Đánh giá cổ phiếu IMP (Dược Imexpharm): Triển vọng tích cực từ nửa cuối năm

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) sở hữu loạt dây chuyền sản xuất chất lượng cao với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong mảng thuốc kê đơn, đặc biệt là nhóm kháng sinh.

 

imp-imexpharm-1693281088.jpg

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP)

Doanh thu tăng mạnh trong Q2/2024 nhưng lợi nhuận ròng giảm

Trong Q2/2024, IMP ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt đạt 517 tỷ đồng (+18% svck) và 66 tỷ đồng (-17% svck), thấp hơn ước tính LNST do mức tăng biên lợi nhuận gộp thấp hơn dự kiến.

Biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ (do nhu cầu giảm ở kênh nhà thuốc, giá nguyên liệu thuốc tăng trung bình khoảng 3%, chi phí khấu hao nhà máy IMP4 chưa được ghi nhận trong Q2/2023), nhưng đã cải thiện so với quý trước.

Chi phí bán hàng và quản lý (SG&A) giảm 22% svck nhờ các chính sách tiết kiệm chi phí mới được áp dụng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và LNTT của IMP lần lượt đạt 43% và 38% kế hoạch của công ty.

Hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ kênh đấu thầu bệnh viện công lập

Bộ Y tế gần đây đã ban hành Thông tư 03&07/2024 (TT03&07/2024/TT-BYT) cung cấp danh sách 93 thuốc có ít nhất 3 công ty sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn EUGMP, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp. Thuốc nhập khẩu sẽ không được tham gia chào thầu bệnh viện công với các loại thuốc này.

IMP hiện nay có 12 SKU đủ điều kiện trong danh sách, giúp giảm bớt cạnh tranh trong tương lai. Tuy nhiên, IMP mới chỉ đạt 38% kế hoạch lợi nhuận trong bối cảnh nửa đầu năm 2024 khó khăn, dự đoán nửa cuối năm 2024 sẽ có sự phục hồi nhẹ.

Do đó, mặc dù vẫn duy trì ước tính doanh thu năm 2024 là 2,3 nghìn tỷ đồng (+16% svck), SSI điều chỉnh giảm dự báo LNST còn 309 tỷ đồng (+3% svck), thấp hơn so với kế hoạch của công ty là 338 tỷ đồng (+13% svck).

Dự báo doanh thu và LNST năm 2025 lần lượt là 2,6 nghìn tỷ đồng (+14% svck) và 372 tỷ đồng (+21% svck), với giả định biên lợi nhuận gộp duy trì đà tăng nhờ giá bán trung bình cao hơn.

IMP hiện đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2024 và 2025 lần lượt là 22x và 18x.

SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN và tăng giá mục tiêu 1 năm lên 92.000 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu IMP (từ 82.000 đồng/cổ phiếu), dựa trên sự kết hợp của phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 22x.

Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Nhu cầu thuốc trên cả 2 kênh bệnh viện và nhà thuốc yếu hơn dự kiến.

Thành viên cập nhật ngày 21/7/2024: FPTS khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 89.600 đồng/cp

FPTS tiến hành cập nhật định giá cổ phiếu IMP - CTCP Dược phẩm Imexpharm niêm yết trên sàn HSX. Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, xác định giá mục tiêu cổ phiếu IMP là 89.600 đồng/cp.

FPTS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu IMP dựa trên các luận điểm sau:

 Doanh thu kênh ETC dự phóng đạt 1.163 tỷ đồng (+36% YoY) trong năm 2024 nhờ triển vọng gia tăng công suất tại các nhà máy EU-GMP (IMP 2,3,4) đến từ (1) nhu cầu thuốc kháng sinh dự báo tăng 9,2%/năm, (2) kênh phân phối đa dạng giúp tăng khả năng trúng thầu và (3) tiếp tục hưởng lợi nhờ các chính sách ưu tiên doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa.

Theo đó, ưước tính sản lượng tại các cụm nhà máy EU-GMP đạt 192 triệu đvsp (+13% YoY) trong năm 2024. 

 Triển vọng khả quan ở kênh OTC nhờ kế hoạch mở rộng phân phối ra phía Bắc. Hệ thống phân phối của IMP hiện tại chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Nam với khoảng ~70% chi nhánh bán hàng và ~60% trình dược viên.

Dự phóng doanh thu kênh OTC của IMP đạt 1.137 tỷ đồng (+5% YoY) trong năm 2024 nhờ (1) kế hoạch thâm nhập thị trường miền Bắc và (2) tăng cường hợp tác với các nhà thuốc (chiếm 82% doanh thu OTC).

Thành viên cập nhật ngày 4/2/2024: kênh ETC sẽ là động lực duy trì tăng trưởng trong năm 2024

Trong Q4-FY23, doanh thu và LNST của IMP lần lượt đạt 608 tỷ đồng (+9% YoY) và 72 tỷ đồng (-8% YoY). Trong đó:

Doanh thu hàng tự sản xuất chiếm tỷ trọng 92% doanh thu thuần của IMP. Hai kênh bán hàng chính là ETC và OTC ước tính ghi nhận doanh thu lần lượt là 300 tỷ đồng (+28% YoY) và 257 tỷ đồng (-2% YoY).

IMP tiếp tục gia tăng tỷ trọng kênh ETC từ 39% trong Q3-FY23 lên thành 48% trong Q4-FY23, sự tăng nhanh này một phần đến từ tính chất thường niên của ngành dược, do thời điểm kết thúc các gói thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện nên các công ty thường xuất bán để tổng kết số liệu, đồng thời cũng dữ trữ thuốc cho kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán vào đầu năm mới.

Biên lợi nhuận gộp lại giảm mạnh, chỉ đạt 34%, giảm 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ và giảm 5 điểm phần trăm so với quý trước. Nguyên nhân chính là do IMP đẩy mạnh khuyến mại tặng kèm thuốc kháng sinh liên quan đến hô hấp như như Cidetuss, Batomax, Biocement,…nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng cho năm 2024.

Mặc dù, biên gộp giảm mạnh, nhưng biên LNST chỉ giảm 2 điểm phần trăm svck, do chi phí bán hàng và quản lý giảm 20% YoY. Điều này chủ yếu đến từ hiệu ứng nền cao của năm trước khi công ty trích lập dự phòng 11 tỷ đồng đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi.

Nhìn chung, LNST của IMP trong Q4-FY23 giảm nhẹ do tăng cường khuyến mại nhằm duy trì thị phần kênh OTC. Chúng tôi cho rằng,  chiến lược gia tăng tỷ trọng kênh ETC đang đi đúng hướng, đây là những điểm sáng trong KQKD của IMP. 

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu và LNST của IMP lần lượt đạt 1.994 tỷ đồng (+21% YoY) và 300 tỷ đồng (+28% YoY), tương ứng hoàn thành 114%/108% kế hoạch năm và 101%/95% tỷ lệ dự phóng của chúng tôi. Biên lợi nhuận gộp và biên LNST duy trì ổn định và có xu hướng đi ngang svck. 

Kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024

Tổng giá trị trúng thầu (GTTT) trong năm 2023 của IMP đạt 1.233 tỷ đồng (+38% YoY), chiếm tỷ trọng lớn là các sản phẩm thuốc kháng sinh thuộc nhóm 2.

Nhờ sở hữu số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU – GMP nhiều nhất cả nước, IMP đã cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trên kênh ETC, trong bối cảnh GTTT nhóm 2 của toàn ngành đi ngang so với cùng kỳ. Đóng góp giá trị lớn nhất là thuốc kháng sinh dạng tiêm, được sản xuất tại nhà máy IMP 3.

Trong khi đó, GTTT của nhà máy IMP 2 tăng ba lần so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng ấn tượng sau hai năm đầu hoạt động với công suất thấp, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhà máy IMP 4 sản xuất thuốc kháng sinh Non – Betalactam dạng bột tiêm đông khô, bắt đầu sản xuất thuốc trên dầy chuyền EU – GMP kể từ đầu năm 2023, cũng đã góp đáng kể trong tổng GTTT của IMP.

Dự báo năm 2024, doanh thu và LNST lần lượt là 2.229 tỷ đồng (+13% YoY) và 367 tỷ đồng (+16% YoY)

Kênh ETC tiếp tục là động lực tăng trưởng chính chúng tôi cho rằng, nhờ chính sách BHYT toàn dân và danh mục thuốc được hưởng BHYT mở rộng hơn. Dự phóng doanh thu kênh ETC đạt 1.027 tỷ đồng (+21% YoY), chúng tôi kỳ vọng giá trị trúng thầu tăng nhanh trong năm 2023, sẽ giúp cải thiện công suất và gia tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các nhà máy mới là IMP 2 và IMP 4.

Theo Fitch Solution, dự phóng tăng trưởng kênh OTC toàn ngành đạt 7% đến từ gia tăng GDP bình quân đầu người và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự phóng doanh thu kênh OTC đạt 1.116 tỷ đồng (+7% YoY), tương đương với tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành.

Rồng Việt duy trì giá mục tiêu 74.000 VND/cổ phiếu, hàm ý định giá P/E cho năm 2024F tại giá mục tiêu là 16,6x. Rồng Việt thay đổi khuyến nghị từ MUA thành TÍCH LŨY do giá thị trường đã tăng 16% kể từ khuyến nghị trước đó.

Thành viên cập nhật ngày 15/12/2023: giá đang ở vùng hấp dẫn cho chiến lược đầu tư dài hạn

Rồng Việt điều chỉnh giảm dự phóng cho Q4-FY23 sau khi IMP công bố KQKD Q3-FY23 do nhận thấy tốc độ tăng trưởng giảm nhanh hơn so với dự báo trước đó. Dự phóng doanh thu và LNST trong Q4-FY23 của IMP lần lượt đạt 594 tỷ đồng (+7% YoY) và 90 (+14% YoY). Trong đó, doanh thu kênh ETC và kênh OTC lần lượt đạt 275 tỷ đồng (+17% YoY) và 273 tỷ đồng (+3% YoY).

Kênh ETC tăng trưởng dương hai chữ số do tính chất thường niên của ngành dược, thông thường cuối năm là thời điểm kết thúc các gói thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện nên các công ty thường xuất bán để tổng kết số liệu, đồng thời cũng dữ trữ thuốc cho kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán vào đầu năm mới.

Mặt khác, kênh OTC đi ngang so với cùng kỳ do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự gia tăng thị phần của kênh ETC.
Cho năm 2023F, doanh thu và LNST lần lượt là 1.980 tỷ đồng (+20% YoY) và 317 tỷ đồng (+34% YoY).

Bước sang năm 2024, nhờ chính sách BHYT toàn dân và danh mục thuốc được hưởng BHYT mở rộng hơn nên kênh ETC tiếp tục tăng trưởng dương nhưng tốc đồ tăng trưởng sẽ chậm lại, trong khi kênh OTC sẽ duy trì tăng trưởng ổn định 7%, tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành. Dự phóng cho năm 2024F, doanh thu và LNST lần lượt là 2.229 tỷ đồng (+13% YoY) và 367 tỷ đồng (+16% YoY).

Chỉ số P/E trượt 12 tháng và P/B lần lượt là 12,6x và 1,9x, đều đang ở vùng thấp so với 5 năm quá khứ. Trong khi đó, IMP với vị thế là công ty có chất lượng tài sản tốt, sở hữu số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP cao nhất cả nước, hiệu quả sử dụng vốn (ROE) được nâng cao và LNST tăng trưởng dương hai chữ số trong năm 2024. Chúng tôi cho rằng, cổ phiếu IMP đang có mức định giá hấp dẫn cho chiến lược đầu tư trong dài hạn.

Rồng Việt duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu IMP với giá mục tiêu 74.000 VND/cổ phiếu, hàm ý định giá P/E cho năm 2024F tại giá mục tiêu là 16,6x.

Thành viên cập nhật ngày 3/9/2023: Hướng tới những đỉnh cao mới

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) sở hữu loạt dây chuyền sản xuất chất lượng cao với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong mảng thuốc kê đơn, đặc biệt là nhóm kháng sinh.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) nối dài đà phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022, với doanh thu Q2/2023 ấn tượng đạt 440 tỷ đồng (+24% svck, -14% so với quý trước) và lợi nhuận gộp đạt 193 tỷ đồng (+37% svck, -16% so với quý trước).

Công ty cũng ghi nhận mức lợi nhuận ròng theo quý cao kỷ lục (80 tỷ đồng, +71% svck), với biên lợi nhuận ròng đạt mức cao nhất trong lịch sử là 18%.

IMP sở hữu loạt dây chuyền sản xuất chất lượng cao với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong mảng thuốc kê đơn, đặc biệt là nhóm kháng sinh.

Định hướng của IMP được hỗ trợ bởi chính sách của Nhà nước. Các chính sách đưa ra với định hướng thị phần thuốc sản xuất trong nước phải đạt 75% về số lượng và 60% về giá trị vào năm 2025, từ mức 60% và 45% như hiện tại (theo Quyết định số 376/QĐ-TTg năm 2021).

Theo một điều khoản được đưa vào Luật Đấu thầu (số 22/2023/QH15), nếu một sản phẩm trong danh mục được Bộ Y Tế công bố có ít nhất ba hãng sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương thì nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.

Ngoài ra, Thông tư 03/2019/TT-BYT của Bộ Y tế cũng đã ban hành một danh mục thuốc mà nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu mà chỉ được chào thuốc sản xuất trong nước. Chúng tôi cho rằng nhờ những chính sách như trên, IMP-với 42% doanh thu từ kênh bệnh viện, sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thuốc nhập khẩu.

Ước tính doanh thu và LNST cho năm 2023 lần lượt là 1,8 nghìn tỷ đồng (+12% svck) và 283 tỷ đồng (+27% svck) (từ 1,7 nghìn tỷ đồng và 260 tỷ đồng). SSI cũng ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng cho năm 2024 lần lượt là 2,1 nghìn tỷ đồng (+15% svck) và 324 tỷ đồng (+15% svck).

Như vậy, IMP hiện đang giao dịch ở mức P/E 2023 và 2024 lần lượt là 17x và 14x, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 20x. SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm cho IMP là 82.000 đồng/cổ phiếu khi kết hợp giữa pp DCF và P/E mục tiêu 20x (từ P/E mục tiêu trước đó là 15x), với tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 20% trong giai đoạn 2023- 2024.

Quan điểm ngắn hạn: IMP sẽ tiếp tục tăng trưởng so với Q2/2023 nhưng khó có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, với lí do nửa cuối năm 2022 có mức nền lợi nhuận cao và nhu cầu chăm sóc sức khỏe suy giảm.

Yếu tố hỗ trợ tăng/giảm đối với khuyến nghị: Nhu cầu mạnh hơn/yếu hơn đối với thuốc không kê đơn; và tăng trưởng của thuốc kê đơn tốt hơn/yếu hơn kỳ vọng.

SSI khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu IMP.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã IMP)
IMP thành lập vào năm 1983, xuất phát là một doanh nghiệp nhà nước và được cổ phần hóa vào năm 2001. Công ty được niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2006.
Công ty là một trong những doanh nghiệp có uy tín về chất lượng sản phẩm do áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe. Các sản phẩm chính là thuốc kháng sinh (cephalosporin và penicillin).
Công ty có nhà máy ở Đồng Tháp (sản xuất non-beta lactam và penicillin), Bình Dương (thành lập năm 2010, sản xuất cephalosporin và penicillin) và Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hiện công ty có 11 dây chuyền sản xuất thuốc đạt chứng nhận EU GMP, nhiều nhất trong các công ty có nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm EU GMP chiếm 40% doanh thu của IMP trong năm 2022, nhưng công suất hoạt động của các dây chuyền mới chỉ đạt khoảng 10%-15% ở mỗi nhà máy.
Dây chuyền sản xuất được đầu tư liên tục từ 2016 tới nay nhưng IMP mới chỉ có 12 hồ sơ đăng ký thuốc chuẩn EU GMP (tính đến hết năm 2022) do thủ tục đăng ký thường khá lâu và Covid khiến xét duyệt hồ sơ chậm trễ hơn. Số lượng hồ sơ đăng ký sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới, nhờ vậy sẽ tạo lợi thế hơn trong các chương trình cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập.
Các sản phẩm đạt EU GMP của công ty được phép đưa vào danh mục đấu thầu cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao có giá bán đắt hơn 20-30%. Nhóm 1&2 hiện chiếm ít nhất một nửa tổng giá trị thuốc đấu thầu tại bệnh viện, nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được sản xuất trong nước.
IMP là một trong 15 công ty có cơ sở sản xuất trong nước đạt tất cả các yêu cầu để tham gia đấu thầu thuốc trong nhóm này. Ngoài ra, nhà máy EU GMP cũng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho IMP

FPTS & Rồng Việt & SSI

Link nội dung: https://vinabull.vn/danh-gia-co-phieu-imp-duoc-pham-imexpharm-a884.html