Cập nhật hoạt động CTG (Vietinbank): ráo riết thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ

MĂNG GIANG

04/07/2023 10:24

VietinBank vừa thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng.

 

Danh sách tài sản cần xử lý của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) gồm 358 bất động sản và 38 phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị khác. Các tài sản đảm bảo này sẽ được bán đấu giá hoặc thỏa thuận. Tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong nhóm bất động sản, ngoài nhà thổ cư, thửa đất, VietinBank còn rao bán hàng loạt khách sạn 4-5 sao, nhiều homestay, biệt thự tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa).

Giá trị lớn nhất trong danh sách tài sản cần thanh lý của ngân hàng này là một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98-104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Riêng tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Ngoài khách sạn, biệt thự, một số dự án tòa nhà văn phòng cũng được chào bán. Một tòa nhà văn phòng với diện tích hơn 1.050 m2 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 12, Bình Thạnh (TP HCM) được VietinBank chào bán hơn 213 tỷ đồng.

Tại Chư Sê (Gia Lai), một nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3 một ngày đêm được rao bán hơn 108 tỷ đồng để thu hồi nợ. Một nhà xưởng sản xuất gia công các loại sản phẩm gỗ tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được chào gần 20 tỷ đồng.

Ngoài bán tài sản thu hồi nợ, VietinBank cũng thông báo bán 566 khoản nợ vay tiêu dùng. Các khoản vay này có quy mô từ vài trăm nghìn đồng tới gần 200 triệu đồng. Các khoản nợ này được chào bán bằng 90% giá trị ghi sổ (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt).

Cập nhật ngày 20/12/2021: rao bán hơn 8.000 m2 đất của đại gia xăng dầu Trịnh Sướng

VietinBank Chi nhánh Sa Đéc cho biết ngân hàng đang rao bán các tài sản là bất động sản của khách hàng Công ty TNHH Mỹ Hưng với mục đích thu hồi nợ vay.

Trong đó, tài sản đang được rao bán là hơn 3.993 m2 đất (3.231 m2 đất ở đô thị và 763 m2 đất trồng cây lâu năm) tại Khóm 3, phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Chủ sở hữu của lô đất này là ông Trịnh Sướng và bà Trương Bích Đào. Trong đó, ông Sướng là chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Mỹ Hưng.

Lô bất động sản kể trên là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Mỹ Hưng tại VietinBank Chi nhánh Sa Đéc, tuy nhiên tài sản này đã được ngân hàng thu giữ để xử lý thu hồi nợ.

 

Mức giá tối thiểu VietinBank đưa ra cho lô bất động sản này là 40 tỷ đồng. Trong đó, giá trên chưa bao gồm lệ phí trước bạ để chuyển quyền, chi phí làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật.

Khi tiến hành mua lại lô đất, các chi phí này do người mua chi trả.

VietinBank cho biết thêm phương thức xử lý tài sản này là giao cho bên có tài sản bảo đảm - Công ty Mỹ Hưng - tự xử lý để trả nợ dưới sự giám sát của ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tự bán tài sản, nếu VietinBank tìm kiếm được người mua trả giá cao hơn, ngân hàng sẽ ưu tiên bán tài sản cho người đó.

Ngan hang thanh ly hon 8.000 m2 dat cua dai gia xang dau Trinh Suong anh 1

Đại gia xăng dầu Trịnh Sướng tại phiên tòa xét xử hồi đầu năm. Ảnh: T.N.

Ngoài lô đất gần 4.000 m2 kể trên, VietinBank cũng đang rao bán 5 lô đất khác với tổng diện tích 4.020 m2, cũng thuộc sở hữu của ông Trịnh Sướng và bà Trương Bích Đào.

Các lô đất này có diện tích từ 222 m2 đến 2.134 m2, là các cửa hàng xăng dầu của Công ty Mỹ Hưng tại Quốc lộ 1A, ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài quyền sử dụng đất, VietinBank cũng rao bán cả tài sản gắn liền trên đất là cửa hàng xăng dầu, nhà bán hàng, trụ bơm, bồn chứa và các công trình phụ khác.

Giá bán tối thiểu được nhà băng này đưa ra cho 5 lô đất là 20 tỷ đồng, chưa bao gồm lệ phí trước bạ để chuyển quyền, chi phí làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Ông Trịnh Sướng và Công ty Mỹ Hưng chính là cá nhân và pháp nhân có liên quan trực tiếp đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử hồi đầu năm,

Tuy nhiên, HĐXX sau đó đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ về khối lượng xăng giả, số tiền thu lợi bất chính của ông Trịnh Sướng và các bị cáo khác.

Hôm nay (20/12), TAND tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành xét xử lại vụ án. Theo cáo trạng, cơ quan điều tra xác định trong giai đoạn 2017-2019, đại gia xăng dầu Trịnh Sướng và đồng phạm đã sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả, tương đương trị giá hàng thật hơn 3.570 tỷ đồng.

Trong đó, các đối tượng đã bán ra thị trường gần 189 triệu lít xăng giả thông qua 8 cửa hàng xăng dầu của ông Trịnh Sướng và bán cho 137 cửa hàng thuộc đại lý bán lẻ của Công ty Mỹ Hưng; 55 cửa hàng khác thuộc đại lý bán lẻ của Công ty TNHH Gia Thành; 145 cửa hàng bán lẻ khác... Qua các giao dịch này, các đối tượng thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 20/8/2021: VietinBank loay hoay với dự án trụ sở 10.000 tỷ tại Ciputra

Sau nhiều năm lỡ hẹn, đến nay, VietinBank vẫn chưa thể chốt xong số phận dự án xây dựng trụ sở mới VietinBank Tower tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Đây là thông tin được ghi nhận trong cuộc họp giữa ban lãnh đạo VietinBank và các chuyên viên phân tích diễn ra hồi giữa tháng 8.

Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng cho biết đến nay, VietinBank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower.

Đây là dự án trụ sở mới của ngân hàng được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa nhà 48 và 68 tầng tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng, khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm tiến độ.

Đáng chú ý, chia sẻ tại phiên họp cổ đông hồi tháng 4 trước đó, lãnh đạo VietinBank cho biết đến hết quý I, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án trụ sở mới của ngân hàng, bao gồm 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án.

VietinBank muon mua lai cac ngan hang 0 dong anh 1

Dự án VietinBank Tower tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội đến nay vẫn là công trường dở dang. Ảnh: Sakiform

Đặc biệt, đã có ít nhất 2 nhà đầu tư đề xuất tài chính sơ bộ và một số nhà đầu tư khác với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.

Tuy nhiên, đến nay, việc tái cơ cấu dự án trụ sở mới hơn 10.000 tỷ đồng này của VietinBank vẫn chưa ghi nhận tiến triển và ngân hàng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra, lãnh đạo VietinBank cũng cho biết ngân hàng đang có kế hoạch thoái vốn tại 3 công ty con bao gồm công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing; Công ty Chứng khoán VietinBank; và công ty quản lý quỹ VietinBank Capital.

Trong đó, HĐQT ngân hàng đã chấp thuận kế hoạch bán 50% vốn VietinBank Leasing, trong đó 49% cho đối tác Nhật - Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance - và 1% cho nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang chờ NHNN phê duyệt và kỳ vọng hoàn thành trong năm nay.

Với Công ty Chứng khoán VietinBank, ngân hàng này có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai (giảm sở hữu từ 75,6% xuống 50%), ngay khi ngân hàng tìm được đối tác.

Với VietinBank Capital, ngân hàng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn từ 950 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng tại đây.

Theo các chuyên gia, giá trị của các thương vụ thoái vốn này không đáng kể so với quy mô của VietinBank nhưng việc thoái vốn sẽ giúp ngân hàng tập trung nguồn lực và tăng tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh ngân hàng mẹ.

Cũng tại cuộc họp với các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích, ban lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giảm lãi suất cho vay 1-1,5 điểm % với các khoản vay hiện hữu hoặc cho vay mới. Đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi thanh toán quốc tế, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay thanh toán trước hạn…

Tổng chi phí ước tính cho các chính sách hỗ trợ này vào khoảng 6.000 tỷ đồng đến hết năm nay.

Ngân hàng cũng dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền vào nửa cuối năm hoặc quý đầu tiên năm 2022 khi Manulife hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Về kết quả kinh doanh, dù kết quả quý II ghi nhận suy giảm do phải tăng mạnh trích lập dự phòng, VietinBank vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động sau 6 tháng, tăng 31% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 10.850 tỷ, tăng 45%.

Mức lợi nhuận kể trên tương đương 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm của riêng ngân hàng mẹ.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG)

Vốn điều lệ: 48.057.506.090.000 đồng

Vốn chủ sở hữu: 93.247.451.000.000 đồng (tại thời điểm 30/06/2021)

Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.

30 năm xây dựng và phát triển:

1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.

2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.

3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.

4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.

TẦM NHÌN
Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.

SỨ MỆNH
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. KHÁCH HÀNG LÀ TRUNG TÂM

"Lấy nhu cầu của khách hàng là mục tiêu phục vụ của Ngân hàng. Lắng nghe tiếng nói của khách hàng và chia sẻ với các bên liên quan để đưa ra giải pháp/ tư vấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách hàng nội bộ, khách hàng bên ngoài."

2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

"Luôn thể hiện sự sáng tạo trong mọi hoạt động; liên tục đổi mới có sự kế thừa để tạo ra những giá trị tốt nhất cho hệ thống, khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."

3. CHÍNH TRỰC

"VietinBank luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đảm bảo sự tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, minh bạch và giữ vững đạo đức nghề nghiệp."

4. TÔN TRỌNG

"Thể hiện thái độ và hành động lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, ghi nhận đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và tôn trọng bản thân."

5. TRÁCH NHIỆM

"Thể hiện tinh thần, thái độ và hành động của toàn hệ thống, của từng bộ phận, từng cán bộ VietinBank có trách nhiệm cao đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và cho chính thương hiệu của VietinBank. Thực hiện tốt trách nhiệm VietinBank với cộng đồng, xã hội là trách nhiệm, vai trò, vinh dự, và tự hào của VietinBank."

TRIẾT LÝ KINH DOANH
An toàn, hiệu quả và bền vững;
Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương;
Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: benthanh919@gmail.com. Trân trọng.