Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, Công ty kiểm toán DFK Việt Nam nêu ý kiến về khả năng thu hồi dự án Bắc Phước Kiển (Nhà Bè, TP HCM) của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG). Cụ thể, theo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP HCM, doanh nghiệp này phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là 2.882,8 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Nếu hoàn trả đủ, QCG sẽ nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.
Kiểm toán viên lưu ý về vấn đề này khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp chưa đủ bao quát khoản phải hoàn trả. Theo báo cáo soát xét, tính đến cuối tháng 6, công ty chỉ còn khoảng 27,6 tỷ đồng tiền mặt. Tổng khoản người mua trả tiền trước - khoản thanh toán của khách hàng theo tiến độ dự án và sẽ được ghi nhận thành doanh thu trong tương lai - cũng chỉ đạt hơn 190,6 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty có gần 4.886 tỷ đồng nợ phải trả, riêng vay nợ tài chính là hơn 434 tỷ đồng.
Phản hồi về lưu ý của kiểm toán viên, QCG cho biết đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án Nhân dân TP HCM chấp thuận cho công ty chỉ hoàn trả số tiền 1.441,1 tỷ đồng, tức giảm bớt một nửa. Số tiền được đề nghị dựa trên tinh thần Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tuyên trước đó. Tuy nhiên con số trên vẫn lớn hơn nhiều so với lượng tiền mặt và các khoản doanh thu tương lai.
Bắc Phước Kiển là siêu dự án từng được bà Nguyễn Thị Như Loan, người đứng đầu QCG giai đoạn 2011-2016, kỳ vọng mang lại doanh thu trên 12.000 tỷ, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, song hiện vẫn dở dang. Dự án Phước Kiển là nguồn cơn khiến công ty phải gánh nợ trong hơn một thập kỷ qua, đến nay vẫn còn bị đình trệ vì liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan.
Tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 7, ông Nguyễn Quốc Cường - tân CEO điều hành công ty thay mẹ - đã nêu kế hoạch về nguồn thu để thanh toán số nợ trên. Ông cho biết công ty đang thoái vốn tại 3 dự án thủy điện (dự kiến hoàn tất quý IV), ước tính thu về hơn 1.000 tỷ đồng. QCG cũng đang xử lý hàng tồn kho từ các dự án đã hoàn thành, doanh thu dự kiến thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một nguồn thu khác đến từ dự án Marina Đà Nẵng đã hoàn thành pháp lý, có thể bán hàng chậm nhất trong quý đầu năm sau. Đồng thời, công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (quận 8) vào quý III năm nay và tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án. Họ cũng lên phương án thoái vốn tại một vài doanh nghiệp còn lại. Tổng nguồn thu có thể mang về khoảng 3.000 tỷ đồng để trả nợ.
"Khi nhận lại được 65 ha đất thuộc dự án Phước Kiển đã chuyển giao cho Sunny Island, công ty sẽ lên kế hoạch tìm kiếm đối tác khác để tái khởi động dự án, có thể trong năm tới", ông Cường nói.
Về kết quả kinh doanh, QCG ghi nhận hơn 65,2 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ tương đương 31% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, nửa đầu năm là mùa khô dẫn đến các nhà máy thủy điện của họ không đủ nước để phát điện khiến sản lượng khai thác thấp. Song song đó, cao su chỉ được khai khác từ cuối tháng 5 nên doanh thu chưa nhiều. Ngoài ra, chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác dẫn đến giá vốn so với doanh thu tăng cao.
Tổng lại, QCG lỗ sau thuế hơn 16,6 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Riêng quý II, Quốc Cường Gia Lai lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng - mức nặng nhất 12 năm qua.
Thành viên cập nhật ngày 19/7/2024: Cổ phiếu QCG (Quốc Cường Gia Lai) bị bán tháo trong ngày bà Loan bị bắt
Mã QCG giảm kịch sàn trong phiên sáng nay sau thông tin cảnh sát làm việc tại nhà CEO Nguyễn Thị Như Loan, với dư bán hơn 2,7 triệu đơn vị.
Trong nhóm bất động sản, các mã được chú ý như DIG, NVL, DXG, SCR, giảm quanh ngưỡng 1-3%, cá biệt cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai giảm kịch sàn với áp lực bán tháo hàng triệu cổ phiếu.
Mã này mở phiên ở mức 9.540 đồng, giảm khoảng 2,2%. Tới gần 10h, lực bán tăng vọt ép cổ phiếu này chạm giá sàn. Tính tới cuối phiên sáng, QCG ở trạng thái "trắng bảng bên mua", với hơn 2,7 triệu cổ phiếu QCG treo bán giá sàn.
Sáng nay, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Hiện cơ quan điều tra chưa công bố nội dung làm việc tại nhà bà Loan. Tuy nhiên, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.
Trước đó, hôm 30/5, Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định "đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định".
Trên thị trường, cổ phiếu QCG trong nhóm những mã biến động mạnh vài tháng gần đây. Trong hơn hai tháng, từ tháng 2 đến tháng 4, QCG tăng hơn gấp đôi từ vùng giá 8.400 đồng lên hơn 17.800 đồng. Mã này giữ vùng giá cao đến cuối tháng 5, trước khi lao dốc trở lại. Tính tới phiên sáng nay, thị giá QCG giao dịch ở mức hơn 9.000 đồng, giảm gần 50% so với mức đỉnh trước đó 3 tháng.
Hết phiên sáng nay, VN-Index dừng ở mức 1.270 điểm, giảm hơn 4 điểm so với tham chiếu. VN30-Index mất hơn 1,4 điểm, còn 1.304,97 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình thấp, với giá trị giao dịch trên HoSE đến hết phiên sáng đạt hơn 8.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng 30 cổ phiếu bluechip chiếm hơn 50% thanh khoản toàn thị trường.
Thành viên cập nhật ngày 21/5/2024: muốn bán 2 nhà máy thủy điện trả nợ
HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) vừa ban hành nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung. Việc chuyển nhượng 2 dự án này nhằm mục đích tái cơ cấu đầu tư.
Nhà máy thủy điện Ia Grai 2 nằm tại các xã la Tô, la Krái, la Grăng, la Khai, huyện la Grai, tỉnh Gia Lai Công suất lắp máy 7,5 MW (gồm 2 tổ máy công xuất 3,75 MW/ tổ máy). Giá trị chuyển nhượng dự kiến 235 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Ayun Trung nằm tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Công suất lắp máy đạt 13 MW. Giá trị chuyển nhượng là 380 tỷ đồng. Thời gian chuyển nhượng cả 2 dự án đều dự kiến trong quý II, III. Như vậy, nếu thương vụ này thành công, Quốc Cường Gia Lai có thể thu về được 615 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I, Quốc Cường Gia Lai chỉ ghi nhận doanh thu gần 39 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 650 triệu đồng. Doanh nghiệp cho biết doanh thu lợi nhuận giảm do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo và vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện.
Đến cuối quý I, công ty đang ghi nhận gần 5.200 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Trong số này có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận đặt cọc của Sunny cho dự án Phước Kiển từ năm 2017.
Mới đây, tại bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử đã yêu cầu Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan gần 2.900 tỷ đồng.
Sau đó, Quốc Cường Gia Lai đã có kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Công ty này cho rằng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên buộc công ty hoàn trả số tiền hơn 2.882 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan để bảo đảm khoản thi hành án là chưa đúng và chưa khách quan.
Quốc Cường Gia Lai cho rằng công ty phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Thành viên cập nhật ngày 25/6/2023: siêu dự án Phước Kiển vẫn vướng đủ thứ
Khu dân Bắc Phước Kiển quy mô 91,69 ha tọa lạc tại huyện Nhà Bè, thuộc khu Nam TP HCM là tâm điểm chất vấn tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) chiều 24/6.
Đây là siêu dự án từng được bà Nguyễn Thị Như Loan, người đứng đầu QCG giai đoạn 2011-2016 kỳ vọng mang lại doanh thu trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp phố núi song hiện vẫn dở dang. Dự án cũng là nguồn cơn khiến công ty phải gánh nợ đầm đìa trong hơn một thập kỷ qua.
Phước Kiển đã ngốn nhiều chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay), từng khiến công ty nợ hàng nghìn tỷ đồng từ năm 2017 trở về trước, năm 2018 được đối tác Sunny rót vốn nhờ đó thoát nợ ngân hàng, nhưng lại xảy ra tranh chấp, khởi kiện kéo dài. Đến nay dù thắng kiện đối tác nhưng pháp lý dự án phải làm lại từ đầu. Năm 2023 siêu dự án này còn khiến QCG phải bán tài sản giữa lúc địa ốc đóng băng, để huy động nguồn lực trả nợ cho đối tác.
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCG liên tục nhận hàng loạt câu hỏi khi nào Phước Kiển mới xong pháp lý, liệu có bị thu hồi không, số tiền phải trả cho đối tác Sunny liên quan đến dự án này là bao nhiêu? Cổ đông còn quan ngại nếu đối tác không thực hiện theo phán quyết của VIAC (Trung tâm trọng tài Quốc tế việt Nam) dự án sẽ ra sao và công ty lấy tiền đâu để trả nợ?
Nhiều nhà đầu tư bộc bạch ôm hàng trăm nghìn cổ phiếu QCG nhiều năm qua không được chia cổ tức, thậm chí bị lỗ nhưng vẫn dõi theo từng bước đi của dự án Phước Kiển, mong có ngày dự án về đích, mang lại lợi nhuận cho công ty và cổ đông.
Trải lòng với nhà đầu tư về số phận của siêu dự án, bà Loan cho biết Phước Kiển không vướng sai phạm nên không bị thu hồi song bà thừa nhận mất ăn mất ngủ, nhiều phen chua xót vì "đứa con tinh thần này". Sau năm 2022 phải cầu cứu, kiện tụng khắp nơi, năm 2023, dự án mang lại cho bà hai nửa mừng - lo lẫn lộn.
Bà Loan nói mừng vì tính từ lúc Quốc Cường Gia Lai khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island ra VIAC cuối năm 2020 do đối tác không tuân thủ các thỏa thuận thanh toán, mượn sổ đỏ dự án không trả, đến nay đã có kết quả thắng kiện. Sau nhiều năm tranh chấp, QCG vừa được trả toàn bộ hồ sơ dự án và 3,4 tỷ đồng phí trọng tài từ Sunny Island.
Theo phán quyết của VIAC, QCG là bên thực hiện đúng cam kết hợp đồng và chịu nhiều thiệt hại khi đối tác không giữ đúng thỏa thuận, vì vậy số tiền 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Sunny, công ty chỉ trả lại 50%. Cơ quan điều tra đang xem xét dòng tiền 2.882 tỷ đồng của Sunny có liên quan đến những chân rết nào, sau đó mới biết QCG phải trả lại cho đối tác bao nhiêu tiền. Nếu sau thời hiệu 60 ngày Sunny không kháng cáo phán quyết của trọng tài, Quốc Cường Gia Lai sẽ tiến hành hoàn trả tiền, hướng tới giai đoạn mới cho dự án.
Thế nhưng bên cạnh niềm vui thắng kiện, nữ tướng QCG chia sẻ có 3 nỗi lo. Đầu tiên công ty phải làm lại hồ sơ pháp lý từ đầu theo quy định mới của Luật Đầu tư, đồng nghĩa với việc tiếp tục guồng quay pháp lý trong thời gian tới. Kế đến, dự án Phước Kiển hiện vẫn còn vài phần trăm đất chưa giải phóng mặt bằng xong, theo quy định mới nếu chưa sẵn sàng 100% đất sạch sẽ không đủ điều kiện thực hiện dự án. Nỗi lo thứ ba là trong dự án bị vướng 8-9 ha đất kênh rạch xen cài, bị gọi là đất công.
Bà Loan giải thích, đất kênh rạch trong dự án Bắc Phước Kiển thời điểm Quốc Cường Gia Lai đền bù giải phóng mặt bằng người dân đã san lấp, cất nhà. Công ty chấp nhận bồi thường cả nhà và đất cho người dân, nhưng trên giấy tờ cơ quan quản lý vẫn hiển thị đây là đất kênh rạch, theo quy định đây là đất công thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo bà Loan, vướng đền bù vẫn có cách xoay xở, một là thương lượng bồi thường với các hộ dân hoặc khởi kiện, hai là cắt bỏ phần đất chưa giải phóng mặt bằng này ra khỏi dự án. Thế nhưng vướng đất kênh rạch xen cài, bị gắn mác là đất công, chưa biết khi nào mới được hướng dẫn tháo gỡ. "Vướng đền bù thậm chí còn không khó khăn bằng vướng đất công xen cài", bà Loan nói.
Về nguồn tiền trả nợ cho Sunny, công ty dự tính bán những gì đang có để tất toán khoản nợ này. Nếu không bán thủy điện, thì phải bán dự án giá rẻ, nhưng đa số dự án còn dở dang pháp lý, không dễ bán. Vì vậy bán thủy điện là tối ưu nhất. Cuối tháng 3, HĐQT QCG đã ban hành nghị quyết về chủ trương chuyển nhượng nhà máy thủy điện IaGrai 1 tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai, thời gian thực hiện trong quý II.
"May mắn là công ty có thủy điện để bán, nếu chôn hết vốn vào bất động sản thì giờ không biết lấy gì trả nợ?", bà Loan trần tình.
CEO Quốc Cường Gia Lai thừa nhận khi cổ đông chất vấn bao giờ gỡ xong pháp lý cho Phước Kiển khiến bà chua xót, vì đây là trăn trở lớn nhất của bà nhưng hiện lực bất tòng tâm. Nhìn vào bức tranh các dự án bất động sản vướng pháp lý tại TP HCM, đến nay hơn 100 dự án vẫn đang chờ gỡ khó chưa xong. Vì vậy bà Loan xin cổ đông ghi nhận nỗ lực của công ty và kiên nhẫn chờ các quy định pháp luật mới được ban hành để gỡ điểm nghẽn trong thời gian tới.
Dự báo tình hình kinh doanh 2023 rất khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu năm nay 900 tỷ đồng, giảm 29% so với năm ngoái, dự kiến lợi nhuận thu về 50 tỷ đồng, tăng 12,8%. Công ty sẽ cơ cấu lại nguồn vốn tại các công ty con và công ty liên kết để phù hợp với tình hình tài chính.
Tổng tài sản của công ty tính tới 31/3 đạt 9.733 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm 73% tổng tài sản với 7.093 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 1.274 tỷ đồng, tăng 21% song lãi ròng chỉ đạt 25 tỷ đồng, giảm 62%.
Cập nhật ngày 29/6/2021: Giải thể công ty bất động sản Quốc Cường Phước Kiển
Ngày 29/6, HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai đã thông qua nghị quyết về việc giải thể công ty BĐS Quốc Cường Phước Kiển do doanh nghiệp này nắm giữ 80% vốn điều lệ.
Công ty BĐS Quốc Cường Phước Kiển có tổng vốn điều lệ là 6 tỷ đồng. Đại diện pháp luật của Quốc Cường Phước Kiển là bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái của ông Lại Thế Hà, Chủ tịch HĐQT của Quốc Cường Gia Lai.
Trước khi quyết định giai thể Quốc Cường Phước Kiển, HĐQT QCG đã thông qua việc thành lập CTCP Diamond Bay với số vốn góp gần 150 tỷ đồng, tương đương 25% vốn của Diamond Bay.
Quý I/2021, ghi nhận doanh thu thuần tăng đột biến lên mức 347 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, nhờ bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm nghiêm trọng cộng với các loại chi phí tăng mạnh đã khiến lãi ròng ba tháng đầu năm của QCG giảm 43% so với quý I/2020, còn 17 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của QCG ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả giảm 5%, về mức 5.790 tỷ đồng.
Giữa tháng 1 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã có thông báo về việc khởi kiện Tập đoàn Sunny Island (Hong Kong) ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Theo đó, công ty khởi điện đối tác về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng tại dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai trong nhiều năm liền với số dư đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án này đã gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng, cùng với việc dòng tiền luôn thiếu hụt do các dự án bất động sản khác kinh doanh không thuận lợi, dự án này nhiều năm liền trở thành gánh nặng cho công ty.
Đây cũng là dự án khiến Quốc Cường Gia Lai vướng vào khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng với BIDV nhiều năm trước. Phải đến năm 2017, khi Tập đoàn Sunny nhận chuyển nhượng một phần tại dự án này nhà phát triển bất động sản tại Gia Lai mới có thể tất toán khoản nợ trên.
Dẫu vậy, đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai vì vướng vấn đề pháp lý.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Được thành lập vào năm 1994 (tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất...). Hiện nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã phát triển trở thành một trong những tập đoàn có uy tín trong các lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.
Bất động sản
Trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển ngành bất động sản, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu mang lại cho khách hàng những sản phẩm bất động sản phong phú về chất lượng cũng như những vị trí đắc địa bậc nhất TP. HCM và Đà Nẵng. Quốc Cường Gia Lai tự tin vào sức mạnh và khối lượng quỹ đất đang sở hữu tại Trung tâm TP. HCM như Quận 1, 3, 7, Bình Chánh, Nhà Bè…
Ngành cao su
Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã chính thức đầu tư và phát triển ngành cao su từ năm 2008 tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Để mở rộng quy mô phát triển ổn định và tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã triển khai đầu tư dự án trồng cao tại Campuchia. Tính đến nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã đi vào khai thác mũ từ năm 2013 với năng suất 100% trên 7.000 ha.
Thủy điện
Với mong muốn mang lại nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã chính thức đầu tư vào lĩnh vực Thủy điện. Năm 2012, tập đoàn đã khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Lagrai 1 với công suất 10,8 MW. Tiếp nối thành công của dự án thủy điện Lagrai 1, tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư vào dự án thủy điện Lagrai 2; Pleikeo và Anyun Trung.
Ngành gỗ
Trong suốt hơn 24 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành gỗ của tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã tạo được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước tin tưởng. Với đội ngũ nhân viên am hiểu chuyên môn, tay nghề cao; máy móc thiết bị hiện đại; cùng bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chế biến gỗ, tập đoàn Gia Lai đã cung cấp hơn 100.000 m2 gỗ dùng để sản xuất các sản phẩm cửa, kệ bếp, tủ âm tường và nội thất cho các công trình, căn hộ, biệt thự, nhà phố….
Ngành xây dựng
Với mong muốn chính đội ngũ Quốc Cường Gia Lai xây dựng và phát triển các dự án bất động sản, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã thành lập ngành xây dựng năm 2007. Những công trình xây dựng của Quốc Cường Gia Lai đã được hoàn thành với đủ loại hình như văn phòng cho thuê; căn hộ; biệt thự; nhà phố liên kế…
CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC CƯỜNG GIA LAI
Nguyễn Chí Thanh, P. Trá Bá, TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai, Việt Nam
T: (+84 059) 3 820 046 - 3 820 061 Fax: (+84 059) 3 820 549
W: quoccuonggialai.com.vn
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
26, Trần Quốc Thảo, P.6, Quận 3, TP.HCM
T: 08 3930 5704 Fax: 08 3930 5903 -E: sales@qcg.vn
W: www.quoccuonggialai.com.vn
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-qcg-quoc-cuong-gia-lai-du-an-phuoc-kien-a955.html