Kỳ vọng lớn từ mảng hạ tầng cho thuê
Xu hướng cho thuê trạm thu phát sóng phổ biến trên thế giới tuy nhiên Việt Nam mới triển khai được vài năm do đó thị trường còn rất rộng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, mạng 5G hoạt động ở băng tần cao làm cho suy hao đường truyền dẫn tới phạm vi phủ sóng bị thu hẹp. Vì vậy để phủ sóng rộng rãi thì nhu cầu xây dựng và thuê các trạm sẽ tăng đột biến so với mạng 3G, 4G.
Đến tháng 4/2023 số trạm BTS CTR sở hữu đạt 4,489 trạm, dự kiến đến hết năm 2023 tăng lên 7,000 trạm và 12,000 trạm vào năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu phủ sóng 4G, 5G. Không chỉ tăng trưởng về mặt doanh thu, mảng này còn đem lại biên lợi nhuận gộp cao giúp tăng hiệu quả kinh doanh cho CTR.
Năm 2020 doanh thu mảng hạ tầng cho thuê đạt 65.26 tỷ chiếm tỷ trọng 1% tổng doanh thu, mang lại 18.51 tỷ lợi nhuận gộp chiếm tỷ trọng 3.9%. Đến Q1/2023 tỷ trọng trên tổng doanh thu chỉ tăng lên 4.1% nhưng tỷ trọng trên lợi nhuận gộp đã đạt 14.9%. Với xu hướng tiếp tục mở rộng các trạm BTS đến năm 2024 sẽ đem về lợi nhuận tương đương những mảng chính của công ty như xây lắp và vận hành khai thác.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng từ xây dựng dân dụng
Xây dựng dân dụng đang là động lực tăng trưởng mới cho CTR đồng thời giúp bù đắp sự suy giảm từ hoạt động xây lắp viễn thông. Công ty hướng đến xây dựng dự án (chủ yếu là dự án thấp tầng) cho các chủ đầu tư lớn và khai thác mảng B2C.
Đặc biệt CTR đang có ưu thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp xây dựng lớn trong mảng B2C do sở hữu đội ngũ nhân sự trải rộng tới từng huyện. Công ty chỉ còn cạnh tranh với các nhà thầu xây dựng nhỏ tại địa phương. 4T2023 doanh thu xây lắp mang lại 889.8 tỷ (+35% yoy), dự án B2B ký kết đc 670 tỷ (33.5% kế hoạch năm 2023) và dự án B2C ký kết khoảng 421 tỷ cho thấy hoạt động xây dựng vẫn tăng trưởng tốt trong khi các doanh nghiệp lớn đang gặp nhiều khó khăn khi ngành BĐS trầm lắng.
Dịch vụ trọn gói giúp công ty bán nhiều hơn cho 1 khách hàng
Không chỉ cung cấp dịch vụ xây dựng CTR còn cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như các dịch vụ cơ điện, Smarthome, năng lượng mặt trời, vận hành bảo dưỡng... mang lại tăng trưởng doanh thu của tất cả các mảng và tăng khả năng cạnh tranh nhờ chiếm hữu niềm tin của người tiêu dùng.
Rủi ro
Khoản phải thu: Khoản phải thu tăng dần là yếu tố cần phải theo dõi đặc biệt các khoản nợ đến từ chủ đầu tư bất động sản như CTCP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (chiếm 20% phải thu khách hàng), CTCP Xây dựng FLC Faros.
Kế hoạch triển khai mạng 5G chậm: Mạng 5G hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm tại 40 tỉnh, mới đây bộ TT&TT phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2,300-2,400 MHZ cho hệ thống thông tin di động 4G và 5G. Nếu thuận lợi các nhà mạng có thể khai thác giải tần cho 5G vào năm 2024. Ngược lại nếu thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng và cho thuê hạ tầng của công ty.
Định giá, khuyến nghị
Mảng vận hành khai thác và xây dựng dân dụng sẽ là động lực chính để dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của CTR. Doanh thu dự phóng năm 2023 đạt gần 11 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 475 tỷ. Công ty Chứng khoán Kiến thiết (CSI) khuyến nghị mức định giá hợp lý của CTR là 50,000đ/cp.
Cập nhật ngày 17/3/2022: Bản Việt khuyến nghị MUA cổ phiếu CTR (Viettel Construction), kỳ vọng tăng giá hơn 30%
Công ty Chứng khoán Bản Việt giữ khuyến nghị MUA cho (CTR) khi kỳ vọng Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) sẽ tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam, nhờ mảng cho thuê hạ tầng (towerco) hấp dẫn.
Ngoài ra, các mảng xây dựng và tích hợp hệ thống của CTR đang tăng trưởng nhanh chóng dựa trên năng lực kỹ thuật của công ty.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 32% trong giai đoạn 2020-2023, dẫn dắt bởi CAGR mảng towerco đạt 128% khi CTR sẽ mở rộng số lượng trạm viễn thông của công ty từ 1.100 vào cuối năm 2020 lên 6.000 vào cuối năm 2023.
Dự báo mảng towerco sẽ gia tăng đóng góp EBITDA từ 9% trong năm 2020 lên 47% trong năm 2023.
Công ty Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng giá cổ phiếu CTR (Viettel Construction) có thể tăng khoảng hơn 30% so với thị giá hiện tại đang tầm 97.200 đồng/cp.
Cập nhật ngày 25/5/2021: Bản Việt khuyến nghị MUA cổ phiếu CTR Viettel khi giá đã điều chỉnh 18%
Tăng giá mục tiêu thêm 5% khi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022 trong khi giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản còn 12,5%. Các điều chỉnh này một phần bị ảnh hưởng bởi mức giảm 2% trong dự báo tổng EBITDA giai đoạn 2021- 2023 do chi phí xây dựng và chi phí trạm cao hơn trong bối cảnh giá thép đầu vào tăng.
Giá mục tiêu dựa theo định giá chiết khấu dòng tiền DCF và EV/EBITDA khi duy trì EV/EBITDA mục tiêu ở mức 16 lần đối với mảng towerco (cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm của các công ty towerco tại Châu Á mới nổi) và 7-9 lần đối với các mảng kinh doanh khác.
Yếu tố hỗ trợ: Hiện thực hóa kế hoạch của Tập đoàn Viettel (Viettel – công ty mẹ của CTR) chuyển giao 10,000 trong số 40,000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2021- 2025; triển khai 5G nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu small cell.
Rủi ro: tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên tự sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài từ CTR; các nhà khai thác mạng di động khác không muốn chia sẻ trạm viễn thông.
Tổng Công ty CP Công trình Viettel - CTR
CTR, tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Công trình được thành lập ngày 30 tháng 10 năm 1995, là đơn vị hạch toán độc lập, một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Sau khi làm tốt các nhiệm vụ của đất nước, người Công trình Viettel đã ý thức và bắt tay vào hành động mang đến một cuộc sống chú trọng trải nghiệm, sự tiện nghi, hiện đại hơn đến với công chúng.
Sau nhiều lần chuyển đổi tên giao dịch, đến tháng 9/2018, Công trình Viettel chính thức mang tên Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Tên giao dịch quốc tế Viettel Construction Joint Stock Corporation) hoạt động kinh doanh với 6 trụ chính: Đầu tư Hạ tầng, Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2C và B2B), Công nghệ thông tin, Giải pháp Tích hợp, Dịch vụ Kỹ thuật và Vận hành Khai thác.
Trải qua 26 năm phát triển và đồng hành cùng công chúng, Tổng Công ty đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước với hơn 50.000 trạm phát sóng, 320.000 km cáp quang (tương đương 8 vòng trái đất), bao phủ 100% lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng biển hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đồng thời Tổng Công ty còn tiên phong tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Từ đơn vị xây lắp thuần túy, trở thành Tổng Công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng kĩ thuật , công nghệ với quy mô gần 10.000 người, tâm đắc mang trong mình sứ mệnh đồng hành “Dựng Xây Cuộc Sống Mới” cùng các doanh nghiệp trên cả nước và thế giới.
Trên thực tế nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.
CSI & Bản Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn/ban-viet-khuyen-nghi-mua-co-phieu-ctr-viettel-khi-gia-da-dieu-chinh-18-a724.html