Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của hãng đạt 387 tỷ đồng, tăng 167% cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới bay, đẩy mạnh chặng quốc tế và tối ưu chi phí.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Vietjet vừa công bố, trong quý vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu 12.522 tỷ đồng, lợi nhuận vận chuyển hàng không đạt 72 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 101%. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng 16.872 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, tăng 46% và 18% so với quý II năm ngoái
Lũy kế 6 tháng, hãng ghi nhận doanh thu hợp nhất 29.770 tỷ đồng, tăng 87% cùng kỳ, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận 387 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ. Mảng doanh thu phụ trợ duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 9.000 tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ và đóng góp 40% tổng doanh thu.
Sáu tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác an toàn 65.900 chuyến bay, vận chuyển trên 12,1 triệu lượt hành khách, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế, mức tăng tương ứng 26% và 30% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 33.000 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Đội máy bay gồm 103 tàu bay bao gồm 7 tàu bay thân rộng, 18 tàu bay do Vietjet Thái Lan khai thác, ba tàu bay mới đang giao hàng.
Bên cạnh chi phí nhiên liệu bay được tối ưu nhờ vào đội tàu bay mới, giá nhiên liệu bay giảm khoảng 40% so với cùng kỳ đã giúp Vietjet tiếp tục đạt hiệu quả trong quý II/2023.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 71.500 tỷ đồng, chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu 1,2 lần và chỉ số thanh khoản 1,5 lần - mức tốt trong ngành hàng không. Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối quý II đạt 2.165 tỷ đồng, cộng với hạn mức vốn lưu động đảm bảo khả năng thanh toán nhanh của công ty.
Cập nhật quý I/2023: doanh thu tăng 286%, lợi nhuận tăng 320%
Theo thông tin của Vietjet, 3 tháng đầu năm 2023, hãng đạt doanh thu vận chuyển hàng không 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022.
Vietjet có ưu thế về mạng lưới rộng khắp, bay đến hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực, cộng với giá vé phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người dân. Hãng bay này là một trong những lựa chọn hàng đầu của hành khách đi lại bằng đường hàng không.
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện có, Vietjet mở mới 10 đường bay (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế). Việc mở mới nhiều đường bay là chiến lược kinh doanh của hãng giai đoạn sau đại dịch Covid-19.
Đại diện Vietjet cho biết, trước đây, Vietjet là một trong những đơn vị tiên phong mở đường bay đến những điểm đến chưa có hãng nào khai thác như Thanh Hóa, Đồng Hới, Tuy Hòa, Chu Lai, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ... Trong thời gian qua, hãng đặt trọng tâm vào những thị trường quốc tế chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam, có nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Kazakhstan...
Trong 3 tháng đầu năm, hãng đã khai thác 31,3 nghìn chuyến bay, vận chuyển 5,4 triệu lượt hành khách (tăng 57% và 75% so với quý I/2022). Trong đó, vận tải hành khách quốc tế đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách, chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Cập nhật quý IV/2022: doanh thu tăng vọt, lợi nhuận 902 tỷ đồng
Theo đó, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng (công ty mẹ) trong quý IV/2022, tăng 175% so với cùng kỳ, lợi nhuận 902 tỷ đồng.
Cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 39.342 tỷ đồng - tăng ba lần năm 2021, lợi nhuận hợp nhất âm 2.171 tỷ đồng. Theo lý giải của hãng, khoản lỗ do đơn vị chuyển hơn 3.559 tỷ đồng lợi nhuận về công ty mẹ nhằm gia tăng dòng tiền bù đắp hoạt động kinh doanh cốt lõi, tăng cường đầu tư tài sản mua mới một tàu bay A321 NEO từ Airbus, mua hai tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay và mua ba động cơ.
Tuy doanh thu công ty mẹ đạt 32.506 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ ở mức 215 tỷ đồng. Hãng nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp lẫn gián tiếp trong năm là 4.349 tỷ đồng.
Hiện tổng tài sản Vietjet đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021 đến từ việc tài sản dài hạn ghi nhận tăng trên 200 triệu USD, chỉ số nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không. Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền và các khoản tương đương tiền duy trì ở mức 1.800 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.
Năm qua, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay. Vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi của hãng.
Đối với thị trường quốc tế, hãng hàng không đã mở hơn 20 đường bay mới trong năm 2022, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường Ấn Độ, kết nối các trung tâm kinh tế - du lịch gồm New Delhi, Mumbai, Ahmedabad với Hà Nội và TP HCM.
Tính đến ngày 31/12/2022, Vietjet khai thác tổng cộng 103 đường bay.
Cập nhật quý 3/2022: lỗ 767,3 tỷ đồng
Công ty CP Hàng Không VietJet (HoSE: VJC) vừa công bố BCTC riêng quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.256 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng cao hơn gấp 12,3 lần so với cùng kỳ lên 10.701 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp kỳ này lỗ 445,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 497,6 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 20,6 tỷ đồng lên 206 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính ở mức cao hơn với 233 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí lãi vay là 336 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng tăng 16% lên 147 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 137% lên 134,4 tỷ đồng; lợi nhuận khác kỳ này lỗ 13,5 tỷ đồng.
Kết quả, VJC báo lỗ 767,3 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi 10,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 25.154 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ; sau thuế lỗ 687 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 44,5 tỷ đồng.
Cập nhật quý 2/2022: kết quả kinh doanh tích cực
Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 và sáu tháng đầu năm 2022...
Với 53 đường bay nội địa, doanh thu nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch Covid-19), Vietjet đã đạt doanh thu vận tải hành khách trong quý 2/2022 là 11.355 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ trước đại dịch), lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỉ đồng.
Về doanh thu hợp nhất, trong quý 2/2022, Vietjet đạt 11.590 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỉ đồng.
Lũy kế sáu tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỉ đồng, lần lượt tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.
Với những kết quả trên, sáu tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 76 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 426 tỉ đồng.
Sáu tháng qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch, hỗ trợ phục hồi du lịch và kinh tế các địa phương, Vietjet đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay, thực hiện 52.500 chuyến bay, vận chuyển 9 triệu lượt hành khách, tăng 54% và 92% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số chuyến bay tăng 8% so với giai đoạn trước dịch 2019.
Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận 244 tỷ, tăng 98%
Kết thúc quý đầu năm nay, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ 2021.
Tính riêng mảng vận tải hàng không, Vietjet thu 3.340 tỷ đồng trong ba tháng đầu 2022, tăng 17% so với cùng kỳ 2021, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng.
Ông Đinh Việt Phương, CEO Vietjet cho biết đây là kết quả của việc mở cửa các hoạt động kinh tế trên toàn quốc, mở cửa giao thương quốc tế, giúp thúc đẩy ngành hàng không trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Trong ba tháng đầu năm nay, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa, nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Hãng này thực hiện 20.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa, quốc tế được khai thác. "Kết quả này cho thấy Vietjet đã phục hồi sau đại dịch Covid-19", ông Phương nói.
Ở mảng vận tải hàng không, hãng này đã vận chuyển hơn 66.000 tấn hàng hóa, đạt mức tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm nay, Vietjet đã vận chuyển hơn 12.500 tấn hàng hóa. Đại diện hãng cho biết các hình thức vận chuyển của hãng đã bám theo sự phát triển của thị trường logistic. Trong đó, công ty Swift247 với 67% vốn từ Vietjet đã ra mắt sản phẩm Swift Mega - dịch vụ vận chuyển đơn hàng tải trọng lớn theo chuyến bay trên nền tảng trực tuyến, bên cạnh dịch vụ chuyển phát hỏa tốc.
Cập nhật quý 4/2021: cả năm lợi nhuận 80 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Vietjet, hãng bay này đạt doanh thu hợp nhất 12.875 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỉ đồng.
Năm 2021, Tạp chí về vận tải hàng không Payload Aisa đã vinh danh Vietjet là "Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lí tốt nhất" của năm và "Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm".
Năm ngoái, Trung tâm Khai thác Dịch vụ mặt đất VJGS đã phục vụ hơn 25.000 chuyến bay, gần 4,5 triệu lượt khách và hơn 64.000 tấn hàng hóa các loại. Doanh thu các dịch vụ phụ trợ đạt gần 113% kế hoạch. Hãng này cũng ra mắt website và ứng dụng mới, có gần 3 triệu thành viên của chương trình khách hàng thân thiết Sky Club. Các dự án chuyển đổi số như: cung cấp wireless, mua sắm, logistic, y tế, khách sạn... đang được hãng tích cực phát triển.
Theo ông Đinh Việt Phương, hãng cũng tiếp cận và bắt đầu khai thác dòng tàu bay thân rộng A330 thế hệ mới, có công nghệ kiểm soát tiếng ồn, tối ưu chi phí vận hành, số lượng 377 ghế, nhiều bậc nhất trong các hãng hàng không tại Việt Nam.
"Vietjet đang có tín hiệu hồi phục tích cực trong các tháng đầu năm. Thời gian tới, hãng sẽ mang đến cho người dùng các sản phẩm, dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn", Giám đốc điều hành Vietjet nói.
Cập nhật quý 3/2021: nỗ lực lắm mới hòa vốn
Công ty cổ phần hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, Vietjet ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt hơn 1.365 tỷ đồng, nỗ lực đạt hòa vốn. Lũy kế 9 tháng hơn 6.384 tỷ, lợi nhuận hơn 44,5 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất quý 3 và 9 tháng lần lượt đạt 2.654 tỷ đồng và 10.210 tỷ đồng.
Về kết quả tài chính hợp nhất, Vietjet công bố có tổng tài sản hơn 50.949 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 0,8 lần và chỉ số thanh khoản 1,06 lần, nằm ở mức an toàn và chỉ số thuộc nhóm tốt trong ngành hàng không thế giới.
Trong 9 tháng qua, hãng đã thực hiện gần 37.000 chuyến bay, vận chuyển gần 6,4 triệu lượt hành khách. Tất cả các chuyến bay đảm bảo an toàn và đều tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Trung tâm khai thác dịch vụ mặt đất – VJGS phục vụ 25.217 chuyến bay với gần 4,5 triệu lượt khách, vận chuyển 64.031 tấn hàng hóa các loại. Doanh thu các dịch vụ này đạt 112,43% kế hoạch... Đồng thời, hãng cũng tập trung vào chuyển đổi số, cải tiến và nâng cấp các quy trình khai thác, vận hành hệ thống, giảm chi phí.
Ở mảng đào tạo, Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) chuyển hướng sang huấn luyện online, e-learning tiết kiệm chi phí và đảm bảo phòng chống dịch. Học viện tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện cho hơn 5.700 học viên bao gồm các khóa huấn luyện cho phi công, tiếp viên hàng không, điều phái bay, kỹ thuật, khai thác mặt đất...
Vừa qua, Vietjet cũng đạt được thoả thuận với đối tác chiến lược là Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, cho đến hết năm 2028, hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng, đào tạo phi công.
Sau giai đoạn dài giãn cách, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP. HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chuyến bay thường lệ quốc tế đang được chuẩn bị để khởi động trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, TP HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay Airbus A330-300. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet.
Cập nhật quý 2/2021: lỗ gộp 1.278 tỷ đồng
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) báo doanh thu thuần trong quý 2 ở mức 3.542 tỷ đồng, giảm gần 29% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, mảng vận chuyển hành khách đạt 1.651 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động phụ trợ cũng tăng trưởng 9% lên 1.018 tỷ đồng.
Mảng sụt giảm là doanh thu chuyển quyền sở hữu và thương mại, từ hơn 3.100 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 1.200 tỷ đồng năm nay. Đây là mảng đem về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận năm ngoái, nhưng năm nay chỉ hòa vốn.
Vì vậy, Vietjet Air lỗ gộp 1.278 tỷ đồng trong quý 2/2021. Đây là quý lỗ gộp thứ 5 của Vietjet Air trong 6 quý gần đây.0
Tuy nhiên, Vietjet ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.757 tỷ đồng, tăng 126%. Trong đó, lãi tiền gửi và cho vay là hơn 132 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá 21 tỷ, còn lại hơn 1.600 tỷ là "thu nhập tài chính khác".
Khoản lãi bất thường này đã giúp Vietjet xóa lỗ gộp và ghi nhận lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng trong quý 2.
Tổng cộng 6 tháng đầu năm nay, Vietjet báo cáo doanh thu thuần 7.590 tỷ, giảm 30,4% so với nửa đầu 2020. Ngược lại, doanh thu tài chính cao gấp ba lần giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng 174% lên 128 tỷ đồng.
Cập nhật quý 1/2021: vẫn lãi nhờ phát triển dịch vụ, đầu tư dự án
Trong quý 1/2021, Vietjet đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 2,845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4,048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng.
Số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.
Trong Quý I, Vietjet đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Vietjet dự báo thị trường quốc tế sẽ khởi sắc lại vào quý IV/2021, do đó, hãng đã sẵn sàng cho kế hoạch khai thác thường lệ mạng đường bay quốc tế.
Cùng với việc Chính phủ tiếp tục chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế và một số phí, đồng thời xem xét các biện pháp hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay cho các hãng hàng không, Vietjet tin tưởng đó sẽ là nền tảng để Vietjet và ngành hàng không phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.
CTCP Hàng không Vietjet (VJC)
Cất cánh với sứ mệnh hiện thực hóa giấc mơ bay cho hàng triệu người dân các nước, Vietjet đã nhanh chóng phát triển thành hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam và vươn xa ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Cùng với ThaiVietJet tại Thái Lan, Vietjet khai thác tổng cộng 197 đường bay nội địa tại Việt Nam, Thái Lan và đường bay quốc tế tới Singapore, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ….
Vào cuối năm 2019, Vietjet đã chào đón cột mốc phục vụ 100 triệu lượt khách nội địa và quốc tế.
Sở hữu đội bay 78 chiếc bao gồm toàn bộ là các dòng máy bay thế hệ mới A320, A321 với công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hơn, phát thải khí thải ít hơn trong khi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất, Vietjet tự hào là một trong những hãng hàng không có đội tàu bay mới, tuổi bình quân 2-3 năm, mới nhất trong khu vực và thế giới.
Vietjet đã được trang đánh giá an toàn hàng không AirlineRating vinh danh là Hãng hàng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới trong 5 năm liền (2017-2021). Hãng cũng nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Top 50 hãng hàng không tốt nhất thế giới về chỉ số sức khỏe hoạt động, tài chính; Hãng Hàng không siêu tiết kiệm tốt nhất thế giới năm 2020; Doanh nghiệp tốt nhất ngành hàng không tại châu Á; Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam; Top 10 doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam…
Vietjet cũng nhận được huân chương Lao động của Chủ tịch nước, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành... vì đóng góp mạnh mẽ của mình cho sự phát triển, đổi mới của ngành hàng không, du lịch cũng như những cống hiến, đóng góp cho xã hội thông qua hàng loạt hoạt động cộng đồng, thiện nguyện không ngừng nghỉ.
Link nội dung: https://vinabull.vn/ket-qua-kinh-doanh-vjc-vietjet-a582.html