Thách thức về giá và tiến độ dự án Lô B Ô Môn: Petrovietnam (PVN) đối mặt với rủi ro

Dự án Lô B Ô Môn của PVN gặp khó khăn về giá bán khí và tiến độ FID. Với mức giá hiện tại, EVN có thể thua lỗ nếu không có sự điều chỉnh. Tiến độ FID dự kiến kéo dài đến năm 2024.

 

pvn-1627189595.jpg

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)

Vướng mắc lớn nhất dự án đến từ việc thống nhất giá và sản lượng bán khí-điện hạ nguồn. Giá bán khí cho dự án vào khoảng 13.8 USD/mmBTU, cao hơn 2-3 lần so với giá bán tại các mỏ hiện tại. Mức giá bán khí này quy sang giá bán điện sẽ tương đương khoảng 2,400 đồng/kWh, cao hơn 20% so với giá điện bình quân.

Nếu Chính phủ giao EVN cam kết tiêu thụ hết sản lượng điện và không điều chỉnh giá bán khíđiện hạ nguồn thì EVN sẽ thua lỗ. Ngược lại, nếu điều chỉnh giảm giá khí và tăng giá bán điện thì khả năng dự án sẽ không đạt hiệu quả kinh tế và sẽ gây ra tổn thất cho PVN.

PVN dự kiến sẽ cần thuyết phục các ngân hàng nước ngoài để huy động khoảng 1.5 tỷ USD cho dự án do Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, tính hiệu quả của dự án sẽ là điều kiện tiên quyết để PVN nhận được cam kết đầu tư.

Từ các lý do trên, tiến độ xin Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án Lô B Ô Môn có thể chậm trễ đến giữa năm 2024 do vấn đề cốt lõi khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn.

Trong tháng 9/2023, PVN đã ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ cho dự án. Theo đó, PVN sẽ được phép thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI 1 (thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở) với ngân sách phê duyệt trong 6 tháng tới.

Trong trường hợp FID vẫn chậm trễ trong 6 tháng tới, một Thỏa thuận sẽ được đàm phán trong lúc thực hiện LLOA, trong đó sẽ cho phép PVN được triển khai tiếp dự án và có cơ chế hoàn trả lại PVN phần chi phí đã bỏ ra trong giai đoạn đó.

Do vậy, dự án có thể được thực hiện ngay trong quý 4/2023 mà không cần phải hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình xin FID như trước.

10/8/2023 - Cập nhật ngành Dầu khí (Petrovietnam, PVN): hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực

Nhiều chỉ tiêu sản xuất của tập đoàn hoàn thành vượt mức đến 28% so với kế hoạch, sau bảy tháng sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo tại hội nghị giao ban tháng 7 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, gồm: sản xuất điện tăng hơn 62%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; sản xuất đạm từ Cà Mau tăng 3,3%; NPK Cà Mau tăng hơn 13%.

Trong bảy tháng qua, sản lượng khai thác dầu của tập đoàn đạt 6,2 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch, bằng 66,8% kế hoạch cả năm. Trong đó sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 5,15 triệu tấn; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,05 triệu tấn; sản lượng khai thác khí đạt 4,79 tỷ m3. Sản xuất và cung ứng điện đạt 14,94 tỷ kWh. Sản xuất đạm đạt 1,04 triệu tấn; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 4,18 triệu tấn.

Các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn tập đoàn 495.700 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch 7 tháng, đạt 73% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn (không bao gồm NSRP) đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 7 tháng, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng.

Tính riêng tháng 7, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn được triển khai tích cực. Mặc dù huy động điện, khí thấp hơn so với tháng trước do bước vào mùa mưa và việc ưu tiên huy động thủy điện nhưng nhờ tăng trưởng sản xuất ở các sản phẩm chủ lực khác như xăng dầu, phân bón góp phần đưa kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn tiếp tục hoàn thành ở mức cao so với kế hoạch Chính phủ giao.

Trong đó, sản lượng khai thác dầu vượt 15,5% kế hoạch tháng; sản lượng khai thác khí vượt 37%; sản xuất cung ứng điện vượt 47,8%; sản xuất đạm vượt 11,3%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) vượt 2,2 lần kế hoạch tháng.

Trong tháng, Petrovietnam chú trọng, triển khai như hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành dự án LNG Thị Vải từ ngày 10/7 (đã cung cấp cho thị trường đến 31/7 đạt 20 triệu m3 LNG; hoàn thành đầu tư đưa công trình giàn RC8 (của Vietsovpetro) vào khai thác từ ngày 15/7, sớm hơn 30 ngày so với kế hoạch. Các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí được triển khai theo kế hoạch đề ra như: chuỗi dự án Lô B, dự án điện Nhơn Trạch 3, 4, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất... Doanh nghiệp cho biết, việc tiếp nhận, bàn giao dự án nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa EVN và Petrovietnam diễn ra tích cực.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhận định, với quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, kỳ vọng quý III và quý còn lại của năm sẽ có đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và tập đoàn nói riêng.

Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ giao đã hoàn thành vượt kế hoạch song áp lực tăng trưởng của tập đoàn trong 5 tháng còn lại là rất lớn. Do đó, tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung công tác đánh giá, dự báo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện từng tháng, từng quý để bù đắp những chỉ tiêu sản lượng thiếu hụt theo kế hoạch quản trị.

21/07/2023: Sản lượng khai thác mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 và năm tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Cụ thể, khai thác dầu thô tháng 5 đạt 0,92 triệu tấn, vượt 15,6% kế hoạch tháng, tăng 2,6% so với tháng 4. Tính chung năm tháng đầu năm, khai thác dầu thô toàn tập đoàn ước đạt 4,41 triệu tấn, vượt 13,7% kế hoạch và bằng 47,5% kế hoạch năm.

Khai thác dầu thô trong nước đạt 0,77 triệu tấn, vượt 18,5% kế hoạch tháng, tăng 3% so với tháng 4, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2022. Khai thác dầu thô trong nước trong năm tháng đạt 3,66 triệu tấn, vượt 16,3% kế hoạch năm tháng, bằng 48,6% kế hoạch năm.

Khai thác khí tháng 5 ước đạt 0,73 tỷ m3, vượt 24,5% kế hoạch, tăng 0,6% so với thực hiện tháng 4 và tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm tháng đầu năm, khai thác khí toàn tập đoàn ước đạt 3,42 tỷ m3, vượt 21,2% kế hoạch 5 tháng, bằng 57,6% kế hoạch cả năm.

Theo đó, tập đoàn đã đảm bảo sản lượng khai thác khi mà hầu hết các mỏ chủ lực của Việt Nam đều đang trên đà suy giảm tự nhiên. Đại diện tập đoàn cho biết, điều này cho thấy tính hiệu quả của Petrovietnam và các đơn vị thành trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì sản lượng khai thác nhưng vẫn đảm bảo an toàn mỏ.

Về sản xuất xăng dầu trong nước (bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) trong tháng 5 sản xuất đạt 1,47 triệu tấn, vượt 50,4% so với kế hoạch tháng; tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng trưởng tới 32,6 % so với cùng kỳ 2022. Tính chung năm tháng, sản xuất xăng dầu các loại đạt 6,30 triệu tấn, vượt 26,5% kế hoạch năm tháng, bằng 56% kế hoạch năm và tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2022.

"Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, sự hoàn thành đi vào phát điện thương mại của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sản xuất điện toàn Petrovietnam đã đạt được những bước nhảy vọt", đại diện tập đoàn chia sẻ.

Theo đó, trong tháng 5, Petrovietnam sản xuất 2,77 tỷ kWh, bằng 100% kế hoạch tháng, tăng 7,8% so với tháng 4. Tính chung năm tháng, toàn tập đoàn sản xuất đạt 10,03 tỷ kWh điện thương phẩm, vượt 1% kế hoạch năm tháng, bằng 42,5% kế hoạch năm và tăng trưởng tới 46,6% so với cùng kỳ 2022.

Với việc không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, hoàn thiện chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng dầu khí, Petrovietnam là một trong những tập đoàn kinh tế chủ lực. Các sản phẩm chính như dầu thô, khí, điện và xăng dầu... còn là đầu vào cho các ngành, lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế. Việc Petrovietnam duy trì đà tăng trưởng, giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược là cơ sở, nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

gas-ju24-1624410318.jpeg

 

Cập nhật ngày 11/7/2021: PVN lãi đậm nửa đầu năm nhờ giá dầu tăng vọt

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, sản lượng dầu thô, condensate (hỗn hợp được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm như xăng, dầu hỏa, diesel...) vượt 15% so với kế hoạch. Tính chung nửa đầu năm, sản lượng khai thác quy dầu đạt gần 9,7 triệu tấn. Nhờ đó, tình hình tài chính của PVN đã "xoay chiều" so với cùng kỳ 2020.

Tập đoàn này đạt luỹ kế doanh thu 6 tháng 229.300 tỷ đồng, tăng 22% so với 6 tháng 2020. Lãi trước thuế hợp nhất 21.300 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ 2020 và vượt 165% kế hoạch. Chỉ số tài chính tốt giúp tập đoàn này nộp ngân sách vượt 42% kế hoạch 6 tháng, đạt 45.200 tỷ đồng.

Nguyên nhân lãi tăng mạnh được PVN cho biết nhờ giá dầu đã tăng trở lại trên thị trường toàn cầu trong suốt nửa đầu năm nay. Bình quân giá dầu thô 6 tháng đầu năm nay là 66,8 USD một thùng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020 và tăng gần 50% so với kịch bản giá dầu mà PVN xây dựng.

Nhiều dự báo cho thấy, giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, thậm chí có thể lên tới 100 USD một thùng, theo dự báo của cựu Bộ trưởng Năng lương Mỹ Dan Brouillette nói với CNBC. Chốt phiên giao dịch trên thị trường thế giới, giá dầu Brent tương lai tăng 1,43 USD lên 75,55 USD một thùng, giá dầu WTI tăng 1,62 USD lên 74,56 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, nếu OPEC+ không đạt được thoả thuận tăng sản lượng khai thác, có thể giá dầu sẽ giảm.

Ngoài giá dầu tăng, sự hồi phục của thị trường nước ngoài và nội địa nhờ Covid-19 được kiểm soát, giúp các mặt hàng kinh doanh khác của PVN như xăng, khí, đạm... tăng sản lượng bán, đem lại nguồn thu tốt cho "ông lớn" dầu khí.

Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN, với các chỉ số kinh doanh, chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao trong nửa đầu năm, tập đoàn này kỳ vọng sẽ sớm phục hồi so với giai đoạn trước Covid-19 diễn ra.

PVN cũng tiếp tục tối ưu, giảm chi phí hoạt động (6 tháng đầu năm giảm 1.700 tỷ đồng) và tăng chuỗi liên kết các doanh nghiệp, công ty con trực thuộc để tối ưu hoá sản xuất, kinh doanh. Hiện PVN đã tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-nganh-dau-khi-tap-doan-dau-khi-viet-nam-petrovietnam-san-luong-khai-thac-a908.html