Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán TPB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, TPBank tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế khả quan, đạt gần 3.400 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ nguồn thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên đến từ việc không ngừng tăng trưởng về quy mô hoạt động và mở rộng tệp khách hàng cả về chất và lượng, thông qua nền tảng ngân hàng số vững mạnh để đa dạng hóa về dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng.
Cũng theo số liệu từ TPBank, tổng huy động đã đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đầu năm 2023, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt 25%, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên mức 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%. Tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt mức gần 7%, cao hơn mức trung bình ngành với tỷ lệ tăng trưởng chỉ hơn 4%.
TPBank cũng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III ở mức trên 11% nhờ luôn chủ động các kế hoạch quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản, duy trì và củng cố sức mạnh toàn diện trong hệ thống quản trị, đáp ứng sớm và đầy đủ các chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, bên cạnh việc luôn chủ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong phạm vi an toàn theo yêu cầu của NHNN. Đề cập tới vấn đề này, Công ty chứng khoán KBSV gần đây đã đưa ra nhận định: “TPBank đã có sự chuẩn bị về kiểm soát chất lượng tài sản cho giai đoạn khó khăn sắp tới của năm 2023”.
Mặc dù đã đi trước thị trường khi tuân thủ hoàn toàn chuẩn mực Basel III từ năm trước, đến nay, TPBank vẫn tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro hiện đại bằng việc triển khai dự án Basel III nâng cao, tính vốn dựa trên phương pháp Xếp hạng nội bộ bao gồm cả cơ bản và nâng cao (FIRB & AIRB) để tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao năng lực quản trị. Khi ứng dụng các kết quả này vào hoạt động kinh doanh, TPBank sẽ đảm bảo tỷ lệ thanh khoản, đòn bẩy tốt cũng như đủ vốn dự trữ để thích ứng với các biến động của thị trường và nền kinh tế.
Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.828 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 đạt 1.519 tỷ đồng, tăng 205 tỷ đồng (tương đương 15,6%) so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp chủ yếu vào kết quả lợi nhuận quý 4/2022 vẫn là thu nhập từ lãi thuần với kết quả đạt được là 2.780 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 do lãi suất huy động cuối năm 2022 có chiều hướng tăng lên.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 816 tỷ đồng, tăng 326 tỷ đồng so với quý 4/2021.
Theo ngân hàng, năm 2022, lạm phát trên quy mô toàn cầu khiến tỷ giá ngoại tệ liên tục đi lên, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ngoại hối. Do đó, trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh ngoại tệ của TPBank đạt 80 tỷ đồng, giảm 180 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, chi phí trích dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2022 đã giảm 445 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước cho thấy TPBank. Cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 328.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 161.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,8%. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh 40% lên gần 195.000 tỷ.
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của TPBank tính đến cuối năm 2022 là 1.357 tỷ đồng, chiếm 0,84% tổng dư nợ, tăng 17,3% so với đầu năm. Chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 70% lên 505 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng lợi nhuận trước thuế 5.926 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỉ đồng tăng 1.532 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Chất lượng tài sản, sức mạnh nội tại, năng lực tài chính luôn nằm trong top đầu ngành, với việc tiên phong trong việc áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ.
Cập nhật quý 2/2022: nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội
Sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc 30/6/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu. Mức tăng trưởng này cho thấy TPBank tập trung nhiều ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.
Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.192 tỷ đồng, tăng 71,56% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, mở tài khoản, bán chéo bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 14,6% tổng thu nhập, tăng gần 3,5% so với thời điểm 30/6/2021.
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1% phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản an toàn của TPBank. Tổng huy động đạt trên 276 nghìn tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ tương đương hơn 58 nghìn tỷ đồng và hoàn thành hơn 94% so với kế hoạch, chủ yếu tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận trước thuế 1.623 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 của ngân hàng đạt 1.623 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đề từ thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ, giúp ngân hàng có tăng trưởng khá dù phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Thu nhập lãi thuần quý 1 của ngân hàng đạt 2.831 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 81% lên 511 tỷ đồng với đóng góp lớn nhất là từ hoạt động thanh toán, hoạt động kinh doanh, tư vấn bảo hiểm. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khả quan, có lãi 32 tỷ đồng trong khi cùng kỳ bị lỗ 2 tỷ.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại sụt giảm 70%, chỉ ghi nhận lãi 81 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 160 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 15 tỷ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.615 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 25,7% lên 1.237 tỷ. Tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập hoạt động) được cải thiện, giảm từ 35,2% xuống mức 34,2%.
TPBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng trong 3 tháng đầu năm với mức trích tới 755 tỷ đồng, tăng 93% so với quý 1/2022.
Từ đó, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.623 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.299 tỷ, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Cập nhật quý 4/2021: Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 6.038 tỷ đồng
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho thấy, tổng tài sản đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm, vượt trên 17% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động tăng 30% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Lợi nhuận năm 2021 tăng gần 40% so với năm 2020.
Tổng huy động của nhà băng đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó, nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank cũng đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Cập nhật quý 3/2021: 9 tháng lợi nhuận trước thuế 4.393 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TBank; HoSE: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Tín dụng duy trì mức độ tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay giúp thu nhập lãi thuần của TPBank tăng 20,7%.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng rất mạnh. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ đạt 358 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 101 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 18 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 913 tỷ, tăng 11 lần (tăng 1013%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, TPBank tiếp tục gia tăng đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu của tổ chức tín dụng khác. Riêng kinh doanh ngoại hối lỗ 44,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 51 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động quý III/2021 của ngân hàng là 941 tỷ đồng, tăng hơn 16%. Dù lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần gấp đôi lên 2.732 tỷ đồng, song chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh gấp 3,2 lần lên 1.345 tỷ đồng nên trước thuế, lợi nhuận quý 3/2021 chỉ còn 1.387 tỷ, tăng 40,18%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 40%.
Như vậy, đóng góp chính cho lợi nhuận TPBank 9 tháng đầu năm là hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính của TPBnak lại là chứng khoán đầu tư.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tất cả hoạt động kinh doanh của TPBank đều có lãi. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.903 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.135 tỷ đồng lãi thuần, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 83%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 1.462 tỷ đồng, tăng 152%. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 112 tỷ đồng, giảm 21%. Hoạt động khác mang lại 142 tỷ đồng lãi thuần, giảm 61%. Chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm tăng 9,5%.
Trong 3 quý đầu năm nay, chi phí hoạt động của TPBank tăng 9,5%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gần gấp đôi lên 2.349 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.393 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TPBank đã hoàn thành khoảng 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đạt LNTT 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54% kế hoạch cả năm.
Một trong những nguyên nhân chính giúp tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của TPBank cao đến từ việc thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động, chỉ tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng đã giảm rất mạnh, từ 43% cuối tháng 6/2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý 2 năm nay.
Ngoài ra, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 242.000 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng cho cả năm; huy động vốn đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cuối năm 2020 và tương đương 98,3% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 6.233 tỷ đồng, tăng 27,74% so với quý 2/2020. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2,15%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26%.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong nửa đầu năm khoảng 11%, gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép. TPBank cũng đã trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định đồng thời cũng đã trích đủ phần dự phòng bổ sung cho dư nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 03 mới ban hành.
Một điểm sáng khác trong bức tranh toàn cảnh về TPBank 6 tháng đầu năm là sự đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn, trong 6 tháng đầu năm tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho TPBank tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp ngân hàng tăng thêm hệ số an toàn vốn, cải thiện năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mới đây Công ty Chứng khoán Bản Việt khi cập nhật cổ phiếu TPB có đánh giá cho vay mua nhà giúp tăng trưởng tốt, giá mục tiêu TPB là 38.690 đ/cp
Cập nhật quý 1/2021: Lợi nhuận quý 1 đạt 1.422 tỷ đồng
Sáng 23/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán TPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Tại đại hội, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Lợi nhuận quý 1 TPBank đã đạt 1.422 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh. Do đó, chúng tôi tăng kỳ vọng lợi nhuận lên để phù hợp với tình hình thực thế và thêm thách thức với ban lãnh đạo”.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho rằng, ngân hàng đã có bước tiến lớn, từ ngân hàng bé nhất hệ thống nay đã nằm trong top 15 về tổng tài sản. Tuy nhiên, ông Phú cũng đánh giá, với số lượng khách hàng hiện nay mới chỉ dừng ở mức 4 triệu khách hàng và đa số là khách hàng cá nhân nên thị phần TPBank so với toàn ngành còn khá thấp.
“Đi theo định hướng ngân hàng số đã giúp TPBank khắc phục hạn chế chi nhánh, do chúng ta sinh sau đẻ muộn. Việc mở rộng LiveBank là phù hợp với tình hình của ngân hàng. Thủ tục mở chi nhánh hiện nay cũng rất phức tạp và lâu nên không thể trông chờ mở chi nhánh truyền thống để tăng khách hàng”, vị Chủ tịch TPBank nói.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã TPB)
TPBank là một trong những ngân hàng tư nhân nhanh chóng phát triển và được đánh giá là một trong những ngân hàng tiên tiến nhất tại Việt Nam. Ngân hàng TPBank được thành lập vào năm 2008 với trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.
Với sứ mệnh trở thành ngân hàng tiên tiến và sáng tạo, TPBank đã đầu tư mạnh vào công nghệ và inovative, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng điện tử tiên tiến như ngân hàng trực tuyến, thanh toán điện tử và ví điện tử. Ngoài ra, TPBank cũng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính truyền thống bao gồm tiền gửi, cho vay và thẻ tín dụng.
TPBank là một trong những ngân hàng tư nhân nhanh chóng phát triển nhất tại Việt Nam, với mạng lưới gồm hơn 300 điểm giao dịch và 24/7 trực tuyến với khách hàng trên toàn quốc. TPBank cũng có mặt tại nhiều quốc gia khác nhau thông qua mạng lưới các đối tác toàn cầu.
Với phương châm "khách hàng là trung tâm", TPBank cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính chất lượng cao nhất để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, và luôn chú trọng đến việc cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-tpb-loi-nhuan-6-thang-hon-3000-ty-dong-a975.html