi hướng đến kỳ vọng vượt qua vùng đỉnh lịch sử quanh 1200 điểm trong thời gian tới.
- Chiến lược đầu tư:
+ Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung-dài hạn.
+ Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS): rung lắc trong các phiên đầu tuần
Thị trường đã gặp phải những khó khăn nhất định trong tuần qua với việc chỉ số VN-Index không thể vượt qua ngưỡng kháng cự quanh 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó). Chỉ số chủ yếu giằng co và rung lắc quanh vùng này và kết phiên ở ngay dưới ngưỡng kháng cự.
Thanh khoản từng phiên trong tuần qua chỉ xấp xỉ so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư vẫn còn sự thận trọng nhất định, dòng tiền vẫn chưa thực sự quay trở lại thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang giao dịch trong sóng tăng 5 với target quanh ngưỡng 1.250 điểm có thể đạt được vào đầu tháng 4/2021 nên khả năng thị trường tăng điểm trong tuần tiếp theo được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, những rung lắc có thể diễn ra trong các phiên đầu tuần do chỉ số VN-Index kết tuần quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó).
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết, có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.120-1.125 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh.
Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS): dòng tiền vẫn đang ở trong thị trường
Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên thứ tư liên tiếp trong đó tập trung chủ yếu tại VNM.
Về cơ bản, xu thế ngắn hạn chưa chuyển biến tiêu cực, dòng tiền vẫn đang ở trong thị trường miệt mài tìm kiếm cơ hội (nhóm cổ phiếu cơ bản tốt đang thu hút dòng tiền ngắn hạn 1-2 phiên gần đây).
Tuy nhiên nhịp điều chỉnh lần này vẫn chưa thực sự kết thúc, chỉ số vẫn có thể sẽ lui về vùng vùng hỗ trợ gần nhất tại 1,130-1,140 điểm và nhiều khả năng diễn biến giằng co và phân hóa trong phiên vẫn chiếm ưu thế chủ đạo.
Nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ danh mục vào nhóm vốn hóa lớn và nhóm Bluechips thuộc VN30. Quan sát thêm diễn biến điều chỉnh đặc biệt tại vùng hỗ trợ.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Tiếp tục giằng co
Khối lượng giao dịch tuần rồi duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn có phần thận trọng.
Không những vậy, chỉ số vẫn nằm dưới MA5, cùng với +DI nằm dưới –DI cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn còn, chỉ số có thể tiếp tục duy trì trạng thái giằng co trong một vài phiên tới.
Tuy nhiên, xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là phục hồi, khi chỉ số duy trì đóng cửa trên MA20, cùng với MACD nằm trên Signal duy trì tín hiệu mua, cho thấy nhịp giằng có hiện tại có thể chỉ nhằm củng cố cho xu hướng chính được bền vững hơn, chỉ số vẫn còn cơ hội tiến lên thử thách ngưỡng 1.200 điểm sau đó.
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tích cực. Chỉ số tiếp tục đi lên cùng với chùm MA 5, 10, 20 giữ trạng thái phân kỳ dương tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi đang khá mạnh mẽ. Chỉ số có thể tiến lên thử thách kháng cự gần quanh ngưỡng tâm lý 250 điểm hoặc xa hơn là vùng 263.8 (Fib 61.8).
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng phục hồi. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp rung lắc để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn, với mục tiêu là các cổ phiếu có cơ bản tốt và đang hút được dòng tiền mạnh.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Tích lũy sắp xong, có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu
điểm tích cực là thị trường có dấu hiệu sớm kết thúc giai đoạn tích lũy, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Kim loại và Dầu khí có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tâm lý vẫn có sự thận trọng trong vài phiên giao dịch gần đây, chủ yếu tâm lý bị tác động đến từ diễn biến của TTCK thế giới do lo ngại về tình hình lạm phát có thể sớm gia tăng trở lại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Theo đồ thị tuần, thị trường có dấu hiệu cân bằng khi tiến về mức kháng cự ngắn hạn, điềm tích cực là chỉ số HNX-Index đã vượt mức đỉnh ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH và nhịp điều chỉnh có thể sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong tuần giao dịch tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và quan sát thị trường.
Hoặc