Định giá cổ phiếu VTP (Viettel Post): khuyến nghị MUA, giá mục tiêu 57.200 đồng/cp

Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) sẽ được hưởng lợi từ ngành thương mại điện tử (e-commerce) đang bùng nổ của Việt Nam trong dài hạn nhờ mạng lưới bưu cục rộng khắp, đầu tư vào công nghệ và các kế hoạch kinh doanh mới.

vtp-2-1618757731.jpeg

 

2Q2023, VTP ghi nhận KQKD tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên đã cho thấy đà hồi phục so với 1Q2023. Lĩnh vực cốt lõi bưu chính ghi nhận doanh thu cao nhất trong 10 năm

Dư địa tăng trưởng lớn của thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn từ mảng kinh doanh cốt lõi của VTP. Theo báo cáo vừa được Allied Market Research công bố, thị trường dịch vụ chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24.1% trong giai đoạn từ nay đến 2030 do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TMĐT. Sở hữu lợi thế về quy mô, là doanh nghiệp chuyển phát lớn thứ 3 hiện nay, VTP kì vọng sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự tăng trưởng nhanh của dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam.

Doanh thu VTP năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng âm so với 2022 do: (1) giá cước tiếp tục giảm do chịu tác động từ cuộc cạnh tranh về giá trong ngành chuyển phát và (2) sản lượng tuy hồi phục nhẹ do chịu ảnh hưởng tích cực từ Trung Quốc mở cửa cải thiện đáng kể nhu cầu vận chuyển hàng, tuy nhiên vẫn ở mức thấp do những tác động từ biến động kinh tế vĩ mô.

Tuy doanh thu sụt giảm, VTP vẫn duy trì được mức biên gộp và lãi ròng khả quan nhờ nỗ lực tái cơ cấu và tối ưu hóa chi phí trên từng đơn hàng được thực hiện hiệu quả. VTP hiện đang đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ cao trên tất cả các khâu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng hiệu quả và năng suất hoạt động cho doanh nghiệp.

VTP đặt mục tiêu đến tháng 12/2023 sẽ cán mốc 1 triệu đơn/ngày, nâng thị phần chuyển phát lên 21% từ mức 18% ghi nhận đầu năm nay. Dự phóng thị phần chuyển phát của VTP sẽ tăng chậm hơn kế hoạch của công ty, tuy nhiên VTP sẽ sớm đạt được mốc thị phần mục tiêu đề ra vào 2024 do: (1) sản lượng chuyển phát của công ty đang tăng liên tục hơn 1 năm qua với tốc độ nhanh hơn mức tăng trưởng chung của ngành, (2) việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và nhân sự sẽ đem lại cho VTP tệp khách hàng đã mất trước đây và (3) việc đẩy mạnh hợp tác với phân khúc khách hàng lớn, đặc biệt là các đối tác sàn TMDT lớn sẽ là động lực cho sự phục hồi nhanh chóng của VTP.

Khuyến nghị MUA

Dự phóng doanh thu năm 2023 của VTP đạt 18,645 tỷ VND, trong đó doanh thu chuyển phát và logistics giảm nhẹ 2% đạt 8,821 tỷ VND (biên gộp mảng chuyển phát ước đạt 9%, biên gộp mảng logistics ước đạt 35%), doanh thu bán hàng sụt giảm mạnh so sự ưa chuộng dùng các phương thức thanh toán online kéo theo doanh thu bán sim thẻ tại cửa hàng giảm mạnh.

Với lợi thế quy mô và công nghệ, kì vọng VTP sẽ lấy lại được thị phần sau những nỗ lực cải tổ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

KBSV sử dụng 2 phương pháp định giá là chiết khấu dòng tiền chủ sở hữu (FCFE) và so sánh tương quan chỉ số P/E các doanh nghiệp chuyển phát và logistics để định giá cổ phiếu VTP. PE mục tiêu của VTP là 17.6x, tỉ trọng trong mô hình định giá là 50%.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VTP với mức giá mục tiêu 57,200 VND/cp.

Cập nhật ngày 1/4/2022: VCBS khuyến nghị KHẢ QUAN, giá hợp lý 80.633 đồng/cp

Doanh thu chuyển phát nối lại mức tăng trưởng tích cực sau giãn cách: Doanh thu lĩnh vực dịch vụ chuyển phát và logistics có thể khôi phục mức tăng trưởng trên 20% từ năm 2022 nhờ: (1) Hoạt động đi lại và vận tải hàng hóa được nối lại; (2) Giai đoạn giãn cách kéo dài đã thay đổi mạnh mẽ thói quen mua hàng và đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển mạnh của thương mại điện tử (TMĐT).

Lợi thế cạnh tranh từ mạng lưới: Sau khi hoàn thành tiếp nhận và tái cơ cấu toàn bộ hệ thống cửa hàng Viettel Telecom, VTP sẽ trở thành doanh nghiệp sở hữu quy mô và mật độ mạng lưới đứng đầu cả nước, qua đó giúp hưởng lợi mạnh mẽ trước những xu hướng mới trong ngành.

Kỳ vọng khôi phục biên lợi nhuận: Từ 2022, VCBS cho rằng áp lực sụt giảm đến biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ chuyển phát và logistics là không còn nhiều và doanh nghiệp có thể dần khôi phục mức biên lợi nhuận gộp trên về mức trên 10% trong 2-3 năm tới.

Đánh giá: Trong năm 2022, VTP kỳ vọng ghi nhận sự hồi phục đáng kể về doanh thu chuyển phát và hiệu quả lợi nhuận khi nền kinh tế đi vào trạng thái bình thường mới và không còn nhiều áp lực đến mặt bằng giá cước. Cùng với lợi thế vượt trội về mạng lưới và tham vọng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng fullfillment, VCBS đánh giá VTP sở hữu vị thế lớn để hưởng lợi từ sự bùng nổ về quy mô và các xu hướng mới được xác lập của TMĐT sau đại dịch.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của VTP đạt 25.349 tỷ đồng (+18,3% yoy), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 394 tỷ đồng (+32,8% yoy), tương ứng với EPS là 3.803 VNĐ/ cổ phiếu.

VCBS đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VTP với mức định giá hợp lý là 80.633 VNĐ/ cổ phiếu.

Cập nhật ngày 19/5/2021: Tiết kiệm chi phí gia tăng khả năng cạnh tranh, Bản Việt khuyến nghị MUA

Việc nâng khuyến nghị của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng được thúc đẩy bởi (1) những cải thiện cao hơn dự kiến của VTP về hiệu quả chi phí, (2) cuộc điều tra đang diễn ra của Chính phủ về hành vi cạnh tranh giá không lành mạnh và (3) giá cổ phiếu giảm 13% trong 3 tháng qua.

Công ty Chứng khoán Bản Việt nâng giá mục tiêu lên 28% do (1) tổng LNST sau lợi ích CĐTS hợp giai đoạn 2021- 2023 tăng 23% do mức độ tiết kiệm chi phí của VTP cao hơn kỳ vọng, (2) cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và (3) giảm 50 điểm cơ bản trong chi phí vốn CSH của chúng tôi xuống 12,5%.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS là 23% trong giai đoạn 2020- 2023 nhờ (1) cải thiện hiệu quả chi phí của VTP, (2) tăng trưởng e-commerce tăng tốc khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên sau khi các gián đoạn do dịch COVID-19 giảm dần và (3) tăng đóng góp từ các hoạt động ngoài chuyển phát.

Rủi ro giảm: Cuộc chiến giá kéo dài và ngày càng gay gắt trong ngành chuyển phát nhanh; chi tiêu tiêu dùng thấp hơn dự kiến; đầu tư không hiệu quả vào các mảng kinh doanh mới.

Công ty Chứng khoán Bản Việt nâng khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên MUA. 

Giá mục tiêu tương ứng với P/E trung bình 2021-2022 của VTP là 23,8 lần so với trung vị 3 năm trượt của của các công ty cùng ngành là 27 lần.

TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BƯU CHÍNH VIETTEL (mã VTP)

Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (viết tắt là Viettel Post), tiền thân từ Trung tâm phát hành báo chí được thành lập 01/07/1997 với nhiệm vụ ban đầu là phục vụ các cơ quan Quân đội trong Bộ Quốc phòng. Năm 2006, Bưu chính Viettel chuyển đổi từ mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập thành Công ty TNHH NN MTV Bưu chính Viettel.

Năm 2009, Bưu chính Viettel chính thức hoạt động với tư cách Công ty cố phần theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0104093672 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp, đăng ký lần đầu ngày 03 tháng 07 năm 2009.

Viettel Post là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel chuyên kinh doanh các dịch vụ Chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế; Dịch vụ Logistics; Dịch vụ Fulfillment; Dịch vụ Thương mại;...

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, vị thế của Viettel Post ngày càng được khẳng định trên thị trường với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín cùng tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành chuyển phát.

Viettel Post luôn coi nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi. Với khẩu hiệu: “Viettel Post - Đi sâu hơn, đi xa hơn để con người gần nhau hơn”, Tổng Công ty đã xây dựng một đội ngũ nhân sự tinh gọn, có đức tính trung thực, chăm chỉ để đáp ứng mong muốn của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Viettel Post đang được đánh giá là doanh nghiệp phát triển bền vững và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyển phát đầu tư ra thị trường nước ngoài hội nhập thế giới.

KBSV & VCBS & Bản Việt

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-vtp-tiet-kiem-chi-phi-gia-tang-kha-nang-canh-tranh-a667.html