Hiện bà Đoàn Hoàng Anh đang sở hữu 9 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng tỷ lệ 0,97%. Sau khi hoàn tất giao dịch, con gái bầu Đức có thể nâng sở hữu lên 11 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 1,19%.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HAG đang được giao dịch quanh mốc 13.000 đồng/đơn vị. Tạm tính theo thị giá này, bà Hoàng Anh sẽ phải chi ra 26 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua vào đủ số lượng cổ phiếu trên.
Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức hiện là cổ đông lớn nhất tại Hoàng Anh Gia Lai nhờ trực tiếp nắm giữ gần 320 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng tỷ lệ 34,5% vốn.
Về hoạt động kinh doanh của tập đoàn phố núi này, Hoàng Anh Gia Lai đang ghi nhận nhiều thay đổi từ cuối năm ngoái đến nay. Theo đó, từ ngày 1/4, doanh nghiệp đã sử dụng bộ nhận diện thương hiệu với màu sắc mới. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của bầu Đức thay đổi logo kể từ khi thành lập vào năm 1993.
Logo mới vẫn giữ lại bố cục như logo cũ nhưng có thay đổi về màu sắc gồm 3 gam màu vàng, màu nâu đất và màu trắng. Đáng chú ý, màu sắc mới trong bộ nhận diện thương hiệu của Hoàng Anh Gia Lai trùng với màu sắc thương hiệu của LPBank.
Thực tế, Hoàng Anh Gia Lai và LPBank thời gian gần đây cũng đã bắt tay trong nhiều lĩnh vực. Như hồi tháng 10/2023, LPBank và Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác toàn diện.
Đến tháng 11 cùng năm, ngân hàng có trụ sở chính tại Hà Nội tiếp tục ký kết hợp tác toàn diện với Học viện bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Sau ký kết, HAGL đã đổi tên học viện và câu lạc bộ thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và Câu lạc bộ Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.
Đến đầu tháng 3 vừa qua, LPBank và Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh.
Trong danh sách nhà đầu tư chiến lược dự kiến nhận phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Hoàng Anh Gia Lai sắp tới cũng có nhiều cái tên liên quan tới ngân hàng này.
Trước nỗi lo doanh nghiệp có thể bị thâu tóm, tại cuộc gặp nhà đầu tư vào tháng 12/2023, bầu Đức đã trấn an cổ đông không lo lắng về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh nếu có thì “quá tốt”.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.442 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.781 tỷ đồng, tăng 59%.
Thành viên cập nhật ngày 31/1/2024: con gái Bầu Đức đăng ký bán 2 triệu cp khi giá tăng
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi thông tin tới Ủy ban chứng khoán Nhà Nước và HoSE, trưa 31/1 về việc bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HAG thông qua khớp lệnh trên sàn.
Giao dịch được thực hiện từ 5/2-4/3. Lý do bán là xử lý tài chính cá nhân.
Trước đó, bà Đoàn Hoàng Anh đang sở hữu 11 triệu cổ phiếu HAG, tỷ lệ 1,19%. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu bà Hoàng Anh nắm giữ còn 9 triệu, tỷ lệ 0,97%.
Trong phiên sáng 31/1, giá cổ phiếu HAG dao động quanh 14.500 đồng, giảm 3% so với tham chiếu. Với mức giá này, nếu bán thành công, bà Anh có thể thu về khoảng 28-29 tỷ đồng.
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Theo đó, lũy kế cả năm công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.805 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,6% và 75,5%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, sắp tới sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.
Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, theo bầu Đức, mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.
Năm nay, công ty này sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm, công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.
Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 20/12/2023: con gái Bầu Đức đăng ký mua 1 triệu cp
Thông tin vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà Nước và HoSE trưa 20/12 cho hay bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đăng ký mua một triệu cổ phiếu HAG thông qua khớp lệnh trên sàn.
Trước đó, bà Đặng Hoàng Anh đang sở hữu 10 triệu cổ phiếu HAG, chiếm tỷ lệ 1,08%. Sau giao dịch, dự kiến tỷ lệ sở hữu của bà là 11 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,19%. Thời gian thực hiện giao dịch mua cổ phiếu trên từ 25/12-23/1/2024.
Kết phiên giao dịch ngày 19/12, HAG có giá 12.400 đồng một cổ phiếu, tạm tính theo giá này, con gái bầu Đức cần chi ra khoảng 12,4 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu này.
2 tháng qua, HAG luôn công bố các thông tin có lợi như bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, kế hoạch bán bệnh viện, trả nợ trái phiếu và ngân hàng, đã giúp cổ phiếu này có đà tăng ấn tượng tới 80% sau khi đạt đỉnh ngắn hạn 13.850 đồng một cổ phiếu ngày 14/12.
Chia sẻ với các nhà đầu tư trong buổi gặp gỡ mới đây, bầu Đức ước tính lợi nhuận năm 2023 dự kiến là 2.150 tỷ đồng nhờ các khoản thu nhập đột biến. Ông cho rằng 2025 sẽ trả hết nợ vay và là công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ.
Cập nhật ngày 30/11/2023: bất ngờ thay 'cá mập'
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa hủy danh sách cũ để công bố lại danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, trong đó ThaiGroup đã thay thế Quỹ Việt Cát.
Theo danh sách mới, Công ty Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (sở hữu 4,73% sau khi phát hành), Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu (4,92%) và ông Nguyễn Đức Quân Tùng mua 28 triệu cổ phiếu (2,65%).
Trong phương án chào bán riêng lẻ trước đó, Quỹ Việt Cát dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu HAG. Theo đó, vị trí này đã được thay bằng Thaigroup và một phần được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Thaigroup, tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành, là một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề, hiện do ThaiHoldings (THD) sở hữu hơn 81% vốn.
Thaiholdings từng là công ty có liên quan tới ông Nguyễn Đức Thụy. Hiện ông Thụy giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LPBank). Ngân hàng này cũng vừa ký hợp tác toàn diện với HAGL.
Chứng khoán LPBank thành lập năm 2009. Hiện, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) là một trong những cổ đông lớn của công ty này, giữ 5,5% cổ phần.
Còn Quỹ Việt Cát được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài thông qua việc tận dụng các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Công ty đặt trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Doji Tower (Hà Nội).
Trước đó, tối 23/11, Hoàng Anh Gia Lai công bố kế hoạch chào bán 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng một cổ phiếu. Thành phần nhà đầu tư dự kiến tham gia khi đó gồm Chứng khoán LPBank, Quản lý quỹ Việt Cát (Quỹ Việt Cát) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Tùng Quân. Tuy nhiên, một ngày sau khi công bố thông tin, doanh nghiệp của Bầu Đức thông báo hủy do "có sai sót cần điều chỉnh".
Tháng 9 năm ngoái, HAG từng triển khai phương án bán gần 162 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng, dự kiến thu về 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không phù hợp nên các nhà đầu tư đã từ chối mua, kế hoạch trên thất bại.
Đợt này, nếu phát hành riêng lẻ thành công, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ đồng dùng bổ sung vốn lưu động cho công ty con, thanh toán các khoản nợ của tập đoàn.
Công ty của bầu Đức dự kiến dùng 323 tỷ đồng thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012, cơ cấu lại khoản nợ tại TPBank cho công ty con là Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023-2024.
Cập nhật ngày 23/11/2023: 3 'cá mập' sẽ mua cổ phiếu HAGL
Tối 23/11, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE phương án chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, thành phần nhà đầu tư dự kiến tham gia gồm: Công ty cổ phần chứng khoán LPBank, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (Quỹ Việt Cát) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Tùng Quân.
Cụ thể, chứng khoán LPBank sẽ mua 50 triệu cổ phiếu, tương đương 4,73%; Quỹ Việt Cát mua 60 triệu cổ phiếu, tương đương 5,67%; ông Nguyễn Đức Tùng Quân mua 20 triệu, tương đương 1,89%.
Chứng khoán LPBank thành lập năm 2009. Hiện, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng là một trong những cổ đông lớn của công ty này chiếm 5,5% cổ phần.
Liên quan đến LPBank, trước đó ngân hàng này đã ký hợp tác toàn diện với HAG. Hôm 2/11, CLB bóng đá HAGL công bố đổi tên thành CLB bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Hiện, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị của LPBank.
Còn Quỹ Việt Cát được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài thông qua việc tận dụng các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Công ty đặt trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Doji Tower (Hà Nội).
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank góp vốn, mua cổ phần để mua lại Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Việt Cát với số tiền tối đa 125 tỷ đồng. Nhà băng này phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận.
Ông Nguyễn Đức Quân Tùng là một trong số các nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán trước đó của HAGL. Ông chưa từng mua cổ phiếu HAG.
Tháng 9 năm ngoái, HAG từng triển khai phương án bán gần 162 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng, dự kiến thu về 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến thị trường không phù hợp nên các nhà đầu tư đã từ chối mua, kế hoạch trên thất bại.
Đợt này, nếu triển khai phát hàng riêng lẻ thành công, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ đồng dùng bổ sung vốn lưu động cho công ty con, thanh toán các khoản nợ của tập đoàn.
Theo đó, công ty của bầu Đức sẽ dùng 323 tỷ đồng thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012; cơ cấu lại khoản nợ tại TPBank cho công ty con là Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng); bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023-2024.
Cập nhật ngày 26/4/2023: không bán được riêng lẻ, quay sang phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 7.500 đồng/cp
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Gia (HAG) dự tính phát hành với giá 7.500 đồng một cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,16% số cổ phiếu đang lưu hành. Chốt phiên 25/4, cổ phiếu HAG có giá 7.690 đồng.
Thời gian phát hành dự kiến năm 2026 nếu được cổ đông thông qua. Trong đó, 50% số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số còn lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.
Trường hợp cổ phiếu không phát hành hết, Hội đồng quản trị HAG sẽ toàn quyền quyết định về điều kiện và đối tượng phát hành số cổ phiếu còn lại với giá bán không thấp hơn giá phát hành nêu trên.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị HAG cũng trình việc bầu thêm một thành viên. Trước đó, ngày 19/4, bà Võ Thị Huyền Lan đã gửi đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị.
Hiện, hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 người gồm Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và các thành viên là ông Võ Trường Sơn, bà Võ Thị Mỹ Hạnh và ông Trần Văn Dai.
Trước đó, công ty chào bán không thành công 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng. Lý do là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến.
Cập nhật ngày 17/4/2023: giá trên sàn thấp quá, không bán được riêng lẻ cho nhà đầu tư lớn
Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã: HAG) thông qua báo cáo kết quả đợt phát hành riêng lẻ, mới kết thúc vào ngày 17/4 căn cứ theo văn bản chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Kết quả chào bán không hoàn thành. Nguyên nhân là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp phố núi sẽ phát hành gần 162 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Tổng số tiền dự kiến huy động gần 1.700 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Trong đó, HAGL dự định dùng 800 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai để hoạt động kinh doanh, bao gồm nhưng không giới hạn hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, trái cây, thức ăn chăn nuôi.
Bổ sung vốn gần 400 tỷ đồng cho CTCP Gia súc Lơ Pang để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Ngoài ra, HAGL dành 500 tỷ đồng còn lại để trả nợ gốc đối với trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.
Danh sách nhà đầu tư gần nhất tham gia gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát và 6 cá nhân (trong đó có 5 cá nhân đang là cổ đông của HAGL).
Do huy động vốn bất thành, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết ban lãnh đạo đã thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn cho tập đoàn.
HAGL sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; đồng thời sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án để đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư đã đề ra.
Tập đoàn cũng sử dụng nguồn tiền từ việc thu hồi nợ nhóm công ty HAGL Agrico (HNG) và hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Trong chia sẻ hồi đầu năm, người đứng đầu tập đoàn còn tiết lộ theo thoả thuận với đại diện hiện nay của nhóm HAGL Agrico là ông Trần Bá Dương thì nhóm này sẽ trả thêm cho HAGL 500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch 2023, tập đoàn của bầu Đức đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, đều nhích nhẹ so với năm liền trước.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp phố núi sẽ duy trì ngành cây ăn trái với quy mô 7.000 ha chuối, ngành chăn nuôi cũng tiếp tục hoạt động với 10 cụm chuồng trại, công suất 600.000 con heo thịt/năm (mỗi cụm nuôi 2.400 heo nái, một heo nái sinh khoảng 25 heo thịt/năm).
Sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh của công ty bầu Đức còn thể hiện ở đề xuất không thực hiện chia cổ tức và tăng vốn năm nay. Đối với thù lao cho lãnh đạo nòng cốt, HĐQT HAGL muốn được ủy quyền việc trích thù lao và báo cáo lại vào kỳ đại hội năm 2024.
Cập nhật ngày 4/1/2023: chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã: HAG) vừa công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần thanh toán hơn 1.021 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023.
Tập đoàn nói nguyên nhân chậm thanh toán do "Nguồn tiền để thanh toán là từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của tập đoàn".
Thực tế vào tháng 9/2022, HAGL Agrico đã hoàn tất trả nợ một phần số tiền 600 tỷ đồng cho HAGL và chỉ còn nợ doanh nghiệp của bầu Đức khoảng 1.520 tỷ đồng. Đổi lại, phía HAGL Agrico được nhận quyền sử dụng đất với diện tích 9.470 ha và các tài sản trên đất thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas.
Giao dịch trên là một trong các bước của lộ trình trả nợ 3 bên giữa HAGL, HAGL Agrico và ngân hàng BIDV. Các bên đã ký kết thỏa thuận cam kết nghĩa vụ nợ với ngân hàng.
Theo thỏa thuận, HAGL cam kết sẽ tách bạch, giải chấp/giải trừ nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của HAGL Agrico và công ty con của doanh nghiệp này ra khỏi nghĩa vụ nợ trái phiếu HAGLBOND16.26. Đồng thời tài sản của HAGL chỉ đảm bảo cho nghĩa vụ đối với trái phiếu của tập đoàn.
Mục đích chính là để tách bạch nghĩa vụ nợ và trả nợ của các bên trong các khoản vay, trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trong giai đoạn trước, thời điểm mà HAGL Agrico vẫn còn là công ty con của HAGL.
Trong một thông báo khác hồi giữa tháng 10/2022, HAGL cho biết chỉ còn 2 khoản trái phiếu thường bao gồm: Khoản trái phiếu 5.271 tỷ đồng (phát hành 30/12/2016 - đáo hạn 30/12/2026) và lô trái phiếu 300 tỷ đồng (phát hành 18/6/2012 - đáo hạn 30/9/2023). Các khoản này đều có đầy đủ tài sản đảm bảo cho dư nợ hiện tại.
Giảm áp lực nợ là một trong những mục tiêu mà chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đặt ra cho HAGL trong công cuộc tái cấu trúc. Tập đoàn này dự kiến bán thêm cổ phần và các tài sản khác để dứt khoát các khoản nợ ngân hàng, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh mới.
Tổng nợ phải trả của HAGL đã tái cơ cấu mạnh từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về mức hơn 14.000 tỷ đồng tại quý III/2022. Trong đó giá trị vay nợ ngân hàng, nợ trái phiếu và các bên khác còn khoảng 8.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo kinh doanh 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp của bầu Đức đã thu về 4.100 tỷ đồng doanh thu từ cây ăn trái và chăn nuôi. Lợi nhuận sau thuế lên mức 1.115 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2014 đến nay và qua đó đã hoàn thành 99% kế hoạch năm (1.120 tỷ).
Dù đang có những bước tiến lớn về kinh doanh, tập đoàn vẫn còn đối mặt với khoản lỗ lũy kế rất lớn gần 3.600 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Kết quả lãi nghìn tỷ đồng năm nay vẫn chưa thể giúp công ty xóa hết lỗ các năm trước và do đó cổ phiếu vẫn nằm trong diện bị kiểm soát.
Cập nhật ngày 10/10/2022: HAG được thoát diện kiểm soát
Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát, chuyển sang diện cảnh báo (mức độ nhẹ hơn) từ ngày 11/10. Quyết định này vừa được Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Trần Anh Đào ký.
Lý do giúp cổ phiếu HAG được đưa ra khỏi diện kiểm soát nhờ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 đã chuyển sang dương hơn 203 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm, công ty này lãi gần 800 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm.
Trước đó, 20/4/2021, cổ phiếu HAG bị Sở đưa vào diện kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2020 đều âm. Sau 2 năm cải thiện, hoạt động kinh doanh của HAG từ đầu năm nay có lãi trở lại.
Theo báo cáo gửi cổ đông, 8 tháng đầu năm, doanh thu công ty bầu Đức đạt 2.708 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 781 tỷ đồng. Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và gấp gần 9 lần kết quả thực hiện của năm ngoái.
Tám tháng qua, công ty này tiêu thụ hơn 136.000 con heo thịt và trên 167.000 tấn chuối. Trong văn bản giải trình báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, HAG cho biết đang nuôi 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, Gia Lai và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11.
Đến 30/6, tổng nợ ngân hàng của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) từ 28.000 tỷ đồng xuống còn gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ gốc trái phiếu của BIDV đến hạn vào cuối năm nay là 1.294 tỷ đồng. Cuối tháng 9, Hoàng Anh Gia Lai công bố đã hoàn tất việc mua lại lô trái phiếu trị giá 605 tỷ đồng tại BIDV bằng nguồn tiền thu nợ HNG và sản xuất kinh doanh. Như vậy, sau khi trừ 605 tỷ đồng vừa thanh toán, số nợ trái phiếu ngắn hạn mà HAG phải trả trong năm nay là 689 tỷ đồng.
Trước đó, bầu Đức cho biết năm 2022, nếu thu hồi hết nợ từ HNG (2.200 tỷ đồng), công ty này có thể giảm tổng dư nợ ngân hàng xuống dưới 6.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch trả nợ của HAG, bầu Đức cho biết sẽ cố gắng xóa hết nợ trong 3 năm tới...
Cập nhật ngày 7/5/2022: con gái bầu Đức mua xong 1 triệu cp, nâng lượng nắm giữ lên 9 triệu
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) vừa có thông báo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan người nội bộ công ty là Đoàn Hoàng Anh, con gái ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL.
Hoàng Anh đã hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG trong phiên 5/5 vừa qua để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp của cha mình lên 9 triệu đơn vị, tương đương 0,97% vốn công ty.
Trong phiên 5/5, giá cổ phiếu HAG đóng cửa ở mức 9.990 đồng/đơn vị, tạm tính theo mức giá này, bà Hoàng Anh đã phải chi ra gần 10 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên.
Đáng chú ý, giao dịch mua vào cổ phiếu HAG của con gái bầu Đức diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HAG đã giảm liên tục trong một tháng qua. Từ vùng giá hơn 13.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 4, HAG đã giảm một mạch về vùng 9.400 đồng/đơn vị hiện tại, tương đương mức giảm ròng gần 30% trong vòng 1 tháng. Đây cũng là vùng giá thấp nhất mà cổ phiếu HAG ghi nhận kể từ đầu năm 2022.
Đây cũng không phải lần đầu bà Hoàng Anh chi tiền tỷ để bắt đáy cổ phiếu HAG. Trước đó, chính ái nữ nhà bầu Đức đã chi hơn 40 tỷ đồng để mua vào 8 triệu cổ phiếu HAG trong giai đoạn tháng 8-9/2021. Sau khi bà Hoàng Anh hoàn tất các đợt mua vào này, cổ phiếu HAG đã ghi nhận xu hướng phục hồi mạnh và tăng giá gấp 3 lần, giúp khoản đầu tư của bà lãi hàng chục tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài lượng cổ phiếu do con gái Đoàn Hoàng Anh nắm giữ, bầu Đức vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu trực tiếp gần 320 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 34,5% vốn doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính, HAG (Hoàng Anh Gia Lai) quý 1/2022 đạt lợi nhuận 250 tỷ, cao nhất trong 9 quý.
Cập nhật ngày 21/9/2021: Con gái bầu Đức muốn mua thêm 4 triệu cổ phiếu HAG
Chiều 21/9, con gái Bầu Đức là Đoàn Hoàng Anh đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trên sàn từ tuần sau đến 26/10 nhằm tăng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 8 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,86% vốn.
Đây là lần thứ hai con gái ôg Đoàn Nguyên Đức đăng ký gom cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai. Giữa tháng 8, bà Đoàn Hoàng Anh mua 4 triệu cổ phiếu tại vùng giá 5.200 đồng với mục đích và phương thức giao dịch tương tự. Giao dịch khi đó dự kiến kéo dài trong một tháng, nhưng chưa đầy hai tuần đã kết thúc.
Con gái Bầu Đức liên tục tăng sở hữu tại Hoàng Anh Gia Lai trong bối cảnh cổ phiếu ở vùng giá tương đối thấp. HAG chốt phiên 21/9 giảm 1,3% xuống 5.130 đồng, thấp hơn 20% so với vùng đỉnh trong năm nay là 6.400 đồng. Bình quân mỗi phiên giao dịch trong một tháng trở lại đây có 3,27 triệu cổ phiếu được sang tay bằng phương thức khớp lệnh.
Hoàng Anh Gia Lai đến nay vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Công ty có doanh thu nửa năm khoảng 166 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế hơn 385 tỷ đồng. Trong nghị quyết hội đồng quản trị gần nhất, công ty đã thông qua phương án sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ luỹ kế 3.263 tỷ đồng.
Cập nhật ngày 4/8/2021: Con gái bầu Đức muốn mua 4 triệu cổ phiếu HAG
Theo đó, Hoàng Anh đã đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân. Theo kế hoạch, giao dịch mua sẽ diễn ra từ 9/8 đến 7/9, thông qua các phiên khớp lệnh trên sàn.
Trước giao dịch, Hoàng Anh chưa hề nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HAG nào. Tuy nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT, lại đang nắm giữ trực tiếp hơn 319,95 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 34,5% vốn doanh nghiệp.
Với thị giá vào khoảng 5.150 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 4/8), dự kiến con gái bầu Đức sẽ phải chi khoảng 20 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ mua vào nói trên.
Tại HAGL, ngoài ông Đoàn Nguyên Đức nắm trực tiếp 319,95 triệu cổ phiếu, một số thành viên trong gia đình ông cũng nắm lượng nhỏ HAG, như bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ ruột ông Đức) nắm 150.375 cổ phiếu; ông Đoàn Nguyên Thịnh (em trai) nắm 488.934 cổ phiếu; ông Lê Văn Kế (em rể) nắm 320.620 cổ phiếu…
Diễn biến giá cổ phiếu HAG từ đầu năm đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Hiện, tổng lượng cổ phiếu HAG do bầu Đức và người có liên quan trong gia đình nắm giữ vào khoảng 321,35 triệu đơn vị, tương đương 34,65% lượng cổ phiếu HAG đang lưu hành trên thị trường.
Liên quan tới hoạt động của HAGL, mới đây công ty này thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản thông qua một số nội dung quan trọng. Trong đó, có việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế.
Ông Đoàn Nguyên Đức mới đây cũng có thư gửi cổ đông cho biết HAGL sẽ tập trung 2 mảng kinh doanh chủ lực là chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái.
Trong đó, ở mảng chăn nuôi, dự kiến đến cuối năm nay, tập đoàn sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.
Với ngành cây ăn trái, tập đoàn sẽ đầu tư duy trì khoảng 10.000 ha trồng chuối và các loại cây ăn trái khác. Hiện tại, HAGL đang có diện tích vườn chuối hoàn thiện khoảng 5.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự kiến năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/ha.
Bầu Đức cũng cho biết đến nay cơ bản việc tái cơ cấu tài chính đã hoàn thành. Tình hình nợ của tập đoàn giảm đáng kể và chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu BIDV.
Tập đoàn có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group, mã HAG)
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group), tên chính thức là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, thường được gọi đơn giản là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL hay HAG), là một công ty đa ngành nghề, có trụ sở đặt tại Pleiku, Việt Nam.
Tiền thân của công ty là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku do ông Đoàn Nguyên Đức sáng lập năm 1993 và được chuyển đổi thành CTCP HAGL năm 2006. Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG.
Từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ, công ty đã đa dạng hóa sang các ngành khác như là cao su, tài chính và làm bóng đá. HAGL có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ nhì năm 2011.[4] HAGL cũng phát triển mạnh ở bên ngoài Việt Nam, với khoản đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD vào Lào, hàng trăm triệu đô vào Myanma, 100 triệu USD vào Campuchia và hàng chục triệu đô la vào Thái Lan .
HAGL không gặp nhiều may mắn thời gian qua khi đầu tư vào cao su (do rớt giá), làm khoáng sản thì không có đầu ra; chuyển sang nông nghiệp cũng chưa có kết quả rõ rệt. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc “ôm” các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-hag-a1131.html