Cập nhật HBC (Xây dựng Hòa Bình): trúng thầu 5 dự án xây dựng tại Kenya, mở cửa thị trường châu Phi

Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã nhận thư trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya. Các dự án trên được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật của Kenya.

 

hbc2-1621480688.png

Một công trình đang Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) thi công

Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công các nhà ở cùng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị gồm Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Embakasi, Trụ sở cảnh sát Ruiru, Trụ sở chính cho Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Buruburu, Trường Đào tạo cảnh sát quốc gia Kiganjo, Trường Đại học kỹ thuật Kenya. 5 dự án với quy mô 3.400 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 72 triệu USD.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC Lê Viết Hải nói, châu Phi được xem là thị trường xây dựng lớn, tiềm năng nhất trong những thập niên tới. Trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn. Sau thời gian thực hiện khảo sát, HBC chọn Kenya là thị trường mục tiêu đầu tiên tại châu lục này.

Ngoài ra, công ty này cho biết cũng nhận được thư mời vào vòng trong cho hai dự án nhà ở xã hội khác tại Kenya sau khi đã vượt qua vòng khảo sát về uy tín và năng lực của các nhà thầu. Hai dự án có quy mô khoảng 6.200 căn hộ với giá trị gần 92 triệu USD. Nếu trúng thầu thêm, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà ở xã hội của Hòa Bình tại Kenya lên đến 163,6 triệu USD.

Trong phiên họp bất thường hồi giữa tháng 10, HBC xác định triển khai dự án tại thị trường nước ngoài là sẽ chiến lược lớn trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2024-2028. Họ muốn mở rộng ra các khu vực như Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Trong đó, châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động dồi dào. Ngay từ năm nay, Hòa Bình dự kiến ghi nhận doanh thu ở thị trường nước ngoài và đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào 2028.

Trúng thầu tại Kenya là thông tin tích cực sau khi HBC có năm thua lỗ thứ hai liên tiếp. Doanh thu công ty giảm gần một nửa về sát 7.550 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh nghiệp này lỗ sau thuế hơn 780 tỷ đồng nhưng đã giảm khoảng 3 lần so với năm 2022.

Sang năm nay, HBC dự kiến có doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Nếu thành công, Hòa Bình sẽ lấy lại mức lãi tương đương năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên con số trên vẫn cách khá xa so với giai đoạn đỉnh lợi nhuận 2016-2018.

Thời gian tới, ban lãnh đạo HBC nói công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi. Hòa Bình dự kiến tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng năm nay, với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, công ty cũng đang ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi.

Cập nhật ngày 16/10/2023: trả xong khoản nợ ngân hàng 1.327 tỷ đồng, còn nợ khoảng 4.756 tỷ

Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết khoản nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng đã được công ty trả xong hôm 16/10 trong nỗ lực nhằm giảm mạnh số nợ.

Tính đến ngày 31/12/2022, HBC có dư nợ tại 14 ngân hàng với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi tất toán số tiền hơn 1.300 tỷ tại 7 ngân hàng, HBC còn nợ khoảng 4.756 tỷ đồng.

Sắp tới công ty này cho rằng có thể thu về hơn 261 tỷ đồng từ thắng kiện Công ty TNHH Vì Khoa học và Công ty cổ phần phát triển đô thị.

Hiện, trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của HBC, buộc Công ty cổ phần xây dựng và phát triển đô thị phải thanh toán số tiền gần 162 tỷ đồng. Thêm vào đó, tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HBC và buộc Công ty TNHH Vì Khoa học thanh toán số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Trước đó, HBC cũng thông báo thắng kiện và thu hồi công nợ từ tập đoàn FLC. Tính đến 12/10, công ty này đã thu hồi tổng cộng hơn 304 tỷ đồng, bao gồm hơn 270 tỷ đồng tiền mặt, 34 tỷ đồng là bất động sản tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn được chuyển nhượng cho HBC để cấn trừ.

Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là một trong những công ty xây dựng lớn nhất sàn chứng khoán, cùng với Coteccons. Tuy nhiên, sự khó khăn của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm trước đã khiến hoạt động kinh doanh của Hòa Bình bị ảnh hưởng. Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay, HBC lỗ ròng 711 tỷ đồng. Trong khi đó, ở báo cáo tự lập, doanh nghiệp báo lãi hơn 103 tỷ đồng.

Ngoài ra, đầu năm nay, Hòa Bình còn trải qua nhiều tuần "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên quan đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của HBC.

Cập nhật ngày 12/7/2023: trả nợ 1.000 tỷ đồng cho nhà thầu bằng cổ phiếu

Chia sẻ trong Báo cáo thường niên 2022 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, so sánh với cập nhật hôm 23/6, chỉ trong vòng một tuần, nhà thầu này đã đàm phán cấn trừ thành công thêm 350 tỷ đồng tiền nợ.

Việc cấn trừ công nợ bằng tài sản dưới dạng cổ phần, bất động sản hoặc vốn hoá bằng cách thế chấp ngân hàng/tổ chức tín dụng là một trong những phương án để ổn định dòng tiền của Hòa Bình trong năm nay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi và đàm phán với các chủ đầu tư về điều khoản thanh toán.

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Hòa Bình là 14.376 tỷ đồng, tăng gần 1.900 tỷ đồng so với một năm trước. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn 12.641 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn và các khoản phải trả cho người bán chiếm 77%.

Dù vậy, với các phương án khắc phục dòng tiền, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình khẳng định có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trong vòng 12 tháng tới.

Đồng thời, trong năm nay, doanh nghiệp cũng tập trung cải thiện chất lượng khoản phải thu thông qua thi công và đấu thầu các dự án của khách hàng có năng lực tài chính tốt, hợp tác khách hàng trong mảng công nghiệp, hạ tầng và nhà ở xã hội. Song song đó là tối ưu các khoản chi phí và ổn định, tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Hòa Bình cũng sẽ tìm nguồn doanh thu mới như cung cấp các dịch vụ thiết kế, shopdrawing, BIM, thương mại vật liệu xây dựng cho các dự án nước ngoài; đẩy mạnh mảng kinh doanh đang hiệu quả như phát triển khu công nghiệp, cho thuê và quản lý văn phòng, sơn đá, nhôm kính; cũng như phát triển các dòng sản phẩm mới có tiềm năng phát triển nhanh như co-working space, sơn nước HodaPaint.

Với kế hoạch "xuất khẩu xây dựng" từng được đưa ra từ năm ngoái, Hòa Bình tiết lộ đến nay đã có số lượng dự án tiềm năng đủ cho 5 năm tới. Tại các thị trường mục tiêu như Australia và Bắc Mỹ, tổng giá trị các dự án tiềm năng hiện đã vượt quá 1 tỷ USD.

Cập nhật ngày 21/6/2023: bán công ty con Matec thu 1.100 tỷ đồng

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Matec để bổ sung nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh.

Công ty TNHH máy xây dựng Matec là công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Tập đoàn Hòa Bình. Để tái cấu trúc tập đoàn vừa thông qua bán 100% vốn tại Matec cho nhà đầu tư là Công ty Ashita - một doanh nghiệp chuyên về buôn bán máy móc mua lại toàn bộ cổ phần với giá 1.100 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình - cho biết việc bán công ty con nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất thủ tục, 1.100 tỷ đồng trên sẽ được bổ sung vào nguồn vốn các hoạt động kinh doanh.

Trước đó, ngày 20/5, HĐQT Hòa Bình cũng có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ ba do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.

"Tái cấu trúc toàn diện Hòa Bình là kế hoạch cấp bách và cần thiết trong năm nay. Chúng tôi chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư để tiến đến mục tiêu IPO trong thời gian tới", ông Nam cho hay.

Ngoài ra, theo CEO này, doanh nghiệp sẽ chuyển bộ phận tài chính của tất cả công ty con và thành viên về Ban tài chính của tập đoàn để quản trị tài chính tập trung và quản trị được rủi ro.

Theo tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, năm nay công ty đặt mục tiêu với tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 100 tỷ. Ngoài ra, công ty dự kiến trình cổ đông thông qua phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 12.000 đồng một cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Trước đó, ngày 1/6, Ông Lê Văn Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) giai đoạn 2014-2019 đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc.

Ngày 13/2, sau thời gian lùm xùm nội bộ thượng tầng, Hội đồng quản trị Hòa Bình đã có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị độc lập của ông Nguyễn Công Phú. Doanh nghiệp cũng đã nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị của ông Lê Quốc Duy và sẽ xem xét tại kỳ họp đại hội cổ đông năm nay.

Cập nhật ngày 20/5/2023: phát hành 47 triệu cp đổi lấy dự án 127 An Dương Vương

Tại hai cuộc họp HĐQT ngày 18/5 và 20/5 của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC), Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đã chỉ đạo thông qua việc mua 75% phần vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân để đạt tỷ lệ sở hữu 100% dự án 127 An Dương Vương (quận 6, TP.HCM).

Đồng thời, Hòa Bình sẽ phát hành 47 triệu cổ phiếu HBC với giá 12.000 đồng/1 cổ phiếu, giá trị 564 tỷ đồng, đúng bằng số tiền chi cho dự án 127 An Dương Vương. 

Theo công bố của doanh nghiệp, hai cổ đông chiến lược mới đầu tư vào HBC sẽ chiếm tổng số cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu của ông Lê Viết Hải (ông Hải đang sở hữu 46,9 triệu cổ phiếu) là ông Phạm Quang Hàng và ông Mai Hữu Thung.

Dự án 127 An Dương Vương có tổng diện tích gần 15.400 m2, đã được cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, trong đó diện tích đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ gần 6.300 m2 và diện tích dành cho giáo dục gần 6.570 m2, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước là 218 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình khẳng định đây dự án rất tiềm năng, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Tập đoàn. "Với năng lực tài chính cao và tầm nhìn chiến lược hai cổ đông mới này sẽ là 2 đối tác chiến lược đầy tiềm năng của Hòa Bình", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp HĐQT, ông Hải cũng thông tin trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử Hòa Bình đều thắng kiện.

Trong đó, số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng thì tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình lên đến 1.223 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%. Hiện, tổng số tiền đã thu hồi công nợ là 593 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu từ 10 vụ kiện đã thắng này là 630 tỷ đồng.

"Trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ hồi phục nên các công nợ sẽ dần được xử lý và tôi tin chắc rằng tỷ lệ thu hồi không dưới 100% và cuối cùng số tiền thu về sẽ tăng thêm không dưới 15% số nợ gốc đã quá hạn. Trong lịch sử kinh doanh của HBC, chưa có một khoản nợ nào trong báo cáo tài chính cần phải trình thông qua HĐQT để xóa đi do mất khả năng thu hồi nợ", ông Hải nói thêm.

Cập nhật ngày 17/5/2023: chính thức bị hạn chế giao dịch từ 23/5

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo chuyển cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch từ 23/5.

HBC không được khớp lệnh lẫn thỏa thuận trong phiên sáng mà chỉ giao dịch vào phiên chiều từ thứ Ba tuần sau (23/5). Án phạt này đưa ra bởi Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, HoSE đưa HBC vào diện cảnh báo và kiểm soát vì lý do tương tự nhưng doanh nghiệp chưa khắc phục được để được "xóa án". Theo quy chế giao dịch chứng khoán, hạn chế giao dịch là mức phạt nặng thứ ba đối với một cổ phiếu niêm yết. Hai mức phạt cao hơn là tạm ngừng giao dịch và đình chỉ giao dịch.

Trong văn bản gửi HoSE cách đây một tuần, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết có hai nguyên nhân khiến công ty chưa hoàn thiện báo cáo tài chính theo đúng hạn.

Thứ nhất là công tác quản trị nội bộ phát sinh một số vấn đề. Cụ thể, cuối năm ngoái, ông Hải nộp đơn từ chức chủ tịch nhằm đảm bảo tính pháp lý cho con trai giữ chức tổng giám đốc và để một thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Nguyễn Công Phú thay mình. Tuy nhiên, đến trước ngày quyết định này có hiệu lực, ông Hải thay đổi ý định và dẫn đến bất đồng nội bộ kéo dài nhiều tháng. Cách đây ba tháng, Cục Thi hành án dân sự TP HCM ra quyết định công nhận ông Hải vẫn là chủ tịch, còn ông Phú đã rút khỏi Hội đồng quản trị.

Nguyên nhân thứ hai là tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt công trình ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng và giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề thanh toán và quyết toán.

Ông Hải cho biết công ty dự kiến thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2022 chậm nhất là ngày 30/5.

Cập nhật ngày 11/4/2023: bị HoSE đưa vào diện kiểm soát

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vào diện kiểm soát kể từ ngày 17/4.

Theo HoSE, Hòa Bình đã vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định.

Trước đó, tập đoàn xây dựng này từng có văn bản xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 12/5 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định, thời hạn công bố chậm nhất phải là ngày 31/3.

Xây dựng Hòa Bình nêu lý do trong thời gian gần đây, loạt công trình trên cả nước của tập đoàn bị ngưng trệ do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng lớn cũng gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới không thể triển khai thi công và thanh toán đúng hạn cho tập đoàn, khiến tình hình thu tiền tại các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với các tháng trước và so với kế hoạch.

Tình trạng này cũng yêu cầu đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục và thu thập thêm chứng cứ mới để có thể hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Bên cạnh đó từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay, tập đoàn liên tục ghi nhận biến động về nhân sự cấp cao cũng như xung đột trong HĐQT. Vì vậy, Hòa Bình gặp khó khăn trong việc phối hợp hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn.

Trước đó, HoSE cũng từng nhắc nhở Xây dựng Hòa Bình công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 hai lần. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp mới công bố báo cáo tự lập quý IV/2022.

Theo đó, lũy kế cả năm 2022, Xây dựng Hòa Bình lỗ ròng hơn 1.140 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lợi nhuận gần 97 tỷ đồng của năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên nhà thầu xây dựng này báo lỗ kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC hiện phổ biến giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu, thuộc vùng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Nếu so với đầu năm, thị giá cổ phiếu xây dựng này đã giảm khoảng 15%, còn nếu so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 1, mức giảm của cổ phiếu này đã là 25%.

Cập nhật ngày 4/3/2023: các nhà thầu phụ đình công đòi nợ tổng thầu Hòa Bình

Ngày 4/3, nhóm nhà thầu gồm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Bách Việt, Công ty TNHH Dịch vụ Kinh tế và Xây dựng Hoàng Anh, Công ty CP XDCD&TM Mạnh Tiến, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phú Đức, Công ty CP Cơ điện KDG Việt Nam, Công ty CP Kỹ Thuật Long Giang và Công ty Vật liệu và Dịch vụ Kỹ Thuật ICD Việt Nam đã có công văn về việc tạm dừng thi công.

Đây đều là các nhà thầu phụ và đang thi công hệ thống cơ điện cho các dự án do Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) làm tổng thầu.

"Hiện Tổng thầu Hòa Bình chưa thanh toán công nợ cho các công ty chúng tôi (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay). Việc không thanh toán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động các nhà thầu phụ", văn bản viết.

Nhóm công ty nói thêm đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân và để duy trì các hoạt động. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.

Các nhà thầu phụ đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị thanh toán công nợ hoặc đề nghị phía Hòa Bình trả lời về kế hoạch thanh toán công nợ, tuy nhiên vẫn chưa nhận được văn bản chính thức hoặc câu trả lời thỏa đáng.

Đến ngày 3/3, nhóm công ty nói thêm đại diện Tập đoàn Hòa Bình vẫn chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể thanh toán công nợ, khiến việc duy trì hoạt động cực kỳ khó khăn.

Do đó, các nhà thầu phụ ra thông báo với các chủ đầu tư và tổng thầu Hòa Bình về việc tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao từ ngày 3/3. Nhóm này còn tuyên bố dừng thi công các dự án từ ngày 15/3 nếu không nhận được thanh toán.

Các công ty nói sẽ cam kết đáp ứng các quy định về bảo hành, bảo trì, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và tiến độ thi công cho chủ đầu tư sau khi nhận được thanh toán từ tổng thầu.

Theo thông báo, nhóm nhà thầu phụ đang thực hiện thi công cơ điện cho một loạt dự án lớn tại Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai...

Cập nhật ngày 6/3/2023: đòi nợ hàng trăm tỷ đồng từ Cocobay trong vô vọng

Nửa thập kỷ, Hòa Bình từ thỏa thuận đến khởi kiện Công ty Thành Đô (chủ dự án Cocobay) để đòi hàng trăm tỷ tiền thi công dự án, song chưa thu hồi được.

Công nợ giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô liên quan đến 12 hợp đồng thi công công trình thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mại là Cocobay Đà Nẵng), được ký kết từ ngày 31/8/2016 đến 1/1/2018.

Hòa Bình cho hay Hội đồng Trọng tài (VIAC TP HCM) ngày 6/12/2022 đã thông qua phán quyết buộc Thành Đô phải thanh toán cho tập đoàn này tổng số tiền gần 368 tỷ đồng, gồm tiền nợ gốc, tiền lãi, phí luật sư và phí trọng tài. Phán quyết này có giá trị chung thẩm và có hiệu lực từ ngày 6/12 năm ngoái.

Trường hợp quá 30 ngày từ ngày phán quyết có hiệu lực, nếu Thành Đô không thanh toán số tiền này sẽ phải thanh toán tiền lãi do chậm trả. Mức lãi suất là 11,5-14,6% một năm theo quy định tại các hợp đồng với số nợ gốc hơn 242 tỷ đồng, và 10% một năm với các số tiền còn lại.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn HBC cho biết Công ty luật ALB & Partners, đại diện cho Hòa Bình trong vụ kiện này, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết nhằm thu hồi toàn bộ công nợ từ Thành Đô. Tuy nhiên, dù thắng kiện, hành trình đòi nợ của ông trùm xây dựng này không mấy suôn sẻ khi phía Thành Đô chưa chấp nhận phán quyết trọng tài.

Công ty Thành Đô cho biết số tiền gần 367,6 tỷ đồng mà VIAC TP HCM phán quyết doanh nghiệp phải trả cho Hòa Bình gồm tiền gốc, lãi, phí trọng tài, phí luật sư là không công bằng vì không áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật phù hợp.

"Nguyên tắc giải quyết tranh chấp là các bên có quyền tự bảo vệ nhưng VIAC đã vi phạm bằng việc không triệu tập Thành Đô tham dự buổi họp cuối cùng ngày 15/11. Do không có mặt nên nhiều vấn đề đã được giải quyết phiến diện, căn cứ trên những nội dung mà Hoà Bình đưa ra", ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc pháp lý của Thành Đô nói.

Theo ông Sơn, sau phiên họp, doanh nghiệp mới nhận được thông tin và đã gửi văn bản phản đối, yêu cầu triệu tập phiên họp mới nhưng không được đồng ý. Thành Đô đã nộp yêu cầu lên tòa án để hủy phán quyết. Nếu được tuyên hủy, vụ việc giữa hai doanh nghiệp sẽ được chuyển cho tòa án để giải quyết lại từ đầu. Vụ việc Hòa Bình khởi kiện Thành Đô lên VIAC TP HCM bắt đầu từ 22/7 năm ngoái.

Theo Thành Đô, trước khi giải quyết ở trọng tài, hai doanh nghiệp đã đạt được thoả thuận xử lý toàn bộ công nợ bằng việc ký thoả thuận xác định một khoản giá trị tạm tính và bù trừ bằng các bất động sản tại Cocobay (gồm các toà khách sạn, biệt thự, nhà phố).

"Công ty Hoà Bình đã đơn phương không thực hiện các thoả thuận này và nộp đơn kiện", đại diện Thành Đô nói. Toàn bộ tài sản đã hình thành của dự án Cocobay Đà Nẵng hiện được thế chấp tại Ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ từ khi triển khai và là nhà tài trợ duy nhất của dự án).

Theo Thành Đô, các khoản công nợ đã được nghiệm thu của các nhà thầu đều được coi là một phần giá trị hình thành nên tài sản của dự án và đều được SHB xác nhận là một phần giá trị tài sản thế chấp. Thành Đô dự kiến dùng dòng tiền kinh doanh từ Cocobay để giải quyết công nợ nhưng do thị trường khó khăn trong 2 năm dịch bệnh nên dòng tiền ngắn hạn không đủ. "Thành Đô mong muốn dùng biện pháp bù trừ công nợ bằng tài sản, tức theo thỏa thuận cũ với Hòa Bình dùng tài sản cấn nợ", ông Sơn nói.

Liên quan đến việc Thành Đô yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Luật sư Đặng Hoàn Mỹ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đặng Hoàn Mỹ, Đoàn Luật sư TP HCM - cho biết quy tắc tố tụng trọng tài liên quan đến tranh chấp hợp đồng thường được VIAC thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, tuân thủ nguyên tắc bảo mật, công bằng, khách quan, đối chiếu thông tin nhiều bước. Quan sát từ thực tiễn, rất hiếm có phán quyết trọng tài bị đảo ngược nên yêu cầu hủy phán quyết của Thành Đô nhiều khả năng rất khó thực hiện.

Luật sư Mỹ cho biết thêm, phán quyết trọng tài là chung thẩm và thường không dễ đảo ngược, nhưng vẫn có thể bị hủy khi có đơn yêu cầu của một trong các bên đương sự. Căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 các trường hợp hủy phán quyết trọng tài gồm: không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này.

Trường hợp vụ tranh chấp và nội dung phán quyết không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy. Ngoài ra, chứng cứ do các bên cung cấp được Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết cũng có thể dẫn đến phán quyết bị hủy.

Theo luật sư Mỹ, diễn biến cho thấy dù đã thắng kiện Thành Đô, Hòa Bình sẽ mất thêm nhiều thời gian mới thu hồi được số công nợ hàng trăm tỷ đồng này.

Trên thực tế, hành trình đòi nợ của Hòa Bình chỉ là mắt xích nhỏ trong toàn cảnh vụ vỡ trận cam kết lợi nhuận của Thành Đô với khách hàng mua condotel tại dự án Cocobay.

Có quy mô hơn 10.000 phòng nghỉ dưỡng trên tổng diện tích 31 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng, Cocobay Đà Nẵng từng là điểm nóng hút đầu tư thời vàng son của căn hộ du lịch biển (condotel). Thời điểm ra mắt năm 2016, chủ đầu tư Thành Đô cam kết mức lợi nhuận tối thiểu 12% một năm liên tục trong 8 năm cho khách hàng mua condotel tại đây.

Viễn cảnh tươi sáng sớm lụi tàn khi cuối năm 2019, Thành Đô gửi thông báo dừng chi trả cam kết lợi nhuận 12% một năm từ năm 2020 cho khách hàng. Doanh nghiệp lý giải việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.

Nhiều khách hàng mua condotel tại dự án này rơi vào tình cảnh khó khăn do hầu hết đều vay tiền ngân hàng để đầu tư. Tại thời điểm Hòa Bình ký các hợp đồng thi công công trình với Thành Đô, Empire Group (công ty con thuộc Thành Đô đứng vai trò chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng) đã rơi vào tình trạng thua lỗ giai đoạn vận hành dự án 2017-2018. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty này đạt trên 11.000 tỷ đồng, hơn 50% trong số này là các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tương ứng, các khoản nợ phải trả cũng tăng gần gấp đôi, chiếm 92% tổng nguồn vốn.

Công ty Thành Đô cho biết, tình hình khách mua Cocobay Đà Nẵng hầu hết đã thống nhất giải pháp thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền, nhận tài sản, đồng hành hợp tác kinh doanh, chuyển đổi thành chung cư. Số ít chưa thống nhất phương án, nên tiếp tục đàm phán hoặc khởi kiện tại toà.

Cập nhật ngày 25/8/2022: Sau khi Coteccons ký hợp đồng tỷ đô với Lego, HBC (Xây dựng Hòa Bình) kiếm được dự án 30 triệu euro tại Hungary

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Europa Dream Holding, mục tiêu trở thành đối tác lâu năm của nhau. Ban đầu, 2 bên sẽ cùng hợp tác tại dự án Khách sạn tọa lạc trên phố Íves, Quận 4, Budapest, Hungary.

Trong đó, Hòa Bình làm tổng thầu thi công dự án này. Dự án có tổng vốn đầu tư 30 triệu euro, tương đương khoảng 715 tỷ đồng, diện tích gần 10.000 m2 với quy mô 150 phòng.  

Thỏa thuận hợp tác này nằm trong chiến lược phát triển thị trường nước ngoài của Hòa Bình. Công ty đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch với nhiều giải pháp tham gia thị trường, như (1) không đầu tư vào dự án, (2) tham gia với tư cách nhà đồng phát triển dự án, (3) mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương. Trong đó, công ty ưu tiên giải pháp 2 và 3.  

Về giải pháp tham gia phát triển dự án với tư cách nhà đồng phát triển, Hòa Bình sẽ góp không quá 20%. Công ty đã xác định hơn 20 dự án khả thi, trong đó 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD.       

Cách đây không lâu, đối thủ của HBC là CTD (Coteccons) vừa thắng thầu lớn xây nhà máy 1 tỷ USD cho Lego.

Cập nhật ngày 25/8/2022: chuẩn bị đầu tư 2 dự án bất động sản tại Canada và Úc

Ngày 22/8, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án tại nước ngoài.

Cụ thể, dự án tại Canada có tên là 88 James do Elite Developments Group làm chủ đầu tư. Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 4 triệu CAD (đô la Canada), tương đương khoảng 71,9 tỷ đồng. 

Dự án thứ hai có tên Regent Street tại Australia với vốn đầu tư 2 triệu CAD (khoảng 35,9 tỷ đồng). Đây là dự án do Brightlands Property Fund & Freedom Development Group làm chủ đầu tư. 

Chủ tịch Lê Viết Hải đặt tham vọng đến năm 2032 công ty sẽ đạt được 437.500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng. Ông Hải cho rằng đây là nhiệm vụ thách thức nhưng không phải không thực hiện được, nếu HBC thành công trong việc xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài. 

Cụ thể hơn về chiến lược phát triển ra nước ngoài, ông David Martin Ruiz, Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của HBC cho biết, 4 thị trường mà tập đoàn hướng đến là Canada, Australia, Mỹ và châu Âu. Đây là các thị trường lớn, môi trường kinh doanh dễ dàng. Tốc độ tăng trưởng thị trường nhà ở cao. 

Điểm chung là các thị trường này có giá xây dựng rất cao. Giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn. “Nếu so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Australia, doanh thu của HBC sẽ tăng gấp 7 – 8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15 – 20 lần”, lãnh đạo HBC nói. 

Cập nhật ngày 18/1/2022: đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất cho năm 2022

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa thông qua nghị quyết về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 với khoản doanh thu ước tính 20.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất mà nhà thầu xây dựng này từng đặt ra ở chỉ tiêu doanh thu.

Trước đó, đỉnh điểm doanh thu nhà thầu xây dựng này ghi nhận được trong một năm là gần 18.610 tỷ đồng đạt được năm 2019. Trong khi đó, doanh thu thuần năm 2020 của tập đoàn này đã lao dốc mạnh còn 11.200 tỷ.

Trong năm 2021, dù chưa công bố báo cáo tài chính năm, nhưng lãnh đạo công ty cho biết hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như năm 2020. Theo báo cáo tài chính quý III/2021, nhà thầu xây dựng này mới ghi nhận hơn 7.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ.

Cùng với kế hoạch doanh thu kỷ lục nói trên, Hòa Bình cũng kỳ vọng thu về 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

Kế hoạch này dù tăng mạnh so với năm 2020 và dự kiến 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức lợi nhuận thực tế Hòa Bình ghi nhận được trong giai đoạn trước dịch Covid-19 (2017-2019).

Cũng theo báo cáo tài chính quý III/2021, trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty này mới ghi nhận khoản lãi sau thuế 73 tỷ đồng.

Tính riêng quý III/2021, nhà thầu xây dựng này chỉ thu về mức lợi nhuận ròng hơn 5 tỷ đồng dù có doanh thu lên tới gần 2.100 tỷ.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với xu hướng tích cực của cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng từ nửa cuối năm 2021, cổ phiếu HBC của Hòa Bình đã tăng một mạch từ vùng giá 12.000 đồng/đơn vị lên mức đỉnh 10 năm ở 34.500 đồng/đơn vị (phiên 7/1) vừa qua, tương đương mức tăng ròng gần 3 lần.

Dù thị giá đã giảm sâu trong tuần giao dịch này do ảnh hưởng từ thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm (TP.HCM), thị giá hiện tại của HBC vẫn ở mức 28.850 đồng/cổ phiếu, cao hơn 140% so với nửa năm trước.

Cập nhật Đại hội ngày 22/6/2021: đang không có dự án để làm, giờ lại thêm khó khăn vì dịch

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ, năm 2020 giá vật liệu tăng cao, không có các dự án được chấp thuận triển khai xây dựng cộng thêm biến số đại dịch khiến toàn ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng Việt Nam, người đứng đầu HBC thừa nhận năm ngoái là giai đoạn khó khăn nhất hơn 33 năm hình thành và xây dựng doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh.

Các dự án triển khai chậm, huy động nhân công khó khăn, rủi ro về lây nhiễm khiến một số dự án phải dừng thi công. Dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của tập đoàn trong năm 2020 và các tác động này vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2021.

Ông Hải cho biết, nhiều thời điểm nhà đầu tư đánh giá HBC khó có thể vượt qua khủng hoảng khi giá cổ phiếu có lúc xuống mức 6.000 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty đã đưa ra hàng loạt giải pháp như tái cấu trúc hệ thống nguồn nhân lực và tài chính, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, dự trữ vật liệu xây dựng theo kế hoạch để giảm thiệt hại nên tạm thời đã vượt qua khó khăn.

Theo người đứng đầu HBC, để tiếp tục vượt khó, năm nay công ty có kế hoạch thoái bớt vốn các dự án để thu về 500-800 tỷ đồng và sẽ tiếp tục thu hồi vốn ở các dự án bất động sản trong năm 2022. Hiện doanh nghiệp đầu tư khoảng 11 dự án, trong đó, có 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, 1C Tôn Thất Thuyết, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.

Công trường xây dựng do Hòa Bình thi công. Ảnh: HBC.

Công trường xây dựng do Hòa Bình thi công. Ảnh: HBC.

Ông Hải cho hay, dự án số 1C Tôn Thất Thuyết, quận 4, mua 100 tỷ đồng sẽ thoái vốn không dưới 400 tỷ. Dự án Ascent Lakeside, quận 7, hoàn thành xây dựng đã bán 90% chuẩn bị thu hồi vốn và bàn giao nhà, khả năng sau khi hoàn tất thu được 400 tỷ. Dự án Ascent Garden Home quy mô khoảng 500 căn hộ, hợp tác với đối tác nước ngoài, nếu thoái vốn có thể thu về không dưới 250 tỷ đồng. Đối với dự án Ascent Plaza, HBC đầu tư trên 200 tỷ đồng. Với những dự án lớn trên, khả năng công ty sẽ thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh thoái vốn các dự án, doanh nghiệp này cũng tính đến việc thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết là Công ty chứng khoán Sen Vàng dự kiến sẽ thu hồi về 30 tỷ đồng, thoái vốn tại công ty sản xuất bê tông sợi thủy tinh, Công ty MHB. Bên cạnh đó, HBC chủ trương sẽ sáp nhập vào Công ty Inter House chuyên sản xuất đồ mộc.

Theo đánh giá của Hội đồng quản trị HBC, với việc vaccine Covid-19 được phân phối ở nhiều nước và Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine, sẽ tạo điều kiện mở cửa kinh tế tiếp đón dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch chuyển sản xuất và nhà máy từ Trung Quốc và châu Âu sang Việt Nam sẽ hâm nóng thị trường bất động sản công nghiệp và du lịch quốc tế hồi phục sẽ làm tăng nhu cầu xây dựng bất động sản du lịch trong nước.

Trên cơ sở đó, năm 2021 doanh nghiệp đặt mục tiêu trúng thầu 14.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị trúng thầu 6 tháng đạt 9.408 tỷ đồng, dự kiến doanh thu đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả năm 2020. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 của doanh nghiệp đạt 235 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2020. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 5% bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt.

Doanh nghiệp dự định phát hành chứng khoán bao gồm trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 2.000 tỷ đồng nhằm tăng vốn hoạt động kinh doanh. Giá phát hành cổ phiếu sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Thời điểm phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định cụ thể khi điều kiện thị trường phù hợp.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC)

HBC là nhà thầu tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam, sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là các công trình lớn trong lĩnh vực thi công xây dựng dân dụng, tiếp đến là công trình công nghiệp và hạ tầng.

Quá trình hoạt động
1987: Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được thành lập với chức năng thiết kế thi công một số công trình trang trí nội thất và nhà ở tư nhân.
1992: Hòa Bình bắt đầu nhận thầu thi công nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô tương đối lớn.
1997: Hòa Bình triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 và áp dụng Quản lý chất lượng Toàn diện (TQM).
2000: Văn phòng Xây dựng Hòa Bình được chuyển đổi thành Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình.
2001: Hòa Bình trở thành một trong những công ty xây dựng đầu tiên nhận Chứng chỉ ISO 9001:2000.
2006: Hòa Bình là nhà thầu xây dựng tổng hợp đầu tiên tại phía Nam niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán HBC.
2008: Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp duy nhất ở phía Nam được chọn tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia lần thứ 1.
2011: Là năm đánh dấu Hòa Bình phát triển ra thị trường nước ngoài với dự án Le Yuan ở Malaysia.
2012: Kỷ niệm tròn 25 năm thành lập, Hòa Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba và trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia lần thứ 3.
2014: Hòa Bình là tổng thầu công trình Saigon Centre có tầng hầm sâu nhất Việt Nam (28m). Thể hiện năng lực ở các dự án mang tầm quốc tế.
2015: Cất nóc dự án chung cư GEMS tại Yangon - Myanmar, đánh dấu dự án đầu tiên của Hòa Bình tại Myanmar và là dự án đầu tiên một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công tại thị trường Myanmar. Đây cũng là năm bản lề của kế hoạch phát triển chặng đường 10 năm (2015 - 2024).
2017: Kỷ niệm tròn 30 năm thành lập, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
2018: Khởi động chương trình chuyển đổi “Nhân đôi lợi nhuận và Quốc tế hóa” (DPI)  với sự trợ giúp của tư vấn McKinsey & Company (Mỹ).
Ngày 24/11/2020, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tổ chức trang trọng sự kiện “Lễ chuyển giao thế hệ – Trang sử vàng ”.Theo đó, ông Lê Viết Hiếu sẽ tiếp quản vai trò Tổng Giám đốc. Đây được xem là một trong những bước chuyển giao quan trọng cho thế hệ lãnh đạo mới của Hòa Bình kể từ khi thành lập công ty vào năm 1987 và quan trọng hơn đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình.
Ngày 1/7/2022 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ký hết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-hbc-xay-dung-hoa-binh-a909.html