Kết quả kinh doanh HDB (HDBank): Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt 2.858 tỷ đồng, tăng 26%

Ngân hàng HDBank vừa công bố báo cáo tài chính quý vừa qua với doanh thu và lợi nhuận tích cực.

 

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố báo cáo tài chính ba tháng đầu năm với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.657 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế quý I của HDBank đạt 2.858 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 23% kế hoạch năm,

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cùng lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 22,0% và 2,0%. Nợ xấu riêng lẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ 1,1%. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) thuộc top đầu - 12,5% nhờ tăng trưởng cả thu nhập lãi, thu dịch vụ lẫn kiểm soát hiệu quả chi phí.

Ngày 31/3, tổng huy động vốn đạt trên 406.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất hơn 292.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cuối năm 2022. Tất cả mảng kinh doanh chính gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tài chính tiêu dùng đều tăng trưởng.

Cập nhật quý 4/2022: Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Trong đó, mảng dịch vụ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu ngành...

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 4/2022 của HDBank đạt 5.869 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế cả năm 2022, ngân hàng đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 29,7%, thu thuần từ dịch vụ tăng 53,4%. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Các chỉ tiêu ROAE đạt 23,5%, ROAA đạt 2,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt hơn 13,4% nằm trong nhóm cao dẫn đầu toàn ngành.

Tại 31/12/2022, tổng tài sản của HDBank lần đầu vượt mốc 416 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn đạt 366 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân tư đạt 216 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần mức tăng toàn ngành (khoảng 6%). Dư nợ đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng, tăng trên 25,6% và phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp chỉ 1,3%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, các chuỗi cung ứng và phân phối.

Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng 2022 lợi nhuận tăng 31,7%

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank – HOSE: HDB) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022, với tổng thu nhập hoạt động gần 5.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với quý 3/2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2% và thuộc những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ 15,9%, tốt hơn mức tối đa 37% theo quy định của NHNN. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất. Ngân hàng đang triển khai áp dụng đầy đủ chuẩn Basel III vào quản trị.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỉ đồng

HDBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỉ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ riêng lẻ tăng trên 113%, tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán HDB) cho hay trong quý 2 toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh của HDBank đều tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.582 tỉ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ quý 2-2021. Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 2.776 tỉ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động đạt 10.704 tỉ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nhập thuần từ lãi tăng 25,8%, thu nhập ngoài lãi tăng 32,6%. Đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ với thu nhập thuần gấp hai lần cùng kỳ.

Ngân hàng quản trị hiệu quả chi phí đồng thời ứng dụng công nghệ số để gia tăng năng suất lao động và quản trị rủi ro, giúp chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm chỉ tăng 19,4% so với cùng kỳ. Hệ số chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động cải thiện lên 37% từ mức 39,4% cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và lãi ròng trên tài sản (ROAA) đạt lần lượt 25,6% và 2,24%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.

Các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo ở mức tốt với hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt 14,9%, mức cao dẫn đầu toàn ngành. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng lẻ đạt mức an toàn cao 109%. 

Cập nhật quý 1/2022 lợi nhuận 2.528 tỷ, tăng 20,3%

Ngân hàng HDBank vừa công bố báo cáo tài chính quý 1-2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.528 tỉ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm.

Tính đến ngày 31-3, tổng huy động vốn của HDBank đạt trên 340.000 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 234.000 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2021 với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối, hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng xanh, phát triển năng lượng tái tạo và hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, HDBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, ngay từ quý đầu năm, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỉ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều.

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỉ lệ thấp trong ngành.

Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%. Chi phí hoạt động được tối ưu giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) đạt 37,6% tốt hơn mức 39,1% của quý I-2021, cho thấy rõ hiệu quả của các chương trình tự động hóa và số hóa công tác vận hành.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận 1.589 tỷ

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với 4.630 tỷ đồng thu nhập hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp chính vào mức tăng trưởng doanh thu năm qua của HDBank là lãi thuần từ mảng cho vay với 3.753 tỷ đồng, tăng 11% và chiếm 81% tổng doanh thu hợp nhất.

Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và một số mảng kinh doanh khác của HDBank cũng ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong quý cuối năm, như hoạt động dịch vụ tăng 130%; mua bán chứng khoán đầu tư tăng 48%... mang về hàng trăm tỷ đồng cho ngân hàng mẹ.

Các số liệu kể trên đã giúp HDBank thu về khoản lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 đạt 1.985 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp rưỡi, tiêu tốn gần 1.000 tỷ đồng của ngân hàng.

Dù không phải quý có lợi nhuận cao nhất năm 2021, mức lãi này cũng đủ giúp HDBank duy trì 4 quý tăng trưởng dương liên tiếp trong năm qua. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng ngân hàng này thu về trong quý gần nhất là 1.589 tỷ.

Lũy kế cả năm 2021, HDBank đạt 16.758 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 22% so với năm trước và lãi trước thuế 8.070 tỷ, tăng 39%.

Đây vừa là năm thứ 8 liên tiếp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, vừa là mức lãi trước thuế cao nhất ngân hàng từng ghi nhận được trong một năm tài chính.

So với kế hoạch đặt ra đầu năm 2021, HDBank cũng đã vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận.

Cập nhật quý 3/2021: kết quả kinh doanh khả quan

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả hoạt động tốt hơn dự báo, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm vượt 12.128 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

HDBank tiếp tục có kết quả tích cực trong đa dạng hóa các nguồn thu từ dịch vụ. Sau 9 tháng, thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 88,6% so với tốc độ tăng 16,7% của thu nhập lãi thuần.

Đặc biệt, mảng dịch vụ tại ngân hàng mẹ ghi nhận thu nhập gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Với đóng góp tích cực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, HDBank thuộc nhóm các ngân hàng có doanh số kinh doanh bảo hiểm dẫn đầu thị trường.

Bên cạnh nguồn thu đa dạng và tăng trưởng mạnh mẽ, chi phí hoạt động của ngân hàng được tối ưu hóa với hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động giảm từ 43,8% (30/9/2020) xuống còn 39%. Chi phí tín dụng duy trì mức thấp nhờ chất lượng tài sản. Hệ số ROE đạt 24%, tăng cao so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của HDBank đạt 346.355 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.

Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 29.270 tỷ, tăng 22,5% so với cùng kỳ, giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) tăng lên 13,5%, cao hơn mức 10,9% tại thời điểm 30/9/2020. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản khác đều tốt hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2%

HDBank (mã: HDB) công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 58% kế hoạch năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của HDBank đạt 330.970 tỷ đồng. Dư nợ đạt hơn 199.163 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,8%, thuộc nhóm ngân hàng có nợ xấu thấp nhất.

Tổng thu nhập hoạt động quý II đạt 4.254 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt hơn 8.422 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thu thuần từ dịch vụ đạt hơn 857 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ nhờ sự khởi sắc mạnh mẽ của bancassurance và dịch vụ thanh toán cho thấy dư địa phát triển còn nhiều.

Hiệu quả quản trị và hiệu suất sinh lời được nâng cao với lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) tăng mạnh từ 21,6% lên 25,6%. Lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 2,0% lên 2,1%. Hệ số chi phí trên thu nhập hoạt động đạt 39,4%, tốt hơn cùng kỳ năm trước.

Cập nhật quý 1/2021: lợi nhuận trước thuế 2.100 tỷ đồng, tăng 68%

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán HDB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 68% so với quý 1/2020. Thu nhập dịch vụ tăng trưởng trên 98%, cho thấy dư địa phát triển còn lớn.

Cụ thể, tại 31/3/2021, huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt 219.266 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Đồng hành cùng khách hàng thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, HDBank triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất thấp nhất chỉ từ 3%/năm. Khách hàng cũng được miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ như phí giao dịch tài khoản, phí dịch vụ quản lý tiền mặt, phí dịch vụ ngân quỹ, phí chuyển tiền quốc tế.

Song song với hoạt động tín dụng tăng trưởng cao, hoạt động dịch vụ tăng trưởng ấn tượng. Thu nhập thuần từ dịch vụ quý 1/2021 tăng trên 98% so với quý 1/2020. Đây là quý thứ ba liên tiếp thu nhập thuần dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao như trên, cho thấy tiềm năng còn lớn. Số lượng khách hàng cũng như doanh số của kênh giao dịch trực tuyến tăng nhanh, cho thấy các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của HDBank được khách hàng đón nhận.

Thêm vào đó, dư địa phát triển mảng bancassurance của HDBank còn lớn và nhiều đối tác bảo hiểm nhân thọ quốc tế đang mong muốn hợp tác độc quyền. Mảng thẻ tín dụng và các sản phẩm dịch vụ khác cũng có nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 2.100 tỷ, tăng 68% so với quý 1/2020. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ vượt 1.800 tỷ đồng, tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 26,3% và 2,1%. Chất lượng tài sản, các chỉ tiêu an toàn vốn, thanh khoản duy trì ở mức cao. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 12%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn chỉ 23,4% so với mức 40% theo quy định. Hiệu quả quản trị chi phí tiếp tục nâng cao với hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) chỉ 39,1% so với mức 51% quý I/2020.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank, mã HDB)

HDB được thành lập ngày 11/02/1989 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển không ngừng, HD Bank thuộc nhóm dẫn đầu những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam với mạng lưới giao dịch khoảng 62 chi nhánh, 221 phòng giao dịch trên cả nước với tổng số nhân viên là 6.478 nhân sự (cập nhật 2020).

Nguồn vốn đầu tư của HDBank chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức trong nước nên có thể khẳng định HDBank là một ngân hàng tư nhân 100%. Mặc dù là một ngân hàng tư nhân nhưng HDBank vẫn nằm dưới sự quản lý của ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng quy định pháp luật của ngành

Quá trình phát triển của HDBank

Năm 1989, ngân hàng HDBank chính thức thành lập với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 11/02/1989)
Năm 1992, HDBank chính thức được chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời tăng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng
Năm 2010, HDBank chính thức phát hành thẻ và cung cấp các dịch vụ bảo hiểm lần đầu ra thị trường đồng thời tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng
Ngày 19/09/2011, HDBank tiến hành đổi tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2013, ngân hàng HDBank tiến hành sáp nhập với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) vào HDBank, tăng vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ VND và trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam
Năm 2018, Niêm yết thành công trên HOSE giúp HDBank trở thành ngân hàng nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE
Giai đoạn từ 2019 đến nay, HDBank vẫn luôn tập trung hoàn thiện toàn diện hệ thống và đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ và SME, đồng thời kết hợp các công nghệ hiện đại nhằm liên tục cải tiến và tạo ra những dịch vụ đa dạng, tiện lợi cho khách hàng

Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của HDBank - HDB lên Tích cực: Theo Moody’s, kết quả này dựa trên xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của HDBank có thể được điều chỉnh nâng bậc trong 12-18 tháng tới nhờ cải thiện chất lượng tài sản, giảm chi phí dự phòng trong những năm qua. Mặt khác, khả năng sinh lời của nhà băng này được nâng cao nhờ lợi suất tốt hơn từ cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng theo Moody's, năng lực về vốn của ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định nhờ nguồn vốn nội bộ đủ để đáp ứng cho tăng trưởng tổng tài sản.

Khách hàng tới giao dịch tại HDBank. Ảnh: HDBank

Khách hàng tới giao dịch tại HDBank. Ảnh: HDBank

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-hdb-hdbank-loi-nhuan-quy-ket-qua-kinh-doanh-eps-a808.html