Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và tăng vốn điều lệ, lãnh đạo VietABank cũng sẽ trình cổ đông phương án niêm yết cổ phiếu trên HoSE hoặc HNX trong cuộc họp ĐHĐCĐ sắp tới.
Đồng thời, trong tài liệu họp, nhà băng này cũng dự kiến xin ý kiến về việc phát hành tối đa gần 211 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 39% (tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 39 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn sử dụng từ vốn chủ sở hữu bao gồm lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập đầy đủ các quỹ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VAB sẽ tăng từ gần 5.400 tỷ đồng lên 7.505 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dựa trên số vốn tăng thêm, trong năm 2024, VAB đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.058 tỷ, tăng hơn 15% so với năm 2023. Ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ mở rộng lên 116.988 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.027 tỷ đồng, tăng gần 6%. Dư nợ tín dụng đạt 77.741 tỷ đồng, tăng hơn 12% và sẽ được điều chỉnh theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,59%, thuộc nhóm tương đối thấp trong các ngân hàng thương mại tư nhân.
Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên sắp tới, VietABank dự kiến bầu thêm 1 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, nâng tổng số thành viên lên 6 người.
Thành viên cập nhật ngày: tăng 70% sau 3 ngày, cổ đông lớn muốn rút vốn
Không lâu sau khi cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, cổ đông lớn thứ 2 tại ngân hàng đã đăng ký thoái toàn bộ vốn nắm giữ.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của VietABank về việc chuyển nhượng 32,68 triệu cổ phiếu VAB do Công ty CP Rạng Đông sở hữu, số cổ phiếu này tương đương 7,35% vốn ngân hàng.
Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ yêu cầu VietABank phải tuân thủ pháp luật và điều lệ về sở hữu cổ phần và chuyển nhượng cổ phần, có trách nhiệm pháp lý với các phát sinh liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty Rạng Đông.
Trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của ngân hàng, bên nhận chuyển nhượng là cổ đông lớn hoặc bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài, VietABank phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
NHNN cũng lưu ý, VietABank phải phối hợp với Công ty Rạng Đông thông tin đầy đủ tới nhà đầu tư nhận chuyển nhượng. Trong đó nhấn mạnh cổ đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn mua cổ phần tại VAB; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp để nhận chuyển nhượng; không được góp vốn, mua cổ phần của VietABank dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, VietABank cũng có thông báo gửi các nhà đầu tư về yêu cầu khi mua cổ phần VAB từ cổ đông lớn Rạng Đông. Trong đó, cổ đông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu cổ phần, quy định về cổ đông lớn, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài phải được NHNN chấp thuận…
Trước đó, bản cáo bạch đăng ký giao dịch cổ phiếu của VietABank cho biết Công ty Rạng Đông là một trong 2 cổ đông lớn nhất tại ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 7,35%. Tỷ lệ này chỉ đứng sau Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu 12,21%.
Đáng chú ý, kế hoạch thoái vốn của Rạng Đông khỏi VietABank được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng này đưa hơn 444,9 triệu cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.
Với giá tham chiếu phiên đầu tiên 13.500 đồng/cổ phiếu, VAB đã tăng một mạch lên mức 22.800 đồng (cuối ngày 22/7), tương đương mức tăng ròng gần 70% chỉ sau 3 ngày.
Tuy nhiên, đến phiên 23/7, sau khi thông báo thoái vốn của Rạng Đông được đưa ra, cổ phiếu VAB đã quay đầu giảm kịch biên độ 15%, hiện cố định ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư bán giá sàn hơn 900.000 đơn vị và không có nhà đầu tư nào đặt mua.
Được biết, Rạng Đông đã đầu tư vào VietABank từ năm 2015 với tỷ lệ nắm giữ thời điểm đầu là 9,34% cổ phần, sau nhiều giao dịch tăng vốn của ngân hàng và phát hành cổ phiếu mới, Rạng Đông còn nắm 7,35% vốn tại thời điểm ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp đa ngành lớn nhất tại tỉnh Bình Thuận. Công ty này sở hữu hàng loạt dự án khoáng sản, bất động sản và xây lắp tại tỉnh Bình Thuận và các khu vực xung quanh.
Các dự án lớn do Rạng Đông triển khai phải kể tới dự án BOT cầu Phú Hài; dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết vốn đầu tư 1.640 tỷ.
Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án tại Bình Thuận như khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City 167 ha tại thành phố Phan Thiết; dự án khu dân cư Rạng Đông 8 ha tại huyện Hàm Thuận Bắc; dự án Khu công nghiệp Sông Bình 300ha tại huyện Bắc Bình…
Thành viên cập nhật ngày 21/7/2021: tăng 40% phiên đầu chào sàn UPCoM
Cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) khép lại phiên giao dịch đầu tiên trên thị trường UPCoM theo chấp thuận của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.500 đồng/cổ phiếu, việc đăng ký hơn 444,9 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM hôm nay tương đương với vốn hóa của ngân hàng này vào khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khép lại phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VAB đã ghi nhận mức tăng kịch biên độ 40% lên 18.900 đồng/cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc vốn hóa của ngân hàng cũng được nâng lên mức 8.400 tỷ đồng.
Hết phiên 20/7, có tổng cộng 1,45 triệu cổ phiếu VAB được khớp lệnh trên thị trường, trong đó lượng cổ phiếu khớp ở giá trần là gần 300.000 đơn vị. Ngoài ra, hiện VAB vẫn còn dư mua giá trần trên 937.000 cổ phiếu.
Việc VietABank đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM cũng đánh dấu mã chứng khoán ngân hàng thứ 27 giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết việc giao dịch trên UPCoM kỳ vọng sẽ gia tăng thương hiệu, hình ảnh, đồng thời nâng cao khả năng tài chính cũng như minh bạch hóa thông tin của ngân hàng. Ngoài ra, ban lãnh đạo kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Chào sàn với thị giá thấp nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng với việc tăng kịch biên độ 40% phiên hôm nay, cổ phiếu VAB đã vượt mặt nhiều cổ phiếu nhà băng khác đang giao dịch trên thị trường như NVB (Ngân hàng Quốc Dân) giá 17.300 đồng; VBB (VietBank) giá 15.800 đồng; SGB (Saigonbank) giá 16.800 đồng; PGB (PGBank) giá 18.700 đồng; BVB (Vietcapital Bank) giá 17.700 đồng; hay NAB (NamABank) 18.300 đồng.
Đáng chú ý, trước phiên VAB chào sàn, cổ phiếu ngân hàng là nhóm chịu tác động mạnh nhất của đợt điều chỉnh nửa đầu tháng 7 trên thị trường chứng khoán, với hầu hết cổ phiếu đều giảm trên dưới 20% thị giá so với cuối tháng 6.
Về kết quả kinh doanh, lãnh đạo VietABank cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt khoảng 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước và tương đương mức lợi nhuận cả năm 2020.
Các chỉ tiêu tài chính như huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 65.316 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ và dư nợ cho vay đạt 51.369 tỷ, tăng 11%.
Năm nay, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 97.075 tỷ đồng, tăng 12,2% và lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2020. Như vậy, sau nửa năm tài chính, ngân hàng đã hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đến cuối năm 2020, VietABank còn gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, ngân hàng đã có kế hoạch dùng nguồn tiền này để tăng vốn từ 4.450 tỷ lên 5.400 tỷ đồng thông qua việc phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 21,35%).
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, VietABank vẫn thuộc nhóm quy mô nhỏ với tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, tương đương NCB, Vietcapital Bank, Kienlongbank…
Với vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, nhà băng này cũng là một trong những ngân hàng giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có vốn mỏng nhất.
Thành viên cập nhật ngày 1/7/2021: VietABank giao dịch cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán VAB
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định chấp thuận cho VietABank đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VAB.
Theo quyết định được Tổng giám đốc HNX chấp thuận, VietABank sẽ đăng ký giao dịch hơn 444,9 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VAB. Số cổ phiếu đăng ký giao dịch này tương ứng với vốn điều lệ 4.449 tỷ đồng của ngân hàng hiện nay.
Hiện tại, ngân hàng chưa chốt giá tham chiếu và ngày đăng ký giao dịch đầu tiên trên UPCoM.
Kế hoạch kể trên cũng là phương án đã được ban lãnh đạo ngân hàng trình và được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra trước đó của VietABank.
Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM được lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng sẽ gia tăng thương hiệu, hình ảnh, đồng thời nâng cao khả năng tài chính cũng như minh bạch hóa thông tin của ngân hàng.
Lãnh đạo VietABank cũng kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Nếu hoàn thành kế hoạch kể trên, VietABank sẽ trở thành ngân hàng thứ 27 đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (HoSE, HNX và UPCoM). Trong đó, VAB là mã chứng khoán ngân hàng thứ 8 đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, VietABank được xếp vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, tương đương nhóm NCB, Vietcapital Bank, Kienlongbank…
Hiện cổ phiếu của nhóm ngân hàng này cũng phổ biến giao dịch trên UPCoM với giá thị trường trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với nhóm ngân hàng cùng quy mô đang giao dịch trên sàn chứng khoán, lợi nhuận của VietABank có phần khiêm tốn hơn.
Tính đến cuối năm 2020, ngân hàng có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt trên 86.500 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng của ngân hàng gồm tiền gửi khách hàng đạt gần 59.300 tỷ, tăng 25% và cho vay khách hàng đạt 48.400 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm liền trước.
Cùng thời điểm, ngân hàng này có khoảng 1.112 tỷ đồng nợ xấu (nợ nhóm 3-5), tăng gấp đôi so với cuối năm 2019 và chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay. Trong năm 2019, tỷ lệ này của VietABank đạt khoảng 1,2%.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, nhà băng này ghi nhận 407 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, tăng 47% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp là 332 tỷ đồng, cũng tăng tương ứng.
Đến cuối năm 2020, VietABank còn gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, ngân hàng đã có kế hoạch dùng nguồn tiền này để tăng vốn từ 4.450 tỷ đồng lên 5.400 tỷ thông qua việc phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 21,35%.
Năm nay, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 62% so với năm liền trước. Các chỉ tiêu tài chính gồm tổng tài sản dự kiến tăng 12,2%, đạt 97.975 tỷ đồng, trong đó, huy động vốn tăng 9,1%, đạt 66.150 tỷ và dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 55.654 tỷ đồng.
Sau quý I, ngân hàng đã thu về 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 19% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank, mã VAB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng đã hoạt động lâu năm trên thị trường tiền tệ, tài chính Việt Nam: Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đà Nẵng. Trải qua 19 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tựu và dần khẳng định vị thế là đơn vị tài chính tiên phong. Với phương châm “Đồng hành cùng khát vọng”, VietABank không chỉ là điểm tựa an toàn cho khách hàng cá nhân mà còn sát cánh với các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.
Với mục tiêu lấy sự hài lòng của khách hàng làm trọng tâm của hoạt động kinh doanh, VietABank liên tục hoàn thiện cơ chế hoạt động, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên toàn hệ thống nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng. VietABank luôn nỗ lực để khẳng định vị trí là ngân hàng uy tín cao trên thị trường, cùng với chất lượng dịch vụ tốt và mặt bằng lãi suất hấp dẫn, qua đó cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn và linh hoạt.
Hiện nay, VietABank đang triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ưu đãi như: Tài khoản ký quỹ dành cho các doanh nghiệp, Gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ, Chương trình gắn kết phát triển dành cho Hội viên Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam,…Đặc biệt, VietABank luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm tiện lợi hóa giao dịch khách hàng với mức độ an toàn và bảo mật cao nhất.
VietABank đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Thương hiệu mạnh ASEAN, Thương hiệu Mạnh Việt Nam, Thương hiệu tín nhiệm, Thương hiệu vì cộng đồng, Doanh nghiệp phát triển bền vững,… Đặc biệt, VietABank được các tổ chức quốc tế như Global Banking and Finance Review, Global Business Outlook vinh danh với các giải thưởng: Ngân hàng phát triển bền vững nhất Việt Nam, Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng có sản phẩm tiết kiệm tốt nhất Việt Nam... VietABank sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, hệ thống ngân hàng điện tử, chất lượng phục vụ và chăm sóc khách hàng để nâng tầm thương hiệu trở thành một doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh trong thị trường tài chính.
Những danh hiệu trên là kết quả ghi nhận sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên ngân hàng trong suốt thời gian qua, nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tiện ích và chất lượng. Sự yêu mến, tin tưởng và lựa chọn của quý khách hàng là động lực để VietABank tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động. Mục tiêu của VietABank trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, nâng cao uy tín trên thị trường.
Link nội dung: https://vinabull.vn/vietabank-giao-dich-co-phieu-tren-upcom-voi-ma-chung-khoan-vab-a961.html