Ngành bia, cùng hệ thống thương mại, nhà hàng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm 20% trong 2023, do chính sách kiểm soát nồng độ cồn.
Thông tin trên được Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ tại hội nghị chiều 15/3. Theo hiệp hội này, chính sách kiểm soát nồng độ cồn là một trong nguyên nhân khiến tiêu dùng bia giảm mạnh, nhất là ở kênh nhà hàng, quán ăn.
Ước tính của hiệp hội này, ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Chẳng hạn, lợi nhuận hai "ông lớn" ngành bia giảm sâu trong 2023. Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%. Nếu không tính giai đoạn đỉnh dịch 2021, con số này chạm đáy kể từ năm 2016.
Tương tự, lãi năm ngoái của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) giảm 30% so với 2022, còn 355 tỷ đồng.
VBA cho rằng các doanh nghiệp ủng hộ chính sách kiểm soát nồng độ cồn, nhưng việc cấm tuyệt đối ảnh hưởng tới sản xuất, chuỗi cung ứng của ngành này. "Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm", đại diện VBA cho biết.
Ngoài chính sách kiểm soát nồng độ cồn, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch VBA cho biết ngành này còn chịu ảnh hưởng bởi người dân thắt chặt chi tiêu sau dịch Covid-19. Giá nguyên vật liệu (malt, gạo, vỏ lon) tăng 20-40%, khiến chi phí sản xuất leo thang. Điều này buộc họ tăng giá bán và người tiêu dùng phải "gánh" phần chi phí đội lên này.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành đồ uống còn chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách, như thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính lấy ý kiến từ năm ngoái, thuế với đồ uống có cồn (bia, rượu) có thể tăng để kiểm soát hành vi tiêu dùng. Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.
Đại diện VBA nói tăng thuế là cần thiết, nhưng đề xuất lộ trình sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ 2025 trở đi, để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi.
Trong khi đó các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, do lo ngại thiệt hại kinh tế đáng kể với ngành và thu ngân sách sụt giảm. Bởi, theo họ, việc tăng thuế dẫn tới điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng.
Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.
Cập nhật ngày 18/11/2023: ăn nhậu đìu hiu, ngành bia rượu gặp khó khăn lớn
Thực tế tại các tuyến đường ở TP.HCM nổi tiếng về ăn uống như Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), có thể dễ dàng nhận thấy tình cảnh khó khăn của ngành kinh doanh ăn uống. Những con đường này trước đây chói lòa ánh điện, âm nhạc sôi động và khách vào ra nườm nượp thì nay kinh doanh ế ẩm, vắng khách, nhiều nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Vào đến trung tâm thành phố, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng than khó vì khách ít, doanh thu giảm không đủ bù chi phí. Các chương trình khuyến mãi, marketing không còn hiệu quả cao.
Khách hàng tại các quán ăn nhậu giảm kéo theo doanh số của các công ty bia rượu rơi vào tình cảnh sụt giảm. Để "sống" qua thời điểm khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia rượu đã tung ra nhiều giải pháp như sản xuất bia không cồn, giảm giá bán, tăng khuyến mãi... Tuy nhiên, cuộc chiến tăng doanh số, giành thị phần đang rất cam go.
Nhìn "sức khỏe" các quán nhậu sẽ đánh giá được tình trạng kinh doanh ngành bia rượu. Dù doanh số giảm, các hãng sản xuất và kinh doanh rượu bia vẫn phải liên tục thay đổi cách tiếp thị để cạnh tranh với các đối thủ như tăng chiết khấu, tăng chi phí cho nhân viên tiếp thị, hỗ trợ nhà hàng, quán nhậu...
Báo cáo tài chính quý 3-2023 vừa công bố của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) cho thấy doanh thu giảm 14% so với quý 3-2022, đạt 7.504 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế là 1.074 tỉ đồng, giảm 23% so với quý 3 năm trước. Gộp 9 tháng đầu năm, Sabeco đạt 22.125 tỉ đồng doanh thu và lãi sau thuế 3.288 tỉ đồng, giảm lần lượt 12% và 25%.
Theo lãnh đạo Sabeco, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với năm ngoái do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn. Ngoài ra, theo Sabeco, còn do "việc thực hiện chặt chẽ nghị định 100". Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều cao hơn.
Không ngoại lệ trong cái khó chung của ngành đồ uống có cồn, Habeco - Hải Phòng (HBH) nhận lãi sau thuế vỏn vẹn 736 triệu đồng quý 3-2023, giảm gần 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của HBH đạt 130 tỉ đồng, giảm 28%. Công ty này báo lỗ hơn 9,2 tỉ đồng, cùng kỳ 2022 vẫn còn lãi 3,9 tỉ đồng.
Theo ban lãnh đạo HBH, nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do sản lượng giảm. Sản lượng sản xuất bằng 79%, còn sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 74,09% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh (giá Malt, gạo, đường) đã ảnh hưởng giá thành, qua đó kéo lợi nhuận giảm.
Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) - chủ hãng Vodka Hà Nội - cũng báo lỗ 2,28 tỉ đồng ở quý 3-2023, cùng kỳ âm 1,3 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu Halico đạt 73,9 tỉ đồng, giảm gần 15%. Còn lợi nhuận sau thuế âm 5,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 8,1 tỉ đồng cùng kỳ. Tình trạng khó khăn của Halico kéo dài nhiều năm trở lại đây.
Cập nhật ngày 14/5/2022: đã qua ngày giông bão
Ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi vào năm 2022 nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Giá lương thực toàn cầu giảm nhẹ trong năm 2022 sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ suất LN gộp đối với các nhà sản xuất thực phẩm.
Áp lực chi phí nguyên vật liệu sẽ giảm dần từ năm 2022
Theo Ngân hàng Thế giới, giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 tuy nhiên vẫn sẽ neo ở mức cao. VNDirect cho rằng, các nhà sản xuất thực phẩm như VNM, MCH và KDC có thể hưởng lợi từ điều này và cải thiện biên LN gộp trong 2022 nhờ giá nguyên liệu giảm.
Trong khi đó, các nhà sản xuất đường sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi giá đường trong nước tăng nhờ 1) giá đường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và 2) thuế chống bán phá giá và điều tra đường nhập lậu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường nội địa trong năm tới.
Ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi vào năm 2022
Đã có sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng bao gồm 1) thay đổi chi tiêu sang thực phẩm tươi sống và đóng gói, 2) nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng và 3) ưa thích mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị.
Do đó, xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống. Các công ty có hệ thống phân phối rộng khắp và danh mục sản phẩm đa dạng có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng và phục hồi từ năm 2022.
Các công ty thực phẩm đồ uống sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2022
Kỳ vọng các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống trong danh mục theo dõi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 8,2% svck trong 2022, trong đó KDC và QNS có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. QNS sẽ ghi nhận DT tăng 14,1% svck trong 2022 nhờ 1) DT mảng đường tăng 35,0% svck và 2) DT mảng sữa đậu nành tăng 9,5% svck.
Trong khi đó, KDC dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 17,0% svck trong năm 2022 nhờ DT mảng thực phẩm tăng 26,0% svck và DT mảng dầu ăn tăng 15,0% svck.
Các cổ phiếu VNM, KDC, MCH và QNS
VNDirect ưa thích những công ty có vị thế dẫn đầu ngành, hệ thống phân phối rộng khắp và danh mục sản phẩm đa dạng, có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng. Dựa vào các tiêu chí trên, VNDirect lựa chọn VNM, KDC và MCH.
Rủi ro đầu tư bao gồm: 1) một biến thể Covid-19 mới có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, phân phối và vận chuyển hàng hóa và 2) chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn dự kiến, gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các công ty thực phẩm và đồ uống.
Cập nhật ngày 10/8/2021: hưởng lợi từ mức chi tiêu gia tăng dưới tác động của Covid-19
Làn sóng Covid-19 thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến ngành F&B trong nửa cuối năm 2021, với tình trạng đóng cửa hàng loạt các chuỗi nhà hàng và dịch vụ ăn uống, trong khi nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa vì liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 hiện tại có tác động dai dẳng hơn so với năm 2020, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng được kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Nhu cầu thực phẩm thiết yếu, tập trung vào các dòng sản phẩm FMCG cơ bản và thực phẩm đóng gói sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021 dưới tác động của tình trạng giãn cách xã hội quyết liệt hơn theo Chỉ thị 16.
Chi tiêu sản phẩm thiết yếu gia tăng dưới tác động của Covid-19
Theo khảo sát năm 2020 của Deloitte, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ gia tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói trong trường hợp xuất hiện các làn sóng Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, khi ảnh hưởng của Covid-19 đang trở nên nghiêm trọng hơn và giãn cách xã hội quyết liệt hơn so với làn sóng Covid-19 đầu tiên. Ngoài ra, phạm vi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lớn hơn, lan rộng ở miền Nam và Hà Nội, sẽ thúc đẩy hoạt động tích trữ hàng hóa gia tăng mạnh mẽ hơn so với năm 2020. Ngược lại, gần 40% và 70% người tiêu dùng sẽ thắt chặt ngân sách chi tiêu của họ cho ngành hàng điện tử tiêu dùng và giải trí cá nhân dưới ảnh hưởng của Covid-19.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đang tác động đến chi tiêu tiêu dùng như thế nào?
Với việc áp dụng Chỉ thị 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 7 năm 2021, giá trị chi tiêu FMCG tại bốn thành phố trọng điểm ở Việt Nam (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) đã tăng nhanh chóng và đang hướng về mức đỉnh của 6 tháng đầu năm 2020 (dưới ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ nhất).
Đáng chú ý, giá trị tiêu dùng FMCG hiện tại chỉ mất một tuần để gần đạt đến mức đỉnh của làn sóng thứ nhất, xuất phát từ sự hạn chế khả năng tiếp cận mua hàng thông qua kênh mua hàng truyền thống. Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng rằng tác động của đợt bùng phát Covid-19 hiện tại sẽ dai dẳng hơn và dẫn tới khoảng thời gian giãn cách xã hội dài hơn so với năm ngoái, qua đó thúc đẩy xu hướng chi tiêu và tích trữ thực phẩm tươi sống và FMCG đạt mức đỉnh mới trong quý 3/21.
Tỷ trọng giá trị tiêu dùng theo các dòng sản phẩm FMCG đang thể hiện cùng xu hướng với làn sóng Covid-19 thứ nhất. Giá trị tiêu dùng cho thực phẩm đóng gói gia tăng mạnh mẽ và phá vỡ mức đỉnh của năm 2020. Trong khi đó, chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ uống vẫn duy trì ổn định nhưng tỷ trọng giá trị tiêu dùng đang suy giảm nhẹ đến từ sự chuyển hướng ưu tiên chi tiêu của khách hàng sang các sản phẩm thiết yếu hơn (thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói).
Mặc dù gia tăng trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, giá trị tiêu dùng các sản phẩm sữa đang suy giảm trong hai tuần đầu tháng 7/21 khi kênh thương mại truyền thống, kênh bán sữa lớn nhất của các công ty sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh, phải đóng cửa ở nhiều quận huyện.
Tuy nhiên, CTCK Rồng Việt kỳ vọng tổng chi tiêu ngành sữa sẽ không suy giảm mạnh khi chi tiêu qua kênh thương mại hiện đại (MT) đang gia tăng nhanh chóng (hiện tại đã đóng góp hơn 50% vào tổng chi tiêu ngành hàng sữa) sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm chi tiêu qua kênh thương mại truyền thống.
CTCK VNDirect & Rồng Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-nganh-fb-huong-loi-tu-muc-chi-tieu-gia-tang-duoi-tac-dong-cua-covid-19-a1160.html