Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết đang bàn giao dần công việc và trách nhiệm cho các lãnh đạo kế cận. Hiện ông chỉ tham gia vào các vấn đề như chiến lược, nhân sự cấp cao.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết ông đang rút dần khỏi các hoạt động của tập đoàn và chỉ tham gia điều hành các vấn đề chiến lược, nhân sự tổ chức cấp cao, vốn liếng. Còn hoạt động điều hành hàng ngày chủ yếu do các lãnh đạo, bao gồm Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng, phụ trách.
“Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải đâu”, tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tâm sự.
Trước những thắc mắc của cổ đông về việc chuyển giao trách nhiệm cho các thế hệ lãnh đạo kế cận, Chủ tịch Trần Đình Long đánh giá đây là câu hỏi bình thường, không nhạy cảm. Trên thực tế, ông hé lộ thêm quá trình bàn giao đã và đang tiếp tục diễn ra.
“Tuổi tôi không phải cao mà là rất cao rồi, nếu là theo Nhà nước thì được cho nghỉ hưu từ lâu rồi đấy”, vị chủ tịch 64 tuổi bộc bạch.
ĐHĐCĐ hôm nay cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 10%. Dự kiến, Hòa Phát sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gần 64.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II năm nay.
Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10%. Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát là một trong số ít doanh nghiệp cân đối hài hòa tài chính để trả cổ tức.
Đường lối của tập đoàn đến nay cũng không có gì thay đổi. Theo đó, Hòa Phát ưu tiên đặc biệt cho hoạt động phát triển, phần còn lại chia cho những người góp vốn.
“Cổ phiếu của Hòa Phát từ tốt đến rất tốt”, vị lãnh đạo chia sẻ, đồng thời cho biết thêm từ năm 2025, Hòa Phát có thể tiếp tục duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt.
Thành viên cập nhật ngày 31/3/2023: ông Trần Đình Long tin nhà máy Dung Quất II là 'quả đấm thép' cho Hòa Phát
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, trong phiên họp thường niên sáng 30/3/2023, vẫn giữ phong cách quen thuộc, không tránh né bất kỳ câu hỏi nào. Ông trả lời trực tiếp với từng cổ đông, nhanh, dứt khoát, có lúc không đợi cổ đông đọc hết câu hỏi đã ngắt lời để trao đổi.
Sự chậm lại của thép trong năm 2022 hướng sự chú ý của cổ đông vào dự án Dung Quất giai đoạn 2, dự án thép trọng điểm của Hòa Phát. Cổ đông chất vấn Hòa Phát về nguồn lực để thực hiện, trong bối cảnh thị trường khó khăn và đầu ra, lộ trình xây dựng được đảm bảo như thế nào.
Ông Long ví Dung Quất II như "quả đấm thép" và cho biết Hòa Phát sẽ dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào đây. Dự án này được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng, tổng quy mô đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD.
Khi quyết định thực hiện, Hòa Phát từng giữ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền làm vốn đối ứng. Năm ngoái, chính tập đoàn này cũng bị thắc mắc vì việc giữ quá nhiều tiền mà không chia cổ tức cho cổ đông.
Từ trước tới nay, ban lãnh đạo Hòa Phát nổi tiếng là thận trọng, thậm chí, họ còn được gắn cho biệt danh "xe lu" mà theo ông Trần Đình Long lý giải, xe lu là chậm mà chắc. Tuy nhiên, sự chắc chắn này đôi khi nhận được đánh giá là "bảo thủ".
Như hai năm gần đây, Hòa Phát tích lũy nguồn lực, lợi nhuận để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư Dung Quất II, có thời điểm ghi nhận vài chục nghìn tỷ đồng khoản mục tiền và tương đương tiền. Sự thận trọng diễn ra ngay trong bối cảnh Hòa Phát vừa đạt đỉnh về lợi nhuận giai đoạn 2020-2021.
"Nhiều người trên thương trường chê Hòa Phát bảo thủ, nhưng nay họ phải thừa nhận là chúng tôi đúng", ông Long nói.
Theo người đứng đầu Hòa Phát, các kế hoạch đầu tư mới cũng sẽ dừng, bao gồm cả việc phát triển mỏ than tại Australia hay kế hoạch đầu tư mới bất động sản và các mảng khác để dồn lực cho Dung Quất II. Dự án này dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2025 và đóng góp khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu cho Hòa Phát.
Dự án này khi vận hành sẽ đóng góp hai phần ba doanh thu hiện tại, giúp tỷ trọng mảng thép ngày càng lớn hơn. Trong khi đó, việc mở rộng các lĩnh vực khác để tạo đối trọng không phải việc có thể làm nhanh trong ngắn hạn.
Về triển vọng của ngành, theo ông, ngành thép đã qua thời gian khó khăn nhất, nhưng để xác định thị trường đã phục hồi hoàn toàn thì chưa đủ.
"2022, ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán tại phiên họp năm trước và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán", Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát nói. "Dù vậy, giai đoạn khó khăn nhất của ngành đã qua, nội lực của Hòa Phát nói riêng và toàn ngành thép Việt Nam là tốt, lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào phía cầu".
Thép là ngành phụ thuộc vào thị trường bất động sản, vào chính sách đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, theo người đứng đầu Hòa Phát, "mọi thứ đều đang rất chậm".
Sự chậm lại của thị trường khiến "vua thép" tiếp tục báo lỗ trong đầu năm nay. Theo ông Trần Đình Long, kết quả tháng 1, 2 của Hòa Phát đều là con số âm, nhưng mức lỗ thấp hơn dự báo của ban điều hành. Trong tháng 3, hoạt động đã khả quan hơn. Ông Long không nói con số chi tiết và "hẹn" cổ đông sẽ thông báo số liệu cụ thể vào cuối tháng 4.
Trước câu hỏi về lời khẳng định "Hòa Phát không thể làm thép mãi được", ông Long giải thích đó là định hướng dài hạn, là con đường mà tất cả tập đoàn lớn phải đi, nhưng trong ngắn hạn thì không dễ thực hiện.
"Về mặt lý thuyết, không để trứng vào một giỏ là đúng, nhưng thực tế cuộc sống không dễ thực hiện. Trong suy nghĩ của tôi cũng luôn hướng về đa dạng hóa. Nhưng trong ngắn hạn, điều này không dễ thực hiện", ông Long nói.
Năm 2023, Hòa Phát dự kiến doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, kế hoạch doanh thu năm nay tăng nhẹ 5%, còn lợi nhuận giảm 5%.
Kế hoạch năm nay đặt ra thận trọng trong bối cảnh tình hình ngành thép còn khó khăn ít nhất tới giữa năm nay theo đánh giá của ban lãnh đạo Hòa Phát. Giá nguyên vật liệu đang xu hướng đi lên nhưng giá bán tăng không tương xứng, trong khi chi phí tài chính lớn do lãi suất có thể còn cao.
Thành viên cập nhật ngày 24/5/2022: Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long rất buồn khi cổ đông HPG đòi cổ tức
Tại đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Hòa Phát diễn ra ngày 24-5 tại Hà Nội, nhiều cổ đông đòi lãnh đạo tập đoàn này phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 'giấy lộn'.
Trước đòi hỏi của cổ đông, ông Trần Đình Long, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Hòa Phát nói: "Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát.
Sáng nay, tôi đến đây tâm trạng rất buồn. Ban truyền thông đã gửi cho tôi các ý kiến của nhà đầu tư, đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận, rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn". Tôi cảm ơn sự góp ý của các cổ đông ở đây ngày hôm nay mang tính chất xây dựng, còn nếu góp ý như trên diễn đàn thì khó cho tôi quá".
Ông Long cũng gửi thông điệp rằng, Hòa Phát có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông coi đây là minh chứng về uy tín của tập đoàn với hơn 30.000 nhân viên.
Ông nói: "Trong nhiều lần họp HĐQT, tôi từng phát biểu nếu dừng lại thì chúng ta sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép. Hiện nay, ban nghiên cứu phát triển tập đoàn đang nghiên cứu các dự án thép nữa. Đắk Nông là một trong những dự án chúng tôi nghiên cứu. Hòa Phát sẽ không dừng lại".
"Để vươn lên một tầm mới, chúng ta cần rất nhiều vốn", ông Long chia sẻ với các cổ đông. Dự án thép Dung Quất 2 có vốn cố định là 70.000 tỉ đồng, vay ngân hàng 35.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát, dịch COVID-19 dường như không ảnh hưởng tới kinh doanh của tập đoàn này. Doanh thu hợp nhất năm 2021 của tập đoàn đạt 150.865 tỉ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỉ đồng (tăng 55,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp ngân sách của tập đoàn năm 2021 đạt khoảng 12.500 tỉ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Ba địa phương Tập đoàn Hòa Phát đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Hòa Phát tiếp tục bơm vốn đầu tư xây dựng khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và nhiều dự án bất động sản đô thị tại một số địa phương trên cả nước. Quý 1/2022, lợi nhuận HPG (Hoà Phát) đạt 8.200 tỷ, tăng 17%.
Thành viên cập nhật ĐHCĐ năm 2021: đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 33%, giá mục tiêu 47.000 đ/cp
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên sẽ trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ diễn ra ngày 22/04/2021.
HPG đề xuất kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng (+33% YoY) và LNST 18.000 tỷ đồng (+33% YoY) cho năm 2021.
Kế hoạch doanh thu của HPG thấp hơn 10% dự báo doanh thu 2021 của chúng tôi là 133.000 tỷ đồng (+48% YoY) trong khi lợi nhuận kế hoạch là phù hợp với dự báo của chúng tôi là 17,600 tỷ đồng (+31% YoY).
Lưu ý rằng HPG thường vượt kế hoạch kinh doanh đề ra (thông tin chi tiết trong bảng bên dưới).
HPG đề xuất kế hoạch cổ tức 2020 bao gồm cổ tức cổ phiếu 30% và cổ tức tiền mặt 500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 1,1%), dự kiến được thanh toán trong quý 2 – quý 3/2021.
Kế hoạch cổ tức 2021 cũng được đề xuất với tỷ lệ 30% mệnh giá, có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Kế hoạch sơ bộ mở rộng Khu phức hợp Gang thép Dung Quất (DQSC) đã được thông qua. Vào cuối tháng 3/2020, HPG đã nhận được phê duyệt của cổ đông bằng văn bản cho kế hoạch sở bộ mở rộng DQSC. Dự án mở rộng này được thực hiện ngoài 2 giai đoạn hiện tại của DQSC.
Dự án mở rộng được dự kiến chia làm 2 giai đoạn, được chúng tôi gọi là Giai đoạn 3 và 4. 2 Giai đoạn này sẽ có tổng cộng suất thép 5 triệu tấn/năm (bao gồm 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng - HRC, 1 triệu tấn thép hình trung bình, 500.000 tấn dây thép chất lượng cao và 500.000 tấn thép công cụ).
Tổng vốn đầu tư được đề xuất cho dự án mở rộng này là 60.000 tỷ đồng, với 50.000 tỷ đồng cho vốn XDCB và 10.000 tỷ đồng cho vốn lưu động.
Vốn đầu tư này sẽ được tài trợ từ vốn CSH của HPG (60% vốn XDCB) và vốn vay (40%). Cơ sở sản xuất mới sẽ có diện tích 166ha và nằm cạnh DQSC hiện hữu (433ha).
HPG đề xuất kế hoạch đầu tư cho dự án Khu phức hợp Gang thép Dung Quất 2. Lưu ý rằng đây là kế hoạch điều chỉnh thay thế cho kế hoạch mở rộng Khu phức hợp Gang thép Dung Quất vốn có công suất và vốn XDCB thấp hơn đã đề cập trong báo cáo cập nhật KQKD quý 4/2020 ngày 08/02/2021.
Các thông tin chi tiết về 2 kế hoạch này như sau:
Đề xuất kế hoạch dự án Khu phức hợp Gang thép Dung Quất (DQSC 2) - DQSC 2 sẽ có tổng công suất 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn sản phẩm thép dẹt và 1 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao cũng như các sản phẩm thép khác.
Tổng vốn đầu tư đề xuất cho dự án này là 85.000 tỷ đồng với vốn XDCB 70 nghìn tỷ đồng và vốn lưu động 15.000 tỷ đồng.
Cơ sở sản xuất mới sẽ có diện tích 284ha nằm gần với DQSC hiện hữu (430ha). Dự án dự kiến đi vào hoạt động sau 36 tháng kể từ ngày ngày được bàn giao đất và được cấp giấy phép xây dựng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị giá mục tiêu 47.000 đồng/CP cho HPG, tưởng ứng với tổng mức sinh lời 6,7% bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%.
Link nội dung: https://vinabull.vn/dai-hoi-co-dong-tap-doan-hoa-phat-hpg-ong-tran-dinh-long-thep-a359.html