Ngân hàng BIDV Quy Nhơn hạ giá tới 10 tỷ đồng cho khách mua du thuyền FLC Alabatross

Sau 6 lần đấu giá nhưng không có người mua, giá khởi điểm lần này của du thuyền FLC Alabatross sẽ được giảm tiếp 2,6 tỷ, còn khoảng 23,2 tỷ đồng. Đây là tài sản được Tập đoàn FLC thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Quy Nhơn. Du thuyền này lần đầu được đưa ra đấu giá tháng 11/2022 với giá khởi điểm gần 36 tỷ đồng.

 

flc-yacht-1705987357.jpg
Du thuyền FLC Alabatross của  cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Theo thông báo, phiên đấu giá du thuyền FLC Alabatross sẽ được tổ chức lần thứ 7 vào ngày 29/1 tại TP HCM. Người muốn tham gia đấu giá cần đặt cọc trước khoảng 2,3 tỷ đồng.

Như vậy, sau hơn một năm, du thuyền triệu USD của FLC vẫn "ế" khách mua và giá khởi điểm giảm gần 13 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.

Du thuyền của FLC thuộc dòng Galeon 660 Fly được đóng tại Ba Lan năm 2017. FLC Albatross có chiều dài thiết kế gần 22 m, rộng hơn 5 m, chiều cao mạn 3,15 m. Du thuyền có 4 phòng ngủ, quầy bar, khu tắm nắng, nơi tổ chức tiệc. Tàu có sức chứa theo đăng ký là 12 người.

Hiện tại, du thuyền được neo tại bến Sa Kê ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM do FLC quản lý và bảo quản. Phương tiện này được đăng ký từ tháng 11/2018.

Ngoài du thuyền, sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vướng vào lao lý, các ngân hàng thu hồi một số tài sản đắt tiền khác của ông và doanh nghiệp để bán đấu giá xử lý nợ. Năm ngoái, sau nhiều lần bất thành, hai chiếc xe siêu sang Rolls- Royce của ông Quyết cũng tìm được chủ mới sau khi giá khởi điểm được giảm hàng tỷ đồng.

Cập nhật ngày 10/9/2022: Ngân hàng BIDV muốn siết chiếc Rolls Royce Ghost của ông Trịnh Văn Quyết FLC để xử lý nợ

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quy Nhơn vừa có thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã CK: ROS) nhằm xử lý nợ.

Tài sản này là ôtô con 5 chỗ có biển số 30F-187.88 mang nhãn hiệu Roll-Royce theo giấy chứng nhận đăng ký ôtô số 474115 do công an Hà Nội cấp ngày 26/5/2018. Chiếc siêu xe được sản xuất tại Anh năm 2011, được biết đến là của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT FLC Faros kiêm cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Tài sản được thu giữ ngay tại văn phòng Bamboo Airways của tập đoàn FLC (265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). BIDV chi nhánh Quy Nhơn cho biết sẽ xử lý, bán đấu giá công khai để thu hồi nợ hoặc thu giữ đến khi FLC Faros hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay.

FLC đã phát sinh nợ quá hạn từ 21/12 tại đây với tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8 là gần 186 tỷ đồng, gồm 177 tỷ đồng nợ gốc, 8,8 tỷ đồng tiền lãi và phí chậm trả.

Sau nhiều lần thông báo nợ quá hạn, BIDV chi nhánh Quy Nhơn cho biết bên vay là FLC Faros và bên bảo đảm khoản vay là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes không tự nguyện trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, chiếc Rolls Royce Ghost serie I đời 2011 hiện được một số cơ sở kinh doanh trên thị trường rao bán với giá trên dưới 10 tỷ đồng, tức giá trị chỉ bằng hơn 5% số nợ mà BIDV chi nhánh Quy Nhơn thông báo cho FLC Faros.

flc-hq-1652141530.png

Tòa nhà Bamboo Airways Tower trụ sở của FLC, Bamboo Airways. Ảnh: FLC

Cập nhật ngày 2/7/2022: FLC muốn mua lại trụ sở đã gán nợ cho Ngân hàng OCB để bán cho bên khác

2 ngày trước thềm họp cổ đông, HĐQT FLC thông qua nghị quyết mua lại toà nhà 265 Cầu Giấy từ OCB để bán cho bên khác, với giá tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Thương vụ này sẽ được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện cùng FLCHomes. Trước đó, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).

FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.

Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2. Sau khi hoàn thiện thủ tục mua lại, FLC dự kiến bán toà nhà 265 Cầu Giấy này cho bên thứ ba với giá tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, FLC không đề cập tại sao mua lại tòa nhà rồi bán lại cho bên khác.

OCB là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý I, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.

Hôm 28/6, HĐQT FLC cũng thông qua nghị quyết dùng 1.480 quyền sử dụng đất thuộc dự án đầu tư khu A, B, C - khu biệt thự thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, Gia Lai - làm tài sản đảm bảo khi vay, mua bán trái phiếu của FLC và FLC Land tại OCB.

Cập nhật ngày 10/5/2022: Tòa nhà trụ sở của FLC và Bamboo Airways đã về tay ngân hàng OCB

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC mới đây gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) bổ sung 51 nghị quyết của HĐQT về giao dịch với các bên liên quan từ năm 2018 đến tháng 5/2021. Tập tài liệu này nhằm cải chính nội dung sai lệch, bổ sung thông tin trong báo cáo quản trị năm 2020, 2021, khắc phục các vi phạm về công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán của FLC theo quyết định của SSC hồi cuối tháng 3.

Một trong 51 nghị quyết được công bố có tài liệu do cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ký từ tháng 11/2020, thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của FLC và Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để thay nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC cùng các công ty con, công ty liên kết tại Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Theo đó, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.

Sau khi gán nợ, FLC thuê lại một phần tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại này từ chính OCB để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ ba do FLC chỉ định.

OCB hiện là một trong ba ngân hàng cho vay nhiều nhất, sau Sacombank và BIDV. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng từng nói, tổng dư nợ hiện là 2.800 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng cho vay FLC, 1.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways và 300 tỷ tại các công ty con.

Hai tháng trước khi gán nợ toà nhà này, ngày 21/9/2020, HĐQT FLC cũng thông qua việc sử dụng thương phẩm hình thành trong tương lai của 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38) ở 265 Cầu Giấy để đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho Bamboo Airways tại OCB chi nhánh Thăng Long.

Đến 31/3, theo báo cáo tài chính hợp nhất, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này. FLC và OCB thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện từ đầu năm 2019.

Ngoài nội dung về tòa nhà ở Cầu Giấy, các nghị quyết HĐQT vừa được FLC công bố bổ sung cũng cho biết chi tiết các bất động sản, cổ phần hãng hàng không Bamboo Airways thuộc sở hữu doanh nghiệp này được sử dụng để đảm bảo cho các hợp đồng vay tại một số ngân hàng khác, hợp đồng thuê tàu bay...

Cập nhật ngày 22/4/2022: Chủ tịch Sacombank (STB) Dương Công Minh: một tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản nợ của FLC

Sáng ngày 24/4, Ngân hàng Sacombank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2021 với những thông tin về tình hình kinh doanh cũng như phân phối lợi nhuận tới cổ đông.

sacombank-1617094848.jpg

FLC đang vay Sacombank nhiều nhất với số tiền 1.840 tỉ đồng

Tại đại hội, cổ đông của Sacombank đặt câu hỏi với hội đồng quản trị của ngân hàng về vấn đề dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways khi lãnh đạo của hai doanh nghiệp này là ông Trịnh Văn Quyết vừa bị cơ quan điều tra bắt giữ. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank - đã thông tin hiện ngân hàng cho hệ sinh thái của FLC vay trên 5.000 tỷ đồng, trong đó có cả của Bamboo Airways.

"Các khoản vay này tại thời điểm đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và đã truyền thông rộng rãi. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án bất động sản, vì vậy phương án xử lý các tài sản này cũng tốt. Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ đồng, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp. Cổ đông yên tâm rằng hiện Sacombank cho vay rất chuẩn, đúng quy định", bà Diễm khẳng định.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank - cũng nhận định khoản nợ của FLC thực chất là khoản nợ tốt, nhưng do sức ép của dư luận nên ngân hàng phải thực hiện thu hồi sớm. Ông Minh chia sẻ trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay của FLC.

Cũng theo ông Minh, về khoản nợ xấu liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đang tích cực làm việc với UBND TP.HCM để đưa ra thời gian giải quyết đấu giá khoản nợ, dự kiến 2022 sẽ giải quyết dứt điểm việc đấu giá khoản nợ này.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.00 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021, nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng cũng như kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Các giải pháp trọng tâm được ngân hàng ưu tiên thực hiện trong năm nay gồm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại, tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II. Bên cạnh đó, Sacombank cũng ưu tiên khai thác hiệu quả nguồn vốn và tăng hiệu suất sử dụng tài sản; mở rộng quy mô, tăng năng suất lao động; thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) để gắn kết bền chặt hơn giữa người lao động với doanh nghiệp.

Về chia cổ tức cho cổ đông, theo số liệu tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 thì lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, do Sacombank đang thực hiện đề án nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của NHNN. Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ NHNN.

Một nội dung quan trọng trong đại hội đồng cổ đông năm nay của Sacombank là bầu cử Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.

Đứng đầu danh sách đề cử là ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT đương nhiệm và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - tổng giám đốc. Cả ông Minh và bà Diễm đều được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn Sacombank đề cử, và được HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 đề cử làm thành viên nhiệm kỳ mới.

Cập nhật ngày 30/3/2022: Sacombank (STB) lên tiếng về khoản vay của FLC Group

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, đã xuất hiện thông tin về những ngân hàng đang cho FLC Group vay hàng ngàn tỉ đồng. Trong số các khoản vay dài hạn, FLC đang vay Sacombank nhiều nhất với số tiền 1.840 tỉ đồng, FLC cũng vay dài hạn BIDV 1.200 tỉ đồng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài cho OCB với dư nợ 819 tỉ đồng. Các khoản nợ trên được FLC thế chấp chủ yếu bằng bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai…

"Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC Group, bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại Sacombank. Bằng thông cáo báo chí này, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn", Sacombank khẳng định. 

Cũng theo Sacombank, trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm Hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID-19. 

"Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.

Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank", Sacombank nhấn mạnh.

Cập nhật ngày 9/10/2021: Ngân hàng BIDV kiến nghị Chính phủ cho chia cổ tức tăng vốn

HĐQT BIDV đã thông qua phương án tăng vốn bằng việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu để chào bán. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng vẫn chưa nhận được phê duyệt của cơ quan quản lý.

Đây là một trong 3 kiến nghị được ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV đưa ra tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Lâm đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng Nhà nước. Đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng này.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, BIDV đã trình và được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương cao hơn 20,6% vốn điều lệ đến cuối năm 2020.

Sau đợt này, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên mức 48.524 tỷ đồng.

Trong đó, phương án này gồm phát hành tổng cộng 488,8 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức năm 2019-2020 với tổng tỷ lệ 12,2% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhân về 12,2 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý III-IV năm nay.

Sau đợt tăng vốn này, BIDV sẽ phát hành tiếp 341,5 triệu cổ phiếu mới để chào bán công khai hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ thời điểm chào bán.

Thời gian thực hiện đợt tăng vốn lần 2 này sẽ điễn ra trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Theo lãnh đạo nhà băng này, toàn bộ phần vốn tăng thêm dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. Trước đó, BIDV cũng đã tăng vốn lên 40.220 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và ghi nhận khoản thặng dư vốn cổ phần 14.292 tỷ.

Tuy nhiên, phương án tăng vốn kể trên của BIDV đến nay vẫn chưa nhận được phê duyệt từ phía cơ quan quản lý. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, Agribank đều đã được chấp thuận tăng vốn.

Ngoài kiến nghị kể trên, Tổng giám đốc BIDV cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉnh sửa bổ sung Luật giao dịch điện tử năm 2005.

Lý do cho đề xuất này là sau hơn 15 năm thực hiện, các quy định trong Luật giao dịch điện tử đã tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, phạm vi điều chỉnh hiện không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai sản phẩm số hoá, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...

Cuối cùng, ông Lê Ngọc Lâm kiến nghị sớm luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022.

Cập nhật ngày 24/7/2021: Ngân hàng BIDV đại hạ giá khoản nợ liên quan hãng thời trang NEM

Trong vòng 3 tháng, BIDV đã 7 lần mang khoản nợ trái phiếu liên quan hãng thời trang NEM ra thanh lý với giá thấp hơn gần 50% nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia.

Ngân hàng BIDV vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu tại Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus. Tài sản mang ra đấu giá bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.

Trong đó, bên nợ là Công ty Archplus với ông Trường Việt Bình đại diện theo pháp luật. Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4 là 498 tỷ đồng, bao gồm 257 tỷ nợ gốc và 173,8 tỷ nợ lãi cùng 67,2 tỷ đồng phí phạt quá hạn.

Nghĩa vụ thanh toán của khoản nợ trái phiếu kể trên được bảo đảm bằng nhiều tài sản như lô đất 1.431 m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội). Bên cạnh đó, khoản nợ được bảo đảm bằng 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM và hãng thời trang này cũng đứng vai trò bảo lãnh thanh toán cho khoản trái phiếu của Archplus.

Giá khởi điểm BIDV đưa ra cho khoản nợ nói trên là 264,7 tỷ đồng, thấp hơn 47% dư nợ tính đến ngày 15/4. Tuy nhiên, giá khởi điểm chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, phí sang tên, công chứng và các chi phí khác (nếu có).

Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 7 BIDV mang khoản nợ nói trên ra bán đấu giá chỉ trong vòng 3 tháng gần nhất. So với giá khởi điểm trong lần rao bán đầu tiên, khoản nợ này đã giảm tới 233 tỷ đồng, tương đương gần 50% giá bán ban đầu.

Trong 6 lần rao bán trước, dù liên tục hạ giá khởi điểm của khoản nợ nhưng BIDV đều không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nào.

Thậm chí, BIDV cũng không phải ngân hàng duy nhất có khoản dư nợ cho vay liên quan hãng thời trang NEM. Trước đó, hãng thời trang này cũng phát sinh giao dịch vay tại VietinBank và không trả được nợ đúng hạn khiến ngân hàng nhiều lần phải rao bán thanh lý khoản nợ và tài sản đảm bảo đi kèm.

Giai đoạn 2018-2019, VietinBank thường xuyên rao bán khoản nợ 118 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là sản phẩm tồn kho của hãng thời trang NEM nhưng cũng không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Được biết, ông Trương Việt Bình là người sáng lập thời trang NEM. Ông Bình hiện là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019).

Công ty Thời trang NEM tính đến cuối năm 2019 có vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, tương ứng với 40 triệu cổ phần. Theo đó, 3 triệu cổ phần của NEM tương đương với 7,5% vốn của công ty thời trang này.

Thương hiệu thời trang NEM xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2002, trong đó ông Trương Việt Bình là nhà sáng lập. Ông Bình hiện là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM.

Ở giai đoạn hoàng kim, hãng thời trang này có tới gần 90 cửa hàng trên 40 tỉnh, thành khắp cả nước. Cuối năm 2017, hãng thời trang Stripe International (Nhật Bản) đã công bố mua lại hoạt động kinh doanh của thời trang NEM để thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chi tiết thương vụ không được hai bên công bố và phía NEM cũng lên tiếng về giao dịch này. Đến giai đoạn 2018-2019, hoạt động kinh doanh đi xuống đã khiến hãng thời trang này vướng vào các khoản nợ quá hạn tại VietinBank.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã BID)

Được thành lập ngày 26/4/1957, BIDV là ngân hàng thương mại lâu đời nhất Việt Nam.

Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh:

- Ngân hàng: là một ngân hàng có kinh nghiệm hàng đầu cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích.
- Bảo hiểm: cung cấp các sản phẩm Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ được thiết kế phù hợp trong tổng thể các sản phẩm trọn gói của BIDV tới khách hàng.
- Chứng khoán: cung cấp đa dạng các dịch vụ môi giới, đầu tư và tư vấn đầu tư cùng khả năng phát triển nhanh chóng hệ thống các đại lý nhận lệnh trên toàn quốc.
- Đầu tư tài chính: góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư các dự án, trong đó nổi bật là vai trò chủ trì điều phối các dự án trọng điểm của đất nước như: Công ty Cổ phần cho thuê Hàng không (VALC) Công ty phát triển đường cao tốc (BEDC), Đầu tư sân bay Quốc tế Long Thành…

Hơn 24.000 cán bộ, nhân viên là các chuyên gia tư vấn tài chính được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm được tích luỹ và chuyển giao trong hơn nửa thế kỷ BIDV luôn đem đến cho khách hàng lợi ích và sự tin cậy.

Thương hiệu BIDV
- Là sự lựa chọn, tín nhiệm của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng.
- Được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến và ghi nhận như là một trong những thương hiệu ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
- Là niềm tự hào của các thế hệ CBNV và của ngành tài chính ngân hàng trong 58 năm qua với nghề nghiệp truyền thống phục vụ đầu tư phát triển đất nước.
- BIDV là ngân hàng trong Top 30 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong 1.000 ngân hàng tốt nhất thế giới do Tạp chí The Banker bình chọn.

Link nội dung: https://vinabull.vn/flc-muon-mua-lai-tru-so-da-gan-no-cho-ngan-hang-ocb-a392.html