Định giá cổ phiếu VGC (Viglacera): có thể duy trì biên lợi nhuận cao từ 740 ha đất KCN

Viglacera (VGC) là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh. VGC đã phát triển 11 khu công nghiệp và có diện tích đất cho thuê là 740 ha, tập trung ở miền Bắc và miền Trung.

 

vgc-yenphong-1673418052.jpg

Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) của Tổng công ty Viglacera (VGC)

VGC là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành VLXD gồm kính, gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh. VGC cũng là một công ty lớn trong hoạt động đầu tư KCN, sở hữu lớn diện tích đất KCN và dịch vụ KCN ở miền Trung và miền Bắc, công ty đã phát triển tổng cộng 11 KCN.

Hiện tại, công ty có 740 ha đất sẵn sàn cho thuê. VGC đã thu hút được những doanh nghiệp trên thế giới trong các ngành công nghiệp hàng đầu như Samsung, Accor và BYD, cùng nhiều công ty khác.

Với vị thế dẫn đầu trong ngành KCN trong nước, VGC sẽ duy trì được lợi nhuận ổn định từ việc cho các doanh nghiệp sản xuất thuê đất công nghiệp trong dài hạn.

Cho năm 2023, dự báo doanh thu thuần đạt 12,1 nghìn tỷ đồng (giảm 16,7% svck) và LNTT đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 24,6% svck). Trong năm 2024, dự báo doanh thu và LNTT lần lượt đạt 13,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9,7% svck) và 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng 18,4% svck).

VGC hiện đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2023 lần lượt là 17,9x và 3,18x. Về dài hạn, VGC có thể duy trì biên lợi nhuận cao từ 740 ha đất KCN đã đề cập ở trên, cộng với việc công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kính xây dựng (mở rộng kính siêu trắng tại nhà máy Phú Mỹ), và công suất đá granite và gốm (nhà máy Eurotile sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023).

SSI sử dụng phương pháp SOTP và đưa ra giá mục tiêu là 51.100 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu VGC khi điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu xuống 12% so với 13,5% như trước đó và nâng P/E mục tiêu ngành vật liệu xây dựng từ 10x lên 12x.

SSI khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VGC. Trong ngắn hạn, thông tin mới về những khách thuê lớn có thể thuê diện tích đất đáng kể, cùng với sự tăng trưởng trong xuất khẩu gạch granite và gạch men sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu.

Rủi ro: (i) Nhu cầu xây dựng yếu ảnh hưởng đến mức tiêu thụ VLXD của VGC; (ii) Cạnh tranh gay gắt trong ngành VLXD; và (iii) Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các KCN mới tăng lên

Cập nhật ngày 3/9/2023: P/E đang khá cao, giá hợp lý 48.000 đồng/cp

Về kết quả kinh doanh VGC (Viglacera) 6 tháng 2023, lợi nhuận chủ yếu nhờ mảng bất động sản. Trong nửa đầu năm, ngành bất động sản gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên mảng bất động sản khu công nghiệp của VGC cho thấy kết quả trái ngược.

Với biên lợi nhuận gộp lên tới 53.4% tăng mạnh so với cùng kỳ (Q2/2022 đạt 38.1%) đã giúp lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng đạt 940.49 tỷ đồng (+30.8% yoy) chiếm 75% tỷ trọng lợi nhuận gộp của toàn công ty.

Trong những tháng cuối năm, VGC sẽ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án Khu công nghiệp: Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên. VGC đang sở hữu 11 KCN với tổng diện tích gần 4,000 ha. Trong đó quỹ đất kinh doanh tính tới cuối năm 2022 đạt 900 ha.

Trong năm 2023 VGC dự kiến đầu tư hơn 1.8 nghìn tỷ cho hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ KCN. Dự kiến cả năm 2023 VGC sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 218 ha.

Sở hữu quỹ đất lớn tập trung tại phía Bắc sẽ đem lại lợi thế cho VGC khi nhà nước đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kết nối các vùng và khu vực lân cận giúp nâng cao giá trị các KCN của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, chiến lược Trung Quốc +1 dễ hướng dòng vốn FDI đến phía Bắc tăng lên do khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc. Đây là những yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tích cực tới VGC trong những năm tới.

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, VLXD vẫn tiếp tục mở rộng và duy trì dòng tiền cho VGC. Mảng gạch ốp lát là một trong những lĩnh vực đem lại lợi nhuận gộp lớn và đều đặn với hơn 650 tỷ mỗi năm. Trong Q2/2023 mảng này có doanh thu đạt 942.64 tỷ (+1.8% yoy) nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 157.11 tỷ (-15.2% yoy) nguyên nhân 1 phần do áp lực từ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh khó khăn của ngành khiến biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ.

Để đối mặt với cạnh tranh, doanh nghiệp đã lựa chọn chiến lược khác biệt với dòng sản phẩm mới Porcalain khổ lớn. Đây là dòng sản phẩm đang dần trở nên phổ biến và được yêu thích nhờ mang lại thiết kế liền mạch tạo cảm giác không gian rộng rãi, sang trọng.

Hiện nay, VGC trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Khu vực Đông Nam Á  nhập khẩu dây chuyền Continua+ về sản xuất tấm Porcelain khổ lớn tại nhà máy Viglacera – Eurotile. Sau quá trình đầu tư từ năm 2021 đến nay nhà máy đã hoàn thiện và đi vào sản xuất.

Mảng kính gương đã từng mang lại cho VGC quả ngọt trong năm 2022 với 888.55 tỷ lợi nhuận gộp chiếm 21% tỷ trọng lợi nhuận toàn doanh nghiệp. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023 biên lợi nhuận của mảng này rớt mạnh từ 30% trong năm 2022 xuống còn khoảng 0.4% đã xóa sạch kết quả từ việc bán hàng.

Nguyên nhân do nhu cầu và giá bán kính giảm trong khi đó vẫn phải duy trì hoạt động ổn định của lò khiến giá vốn bị đẩy lên cao. Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như dầu FO, soda hạ nhiệt cùng với các dự án BĐS đang được tháo gỡ mang lại kỳ vọng lợi nhuận của mảng kính trở lại.

Định giá VGC

Nhờ đóng góp tích cực từ mảng BĐS KCN và VLXD hoạt động ổn định, doanh thu 2023 của VGC dự phóng đạt 13.1 nghìn tỷ và LNST đạt 1.37 nghìn tỷ. VGC đang giao dịch với PE 17.5 lần cao hơn giá trị trung bình 3 năm là 16.7 lần.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), với PE trung bình 3 năm, giá trị hợp lý của VGC trong năm 2023 tương ứng 48,000đ.

Rủi ro: Thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe của các khách hàng trong cải tiến sản phẩm cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành có thể đe dọa đến thị phần trong mảng vật liệu xây dựng của VGC.

Cập nhật ngày 10/6/2023: thách thức trong ngắn hạn, giá mục tiêu 43.600 đồng/cp

Kế hoạch LNTT giảm mạnh trong năm 2023 với doanh thu hợp nhất năm 2023 kế hoạch là 14,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn 8% so với kết quả đạt được năm 2022), trong khi kế hoạch LNTT hợp nhất được đặt là 1,2 nghìn tỷ đồng (thấp hơn 48% so với kết quả đạt được trong năm 2022).

Kết quả kinh doanh Q1/2023 giảm mạnh: Doanh thu thuần đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (118 triệu USD; -27,6% svck). Lợi nhuận ròng đạt 151 tỷ đồng (-79,9% svck).

Lợi nhuận của VGC trong năm 2023 sẽ gặp thách thức do nhu cầu và giá kính xây dựng dự kiến điều chỉnh giảm. Dự báo doanh thu thuần trong năm 2023 là 11,7 nghìn tỷ đồng (497 triệu USD; -16,2% svck), thấp hơn kế hoạch của công ty.

Lợi nhuận trước thuế dự báo trong năm 2023 đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (-30,1% svck). EPS năm 2023 dự báo là 2.709 đồng, tương đương P/E dự phóng là 13,6x- cao hơn P/E trung bình ngành là 11,5x.

Luận điểm đầu tư

Viglacera (VGC) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh.

VGC đã phát triển 11 khu công nghiệp và có diện tích đất cho thuê là 740 ha, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, VGC đã thu hút được nhiều khách hàng lớn, bao gồm Samsung, Accor, BYD và nhiều doanh nghiệp khác. Kỳ vọng VGC sẽ duy trì nguồn lợi nhuận ổn định từ việc cho thuê các khu công nghiệp hiện tại trong dài hạn.

VGC đang giao dịch với P/E và P/B 2023 lần lượt là 13,6x và 1,8x. Về dài hạn, VGC sẽ có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ diện tích cho thuê hơn 740 ha hiện tại, đồng thời công ty tiếp tục mở rộng công suất trong mảng kính xây dựng (mở rộng kính siêu trắng tại nhà máy Phú Mỹ) và gạch granite and ceramic (nhà máy Eurotile sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023).

SSI sử dụng phương pháp SOTP và đưa ra giá mục tiêu là 43.600 đồng/cp đối với cổ phiếu VGC. Trong ngắn hạn, SSI cho rằng những thông tin mới về khách thuê diện tích lớn và tăng trưởng xuất khẩu gạch granite và ceramic sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

Cập nhật ngày 17/7/2021: Lợi nhuận 2022 khó duy trì trong 2023, giá mục tiêu 45.500 đồng/cp

Viglacera (VGC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về vật liệu xây dựng (kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh), đồng thời là chủ đầu tư của 11 khu công nghiệp với 879 ha đất còn lại sẵn sàng cho thuê tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong đó, một số khách hàng lớn của VGC như Samsung, Accor,….

Năm 2022, Tổng công ty Viglacera (VGC) ghi nhận kết quả kinh doanh bất động sản tăng trưởng tốt. Lợi nhuận trước thuế của riêng mảng này ước đạt 1.622 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm và tăng 57% so với thực hiện năm 2021. Đây là năm thứ hai liên tiếp mảng bất động sản mang về lãi trước thuế hơn nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp này.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2023, Viglacera sẽ khảo sát và phát triển một số khu công nghiệp mới tại các địa phương có vị trí thuận lợi. Đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.

Ngoài khu công nghiệp, Viglacera đã khởi công xây dựng 2.000 căn hộ - dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) và 1.000 căn hộ tại dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh). Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn IV cũng đã hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động.

Ngoài bất động sản, mảng kinh doanh truyền thống về vật liệu xây dựng cũng góp phần lớn, nhất là mảng kính. Nguyên nhân đến từ việc hợp nhất Công ty Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất 600 tấn mỗi ngày và giá kính tăng phi mã trong nửa đầu năm 2022.

Tuy nhiên năm nay, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VGC gặp nhiều áp lực. Về mảng bất động sản khu công nghiệp, các dự án sẵn sàng cho thuê hiện tại như Yên Phong IIC, Phú Hà, Hài Yên, Tiền Hải, Phong Điền có biên lợi nhuận thấp và diện tích còn lại không quá nhiều. Do vậy áp lực tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 sẽ rất lớn. Về bất động sản dân cư, Viglacera đã hạch toán phần lớn các khu đô thị đã bán, do đó tiềm năng ghi nhận doanh thu năm nay sẽ không nhiều.

Về mảng vật liệu xây dựng, động lực tăng trưởng lớn của năm ngoái là kính xây dựng và gạch ốp lát, có thể gặp nhiều thách thức trong năm nay. Hiện nay, giá kính đang có đà giảm mạnh sau khi nguồn cung trong nước hồi phục và nhu cầu sụt giảm...

SSI do vậy không kỳ vọng VGC trong dài hạn sẽ có thể duy trì lợi nhuận ổn định được như năm qua dù vẫn thu đều từ các khu công nghiệp hiện có.

VGC hiện giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 11,1x và 15,3x.

SSI đưa ra giá mục tiêu là 45.500 đồng/cổ phiếu, và khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VGC.

Tổng công ty Viglacera (mã CK: VGC)

Tiền thân của Tổng Công ty là Công ty Gạch Ngói Sành Sứ được thành lập từ năm 1974. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã nhiều lần đổi tên và thay đổi mô hình hoạt động. Năm 1993, Tổng Công ty Thủy Tinh và Gốm Xây Dựng được thành lập. Đến năm 2006, Tổng Công ty được đổi tên thành Tổng Công ty Viglacera, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Tổng công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo Giấy CNĐKDNCP số 0100108173 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp ngày 22/07/2014.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, đồng thời cũng được biết đến là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm gồm khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê. Viglacera chú trọng đa dạng hóa sản xuất và sản phẩm nhằm cung cấp trọn gói và đồng bộ các loại vật liệu xây dựng cho các dự án lớn tại thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Viglacera là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Viglacera là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tin cậy có danh mục đa dạng phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Viglacera định hướng trở thành doanh nghiệp đa quốc gia, hoạt động sản xuất kinh doanh trên 2 lĩnh vực cốt lõi là: Sản xuất kinh doanh các loại vật liệu xây dựng đồng bộ, cao cấp với chất lượng hàng đầu Việt Nam, thân thiện môi trường và đầu tư kinh doanh bất động sản đa lĩnh vực, ưu tiên phát triển hạ tầng KCN, đô thị và nhà ở với những tiện ích tối đa cho khách hàng.

 

CSI & SSI

Link nội dung: https://vinabull.vn/dinh-gia-co-phieu-vgc-viglacera-a1028.html