Trên thị trường, chốt phiên ngày 12/3, giá cổ phiếu MBB đang dừng ở mức 23.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 50% trong một năm qua. Tạm tính theo mức giá này, SIC có thể thu về hơn 31 tỷ đồng sau giao dịch.
Trước đó, từ ngày 17/1 đến ngày 15/2, SIC đã đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu MBB nhưng chỉ bán thành công 1,65 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh do biến động thị trường.
SIC là công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hiện tại, SCIC là cổ đông lớn thứ 2 tại MBBank, với người đại diện phần vốn sở hữu là bà Vũ Thái Huyền - Thành viên HĐQT MBBank.
Trong một diễn biến khác, HĐQT MBBank mới đây đã ban hành nghị quyết thông qua việc triển khai chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel Group) và SCIC.
Trong đó, Viettel Group được MBBank chào bán 43 triệu cổ phiếu và SCIC là 30 triệu cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến từ quý I. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Nếu thành công, Viettel Group sẽ nắm giữ 780 triệu cổ phiếu MBB, chiếm 14,756% và SCIC sở hữu 521 triệu cổ phiếu, chiếm 9,862%.
Qua đó, vốn điều lệ của MBBank cũng sẽ tăng thêm 730 tỷ đồng lên 52.871 tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn ngành sau VPBank, BIDV, Vietcombank và VietinBank. Số vốn tăng thêm sẽ được ngân hàng sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và bổ sung vốn kinh doanh trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông.
Cập nhật ngày 11/10/2022: được chấp thuận tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ đồng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn vừa ký Quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MBBank; HoSE: MBB).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nâng vốn điều lệ của MBBank lên 45.339 tỷ đồng.
Theo quyết định trên, MBBank có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đối với nội dung sửa đổi.
Sau khi thực hiện tăng vốn thành công, quy mô vốn của ngân hàng này dự kiến tăng mạnh lên vị trí thứ 4 trong ngành ngân hàng, chỉ xếp sau 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank và Vietcombank và sẽ đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần về vốn điều lệ.
Trước đó, MBBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của tại cuộc ĐHĐCĐ thường niên 2022 hồi tháng 4, với mức tăng tổng cộng trong năm nay dự kiến lên 46.882 tỷ đồng, tương đương với 24%.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở…) và còn lại để bổ sung vốn cho kinh doanh khác.
Bên cạnh mục tiêu tăng vốn điều lệ, trong năm nay, ngân hàng này dự kiến tăng tổng tài sản thêm 15% so với năm ngoái. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng (phụ thuộc vào chỉ tiêu NHNN giao), và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Cập nhật ngày 8/8/2022: chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) vừa thông báo ngày 23/8/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021
Theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua, MBB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới).
Nếu việc trả cổ tức diễn ra thành công, vốn điều lệ của MBB dự kiến tăng từ 37.783 tỉ đồng lên 45.339 tỉ đồng, vượt qua VPBank (vốn điều lệ 45.056 tỉ đồng) để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 4 thị trường, sau ba ‘ông lớn’ ngân hàng quốc doanh là BIDV (vốn điều lệ 50.585 tỉ đồng), VietinBank (vốn điều lệ 48.057 tỉ đồng) và Vietcombank (vốn điều lệ 47.325 tỉ đồng).
Trong năm 2022, MBB còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.542 tỉ đồng thông qua chào bán 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược (Viettel), phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Nếu các đợt phát hành diễn ra đúng như kế hoạch, vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên mức 46.881 tỉ đồng.
Cập nhật ngày 25/4/2022: đại hội nóng lên về vụ nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém
Phiên họp thường niên sáng 25/4 của Ngân hàng Quân Đội (MB) thu hút sự tham gia của gần 1.000 cổ đông khiến nhà băng này phải tổ chức thêm phòng họp.
"Sức nóng" tăng cao không chỉ vì ngành ngân hàng đang được chú ý, mà còn do MB có phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng thuộc diện yếu kém.
Ban chủ tọa đề nghị mỗi cổ đông chỉ hỏi 1-2 câu, nhưng nhiều người vẫn hỏi tới 5-6 câu chỉ xoay quanh chủ đề này.
"Tại sao MB lại nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém? Không phải ngân hàng hiện tại đang quá tốt rồi sao?", một cổ đông tuổi trung niên nêu ý kiến. Ông cho rằng, việc "ôm" thêm một ngân hàng trong diện tái cơ cấu chỉ làm MB chậm lại, trong khi ngân hàng đang duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trả lời vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, nhận chuyển giao có một phần là nhiệm vụ chính trị, do MB là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của kế hoạch này còn quan trọng hơn, giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn.
Theo CEO MB, nhà băng này hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn dư địa được Ngân hàng Nhà nước cho phép, có thể 30-35% mỗi năm mà vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Cũng theo ông Thái, MB không phải bỏ tiền khi nhận chuyển giao bởi đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu, đã bị mua lại 0 đồng. Danh tính của ngân hàng này hiện chưa tiết lộ, nhưng một số thông tin cơ bản về chất lượng tài sản đã được CEO MB nhắc tới, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng cũng giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.
"Sau khi nhận chuyển giao, ngân hàng này thuộc sở hữu của MB nên chúng tôi có quyền bán vốn, IPO để chuyển thành ngân hàng cổ phần hoặc có thể bán đi hoàn toàn", ông Thái cho biết.
Để xử lý khoản lỗ lũy kế 20.000 tỷ đồng, CEO MB cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khi MB nhận chuyển giao sẽ được vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, được phép tăng trưởng quy mô cao hơn, hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bằng việc chuyển một số khoản tín dụng chất lượng tốt.
"Theo dự trù của chúng tôi, một nửa phần lỗ lũy kế sẽ được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước và nửa còn lại do MB đảm trách. Theo đó, khoảng 7-8 năm sẽ giải quyết dứt điểm lỗ lũy kế này", ông Thái nói.
Đồng thời, Hội đồng quản trị MB cũng trình cổ đông thông qua việc miễn trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân tham gia nhiệm vụ liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc và xây dựng, triển khai phương án thực hiện.
Trong trường hợp rủi ro, việc tái cấu trúc không thành công, CEO MB cho biết ngân hàng này có thể bán phần vốn tại nhà băng nhận chuyển giao như việc thoái một khoản đầu tư.
Ngoài câu chuyện nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng, việc siết dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề được hỏi nhiều.
Ông Thái trả lời, kinh doanh bất động sản và bất động sản công nghiệp trên tổng dư nợ của MB được kiểm soát dưới 10%. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm gần 4% trên tổng dư nợ, với hai nhóm chính là bất động sản và năng lượng. Trước giờ nhà băng này đầu tư chủ yếu là trái phiếu dự án, tức là có dự án, có mục đích kinh doanh, có kế hoạch dòng tiền. "Đây đều là những nhà đầu tư có chất lượng tốt, không có gì đáng lo ngại", CEO MB khẳng định.
Về kế hoạch kinh doanh, năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% lên 20.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hữu Đức kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng sẽ đạt 1 tỷ USD.
Tổng tài sản dự kiến đạt 700.000 tỷ đồng, tăng 15%. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 16% với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, MB lên kế hoạch tăng vốn từ 37.783 tỷ đồng lên gần 46.900 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn thêm 892,4 tỷ đồng bằng việc chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Bên cạnh đó, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương đương với tỷ lệ 20%.
Cập nhật ngày 1/4/2022: đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23%
Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23%.
Tổng tài sản tăng trưởng 15%, dư nợ tín dụng tăng 16% và điều chỉnh theo hạn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1,5%. Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 19,4%.
Ban lãnh đạo MB cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 10%. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý I sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.
Năm 2021, ngân hàng MB báo lãi trước thuế tăng 55%, đạt hơn 16.527 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch được cổ đông giao.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản tăng 23% so với đầu năm, lên mức hơn 607.140 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 120% ở mức 38.051 tỷ đồng, trong khi tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác giảm 25%, xuống 35.983 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng 22%, ở mức 363.554 tỷ đồng. Chất lượng nợ vay của MB gần như đi ngang, nợ xấu tăng 1% so với cuối năm 2020, với 3.268 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,09% đầu năm xuống còn 0,9%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 268%.
Tiền gửi khách hàng của MB tăng 24% so với đầu năm, lên mức 384.692 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động phát hành giấy tờ có giá tăng 31%, ghi nhận gần 66.887 tỷ đồng, chủ yếu tăng trái phiếu trên 5 năm và chứng chỉ tiền gửi trên 12 tháng.
Với kế hoạch tăng trưởng năm 2022, MBB tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những định chế tài chính có tiềm năng sáng sủa. Việc ngân hàng đẩy mạnh công tác số hóa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay bán lẻ và cho doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ tiềm năng tăng trưởng thu nhập ngoài lãi nhờ nguồn thu đa dạng và công ty con của ngân hàng.
Cập nhật ngày 3/2/2021: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho MB tăng vốn điều lệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho MB tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 9.795,6 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án được đại hội cổ đông thông qua. Trước đó, MB có văn bản gửi NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 năm 2021.
Tại phiên họp thường niên, cổ đông đã đồng ý phương án tăng gần 40% vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB. Phương án phát hành chia thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 35% nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên gần 38.000 tỷ đồng.
Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ đồng qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tài sản tăng năng lực như hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực TP HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng khoảng 4.783 tỷ đồng, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới… hơn 5.900 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - MBB
Ngân hàng Quân đội (MB), là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Các cổ đông chính của Ngân hàng Quân đội là Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Ngoài dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Quân đội còn tham gia vào các dịch vụ môi giới chứng khoán, quản lý quỹ, kinh doanh địa ốc, bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản bằng cách nắm cổ phần chi phối của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã có mạng lưới khắp cả nước với trên 100 chi nhánh và trên 190 điểm giao dịch trải dài khắp 48 tỉnh thành phố. Ngân hàng còn có văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, chi nhánh tại Lào và Campuchia.
Lịch sử
Ngày 04 tháng 11 năm 1994, ngân hàng chính thức đi vào hoạt động[1][7] với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng với 25 cán bộ nhân viên.
Năm 2000, thành lập Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội MBS) và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC).
Năm 2003, MB tiến hành cải tổ toàn diện về hệ thống và nhân lực.
Năm 2004, MB là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phần thông qua bán đấu giá ra công chúng với tổng mệnh giá là 20 tỷ đồng.
Năm 2005, MB tiến hành ký kết thỏa thuận ba bên với Vietcombank và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel về việc thanh toán cước viễn thông của Viettel và đạt thỏa thuận hợp tác với Citibank.
Năm 2006, thành lập Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hà Nội HFM (nay là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Ngân hàng Quân đội MB Capital). Triển khai thành công dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin CoreT24 của Tập đoàn Temenos (Thụy Sĩ)
Năm 2008, MB tái cơ cấu tổ chức. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức trở thành cổ đông chiến lược.
Năm 2009, MB ra mắt Trung tâm dịch vụ khách hàng 247.
Năm 2010, Khai trương chi nhánh đầu tiên tại nước ngoài (Lào).
Năm 2011, Thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) từ ngày 01 tháng 11 năm 2011. Khai trương chi nhánh thứ hai tại nước ngoài (Campuchia). Nâng cấp thành công hệ thống CoreT24 từ R5 lên R10
Năm 2019, MB ra mắt logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.
Năm 2020, MB được vinh danh "Ngân hàng tiêu biểu Việt Nam"
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-mbb-ngan-hang-quan-doi-dat-muc-tieu-loi-nhuan-2022-tang-23-a540.html