Tập đoàn AES cho biết dự án kho cảng này nằm trong chuỗi dự án LNG tại Bình Thuận, có công suất lắp đặt 450 TBtu. Kho cảng này dự kiến vận hành thương mại năm 2027.
Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 sẽ cung cấp từ 3,6 triệu tấn khí LNG một năm, giai đoạn 2 tăng lên 6 triệu tấn khí cho các nhà máy điện khí ở Bình Thuận. Đây là dự án kho cảng khí LNG được đánh giá lớn nhất Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Dự án này được AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) kí thỏa thuận liên doanh hồi tháng 9/2021. Thời điểm đó, dự án được dự kiến hoàn tất các thủ tục tài chính năm 2022, bắt đầu vận hành thương mại vào 2026.
Ông Joseph Uddo, Tổng giám đốc AES Việt Nam nói quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là một cột mốc quan trọng cho phép doanh nghiệp tiếp tục phát triển dự án cơ sở hạ tầng. Kho cảng LNG Sơn Mỹ được nhìn nhận là cơ sở để khai thác các nhà máy điện Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, nhằm đưa tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng quốc gia.
Còn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhìn nhận dự án Sơn Mỹ sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, cùng với dự án Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 (CCGT) có tổng công suất 2,2 GW của AES là khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Dự án Sơn Mỹ 2 CCGT cũng đã nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó.
Thực tế, Quy hoạch điện VIII xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.
Cập nhật ngày 10/7/2023: nhập chuyến LNG đầu tiên về Việt Nam, mở ra mảng kinh doanh hợp thời
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết sẽ chính thức tiếp nhận chuyến tàu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) đầu tiên về Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong khát vọng "chuyển đổi xanh" của doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, rạng sáng ngày 10/7, chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên về Việt Nam sẽ cập bến kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang (Indonesia) đến kho cảng LNG Thị Vải sẽ được chuyên chở trên tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp, dung tích chứa khoảng 174.000 m3).
Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell - nhà sản xuất và cung cấp LNG có uy tín và năng lực hàng đầu trên thế giới - là đơn vị được PV Gas lựa chọn để làm nhà cung cấp cho chuyến hàng lần này.
Ông Trần Nhật Huy, Phó tổng giám đốc PV Gas, cho biết hiện nay đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho công tác xuất nhập khẩu và kinh doanh LNG với dự án kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng đưa vào sử dụng từ tháng 7.
Theo kế hoạch của PV Gas, kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, cùng với việc đầu tư kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến lên đến 10 triệu tấn LNG/năm. Trong đó, PV Gas là đồng chủ sở hữu với tỷ lệ góp vốn chiếm đa số.
Tổng công ty này cho biết cơ sở hạ tầng về LNG sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam Bộ trong tương lai.
Kho LNG Thị Vải sẽ là kho LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất giai đoạn đầu là 1 triệu tấn/năm. Hiện PV Gas đã có kế hoạch mở rộng khi lên 3-6 triệu tấn/năm.
Tại thị trường Việt Nam, PV Gas là đơn vị đầu tiên và duy nhất đủ năng lực và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
Cập nhật ngày 28/5/2023: thay mới cả chủ tịch và tổng giám đốc
Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) vừa thông qua bầu ban lãnh đạo mới. Theo đó, từ 27/5 ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên Hội đồng quản trị lên giữ chức vụ Chủ tịch PV Gas. Cùng lúc, ông Phạm Văn Phong, thành viên Hội đồng quản trị công ty cũng được bổ nhiệm tổng giám đốc.
Ông Bình sinh năm 1977, có trình độ Thạc sỹ Kinh doanh quốc tế. Ông gia nhập PV Gas từ năm 2009. Trước khi đảm nhiệm chức vụ này, ông Bình từng làm Trưởng ban nhập khẩu và phát triển thị trường khí, Giám đốc Công ty Kinh doanh sản phẩm khí, Phó tổng giám đốc PV Gas.
Ông Phong cũng sinh năm 1977, là Tiến sĩ kỹ thuật hóa học, ông công tác tại PV Gas từ năm 2008. Trước khi đảm nhiệm chức vụ này, ông từng là Trưởng phòng phát triển dự án - Công ty Quản lý Dự án Khí, Giám đốc Công ty Kinh doanh sản phẩm khí, Phó tổng giám đốc PV Gas.
Ngoài bầu ban lãnh đạo, PV Gas đặt kế hoạch năm nay với tổng doanh thu 76.441 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 8.100 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 57% so với thực hiện năm 2022.
Cùng với đó, năm 2023, công ty dự kiến chạy thử, đưa vào vận hành dự án kho LNG tại Thị Vải và các dự án thành phần; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ khí, LNG và sản phẩm khí trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực phía Bắc.
Năm ngoái, công ty ghi nhận tổng doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt trên 13.300 tỷ đồng, bằng 189% kế hoạch và tăng 51% so với năm 2021.
Cập nhật ngày 12/10/2021: sử dụng đất đai và đầu tư tài chính kém hiệu quả
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) và Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, DPM) bị Kiểm toán Nhà nước cho là đầu tư tài chính kém hiệu quả.
Kiểm toán Nhà nước cho biết trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp Nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp có nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.
Trong đó, công ty mẹ PV Gas có gần 6.864 m2 đất trống, đã quá thời hạn đầu tư; Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam còn 13.002 m2 đất đang chờ thực hiện dự án; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chưa sử dụng đất theo đúng kế hoạch, gồm 34.228 m2 tại công ty mẹ và 8.868 m2 tại Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam. Tương tự, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ cũng có 17.284 m2 đất chưa sử dụng.
Trong hoạt động đầu tư tài sản cố định, đầu tư tài chính, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều công ty ghi nhận hiệu quả đầu tư thấp.
Tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, DPM), năm 2020, dây chuyền sản xuất NPK của công ty này chỉ đạt 45,6% công suất và 63,2% sản lượng kế hoạch. Bên cạnh đó, một số kho đầu tư dở dang đang làm thủ tục chuyển nhượng nhưng chưa chuyển nhượng được suốt nhiều năm dẫn đến tình trạng xuống cấp, không hiệu quả.
Trong đó, Kho Tây Ninh của công ty này được đầu tư từ năm 2010, đến năm 2013 thì dừng thi công, chi phí đầu tư xây dựng dở dang là 30 tỷ đồng. Tổng kho Đà Nẵng được góp vốn đến năm 2012 là gần 23 tỷ, đến năm 2014 thì tạm dừng thi công. Kho Vũng Áng (Hà Tĩnh) được phê duyệt phương án chuyển nhượng từ năm 2016 nhưng đến nay chưa có đối tác nhận mua, đến tháng 10/2017 nhà kho đã bị sập hoàn toàn do bão.
Tình trạng đầu tư tài chính kém hiệu quả cũng diễn ra tại công ty mẹ PV Gas và công ty mẹ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, DPM).
Cập nhật ngày 17/6/2021: GAS trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%
Theo báo cáo tài chính tính đến cuối quý I, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của GAS còn trên 12.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dành 5.740 tỷ đồng trong số này để chia cổ tức cho 1,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thanh toán từ ngày 1/9 đến 16/10.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nắm giữ hơn 1,83 tỷ cổ phiếu, tương ứng 95,76% vốn, sẽ nhận khoảng 5.400 tỷ đồng.
GAS đặt mục tiêu doanh thu năm nay hơn 70.170 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đi lùi 12%, còn khoảng 7.040 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến giảm xuống 25%.
Ông Dương Mạnh Sơn – Tổng giám đốc GAS cho rằng tác động kép của dịch bệnh và giá dầu biến động khó lường là thách thức lớn trong năm nay. Bên cạnh đó, sản lượng các mỏ trong nước giảm nhưng chi phí bảo dưỡng hệ thống lại ngày càng tăng cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Sản phẩm:
Khí khô
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)
Khí ngưng tụ (Condensate)
Khí thiên nhiên nén (CNG)
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Ống thép dầu khí
Dịch vụ:
Vận chuyển khí và các sản phẩm khí
Thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí
Dịch vụ kho cảng cho các dịch vụ xuất nhập khẩu khí
Cung cấp vật tư, thiết bị ngành khí
Bọc ống dầu khí (bọc chống ăn mòn, cách nhiệt, bê tong gia trọng)
Ý tưởng về một ngành công nghiệp khí đã được hình thành từ đầu những năm 90 khi sản lượng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, nếu không đưa vào bờ để sử dụng sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi. Do đó, ngày 20/09/1990, PV GAS được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt và với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Cửu Long
Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã bắt tay ngay vào việc triển khai Hệ thống khí thứ nhất – Hệ thống khí Bạch Hổ, sau này phát triển mở rộng thành Hệ thống khí Cửu Long, bao gồm: Giàn nén khí ngoài khơi, Hệ thống đường ống vận chuyển khí từ các mỏ dầu khí thuộc bể Cửu Long, vào bờ và lên đến Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, các Trạm phân phối khí. Để sớm đưa khí vào bờ đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, Hệ thống được chia thành các giai đoạn để thực hiện.
Đầu quý II/1995, phần đưa sớm khí vào bờ đã hoàn thành; dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ vào ngày 26/04/1995 từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp cho Nhà máy điện Bà Rịa với công suất 1 triệu m3/ngày, góp phần giảm bớt khoản chi ngoại tệ rất lớn từ ngân sách Nhà nước để nhập khẩu diesel làm nhiên liệu cho Nhà máy điện.
Tiếp theo đó, cùng với việc hoàn thành giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn ngoài khơi và hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày vào đầu năm 1997 và 3 triệu m3/ngày vào cuối năm 1997, trên 5 triệu m3/ngày vào năm 2002 để vận chuyển thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Cửu Long: mỏ Rạng Đông 2002, Cá Ngừ Vàng, Phương Đông 2008, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen 2009, Vòm Bắc, Rồng, Đồi Mồi 2010, Tê Giác Trắng 2011, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng 2013, Đại Hùng năm 2015, Thiên Ưng năm 2016… đến các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM.
Việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng PV GAS vào cuối năm 1998 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Lần đầu tiên LPG và Condensate được sản xuất tại Việt Nam. Từ tháng 5/1999, PV GAS đã đáp ứng phần lớn nhu cầu LPG trong nước với chất lượng tốt và giá cạnh tranh, thay thế cho mặt hàng lâu nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đến nay, Hệ thống khí Cửu Long không ngừng được phát triển, với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống dẫn khí dài 107 km từ bể Cửu Long vào bờ (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí/năm), đến các hộ tiêu thụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí, 350 nghìn tấn LPG và 130 nghìn tấn Condensate/năm), Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải (công suất chứa theo thiết kế: trên 71.000 tấn LPG, 46.000 m3 Condensate; 2 cầu cảng 60.000 DWT và 2.000 DWT).
Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn
Phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được từ Hệ thống khí Cửu Long, PV GAS tiếp tục triển khai Hệ thống khí thứ hai – Hệ thống khí Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những Tập đoàn Dầu khí lớn trên thế giới, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400 km từ các mỏ thuộc bể Nam Côn Sơn, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn. Tháng 12/2002, Hệ thống khí Nam Côn Sơn đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Tây, Lan Đỏ được đưa vào bờ đến các hộ tiêu thụ. Tiếp sau đó, Hệ thống khí Nam Côn Sơn lần lượt tiếp nhận thêm nguồn khí từ các mỏ khác thuộc bể Nam Côn Sơn (Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây năm 2006, Chim Sáo, Dừa năm 2011, Hải Thạch, Mộc Tinh năm 2013).
Hệ thống khí thứ ba – Hệ thống khí PM3 - Cà Mau
Để phát triển thị trường tiêu thụ khí tại khu vực Tây Nam Bộ, PV GAS đã đầu tư Hệ thống khí PM3 – Cà Mau với 325 km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế trên 2 tỷ m3 khí/năm, Trung tâm phân phối khí Cà Mau, đưa khí mỏ PM3-CAA, 46 CN thuộc bể Malay – Thổ Chu cấp cho các nhà máy điện và nhà máy đạm tại Cà Mau từ 5/2007. Cuối năm 2017, PV GAS đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý khí Cà Mau sản xuất LPG và Condensate, gia tăng giá trị nguồn khí PM3. Hệ thống khí PM3-Cà Mau góp phần phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau và đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống khí thứ tư – Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình
Do một số hạn chế về đặc tính kỹ thuật của thành phần khí bể Sông Hồng và thị trường tiêu thụ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ngành khí tại miền Bắc tương đối muộn hơn so với miền Nam.
Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình với 25km đường ống khí ngoài khơi và trên bờ, công suất thiết kế 500 triệu m3 khí/năm bắt đầu được vận hành vào 7/8/2015, cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển thị trường tiêu thụ khí tại miền Bắc trong các năm tiếp theo.
Hệ thống khí thứ năm – Hệ thống khí Nam Côn Sơn 2
Chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng Ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Thiên Ưng-Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ-Dinh Cố; bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình; bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.
Hệ thống tuyến ống NCS2 với chiều dài tuyến ống biển lên đến 330 km và 29 km đường ống dẫn khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Không chỉ dừng lại với việc vận hành an toàn và hiệu quả các Hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau, Hàm Rồng – Thái Bình, Nam Côn Sơn 2, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng và duy trì sự phát triển ổn định thị trường khí của PV GAS, Hiện nay, PV GAS đã và đang tích cực đầu tư các dự án mới như: chuỗi kho cảng nhập LNG trên phạm vi toàn quốc, đường ống thu gom vận chuyển khí Sư Tử Trắng,… phù hợp với Chiến lược phát triển và các Quy hoạch liên quan. Đặc biệt, hiện nay PV GAS đang xây dựng và chuẩn bị chạy thử Kho chứa LNG 1MMTPA tại Thị Vải dự kiến đi vào vào vận hành từ năm 2023. Lượng khí nhập khẩu dự kiến sẽ cung cấp cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 và các khách hàng công nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cấp bù cho phần khí nội địa đang ngày càng suy giảm, dự án “Mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên thành 3 triệu tấn/năm” đã được nghiên cứu và trình Cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt đầu tư.
Để gia tăng giá trị sử dụng khí, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước cũng như để đảm bảo sự phát triển bền vững của PV GAS, PV GAS đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bằng hình thức tự đầu tư của công ty mẹ hoặc đầu tư thông qua các đơn vị thành viên như:
Hệ thống phân phối khí thấp áp: bao gồm hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Nam Bộ (cung cấp cho các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. HCM) và hệ thống phân phối khí thấp áp khu vực Bắc Bộ (cung cấp cho khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình) do Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D) quản lý với sản lượng khoảng 1 tỷ m3 khí/năm. Ngoài ra, PV Gas D cũng đang nghiên cứu việc mở rộng hệ thống phân phối khí thấp áp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Hệ thống phân phối CNG cho các khu đô thị, khách hàng công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải tại khu vực Đông Nam Bộ và một số địa phương tại khu vực Bắc Bộ do Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) quản lý với sản lượng hơn 400 triệu m3/năm. CNG được CNG Việt Nam, Gas South phân phối đến các khách hàng công nghiệp có nhu cầu sử dụng khí làm nhiên liệu cho quá trình sản xuất nhưng nằm xa hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp.
Hệ thống phân phối LPG cho các công ty kinh doanh LPG, các khách hàng công nghiệp, thương mại, hộ gia đình, khu đô thị và phương tiện giao thông vận tải do Công ty kinh doanh sản phẩm khí (PV Gas Trading), Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG), Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Nam (Gas South), quản lý với sản lượng hơn 2 triệu tấn LPG/năm từ nguồn LPG trong nước sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài. Để đáp ứng hoạt động kinh doanh LPG này, PV GAS và các đơn vị thành viên/liên kết của PV GAS đã đầu tư hệ thống kho chứa LPG trên địa bàn khắp cả nước với tổng công suất gần 140 nghìn tấn, chiếm trên 70% công suất chứa cả nước.
Ngoài các hệ thống dây chuyền phục vụ cho quá trình xử lý và kinh doanh khí và các sản phẩm khí nói trên thì PV GAS còn tham gia vào sản xuất ống và bọc ống: đây là những sản phẩm và dịch vụ do 2 Công ty cổ phần sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần bọc ống Dầu khí Việt Nam cung cấp với công suất 200.000 tấn ống/năm để sản xuất và cung cấp ống chuyên dụng cho các dự án trong ngành công nghiệp khí và các ngành công nghiệp khác.
Sự phối hợp giữa PV GAS và các đơn vị thành viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho PV GAS trong toàn bộ dây chuyền thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
Công nghiệp khí là một ngành có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng chống cháy nổ. Đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành phải giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm và phải có kỷ luật lao động công nghiệp. Do đó, PV GAS đã quan tâm đặc biệt đến việc soạn thảo, phổ biến và thực hiện các quy trình vận hành, bảo dưỡng an toàn, cũng như việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vận hành. Do đó, đến nay, đội ngũ người lao động của PV GAS đã đảm nhiệm mọi hoạt động sản xuất, vận hành công trình khí và không còn cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài như trước đây. Ngoài ra, vì PV GAS còn áp dụng hệ thống quản lý tích hợp an toàn, chất lượng, môi trường theo tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, nên trong suốt hơn 30 năm sản xuất và vận hành, PV GAS chưa để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng gây mất an toàn, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các dự án khí mang lại hiệu quả kinh tế cao, khí và các sản phẩm khí của PV GAS được sử dụng rộng rãi trong cả nước.
Phù hợp với tính chất, quy mô phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức của PV GAS cũng được thay đổi tương ứng. Từ chỗ là một Công ty Khí đốt với khoảng 100 CBCNV ban đầu, PV GAS ngày một trưởng thành, trở thành Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí vào năm 1995, chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên vào tháng 11/2006, lớn mạnh thành Tổng Công ty Khí Việt Nam kể từ tháng 7/2007, tiến hành cổ phần hóa và trở thành Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần vào tháng 5/2011 và sau đó niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào tháng 5/2012. Đến nay, PV GAS đã có gần 3.000 lao động và số vốn điều lệ 19.139 tỷ đồng – là một trong những công ty cổ phần có số vốn điều lệ lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.
Trải qua hành trình hơn 30 năm hình thành và phát triển, không ngừng chuyển mình, nâng tầm vị trí chủ lực trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với nhiều con số ấn tượng:
Vận chuyển và cung cấp khoảng 8 - 9 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện, đạm, khách hàng công nghiệp, làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng Điện, 70% nhu cầu Đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp.
Kinh doanh gần 2 triệu tấn LPG/năm, chiếm lĩnh gần 70% thị phần toàn quốc, trong đó chiếm 80% thị phần miền Nam, 57% thị phần miền Bắc và 64% thị phần miền Trung.
Kinh doanh khoảng 90 nghìn tấn Condensate/năm.
Doanh thu đạt trên 4 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 triệu USD với tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD.
Với những thành tựu to lớn đạt được, PV GAS xứng đáng trở thành Nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn nhất tại Việt Nam, Nhà sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Nhà nước giao cho: góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và vinh dự đón nhận rất nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen... của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đặc biệt trong năm 2015 đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng, trở thành doanh nghiệp nổi bật trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao (hàng năm PV GAS luôn là Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thuộc 9 doanh nghiệp hàng đầu, liên tiếp nhận Vinh danh của Forbes “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” – “Top 5 Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận tốt nhất”, được Bộ Công Thương vinh danh Thương hiệu Quốc gia nhiều năm liền, tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao trên 25%).
Trong những năm tiếp theo, PV GAS sẽ không ngừng phấn đấu hoàn thiện hệ thống quản lý, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường với chiến lược phát triển con người làm then chốt. PV GAS tin tưởng vững chắc rằng với nỗ lực của toàn thể CBCNV PV GAS, sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS sẽ không ngừng phát triển, trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp Khí giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường Khí của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-gas-tong-cong-ty-khi-viet-nam-pv-gas-a879.html