Chứng khoán KIS Việt Nam dẫn số liệu của Agromonitor - đơn vị chuyên về phân tích và dự báo thị trường nông sản - cho biết giá phân urê từ tháng 4 đã về dưới 10.000 đồng một kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Các loại phân kali, NPK hay DAP cũng giảm mạnh khoảng 30%, lần lượt về quanh 12.000-15.000 đồng một kg. Như vậy, các loại phân bón chủ yếu trong trồng trọt đều lùi về mức thấp nhất trong hai năm qua.
Theo đà tuột giá của phân bón, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) quý đầu năm có gần 230 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 85% và thấp nhất hai năm qua. Kết quả trên là do doanh thu phân urê - chiếm hơn 80% cơ cấu tổng doanh thu, giảm gần 40% khi giá bán tuột dốc.
Lợi nhuận Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) sụt giảm nặng hơn khi chỉ ghi nhận hơn 260 tỷ đồng, thấp hơn 8 lần so với cùng kỳ. Giá bán phân urê mất 44% so với cùng kỳ là nguyên nhân chính.
Với các công ty vốn hóa nhỏ hơn như Phân bón Bình Điền (BFC) và Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB), kết quả kinh doanh còn suy yếu nghiêm trọng hơn. Phân bón Bình Điền lỗ hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 86 tỷ đồng. Đạm Hà Bắc lỗ tới 130 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận dương 870 tỷ đồng của quý I/2022.
Giá gas và xăng dầu vốn ảnh hưởng mạnh đến giá thành sản xuất phân bón do giá gas chiếm tới khoảng 80-90% giá thành sản xuất amoniac - đầu vào quan trọng để sản xuất phân đạm ure. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ cuối năm 2022, giá dầu khí không tăng và thế giới đứng trước tình trạng suy thoái ở nhiều thị trường quan trọng khiến giá các loại phân bón, đặc biệt là urê, liên tục giảm. Sức cầu thấp cũng tác động lớn đến diễn biến giá. Đầu năm trước, giá phân bón lên mức quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của nông dân khiến sức tiêu thụ giảm sút. Mặt khác những tháng qua, Trung Quốc bắt đầu mở cửa và dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, giúp nguồn cung trên thị trường thế giới bớt khan hiếm.
Nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận giá phân bón nội địa cũng giảm đồng pha với thị trường thế giới. Ngoài nhu cầu từ nông dân suy yếu, việc các đại lý nhập hàng cầm chừng do lo ngại giá tiếp tục giảm, cũng khiến sức hấp thụ của thị trường xuống thấp. Bên cạnh đó, nhập khẩu phân bón gia tăng trong khi các nhà máy và đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho nên thị trường chịu sức ép dư cung.
Hàng loạt báo cáo về ngành nông nghiệp thời gian qua đều đưa ra dự báo giá phân bón sẽ giảm mạnh trong năm nay. Theo VNDirect, việc giá khí tự nhiên, vốn là nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất phân bón giảm, sẽ kéo giá các mặt hàng này giảm theo.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng Đạm Cà Mau đã đi qua đỉnh lợi nhuận. Bởi giá bán urê thế giới liên tục giảm mạnh, xuống 335 USD một tấn, giảm gần 70% so với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên và nhập khẩu LNG dồi dào, nguồn cung từ Nga và Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua. Diễn biến giá cả thế giới như trên ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước.
Chính ban lãnh đạo DCM cũng cảm nhận rõ những khó khăn trong năm nay nên đặt chỉ tiêu doanh thu khoảng 13.460 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.380 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 68% so với năm 2022. Trong báo cáo thường niên, ban lãnh đạo công ty cho rằng năm 2023, ngành phân bón được dự báo vẫn đối diện với các vấn đề nóng chưa có hồi kết. Sau quý I, doanh nghiệp này hoàn thành khoảng 21% chỉ tiêu doanh thu nhưng chỉ mới đạt gần 17% kế hoạch lợi nhuận.
Tuy giảm, VCBS vẫn lưu ý giá phân bón có thể vẫn duy trì ở mức nền cao do nhu cầu tiêu thụ urê trong nước được dự báo phục hồi 12-16% trong năm nay khi giá cả hạ nhiệt. Ngoài ra, điều kiện thời tiết thuận lợi trong nửa đầu năm đã hỗ trợ hoạt động canh tác nông nghiệp, thúc đẩy người dân gia tăng diện tích canh tác, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón. Đặc biệt, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được hưởng lợi, sẽ là một động lực lớn.
Cập nhật ngày 9/1/2023: Ngành hóa chất và phân bón có một năm bội thu
Tại hội nghị tổng kết cuối năm, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 61.057 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm 2022 và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Một số đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh gồm Công ty CP Hóa chất Việt Trì tăng 68%; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 59%; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 50%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 48%; Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam tăng 38%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 35% so với năm 2021.
Nhờ vậy, doanh thu cộng hợp của tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay, bằng 119% so với kế hoạch năm 2022, tăng 17% so với thực hiện năm 2021.
Lợi nhuận năm 2022 của Vinachem ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Tại hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng giám đốc Vinachem - cho biết xung đột Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào bất ổn, chi phí vận tải vẫn ở mức cao, nền tài chính tiền tệ có dấu hiệu khủng hoảng, biến động tỷ giá hối đoái… gây khó khăn cho quản trị sản xuất và tiêu thụ của các đơn vị.
Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu thế giới và trong nước vẫn ở mức cao như lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) tăng 91,7% so với bình quân năm 2021 (cao hơn 178 USD/tấn so với giá kế hoạch năm 2022); amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng 82,5%; vải mành, than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su) tăng lần lượt 17% và 8%; muối công nghiệp (nguyên liệu sản xuất xút và sản phẩm clo) tăng 30%... đã làm tăng giá thành sản phẩm.
Tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón, giá than các loại so với cuối năm 2021 cũng tăng tới 55% đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất phân urê cũng như phân lân nung chảy.
Năm 2023, Vinachem đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 63.100 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2022. Tập đoàn dự kiến tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong và nước ngoài; tham gia sâu vào thị trường thế giới; giữ và tăng thị phần xuất khẩu; thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước giữa các đơn vị. Các đơn vị trong tập đoàn phấn đấu đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua vật tư cùng loại của đơn vị trong năm 2023.
Trong năm 2023, Vinachem sẽ tích tụ nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm thuộc ngành nghề kinh doanh chính, hỗ trợ về vốn, quản lý tài chính để các dự án này sau khi hoàn thành đầu tư nhanh chóng phát huy hiệu quả, khấu hao và trả nợ đúng quy định.
Đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao su, hóa chất; tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ bảo đảm sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất; tập trung nghiên cứu và áp dụng các biện pháp ổn định chất lượng sản phẩm.
Cập nhật ngày 15/4/2022: Quý 1/2022 doanh nghiệp phân bón lãi tăng gấp 5-10 lần cùng kỳ
Hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng trưởng hết sức tích cực.
Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết, lợi nhuận quý I /2022 của Công ty ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng).
Theo ước tính năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Năm ngoái, lợi nhuận của DGC tăng đột biến tới 352%.
Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.
Năm nay, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia, doanh thu DCM sẽ tăng 31%, lợi nhuận tăng 40% (năm ngoái doanh thu và lợi nhuận của DCM tăng lần lượt 31% và 190%).
Theo kế hoạch, năm 2022, DCM sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp trong năm 2022. Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP HCM trong năm nay.
Nhờ yếu tố thiếu hụt nguồn cung Ure trong ngắn hạn theo diễn biến căng thẳng của Nga – Ukraine, dẫn đến giá phân bón duy trì cao nên DPM cũng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 và có thể kéo dài đến quý II//2022.
Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine.
Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Công ty.
Cập nhật ngày 2/8/2021: Nhiều công ty phân bón vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm
Trong quý II, nhiều doanh nghiệp phân bón tiếp tục báo cáo lợi nhuận tăng mạnh trong quý II, lũy kế 6 tháng vượt xa kết hoạch đề ra.
Nửa đầu năm 2021, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đạt 846,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,6% so với nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, giá sản phẩm tăng và chi phí được tiết giảm nên Công ty lãi trước thuế 66,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỷ đồng. Với kết quả này, LAS đã thực hiện vượt 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 (36 tỷ đồng).
Tương tự, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (DDV) ghi nhận 748 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2020; biên lãi gộp tăng 6,3% lên 12,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 54,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm, DDV đã thực hiện vượt 32,5% chỉ sau 6 tháng.
Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), mặc dù vấn đề vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, doanh nghiệp đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Tổng lượng sản xuất trong nửa đầu năm 2021 đạt 456.000 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu xấp xỉ 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ và lần lượt hoàn thành 55,4% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 108,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp phân bón khác có kết kinh doanh vượt kỳ vọng là Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE). Kết thúc quý II, Công ty hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và vượt 63,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Trước tình hình giá phân bón cả trong và ngoài nước tăng mạnh, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đánh giá phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ giữ ở mức cao.
Dự báo về tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón cả nước trong năm 2021, AgroMonitor cho biết con số này sẽ đạt khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nhu cầu phân bón được dự báo tăng mạnh ở phân DAP, phân lân và NPK trong khi ure ổn định.
Về xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu phân bón các loại trong nửa đầu năm đạt 663.073 tấn, giá trị 230,87 triệu USD, tăng 44% về khối lượng và 71,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 348,2 USD/tấn, tăng 18,9% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị trường xuất khẩu phân bón chủ yếu của Việt Nam là Campuchia, chiếm tỷ trọng 41,2% về khối lượng và 43% về kim ngạch; đứng thứ 2 là thị trường Lào, tỷ trọng lần lượt đạt 4,8% và 5,4%.
Giá phân bón trong nước đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm tiếp tục tăng cao. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tại thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng phân bón cũng gia tăng khi tình hình thời tiết thuận lợi và giá các loại nông sản ở mức cao. Cùng với gạo, sản phẩm cây công nghiệp như cao su cũng ghi nhận khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 88,5%; giá xuất khẩu gần 1.680 USD/tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trước nhu cầu cải thiện cùng diễn biến giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển tăng cao, giá các mặt hàng phân bón cũng liên tục gia tăng từ đầu năm đến nay.
Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng 5 lần so với năm 2020. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và phân đạm ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng tới 60%.
Ngoài ra, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á đã bị sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, các yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới và phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng.
KIS & Bản Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn/nganh-hoa-chat-va-phan-bon-a552.html