Định giá cổ phiếu DPR (Cao su Đồng Phú): Cơ hội lớn từ quỹ đất chuyển đổi thành KCN

Tiềm năng từ quỹ đất lớn của DPR có thể chuyển đổi thành KCN, đây là cơ hội lớn để công ty khai thác giá trị và doanh thu. Mảng cao su tự nhiên sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá thị trường cao hơn trong thời gian tới.

phr2-caosu-1621839573.png
Cao su Đồng Phú

LNST Q1/2024 tăng nhẹ svck. Doanh thu thuần đạt 184 tỷ đồng (+3,7% svck), hoàn thành 30% kế hoạch năm. Mặc dù giá cao su tự nhiên thuận lợi nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 0,64% svck đạt 62,2 tỷ đồng (hoàn thành 28% kế hoạch năm 2024) do sản lượng tiêu thụ giảm.

Thu nhập từ bồi thường đất: Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và 2030 - 2050 của tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt, đất trồng cao su do DPR quản lý sẽ có 2.891 ha đất được chuyển đổi từ đất cao su sang đất khu công nghiệp & thương mại.

Kỳ vọng doanh thu liên quan đến bồi thường từ đất trồng cao su sẽ là 2,43 nghìn tỷ đồng và có khả năng sẽ được ghi nhận từ năm 2025. KCN Bắc Đồng Phú Giai đoạn 2 là động lực tăng trưởng năm 2025-2026.

KCN Bắc Đồng Phú Giai đoạn 2 có tổng diện tích 317 ha (51% thuộc sở hữu của DPR) dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt trong năm 2024. Kỳ vọng công ty có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 1.087 nghìn tỷ đồng, với giá cho thuê là 75 USD/m2/kỳ, dự kiến cho thuê vào năm 2026.

Luận điểm đầu tư: tiềm năng từ quỹ đất lớn của DPR có thể chuyển đổi thành KCN, đây là cơ hội lớn để công ty khai thác giá trị và doanh thu.

Nhu cầu KCN gia tăng đặc biệt rõ rệt ở tỉnh Bình Phước khi tỷ lệ lấp đầy của các KCN Bình Dương và Đồng Nai lần lượt đạt 94% và 92%, cùng với cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam ở TP. Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; và đường Đồng Phú - Bình Dương.

Mảng cao su tự nhiên sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá thị trường cao hơn trong thời gian tới.

SSI khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 1 năm là 47.600 đồng/cp đối với cổ phiếu DPR. Trong ngắn hạn,  giá cao su sẽ tăng mạnh và việc phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Bắc Đông Phú sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu.

Thành viên cập nhật ngày 24/8/2023: kém khả quan nhưng sẽ cải thiện từ 2024

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE và FCFF, FPTS xác định giá mục tiêu của cổ phiếu DPR là 69.300 VNĐ/cp.

Trong 1H2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DPR đạt lần lượt khoảng 326 tỷ đồng (-34,7% yoy) và 103 tỷ đồng (-13,6% yoy). Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu là do mảng cao su thành phẩm kém khả quan khi giá bán của DPR sụt giảm theo giá cao su thế giới và sản lượng tiêu thụ sụt giảm.

Về mảng cao su thành phẩm, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp trong 1H2023 đạt lần lượt 209 tỷ đồng (-36,4% yoy), 23 tỷ đồng (-66,5% yoy). Nguyên nhân sụt giảm là do mảng cao su tại khu vực Bình Phước và Đắk Nông, giá bán cao su trong 1H2023 tại 2 khu vực giảm -19,5% yoy (tương quan với mức giảm -15,7% của giá cao su TSR20 thế giới) và sản lượng tiêu thụ của 2 khu vực cũng giảm mạnh -42,1% yoy do thiếu hụt nguyên liệu mủ cao su.

Về mảng thanh lý cây cao su, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp trong 1H2023 đạt lần lượt 69 tỷ đồng (+48,1% yoy), 68,6 tỷ đồng (+58,9% yoy) nhờ giá thanh lý trung bình trên 1 ha trong 1H2023 ước tính tăng khoảng +180% yoy. Riêng mảng này đã đóng góp vào 65% tổng lợi nhuận gộp của DPR.

Năm 2023, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DPR sẽ đạt lần lượt khoảng 989 tỷ đồng (-18,3% yoy) và 224 tỷ đồng (-23,0% yoy). Trong đó, các giả định của chúng tôi là (1) mảng cao su thành phẩm tiêu cực do giá bán cao su trung bình của DPR dự phóng sẽ sụt giảm khoảng -14,7% yoy; (2) kỳ vọng DPR sẽ thanh lý khoảng 526,92 ha trong năm 2023 (không đổi so với năm 2022); (3) kỳ vọng DPR có thể cho thuê 1,8 ha của KCN Bắc Đồng Phú hiện hữu (tương ứng 1,3% diện tích thương phẩm) và 32 ha của KCN Bắc Đồng Phú mở rộng trong năm 2023 (tương ứng khoảng 10% diện tích thương phẩm).

ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE và FCFF, FPTS xác định giá mục tiêu của cổ phiếu DPR là 69.300 VNĐ/cp, khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu DPR ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư có thể xem xét bán tại mức giá mục tiêu và mua lại sau.

Nhìn chung, năm 2023 sẽ kém khả quan nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2024F nhờ (1) ghi nhận khoản 118,6 tỷ đồng từ việc bồi thường thu hồi đất cao su, đóng góp khoảng 28% lợi nhuận trước thuế năm 2024F; (2) giá bán cao su trung bình của DPR kỳ vọng tăng trưởng +6,7% yoy khi tình trạng thừa cung cải thiện, bù đắp cho sản lượng tiêu thụ dự phóng sẽ tiếp tục sụt giảm -3,1% yoy.

RỦI RO ĐẦU TƯ  Dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng trễ tiến độ và chưa thể cho thuê trong năm 2023.

Cập nhật ngày 2/12/2021: mảng cao su ổn định, mảng đất béo bở, giá mục tiêu 88.000 đồng/cp

9T 2021, doanh thu đạt 727 tỷ đồng, LNST đạt 161 tỷ đồng (+23% yoy). DPR sẽ ghi nhận LNST Q4 và cả năm 2021 lần lượt 184 tỷ (+142% yoy) và 345 tỷ (+94% yoy) nhờ ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ bàn giao 200ha đất (đóng góp 160 tỷ đồng vào LNST). Doanh thu và LNST năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, ước đạt 1.241 tỷ đồng (+2% yoy) và 350 tỷ đồng (+2%).

DPR ghi nhận doanh thu hợp nhất 727 tỷ đồng (+16% yoy) và LNST 161 tỷ đồng (+23% yoy) trong 9T 2021. Trong đó, mảng cao su là động lực tăng trưởng chính về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, DPR ghi nhận doanh thu cao su ở mức 569 tỷ (+39% yoy) và lợi nhuận gộp 138 tỷ (+189% yoy). Biên LNG cải thiện mạnh từ mức 29,6% cùng kỳ lên 30,7% trong 9T2021, nhờ giá bán tăng 34% yoy (giá bán bình quân 9T đạt 43 triệu đồng/tấn). Sản lượng tiêu thụ đạt 8.967 tấn (+3% yoy). Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoảng 60 tỷ đồng từ thanh lý cây cao su trong 9T 2021.

Nhu cầu tích cực từ Trung Quốc đã giúp cho ngành cao su nói chung được hưởng lợi. Cụ thể, 9T 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 9,18 tỷ USD (+19,7% yoy) và Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD (+ 37% yoy). Thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,4%, trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng 2% so với của cùng kỳ năm 2020.

Ở mảng KCN, DPR đã cho thuê 10ha trong 9T 2021 với giá thuê khoảng 45-50 USD/m2 (+10% yoy). Doanh thu theo đó ước đạt 90 tỷ đồng. LNST ước đạt 25 tỷ đồng.

Cho cả năm 2021, ước tính doanh thu hợp nhất đạt 1.216 tỷ (+7% yoy) và LNST đạt 345 tỷ đồng (+94% yoy), trong đó:

Mảng cao su dự báo diễn biến tích cực do nhu cầu tăng trong khi thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới. Ước tính doanh thu cao su đạt 988 tỷ đồng (+18% yoy) nhờ sản lượng tiêu thụ đạt 23.000 tấn (+1% yoy) và giá bán bình quân đạt 40,1 triệu đồng/tấn (+18% yoy).

Giá cao su khả năng vẫn sẽ ở mức cao trong Q4 2021 cũng như đầu năm 2022. Theo phân tích của Hiệp Hội Các nước sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC), diễn biến thời tiết không thuận lợi trong năm sẽ tiếp tục làm sụt giảm sản lượng khai thác và gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nguyên nhân là do những thiệt hại gây ra bởi mưa giông và lũ lụt ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia làm cho sản lượng khai thác có thể chỉ ở mức 13,8 triệu tấn, thấp hơn so với sản lượng tiêu thụ dự kiến 14,03 triệu tấn. Ngoài ra, dịch phấn trắng cũng đang hoành hành ở Thái lan, nước sản xuất cao su thiên nhiên nhiều nhất thế giới (chiếm 25% tổng sản lượng, theo ITRC).

Ước tính đóng góp doanh thu từ các công ty cao su thuộc sở hữu của DPR như sau:

Mảng thanh lý cây cao su: Doanh thu đạt 114 tỷ đồng. Diện tích thanh lý cây trong năm 2021 là 493ha, trong đó DPR sẽ ghi nhận 300ha gỗ cao su đã thanh lý từ năm 2020 nhưng chưa ghi nhận, và ghi nhận 193ha gỗ cao su thanh lý trong năm 2021.

Mảng KCN: Dự kiến DPR sẽ cho thuê thêm 3 ha tại KCN Bắc Đồng Phú trong quý 4/2021, nâng tổng diện tích cho thuê cả năm lên 13ha. Doanh thu cả năm theo đó ước đạt 128 tỷ đồng.

Thu nhập khác: Dự kiến kiến ghi nhận 200 tỷ trong Q4 2021 nhờ việc chuyển giao 200ha từ (nông trường Tân Lập và Tân Lợi). Phần 117ha còn lại sẽ được chuyển tiếp sang năm 2022 để hoàn thành thủ tục bàn giao & ghi nhận thu nhập. Chúng tôi giả định DPR sẽ bàn giao đều đặn 200ha/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng tăng trưởng doanh thu & LNST DPR trong năm 2022 sẽ không còn đột biến, với ước tính doanh thu 2022 đạt 1.241 tỷ đồng (+2% yoy) và LNST đạt 350 tỷ đồng (+2%).

Về dài hạn, việc ghi nhận 200 tỷ/năm nhờ hoạt động bàn giao đất vẫn sẽ là điểm tích cực đối với dòng tiền của công ty nếu so với giai đoạn quá khứ từ năm 2020 trở về trước.

Bên cạnh đó, từ năm 2023 trở đi, các KCN Bắc Đồng Phú mở rộng và Nam Đồng Phú mở rộng sẽ được hoàn thiện pháp lý và sẵn sàng cho thuê, giúp DPR duy trì nguồn thu và tăng trưởng lợi nhuận từ mảng KCN, trong bối cảnh KCN Bắc Đồng Phú sẽ được lấp đầy vào năm 2022.

Tuy vậy, rủi ro dịch bệnh cũng như pháp lý làm chậm trễ tiến trình đầu tư và cho thuê các KCN trên là điểm quan trọng cần lưu ý.

Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR)

Tiền thân là đồn điền Phú Riềng, kết quả của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam từ năm 1927. Là vùng đất đỏ Bazan có khí hậu và địa chất phù hợp với phát triển cây cao su nhưng cũng là nơi có truyền thống Cách mạng, là nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Miền Đông Nam Bộ ra đời ngày 28/10/1929. Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện Hiệp định hợp tác với Liên Xô (cũ) lần thứ nhất, ngày 21/5/1981 Công ty cao su Đồng Phú được thành lập.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nông trường với diện tích 3.000 ha cây cao su già cỗi bị bom đạn tàn phá, đến nay Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú đã có diện tích trên 10.000 ha cao su, với  gần 8.000 ha vườn cây đang cho khai thác.

Các đơn vị sản xuất: Diện tích vườn cây cao su thuộc quyền quản lý của 6 nông trường:

1. Nông trường cao su An Bình   
2. Nông trường cao su Tân Lập     
3. Nông trường cao su Tân Lợi     
4. Nông trường cao su Tân Thành           
5. Nông trường cao su Thuận Phú           
6. Nông trường cao su Tân Hưng             

Cùng hai nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại của Malaysia, và Cộng hòa Liên ban Đức:

1. Nhà máy chế biến Tân Lập : Chuyên sản xuất mủ Latex (kem) công suất : 6.000 tấn/năm . Công nghệ tiên tiến của tập đoàn Wesftalia (CHLB Đức). Sản phẩm của nhà máy gồm Latex HA, Latex LA.

2. Nhà máy chế biến Thuận Phú: Chuyên sản xuất mủ khối SVR L, SVR 3 L, SVR 10, SVR 20, SVRCV 50, SVRCV 60 . Công nghệ tiên tiến của Malaysia . Công suất 16.000 tấn/năm.

Về lao động:
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú có trên 4.000 CB- CNV trong đó:

- 135 CB-CNV có trình độ đại học và trên đại học.

- 450 CB-CNV có trình độ trung cấp kỹ thuật.

- Hơn 2.000 công nhân có tay nghề khai thác mủ được đào tạo từ trường Cao đẵng Công nghiệp Cao su, nhiều năm đạt các giải cao trong Hội thi Bàn tay vàng của toàn ngành.

Đặc biệt, Công ty đã đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay trong Hội thi Thợ khai thác mủ giỏi toàn ngành năm 2008: Giải nhất, giải nhì cá nhân  và Giải nhì toàn đoàn.

Cơ cấu sản phẩm:
- SVR L, SVR 3 L Chiếm 43% tổng sản phẩm
- SVR CV 50, SVR CV 60 Chiếm 5% tổng sản phẩm

- SVR 10, SVR 20 Chiếm 20% tổng sản phẩm

- Latex HA, Latex LA Chiếm 32% tổng sản phẩm

Về Thị trường tiêu thụ:
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 từ những năm 1999, năm 2009 đã chuyển đổi sang phiên bản ISO 900:2008; sản phẩm của Công ty luôn có chất lượng tốt và ổn định , thoả mãn được các yêu cầu khắt khe của khách hàng, trong đó có những khách hàng truyền thống là các tập đoàn chế tạo vỏ xe hàng đầu thế giới như  Michelin, Mitsubishi, .. và các tập đoàn Safic Alcan, Tea Young…. Với gần 86% tổng sản phẩm của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú được xuất khẩu trực tiếp đi các nước như: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, New Zealand, Canada, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản…

Về sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển:
Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/12/2006 theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 44.03.000069 do Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp ngày 28/12/2006, được điều chỉnh lần 3 ngày 27/5/2010 và mã số mới là 3800100376.

Vốn điều lệ của Công ty là 430 tỷ đồng .

Để đạt mục tiêu xây dựng Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú phát triển ổn định và tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Công ty đã và đang triển khai một số dự án đầu tư nhằm mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành nghề sản xuất – kinh doanh như :

- Góp vốn thành lập Công ty CP Cao su Đồng Phú Krarie, với dự án trồng 10.000 ha cao su tại tỉnh Kratie – Vương quốc Campuchia.

- Thành lập Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú - ĐắckNông, với dự án trồng 3.000 - 4.000 ha cao su tại tỉnh Đắc Nông.

- Tham gia góp vốn xây dựng đường BOT đoạn từ thị xã Đồng Xoài – Phước Long tỉnh Bình Phước, đường BOT đoạn từ Tân Lập - Tỉnh Bình Phước đến ngã ba Cổng Xanh - Tỉnh Bình Dương , với số vốn hơn 43,8 tỷ đồng, đã đi vào kinh doanh thu phí.

- Tham gia thành lập Công ty CP Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú với vốn điều lệ 100 tỷ đồng (DPR chiếm 51%) nhằm đầu tư khu công nghiệp Bắc Đồng Phú quy mô 186 ha và khu dân cư Cao su Đồng Phú quy mô 38 ha.

- Tham gia đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất nệm và gối từ mủ latex quy mô 300 nệm và 600 gối trên một ngày, sử dụng khoản 4000 tấn latex nguyên liệu/ năm.

Ngoài ra Công ty còn tham gia góp vốn vào các Công ty Cổ phần và các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam như : Công ty Cổ phần chế biến gỗ Thuận An, Công ty Cổ phần cao su Sa Thầy (10% vốn điều lệ), Khu Công nghiệp Hố Nai, Công ty Cổ phần Thương mại -Dịch vụ- Du lịch Cao su tại Móng Cái – Tỉnh Quảng Ninh … với tổng số vốn góp gần 20 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú đã niêm yết và chính thức giao dịch cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh  từ tháng 11 năm 2007, với mã giao dịch là DPR, có 43 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/ cổ phiếu.

SSI & FPTS & Rồng Việt

Link nội dung: https://vinabull.vn/dinh-gia-co-phieu-dpr-cao-su-dong-phu-mang-cao-su-on-dinh-mang-dat-beo-bo-gia-muc-tieu-88000-dongcp-a1352.html