Kết quả kinh doanh MWG (Thế Giới Di Động): quý 1/2024 lãi đột biến, sa thải nhân viên đột ngột

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý gần nhất với các con số quan trọng về doanh thu và lợi nhuận cùng nhiều thông số liên quan.

mwg-1619492440.jpeg

Chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)

MWG lãi hơn 900 tỷ đồng trong quý đầu năm, gấp 43 lần cùng kỳ, sau giai đoạn tái cấu trúc, trong đó họ sa thải hơn 4.800 nhân viên.

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có doanh thu khoảng 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với quý I/2023. Giá vốn tăng chậm hơn giúp công ty tích thêm 29% lãi gộp, đạt hơn 6.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp nâng từ 19,2% lên 21,3%.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng nâng thêm 63% lên hơn 585 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính dày thêm nhưng không phải đến từ chi phí lãi vay mà là lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 102 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm, chủ yếu nằm ở chi phí nhân viên (hơn 2.200 tỷ đồng).

Tổng lại, MWG có lợi nhuận sau thuế gần 903 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ. Như vậy, sau một năm 2023 lãi nhỏ giọt vài chục tỷ đồng, "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài đã lấy lại quy mô lợi nhuận gần nghìn tỷ như giai đoạn 2019-2020. Đây là quý kinh doanh hiệu quả nhất kể từ quý III/2022.

Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5% lên 125.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, họ hoàn thành khoảng 25% chỉ tiêu doanh thu và 37,6% kế hoạch lợi nhuận.

Ban lãnh đạo cho biết tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao như điện thoại và điện máy vẫn diễn ra. Tuy nhiên hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu tăng và lợi nhuận gộp cải thiện nhờ sự gia tăng đóng góp từ sản phẩm điện máy (vốn có biên lợi nhuận tốt) và hai chuỗi này có lợi thế về danh mục hàng hóa đa dạng, các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ trả góp.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh và dược phẩm, doanh thu tăng trưởng 40% nhờ các biện pháp tăng doanh thu cửa hàng cũ, xu hướng dịch chuyển mua sắm từ kênh truyền thống sang hiện đại, nhất là nhóm khách hàng trẻ.

"Lợi nhuận tăng mạnh là thành quả của nỗ lực tái cấu trúc toàn diện từ quý IV/2023 đến nay. Chủ trương của MWG là hướng mọi hoạt động kinh doanh và vận hành đến sự tinh gọn, hiệu quả, củng cố sức mạnh nội tại", ban lãnh đạo giải thích.

Chỉ trong ba tháng đầu năm, số lượng nhân viên của MWG giảm 4.853 người. Đây là một trong những đợt sa thải nặng nề nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Số người mất việc trong kỳ này tương đương 56% của cả năm 2023. Năm ngoái, họ cắt giảm 8.594 việc làm.

Nếu tính từ lúc bắt đầu tái cấu trúc từ quý IV/2023, MWG đã sa thải 7.813 nhân viên. Hiện tại, MWG ghi nhận hơn 60.500 lao động tính đến cuối tháng 3, thấp nhất kể từ năm 2020.

Song song việc cắt giảm nhân sự, nhiều lãnh đạo MWG tiếp tục không nhận lương trong quý I/2024. Ba thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) có thu nhập bằng không gồm ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, ông Trần Huy Thanh Tùng - CEO MWG.

Trước đó, ba lãnh đạo này đã không nhận lương trong quý III/2023. Sang quý cuối năm ngoái, cả ba nhận cùng mức lương chưa tới 4 triệu đồng cho ba tháng. Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 3, ông Tài nói lương không phải mục tiêu của các lãnh đạo cấp cao, nếu MWG thành công, họ sẽ nhận về phần chia sẻ tương xứng, trong đó có ESOP.

Cập nhật năm 2023: Lợi nhuận xuống thấp nhất 10 năm qua

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới phát hành, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết trong năm 2023, "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận doanh thu gần 118.300 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn, đạt gần 168 tỷ đồng, chỉ bằng 4% so với năm 2022. Đây là mức lãi thấp nhất trong 10 năm qua của MWG.

Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do diễn biến kém khả quan của hai chuỗi bán lẻ "xương sống" là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Doanh thu hai chuỗi này lần lượt đạt hơn 28.000 tỷ và 55.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với năm 2022. Ban lãnh đạo cho biết với đặc tính nhóm hàng giá trị cao và sử dụng lâu dài, các sản phẩm kinh doanh tại hai chuỗi này bị ảnh hưởng nặng nề trước nhu cầu yếu và tâm lý tiêu dùng tiết kiệm.

Tính trong tháng 12/2023, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 1,8 tỷ đồng. Điều này giúp chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đạt mục tiêu hòa vốn sau các chi phí tương ứng với thực tế vận hành, trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Kết quả hòa vốn này không bao gồm các chi phí phát sinh một lần đã hạch toán hết trong quý IV và một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng do tái cấu trúc. Ban lãnh đạo MWG nói chi phí này sẽ giảm dần theo thời gian và Bách Hóa Xanh tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024.

Xét cả năm 2023, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này vẫn còn lỗ thuế (lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế) hơn 1.210 tỷ đồng, nhưng đã giảm 59% so với 2022. Mức lỗ lũy kế sau 8 năm của chuỗi này là khoảng 8.606 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, Bách Hóa Xanh có doanh thu 31.600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Riêng quý cuối năm 2023, doanh thu tăng 31%. Dù không mở mới cửa hàng, chuỗi này vẫn ghi nhận doanh thu tăng liên tục từ tháng 3/2023 đến nay. Số lượt mua hàng trong năm qua tăng 20% với giá trị hóa đơn duy trì xấp xỉ năm trước đó.

Ban lãnh đạo MWG nói thực phẩm tươi sống đang đóng vai trò là yếu tố thu hút khách hàng và là lợi thế cạnh tranh giúp Bách Hóa Xanh gia tăng thị phần. Các mặt hàng này tăng trưởng 35-40% so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cũng có tốc độ tăng 5-10% nhờ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi.

Bách Hóa Xanh là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc MWG. Ra đời từ năm 2015, chuỗi này từng được coi là "con cưng" của Thế Giới Di Động, kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên sau nhiều sai lầm, Bách Hóa Xanh liên tục thua lỗ, vướng nhiều lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ trong giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021.

Từ quý II/2022, MWG quyết định tái cấu trúc chuỗi này. Họ đóng 400 cửa hàng trong thời gian ngắn, đến nay chỉ giữ lại 1.698 điểm bán. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thay đổi định vị từ mô hình "chợ hiện đại" sang "siêu thị mini".

Cập nhật quý 3/2023: lợi nhuận 38,7 tỷ đồng, giảm tới 96%

Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu gần 30.300 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh thu được cải thiện nhưng còn thấp hơn cùng kỳ hơn 5%.

Giá vốn bán hàng giảm không đáng kể khiến lợi nhuận gộp của MWG sụt 23% về gần 5.700 tỷ đồng. Nhóm các chi phí thường xuyên có xu hướng tăng.

Tổng lại, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 38,7 tỷ đồng. Cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng mức này đang đi lùi 96% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

Với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Ngoài ra, công ty rà soát lại và xử lý một số thiết bị dư ra sau quá trình tái cấu trúc Bách Hóa Xanh và hiện nay suy giảm giá trị, không còn đảm bảo hiệu quả sử dụng. Việc này không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi của chuỗi Bách Hóa Xanh nhưng tác động đến lợi nhuận chung của MWG.

"Trong kỳ, công ty đưa ra nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu", Thế Giới Di Động nêu trong văn bản giải trình.

Tuy sức mua điện thoại nhìn chung còn yếu, MWG cho biết vẫn bán được 18.000 iPhone 15 trong tháng 9. Doanh thu từ dòng điện thoại mới nhất của Apple đóng góp gần 600 tỷ đồng.

Cùng với iPhone, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận yếu tố mùa vụ khi bán hàng tốt về điện thoại trong các đợt ra mắt sản phẩm mới và máy tính xách tay trong mùa tựu trường. Nhờ đó, doanh thu tháng 9 đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng 8 và cao nhất kể từ tháng 6.

Ngoài điểm sáng từ dòng sản phẩm iPhone, hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu thu trái ngọt từ Bách Hóa Xanh sau giai đoạn tái cấu trúc. Doanh thu lũy kế 9 tháng đạt gần 22.300 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này đóng góp gần 26% tổng doanh thu cho MWG, cao hơn cả chuỗi Thế Giới Di Động (có tính TopZone).

Trong quý III, Bách Hóa Xanh lỗ thuế gần 250 tỷ đồng, thấp hơn so với các quý trước đây. Lũy kế 9 tháng, chuỗi bán lẻ này lỗ thuế 905 tỷ đồng. Con số này cải thiện đáng kể so với mức lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Kết quả kinh doanh MWG: 6 tháng 2023 chỉ lãi 39 tỷ đồng nhưng có rất nhiều tiền mặt

Lũy kế sáu tháng đầu năm, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu thuần gần 56.600 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022. Chuỗi điện thoại và điện máy đóng góp 41.500 tỷ đồng, tương đương 74%. Phần còn lại đến từ chuỗi bách hóa, nhà thuốc, đồ dùng cho mẹ và bé.

Lợi nhuận sau thuế của công ty này xấp xỉ 39 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ của cùng kỳ. Kết quả này hoàn thành chưa đến 1% mục tiêu lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng.

Hồi đầu năm, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết sức mua điện thoại và điện máy tại hệ thống này giảm mạnh hơn dự báo. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra, ngay cả với nhóm khách hàng trung cao cấp. Xu hướng tiết kiệm chi tiêu cũng xuất hiện ở các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm.

Dự báo khó khăn kéo dài nên Thế Giới Di Động ưu tiên duy trì doanh thu và bảo vệ dòng tiền. Công ty đã tăng cường giảm giá, khuyến mãi nhằm giữ chân khách hàng cũ và hút thêm khách hàng mới. Ban lãnh đạo công ty nhận định việc này có ý nghĩa quan trọng để gia tăng thị phần và tăng trưởng nhanh khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Thế Giới Di Động đang giữ 24.400 tỷ đồng (hơn một tỷ USD) tiền mặt và gửi ngân hàng, tăng trên 9.000 tỷ so với đầu năm, trong khi giá trị tồn kho giảm mạnh.

Gần 21.000 tỷ đồng trong số này là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ba tháng đến một năm để hưởng lãi suất.

Các khoản tiền đang chiếm hơn 41% trong tổng tài sản của Thế Giới Di Động. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ điện máy giữ lượng tiền mặt nhiều nhất từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Thế Giới Di Động có 944 tỷ đồng thu nhập từ tiền gửi trong nửa đầu năm, gần gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu này đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của công ty trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ khi triển khai chiến dịch "giá quá rẻ" để cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ cùng ngành.

Kết quả kinh doanh MWG quý 1/2023: lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm 

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), nhà bán lẻ điện máy, điện thoại lớn nhất cả nước, vừa trải qua quý kinh doanh với lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm.

Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh thu thuần của TGDĐ đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận gộp của nhà bán lẻ này theo đó cũng giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.

Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.

Trong quý I, tổng doanh thu hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh của TGDĐ đã giảm 34% so với cùng kỳ. Công ty cho hay doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy đều giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40-50%.

Với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu lũy kế của chuỗi này trong quý I chỉ tăng 5%.

Với kết quả lợi nhuận kể trên, TGDĐ đã phải ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết đến nay (năm 2014).

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, nhìn nhận nền kinh tế khó khăn đã tác động tới sức mua và khiến doanh thu của hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh sụt giảm. Lãnh đạo TGDĐ cũng cho biết những khó khăn trong ngành hàng ICT một phần đến từ khó khăn của các đối tác cho vay trả góp.

Cụ thể, doanh thu vay tiêu dùng với các sản phẩm của TGDĐ có giai đoạn chiếm trên 35% tổng doanh thu của toàn hệ thống đến nay đã rơi xuống còn dưới 10%. Công ty này từng có 3-4 đối tác trả góp, hiện giờ chỉ còn một đối tác. Bên cạnh đó, tỷ lệ duyệt hồ sơ tín dụng cũng giảm mạnh, trước đây tỷ lệ 60-70% thì hiện nay chỉ 20%.

Tính tới ngày 31/3, tổng tài sản của TGDĐ đã giảm 3,4% so với đầu năm, xuống còn 53.919 tỷ. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 20.957 tỷ đồng, tương đương gần 39% tổng tài sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận số dư tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn 19.809 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản.

Ngoài ra, giá trị tài sản cố định ghi nhận 9.102 tỷ, chiếm 17% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Kết quả kinh doanh MWG quý 4/2022: năm 2022 doanh thu tăng 8% nhưng lợi nhuận giảm 16%

Thế Giới Di Động năm qua ghi nhận doanh thu tăng 8% lên 133.405 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đi lùi 16%, đạt 4.100 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 65% kế hoạch đề ra. Kết quả này khiến công ty đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài gần một thập kỷ, kéo theo thu nhập của nhóm lãnh đạo cấp cao giảm hơn 2 tỷ đồng so với những năm trước.

Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận định 2022 là năm đầy thách thức do biến động khó lường của các yếu tố vĩ mô, từ đó tác động tiêu cực đến thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân. Xu hướng thắt chặt chi tiêu được ghi nhận rõ nhất trong ba tháng cuối năm, không chỉ với điện thoại, điện máy mà còn với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Kết quả kinh doanh MWG quý 3/2022: 9 tháng 2022 doanh thu 102.800 tỷ, lợi nhuận 3.480 tỷ

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu 9 tháng hơn 102.800 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.480 tỷ đồng, tăng khoảng 4%. MWG hoàn thành gần ba phần tư chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kể từ khi công bố thông tin vào năm 2014, đây là lần đầu tiên "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài chỉ hoàn thành hơn một nửa kế hoạch cả năm sau 9 tháng.

Kết quả kinh doanh có phần chững lại cũng thể hiện rõ trong quý III. Doanh thu tăng 32%, lợi nhuận tăng 15% nhưng cùng kỳ năm ngoái có nền thấp khi MWG phải đóng cửa hàng nghìn điểm bán để chống dịch. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận công ty sụt giảm.

Tiêu điểm trong câu chuyện kinh doanh của MWG năm nay là Bách Hóa Xanh. Sau 9 tháng, doanh thu chuỗi này giảm 12% so với cùng kỳ 2021 (thời điểm đỉnh dịch). Trong đó, doanh thu quý III giảm 23% so với mức đỉnh cùng kỳ nhưng ban lãnh đạo cho biết đây vẫn là con số cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động. Với số điểm bán ít hơn (hơn 1.700 cửa hàng), tổng số hóa đơn trong quý tiệm cận mức cao nhất (quý II/2021) và tổng sản lượng hàng hóa bán ra đạt hơn 90% so với mức đỉnh (quý III/2021).

Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong tháng 9 là 1,36 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết Bách Hóa Xanh định hướng chỉ bán rau trong ngày nên khi thời tiết mưa nhiều dẫn tới tỷ lệ hàng bán giảm giá cuối ngày tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu của chuỗi. Dự kiến, doanh thu bình quân sẽ đạt 1,5-1,6 tỷ đồng trong mùa cao điểm mua sắm vào tháng 12.

Những tháng qua, Bách Hóa Xanh tái cấu trúc mạnh khi đóng khoảng 400 cửa hàng, thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, lược bỏ nhóm hàng có hiệu suất kém. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính chi phí một lần từ đóng cửa hàng của Bách Hoá Xanh khoảng 264 tỷ đồng và lỗ hoạt động (gồm các chi phí liên quan đến thay đổi layout) khoảng 866 tỷ trong quý II.

Đến hết quý III, công ty này đã hoàn tất hạch toán những chi phí phát sinh một lần liên quan đến quá trình tái cấu trúc của Bách Hóa Xanh. "Lợi nhuận ròng trong quý IV sẽ cải thiện đáng kể", ban lãnh đạo MWG nói.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài từng nói khả năng trong quý cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ có lời. "Đây là một bước chuyển rất quan trọng đối với MWG. Năm 2023, câu chuyện hỗ trợ và chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Điện Máy Xanh cho Bách Hóa Xanh sẽ chấm dứt. Bách Hóa Xanh sẽ thật sự mang tiền về đóng góp cho sự phát triển chung của MWG", ông nhấn mạnh.

Kết quả kinh doanh MWG quý 2/2022: Lợi nhuận sau thuế 2.576 tỷ đồng

Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) công bố doanh thu nửa đầu năm đạt 70.804 tỷ đồng, tăng 13% và thực hiện 51% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 2.576 tỷ đồng, gần như đi ngang và thực hiện 41% kế hoạch năm.

Tính riêng quý II, doanh thu đạt 34.337 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.131 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và giảm 6,6% so với quý II/2021.

Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đóng góp 38.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,5% và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước nhờ gia tăng thi phần điện thoại và điện máy. Riêng quý II, doanh số 2 chuỗi này tăng 12% so cùng kỳ và giảm 11% từ mức đỉnh ghi nhận vào quý IV/2021.

Chuỗi Bách Hóa Xanh đóng góp 12.800 tỷ đồng, tỷ trọng 18,1% và giảm 4%. Riêng quý II, doanh số giảm 8% so với cùng kỳ năm trước (năm ngoái tăng cao nhờ hưởng lợi dịch bệnh Covid-19) và tăng 12% so với quý I.

Doanh nghiệp cho biết đã đóng 251 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tháng 5 và 6, song doanh thu không giảm và dự kiến đạt mục tiêu doanh thu bình quân 1,3 tỷ đồng/cửa hàng ngay trong quý III (sớm hơn kế hoạch là cuối năm). Tính đến tháng 7, doanh nghiệp cơ bản hoàn tất thay layout (sắp xếp) mới cho toàn bộ cửa hàng hiện hữu, doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/cửa hàng.

Công ty vẫn tiếp tục rà soát xử lý theo từng nhóm cửa hàng, dự kiến vận hành 1.700 – 1.800 cửa hàng vào cuối quý III, tính đến cuối quý II có 1.889 cửa hàng. Chi phí phát sinh 1 lần từ việc đóng cửa hàng sẽ tác động đến lợi nhuận Bách Hóa Xanh trong quý II và III.

Kết quả kinh doanh MWG quý 1/2022: lợi nhuận 1.445 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG-HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 36.467 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.445 tỷ đồng. Trong đó doanh thu online đạt 5.935 tỉ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.

Cuối tháng 3/2022, MWG vận hành 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng Thegioididong, 2.077 cửa hàng Điện Máy Xanh, 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập.

Trong quý 1/2022, Thegioididong, Điện Máy Xanh và Topzone ghi nhận hơn 30.000 tỉ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ - trong đó, Điện Máy Xanh supermini (ĐMS) đóng góp hơn 2.700 tỉ đồng, gấp đôi doanh thu quý I/2021. Với 874 điểm bán, ĐMS tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho chuỗi Điện Máy Xanh. Topzone đóng góp gần 470 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm, với 28 cửa hàng ủy quyền AAR và 1 cửa hàng cao cấp APR.

Đối với Bách Hóa Xanh, chuỗi này ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 6.040 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý 4/2021. Mục tiêu của Thế Giới Di Động là đưa Bách Hóa Xanh trở thành lựa chọn đầu tiên khi khách hàng nghĩ tới thực phẩm tươi sống.

Do đó, chuỗi đã triển khai nhiều chương trình hấp dẫn để khuyến khích khách hàng đến mua sắm và trải nghiệm những thay đổi tích cực gần đây. Điều này ảnh hưởng ngắn hạn tới doanh thu và biên lợi nhuận của chuỗi, nhưng là sự đầu tư cần thiết trong chiến lược tái định vị Bách Hóa Xanh.

Tính riêng tháng 3/2022, sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng gấp đôi, lượt khách tới cửa hàng tăng gần 40% so với trung bình 2 tháng đầu năm. Mặc dù áp dụng nhiều khuyến mãi, doanh thu Bách Hóa Xanh trong tháng 3 đã quay lại mức trước đợt bùng phát dịch COVID và tăng 10% so với cùng kỳ. Tháng 4/2022, Bách Hóa Xanh đã ký kết hợp tác cùng C.P. Việt Nam để cung cấp các sản phẩm thịt an toàn, có nguồn gốc, độ tươi ngon bảo đảm, giá bán cạnh tranh ngay cả so với chợ truyền thống. Trong quý 1/2022, doanh thu Bách Hóa Xanh Online tăng 12% so với cùng kỳ và chiếm 3% tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh.

Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận doanh số trong 3 tháng đầu năm gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, An Khang cũng sẽ triển khai layout mới và nhân rộng mô hình, tăng tốc cả về doanh thu cũng như số lượng cửa hàng, hướng tới cột mốc 400 cửa hàng trước quý III/2022.

Trong những mảng kinh doanh thử nghiệm, AVA Kids đang có kết quả ban đầu khá khả quan với doanh thu trung bình khoảng 2 tỉ đồng/cửa hàng/tháng. Chuỗi này sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 ở quy mô 50 cửa hàng dự kiến vào cuối tháng 6/2022.

Kết quả kinh doanh MWG quý 4/2021: lợi nhuận 1.563,3 tỷ, tăng 65,9%

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã chứng khoán MWG – sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu đạt 36.138,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.563,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 32,9% và 65,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,1% về còn 20,4%.

Được biết, trong đỉnh dịch quý III/2021, biên lợi nhuận gộp của MWG đạt kỷ lục 25,02%, trong thời gian từ 2017 - 2020, biên lợi nhuận gộp dao động từ 16,8% lên 22,1% và trung bình 4 năm là 18,9%. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế, biên lợi nhuận gộp của MWG lại giảm về còn 20,4% và thấp hơn cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 17,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.100,2 tỷ đồng lên 7.374,9 tỷ đồng; lãi hoạt động tài chính tăng 65%, tương ứng tăng thêm 62,7 tỷ đồng lên 159,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 13,9%, tương ứng tăng thêm 593,8 tỷ đồng lên 4.853 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế trong năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 122.958,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.901,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,3% và 25% so với cùng kỳ.

Năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu là 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính Công ty hoàn thành 103,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cập nhật quý 3/2021: kết quả kinh doanh lao dốc vì giãn cách

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III và kết quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm với kết quả trượt dốc vì giãn cách xã hội gần đây.

Tính riêng quý vừa qua, TGDĐ ghi nhận doanh thu thuần hơn 24.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy biên lợi nhuận tốt hơn giúp lợi nhuận gộp công ty vẫn đạt 6.089 tỷ đồng, tăng gần 6%.

Do các chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng mạnh, tập đoàn này báo lãi sau thuế còn 786 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 11 quý gần nhất.

Doanh nghiệp lý giải hoạt động trong quý III bị tác động nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Chuỗi bán lẻ hàng công nghệ có gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong phần lớn kỳ báo cáo và chuỗi Bách Hóa Xanh có 40-50% cửa hàng không thể phục vụ khách đến mua trực tiếp từ 23/8 trở đi.

Tập đoàn này cho biết hoạt động trong tháng 9 đã phục hồi đáng kể, doanh thu thuần ghi nhận 8.325 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 333 tỷ, tăng lần lượt 28% và 50% so với tháng 8 sau khi các cửa hàng được phép hoạt động trở lại.

Trong đó, dù có 60% cửa hàng phải tạm đóng cửa/hạn chế bán hàng trong tháng 9, doanh thu của riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) vẫn mang về hơn 6.300 tỷ đồng, khôi phục gần 80% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch.

Kết quả hồi phục theo lãnh đạo doanh nghiệp là nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn hàng, nhân sự, chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh bán hàng ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần nới lỏng từ nửa sau tháng 9.

“Tại các địa phương siết chặt giãn cách xã hội, phần lớn cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng đều ghi nhận lỗ và chi phí vận hành của hệ thống được gánh vác bởi các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để giảm thiểu thiệt hại, ngoài việc điều chỉnh giảm thu nhập của nhân viên, TGDĐ/ĐMX đã trao đổi và nhận được sự hỗ trợ thiện chí của hầu hết chủ mặt bằng, ngoại trừ một số rất ít chủ nhà”, báo cáo của MWG ghi rõ.

Nhờ các thiết bị điện tử - điện máy được giao hàng thông suốt trở lại, hoạt động kinh doanh online cũng bứt phá trong tháng 9 khi đóng góp 1.670 tỷ đồng và chiếm 27% tổng doanh thu của hai chuỗi này. Doanh số online tăng mạnh 118% so với cùng kỳ và gấp đôi mức bình quân thời điểm trước dịch.

Đối với laptop, sản phẩm ghi nhận tăng trưởng vượt bậc do hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong đợt dịch. Ngành hàng này có sản lượng bán hơn 50.000 sản phẩm và doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, tăng 128% so với tháng 9/2020.

Với xe đạp, hiện chuỗi đã có 43 cửa hàng kinh doanh và dự kiến nâng lên 150 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm. Sản phẩm này đóng góp thêm 800 triệu – 1 tỷ đồng doanh thu/tháng/cửa hàng khi đi vào hoạt động ổn định.

Chuỗi Bách Hóa Xanh có doanh thu tháng vừa qua đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Với doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng khoảng 1 tỷ đồng, mảng này vẫn duy trì được EBITDA dương trong tháng 9.

Riêng kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com chiếm tỷ trọng đến 5% trong tháng vừa qua với doanh số vượt mốc 100 tỷ đồng.

Nhờ kết quả tích cực đầu năm, doanh thu thuần lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận mức tăng 7% lên 86.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12% đạt 3.338 tỷ đồng. Theo đó đơn vị thực hiện 69% kế hoạch doanh thu và 70% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về cơ cấu, doanh thu online đóng góp lũy kế gần 9.320 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 14% tổng nguồn thu của tập đoàn. 

Kết quả kinh doanh MWG quý 2/2021: doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá

Quý 2, doanh thu thuần hợp nhất quý II của MWG đạt 31.658 tỷ đồng, tăng 20%; giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp tăng 24% đạt 7.143 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng nhẹ từ 21,9% lên 22,6%.

Doanh thu tài chính tăng 80% lên 305 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 25% lên 171 tỷ đồng. Chi phí bán hàng lớn nhất trong các chi phí và tăng 26% lên 4.444 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 20% lên 1.201 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ MWG đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 36%.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12,3%; lãi sau thuế 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ thực hiện 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Doanh nghiệp cho biết, ngành hàng điện thoại tăng trưởng 16%; laptop, điện lạnh và gia dụng tăng một chữ số với cùng kỳ nên chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động vẫn đóng góp lớn vào tổng doanh thu, lần lượt khoảng 33.300 tỷ đồng và 15.600 tỷ đồng. Chuỗi Bách Hoá Xanh đóng góp 21,4%, tương đương 13.370 tỷ đồng.

Riêng tháng 6, chuỗi điện thoại và điện máy thu hơn 7.880 tỷ đồng và tăng 21% so với cùng kỳ. Kết quả này, theo ban lãnh đạo là nỗ lực lớn trong bối cảnh gần 1.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng để phòng dịch.

Chuỗi bách hoá trong tháng 6 đã vượt mốc doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi cửa hàng thu 1,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) được cải thiện nhưng vẫn lỗ ở cấp độ công ty.

Thế Giới Di Động có 4.610 cửa hàng tính đến cuối tháng 6, trong đó chuỗi Bách Hoá Xanh có 1.888 cửa hàng tại 25 tỉnh, thành phố. Khoảng 80% cửa hàng trong số này đã hoạt động tối thiểu một năm.

Tại thời điểm cuối kỳ, MWG có 54.139 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 8.108 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 4.254 tỷ so với cuối quý I. Doanh nghiệp giảm tiền và tương đương tiền từ 7.248 tỷ đồng xuống 4.618 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi và trái phiếu hưởng lãi 6-8,65%/năm) tăng thêm gần 5.500 tỷ đồng lên 13.524 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng gần 3.000 tỷ đồng lên 22.415 tỷ đồng, chủ yếu tăng trong thiết bị điện tử và điện thoại di động.

Đơn vị ghi nhận khoản nợ vay ngắn hạn 19.966 tỷ đồng, tăng thêm 4.341 tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm 2.506 tỷ đồng so với cuối quý I; vay dài hạn duy trì mức 1.129 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 39%.

Kết quả kinh doanh MWG quý 1/2021: Lợi nhuận quý 1/2021 tăng 18%

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố KQKD quý 1/2021, trong đó doanh thu thuần tăng nhẹ 5% YoY đạt 31.000 tỷ đồng và LNST tăng 18% YoY đạt 1.300 tỷ đồng.

Tính riêng tháng 3/2021, doanh thu tăng nhẹ 3% YoY đạt 9.100 tỷ đồng trong khi LNST tăng 18% YoY đạt 338 tỷ đồng.

Tổng doanh thu của TGDĐ và DMX (ĐTDĐ và điện máy) đi ngang so với cùng kỳ trong quý 1/2021 do làn sóng dịch COVID-19 thứ ba vào cuối tháng 1 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của cửa hàng và nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, doanh thu của BHX (bách hóa) tăng 32% YoY trong quý 1/2021 nhờ mở rộng cửa hàng nhanh chóng trong năm 2020.

Doanh thu online tăng 24% YoY đạt 2,500 tỷ đồng trong quý 1/2021 – trong đó tổng doanh thu online từ TGDĐ và DMX đạt khoảng 2,300 tỷ đồng (chiếm 9% tổng doanh thu của TGDĐ và DMX) và doanh thu online của BHX đạt 180 tỷ đồng (chiếm 3% tổng doanh thu của BHX).

Biên lợi nhuận ròng tăng 40 điểm cơ bản YoY đạt 4,3% trong quý 1/2021 khi biên lợi nhuận gộp tăng 2 điểm phần trăm đạt khoảng 23% trong quý 1/2021 nhờ quy mô lớn hơn của MWG. Biên lợi nhuận gộp của BHX đạt 25% trong quý 1/2021 và ban lãnh đạo kỳ vọng con số này sẽ cải thiện trong tháng 4/2021 khi các điều khoản thương mại của BHX với các nhà cung cấp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được điều chỉnh.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)

MWG là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh. Ngoài ra, MWG đã mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy tại Campuchia và đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang.

Tiền thân là Công ty TNHH Thế Giới Di Động (Mobile World Co. Ltd) thành lập năm 2004, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (“Công ty” hay “MWG”) được thành lập theo Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp số 0306731335 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 16/01/2009. Công ty là nhà bán lẻ số 1 tại Việt Nam tính theo quy mô, doanh thu và lợi nhuận; đồng thời là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á-Thái Bình Dương theo bảng xếp hạng Top 500 Asia-Pacific Retailers do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia) bình chọn năm 2018.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới gần 4.000 cửa hàng trên toàn quốc. MWG vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Năm 2020, thành viên mới của MWG là 4KFarm ra đời với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn theo chuẩn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-mwg-doanh-thu-ket-qua-kinh-doanh-loi-nhuan-quy-phan-tich-co-phieu-the-gioi-di-dong-a530.html