Cập nhật cổ phiếu DSN: Đầm Sen quá cũ và kém sức hút

Ban lãnh đạo Phú Thọ Tourist - chủ quản Đầm Sen, tự đánh giá công viên này cũ, kém sức hút người trẻ, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh.

 

dsn-dam-sen-nuoc-1-1-1680051527.jpg

Trò chơi và cảnh quan tại Đầm Sen "đang dần mất lợi thế cạnh tranh".

Nội dung này được ban lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ (Phú Thọ Tourist - DSP) nêu trong tài liệu phiên họp thường niên sắp diễn ra. Do đó, thị phần của công ty đang bị co hẹp do có nhiều địa điểm vui chơi giải trí mới ra đời, chia sẻ nguồn khách hàng tiềm năng.

Trò chơi và cảnh quan tại Đầm Sen "đang dần mất lợi thế cạnh tranh". Thời gian qua, công viên này tập trung nguồn lực cho tổ chức sự kiện, nhưng ban lãnh đạo cho rằng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hiện công viên Đầm Sen là đơn vị chiếm đến 80% doanh thu và lợi nhuận của Phú Thọ Tourist. Vì thế, ban lãnh đạo doanh nghiệp này xác định đổi mới và phát triển lại các loại hình dịch vụ cho công viên là một trong những công việc chính năm nay. DSP dành khoảng 10,4 tỷ đồng để mua sắm công cụ dụng cụ và tài sản cố định, khoảng 86 tỷ đồng để xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cho Đầm Sen. Công trình lớn được xác định tập trung năm nay là Băng Đăng - tổ hợp công trình nghệ thuật làm từ băng trong không gian lạnh -10 độ C.

Ban lãnh đạo Phú Thọ Tourist cũng nói thêm, do quy hoạch chi tiết 1/500 chưa hoàn thành, các công trình trò chơi lớn dự định đầu tư sau cổ phần hóa (giai đoạn 2015-2016) vẫn chưa được thực hiện. Điều này dẫn đến việc công ty chưa triển khai được một số định hướng kinh doanh lớn đã đề ra.

Trong thời gian chờ nâng cấp các công trình, tổ chức sự kiện vẫn là giải pháp quan trọng của Đầm Sen. Năm nay, đơn vị này dự chi hơn 14 tỷ đồng tổ chức 44 sự kiện và hơn 5 tỷ đồng quảng cáo để thu hút gần 690.000 lượt khách. Nếu đúng kế hoạch, công viên này có thể ghi nhận mức tăng trưởng 10% khách tham quan so với năm ngoái.

Tính chung cả Đầm Sen, khu du lịch Vàm Sát, mảng khách sạn và tour du lịch, Phú Thọ Tourist năm nay dự kiến có hơn 265 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với năm ngoái. Công ty có thể thoát lỗ khi lợi nhuận ước đạt gần 3 tỷ đồng (năm ngoái lỗ gần 42 tỷ đồng).

Phú Thọ Tourist quản lý và điều hành bốn đơn vị kinh doanh gồm: Công viên Văn hóa Đầm Sen, cụm khách sạn Ngọc Lan - Phú Thọ, Trung tâm Dịch vụ Du lịch Đầm Sen và Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát. Trong đó, Công viên Đầm Sen thành lập năm 1999, thu hút lượng lớn du khách trong nhiều năm về trước.

Công ty còn tham gia liên kết tại Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (phụ trách đầu tư khai thác các trò chơi giải trí dưới nước) và đầu tư tài chính vào hai khách sạn gồm Sài Gòn - Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sài Gòn - Đông Hà (Quảng Trị).

Theo kế hoạch, Đầm Sen Nước năm nay có thể đạt 210 tỷ đồng doanh thu, giảm khoảng 9,5% so với năm 2022. Ban lãnh đạo cho biết, điều trăn trở hiện tại là mở rộng để đầu tư hạng mục mới khi quỹ đất rất hạn chế. Đơn vị này chỉ có thể cải tạo và làm mới các hạng mục hiện hữu như cổng chào, mái che, tháp trò chơi, phố nướng... để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Lịch sử hình thành

Lịch sử hình thành CVVH Đầm Sen bắt đầu sau ngày đất nước thống nhất. Lúc bấy giờ, Đầm Sen còn là một khu ruộng hoang đầm lầy. Nơi đó chỉ toàn những đụn rau muống, rau ngổ, cây cỏ rậm rịt. Đồng thời đây cũng là nơi chứa các tệ nạn xã hội.

Ngày 15/2/1976, Thành ủy – UBND TP.HCM ra lời kêu gọi “Hãy xây dựng cho thành phố 3 công viên văn hóa lớn, một tại Bình Tiên, một tại Tân Bình và một tại Đầm Sen”. Hàng triệu công nhân lao động đã tham gia. Công viên Đầm Sen được khởi công như thế trên diện tích 55ha. Từ một đầm lầy hôm nào, đã sớm trở thành một hồ nước sạch, với cảnh quan thoáng mát cho người dân thành phố.

Các công ty chứng khoán

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-dsn-dam-sen-a563.html