Biên bản ghi nhớ được Hòa Phát ký với lãnh đạo Phú Yên tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh này hôm qua. Quyết định đầu tư vào tỉnh ven biển Nam Trung Bộ được tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đưa ra sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng của địa phương này.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát (HPG) cho biết, ba dự án này kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, và góp ngân sách địa phương khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hòa Phát, doanh nghiệp đứng top đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, mỗi năm sản xuất 8,5 triệu tấn thép thô. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, còn lại là cuộn cán nóng.
Năm 2023, công ty của "vua thép" Trần Đình Long có doanh thu hơn 120.000 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2022. Hòa Phát lãi sau thuế khoảng 6.800 tỷ đồng, mức thấp từ 2017.
Kinh doanh nhiều mảng (nông nghiệp, thép, bất động sản), nhưng trọng tâm đầu tư của tập đoàn này hiện là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với công suất 5,6 triệu tấn HRC mỗi năm. Dự án này hiện đạt 45% tiến độ và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Khi đó, năng lực sản xuất thép thô hàng năm của Hòa Phát sẽ tăng gấp rưỡi hiện nay (khoảng 14 triệu tấn).
Cập nhật ngày 27/3/2023: muốn xây các đại đô thị quy mô cỡ các ông lớn bất động sản
Theo kế hoạch 10 năm tới, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ tập trung phát triển các đại đô thị, diện tích từ 300 đến 500 ha - tương đương quy mô một số dự án đại đô thị của các doanh nghiệp bất động sản đầu ngành hiện nay.
Tại phiên họp thường niên năm ngoái, Chủ tịch Hòa Phát đặt mục tiêu lọt vào top ba công ty đứng đầu lĩnh vực bất động sản. Trước đó, ông Long cũng chia sẻ không ai có thể làm thép mãi được, Hòa Phát sớm muộn cũng phải đa ngành với bất động sản là một trong các mũi nhọn.
Trong báo cáo thường niên phát hành gần đây, Hòa Phát cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các dự án tiềm năng trên cả nước. Năm 2022, các công ty thành viên của Hòa Phát đã tham gia đấu thầu xây dựng nhà ở tại Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Giang.
Thời gian qua, công ty này cũng tích cực khảo sát, đề xuất đầu tư dự án khu đô thị quy mô lớn ở nhiều nơi như Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Yên, Hải Dương. Công ty đang triển khai dự án khu đô thị Bắc Phố Nối, Hưng Yên, diện tích 262 ha, gồm tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, chung cư, nhà liền kề, biệt thự. Dự án gồm 2 phân kỳ, trong đó phân kỳ 1 có tổng vốn đầu tư dự kiến 6.500 tỷ đồng và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, cây xanh.
Hòa Phát là công ty đã có 21 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động, nhưng chủ yếu phát triển mạnh phân khúc khu công nghiệp tại Hưng Yên, Hà Nam với tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 1.100 ha.
Trong lĩnh vực nhà ở, công ty của ông Trần Đình Long mới chỉ đầu tư một số dự án quy mô nhỏ tại Hà Nội như Mandarin Garden 1 (2,5 ha), Mandarin Garden 2 (1,3 ha), khu chung cư ở 70 Nguyễn Đức Cảnh và 257 Giải Phóng.
Năm ngoái, mảng bất động sản, chủ yếu là khu công nghiệp, mang về 1.427 tỷ đồng cho Hòa Phát, chiếm 1% tổng doanh thu tập đoàn và 3% lợi nhuận, tương đương hơn 250 tỷ đồng. Các khu công nghiệp Hòa Phát đạt tỷ lệ lấp đầy gần như toàn bộ diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư vào khu công nghiệp Yên Mỹ II, mở rộng với diện tích quy hoạch 216 ha. Tập đoàn này muốn có 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới, bao gồm cả các khu đang có.
Cập nhật ngày 8/11/2022: Dừng hoạt động 4 lò cao
Do nhu cầu thép trong nước và thế giới giảm, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết sẽ dừng hoạt động 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò ở Hòa Phát Hải Dương từ tháng 11/2022. Sang tháng 12, tập đoàn có thể sẽ dừng tiếp 1 lò cao nữa ở Hòa Phát Dung Quất. Ban lãnh đạo cho biết ngay khi chắc chắn dừng lò cao này sẽ có thông báo chính thức.
Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò luyện thép gồm: 4 lò ở Dung Quất, hai lò ở Hải Dương và một lò ở Hưng Yên. Như vậy, từ tháng 11, quá nửa năng lực sản xuất thép của Hòa Phát phải dừng hoạt động vì tiêu thụ chậm.
Việc dừng hoạt động lò cao là một quyết định không dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất thép nào. Mỗi lần tạm dừng và khởi động lại lò cao có chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng và phải kéo dài nhiều tháng.
Trong tháng 10 vừa qua, Hòa Phát đã sản xuất 567.000 tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42%. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Cập nhật ngày 10/8/2022: đầu tư đóng mới hai tàu lớn
Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cho biết Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát đã ký kết hợp đồng với Nhà máy đóng tàu Hạ Long để đóng hai tàu chở hàng tải trọng 24.500 tấn mỗi chiếc.
Hoạt động này nằm trong chiến lược phát triển đội tàu để phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm của Hòa Phát. Dự kiến vào quý IV/2023, hai tàu chở hàng này sẽ được đưa vào khai thác.
Hiện nay, Công ty Vận tải biển Hòa Phát đang trực tiếp sở hữu ba tàu biển cỡ lớn dòng Kamsarmax có tải trọng 80.000 – 90.000 tấn, chuyên chở hàng rời, phục vụ một phần nhu cầu vận chuyển nguyên liệu than và quặng cho Tập đoàn.
Trong chiến lược dài hạn, đội tàu của Hòa Phát sẽ có khoảng 15 – 20 tàu biển các loại phục vụ nhu cầu vận tải nguyên liệu và thành phẩm ngày càng cao, đặc biệt sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động vào năm 2025.
Việc kí kết hợp đồng đóng thêm tàu sẽ giúp Hòa Phát có lượng tàu ổn định trong những giai đoạn cao điểm, khan tàu, qua đó giảm rủi ro khi giá cước thuê tàu thế giới tăng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn Hòa Phát.
Cập nhật ngày 20/6/2022: xin đầu tư lớn ở Phú Yên, tỉnh lưu ý phải đảm bảo môi trường
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư 2 dự án, bao gồm cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm tại địa bàn tỉnh.
Trong đó, hai dự án có tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng. Hòa Phát cho biết cả 2 dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng. Khi đi vào vận hành, tổ hợp các dự án sẽ đóng góp khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh Phú Yên và giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động địa phương.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, mục tiêu đầu tư công nghiệp, cảng biển là phù hợp với danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án quy mô lớn sẽ tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển trong thời gian đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Đông Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã giao các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để Hòa Phát tìm hiểu, khảo sát khu vực đề xuất. Tuy nhiên, ông lưu ý, dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch và đảm bảo bảo vệ môi trường.
Không riêng Phú Yên, thời gian gần đây, Hòa Phát cũng liên tục đề xuất đầu tư tại nhiều địa phương, như Quảng Trị với dự án phát triển cảng biển, cảng nước sâu và xây dựng nhà máy thép tại Khu kinh tế Đông Nam; tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án khu đô thị; đề xuất xây dựng cụm dự án Alumin công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm tại tỉnh Đắk Nông…
Mới nhất, Hòa Phát đã đề xuất và được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với quy mô 216 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.682 tỷ đồng.
Chia sẻ tại phiên họp cổ đông hồi tháng 5 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, Hòa Phát không đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập dự án như thị trường vẫn làm.
“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long nhấn mạnh.
Hiện lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị.
Tập đoàn này đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Phố Nối A (688,94 ha), Khu công nghiệp Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5 ha) đều tại Hưng Yên và Khu công nghiệp Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha).
Cập nhật ngày 25/5/2022: nghiên cứu đầu tư nhà máy Dung Quất 3
Theo báo cáo tại đại hội cổ đông, Hòa Phát đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Tuy tăng trưởng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.
Trong kế hoạch trên, HPG đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm sau Dung Quất 2 với công suất 14 -15 triệu tấn các sản phẩm thép/năm. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn/năm, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.
Hiện nay, mức tiêu thụ thép ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, khoảng 240kg/đầu người. Ông Long dự báo con số này có thể tăng lên 350 – 400kg/đầu người nên việc tăng sẽ đủ cung để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài chiếm lĩnh thị trường nội địa, ông Long mong muốn mở nhà máy ở nước ngoài khi đã mua mỏ quặng ở Nam Australia, đang làm thủ tục với chính quyền, kỳ vọng tới cuối năm sẽ có chuyến quặng đầu tiên. Dự kiến mua thêm mỏ ở Bắc Australia.
Hiện tại, giá quặng đang chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất thép nên việc sở hữu các mỏ quặng này sẽ giúp Hòa Phát tối ưu chi phí sản xuất cũng như đảm bảo nguồn cung về nguyên vật liệu.
Cập nhật ngày 18/3/2022: Khởi công nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 vốn 85.000 tỷ trong tháng 5
Lãnh đạo Thép Hòa Phát Dung Quất – đơn vị thành viên Tập đoàn Hòa Phát cho biết công ty được tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án, với tổng vốn gần 150.000 tỷ đồng.
Trong đó, khu liên hợp 1 (vốn thực hiện trên 63.800 tỷ đồng) đã xây dựng hoàn thành và đi vào vận hành cả 2 giai đoạn; khu liên hợp 2 (85.000 tỷ đồng) đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến tháng 5 năm nay khởi công; bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất (trên 3.770 tỷ đồng) đang thi công xây dựng, dự kiến tháng 6/2023 đưa vào vận hành 1 bến và tháng 12/2023 đưa vào vận hành đồng bộ cả 3 bến; cấp nước thô cho khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành thủ tục pháp lý và đi vào hoạt động giai đoạn 1.
Vào kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông Hòa Phát đã thông qua việc thực hiện dự án sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với mức vốn đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng. Dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có diện tích dự kiến 283,73 ha tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn/năm; riêng thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến 4,6 triệu tấn/năm (tăng so với mức dự kiến 3 triệu tấn/năm trước đây); thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.
Bên cạnh các dự án đang triển khai, trong thời gian tới, tập đoàn đề xuất đầu tư thêm một số dự án mới như dự án Ferro (hợp kim sắt), diện tích khoảng 300 ha; khu công nghiệp (800 ha); khu liên hợp 3 (312 ha); đất dự trữ phát triển công nghiệp (524 ha); hệ thống cảng và khu hậu cần cảng phục vụ dự án Khu liên hợp 3 và các dự án vệ tỉnh (113,5 ha).
Cập nhật ngày 9/1/2022: lợi nhuận mảng chính thép cán nóng HRC có thể sụt giảm
CTCK Rồng Việt dự phóng chi phí sản xuất có thể giảm với tốc độ chậm hơn so với giá quặng sắt. Chào giá HRC cho tháng 2 năm 2022 giảm 9% so với tháng 12 năm 2021, dẫn đến biên lợi nhuận gộp trong mảng này có thể sụt giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp của mảng thép cán nóng có thể tiếp tục suy giảm, trong khi biên gộp mảng thép xây dựng ổn định. Giá quặng sắt đang giảm mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất. Tuy vậy, giá than cốc tiếp tục neo ở mức cao và sẽ phản ánh vào giá thành thép trong 1H2022.
Do đó, CTCK Rồng Việt dự phóng chi phí sản xuất có thể giảm với tốc độ chậm hơn so với giá quặng sắt. Về giá bán, chúng tôi kỳ vọng giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, chào giá HRC cho tháng 2 năm 2022 giảm 9% so với tháng 12 năm 2021, dẫn đến biên lợi nhuận gộp trong mảng này có thể sụt giảm.
Về tiến độ khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất 2, Công ty đang tiến hành giai đoạn giải phóng mặt bằng và có kế hoạch bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2022. Tổng thời gian xây dựng khoảng 30 tháng. Nhà máy bao gồm hai lò cao với tổng công suất 5,6 triệu tấn, bao gồm 4,6 triệu tấn thép HRC và 1,0 triệu tấn là thép xây dựng chất lượng cao. Hai lò cao trên dự kiến đi vào hoạt động lần lượt vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024.
Cập nhật ngày 19/12/2021: Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý cho đầu tư nhà máy sản xuất container
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD quy đổi.
Đáng chú ý, một trong 8 dự án được trao quyết định đầu tư đợt này là dự án xây dựng nhà máy sản xuất container chở hàng của Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát (công ty con của Tập đoàn Hòa Phát).
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 80% so với vốn điều lệ mà Hòa Phát đã góp vào Công ty Container Hòa Phát khi thành lập.
Trong đó, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40 feet, giai đoạn 1 có công suất 180.000-200.000 TEU/năm.
Theo lãnh đạo công ty, với sản lượng 500.000 TEU/năm, nhà máy này sẽ giúp tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm do chính Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất giai đoạn 2 của Hòa Phát thực hiện.
Chia sẻ về lý do làm container, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết nhu cầu về mặt hàng container trên thế giới đang rất lớn, trong khi đó, 90% sản lượng sản xuất sản phẩm này đang thuộc về Trung Quốc.
Tuy vậy, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua thép” cho biết đang sở hữu 2 yếu tố cơ bản nhất để sản xuất container và có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Một là, Hòa Phát đã có nhà máy sản xuất thép HRC và đã thử nghiệm thành công trong việc sản xuất container. Hai là, chi phí lao động trong nước đang thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Ngoài ra, chi phí về giá điện hiện tại của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và thế giới.
Từ các yếu tố trên, Hòa Phát tin rằng container của doanh nghiệp sẽ có chi phí thấp hơn với chất lượng tương đương và không ngại cạnh tranh về giá với các hãng trên thế giới.
Tháng 4 năm nay, Hòa Phát đã thành lập Công ty Container Hòa Phát để phụ trách hoạt động kinh doanh này với vốn điều lệ 3.000 tỷ.
Ngoài dự án kể trên, 7 dự án khác được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt này là nhà máy sản xuất găng tay S&S GLOVE của Công ty CP S&S GLOVE (4.900 tỷ đồng); Khách sạn - căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Poseidon của Công ty CP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (3.077 tỷ đồng).
Bên cạnh đó còn có Dự án Novaworld Hồ Tràm của Công ty TNHH The Forest City (tăng vốn từ 450 tỷ lên 4.408 tỷ đồng); Dự án Ashton Furniture Consolidation Phú Mỹ của Công ty TNHH Ashton Furniture Consolidation (130 triệu USD); Khu phức hợp Cap Saint Jacques của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (tăng vốn từ 1.294 tỷ lên 3.574 tỷ đồng); Cảng Logistics Camil của Công ty CP Logistics Quốc tế Cái Mép (tăng vốn từ 1.200 tỷ lên 2.600 tỷ đồng); và Dự án sản xuất linh kiện điện tử, gia công sản xuất các loại màn hình độ phân giải cao của Công ty TNHH Coretronic Technology (1.197 tỷ đồng).
Cập nhật ngày 28/11/2021: HPG đề xuất bổ sung 1.664 ha đất đầu tư loạt dự án lớn tại Khu Kinh Tế Dung Quất
HPG đề xuất bổ sung 1.664 ha đất để thực hiện loạt dự án nhà máy trong đó có Dung Quất 3 với diện tích khoảng 796 ha tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về cơ bản thống nhất chuyển đổi các diện tích đất theo đề xuất của doanh nghiệp sang đất công nghiệp , đất đô thị, thương mại dịch vụ.
Trong dài hạn, HPG sẽ trở thành đơn vị chủ lực cung cấp thép cho cả nước và là nhà xuất khẩu thép với vị thế lớn trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, trong ngắn và trung hạn, HPG có thể phải đối mặt với rủi ro giá thép giảm và kết quả đi ngang chờ bứt phá.
Cập nhật ngày 10/8/2021: muốn tăng sản lượng trứng gà lên 1 triệu quả/ngày
Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) vừa công bố sản lượng trứng gà tiêu thụ vào khoảng 750.000 quả/ngày và dự kiến gia tăng sản lượng lên 950.000 – 1 triệu quả/ngày vào cuối năm nay.
Hòa Phát đang cung cấp trứng gà vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội. Trong đó tập đoàn bán 30.000 quả trứng vào toàn bộ hệ thống siêu thị VinMart, 15.000 quả/ngày vào siêu thị Coop Mart, khoảng 12.000-15.000 quả mỗi ngày vào 18 siêu thị và 40 cửa hàng tiện lợi của BR...
Trứng gà Hòa Phát vào siêu thị VinMart. Ảnh: Hòa Phát. |
Ngoài Hà Nội, tập đoàn này cho biết sản phẩm trứng gà còn có mặt tại một số siêu thị ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, nhà hàng, khách sạn lớn, các khu công nghiệp… Bên cạnh đó, công ty có hệ thống nhà phân phối và đại lý rộng khắp miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên.
Công ty Gia cầm Hòa Phát hiện cũng đang đẩy mạnh sản lượng cung cấp trứng cho các nhà sản xuất bánh kẹo nhằm đáp ứng nhu cầu mùa Trung Thu 2021 và các dịp lễ cuối năm. Gà giống của Hòa Phát được nhập khẩu từ Anh, Australia.
Hòa Phát được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất sắt thép các loại bán trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên tập đoàn này đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang một số lĩnh vực mới như bất động sản và nông nghiệp để đa dạng hóa doanh thu.
Nông nghiệp hiện là mảng có tỷ trọng đóng góp lớn thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận, chỉ sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép. Hòa Phát bắt đầu cung cấp heo thịt, heo giống và trứng gà sạch ra thị trường từ năm 2018 và là nhà nhập khẩu thịt bò Úc lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm hơn 50%.
Tập đoàn đang vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm cùng các trang trại chăn nuôi tại Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước… Mục tiêu đến năm 2022 đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 500.000 đầu heo thương phẩm/năm; 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Nếu đạt đến con số dự kiến 1 triệu trứng gà/ngày, quy mô của Hòa Phát sẽ tiệm cận với một doanh nghiệp kinh doanh trứng gà hàng đầu miền Nam là công ty Ba Huân. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả trong nửa đầu năm, tăng trưởng 5%.
Cập nhật ngày 12/6/2021: người dân không chịu nổi tiếng ồn và ô nhiễm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất
Chiều 12-6, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, có buổi làm việc, lắng nghe bức xúc của người dân sống xung quanh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Cụ thể, ông Minh cùng đoàn đã đến trao đổi với bà con thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sau đó, ông Minh tiếp tục đến nhà dân nằm ngay bên cạnh tường rào nhà máy thép này, cùng chứng kiến ô nhiễm, khói bụi và tiếng ồn mà người dân đang chịu.
Cục nam châm dính kín bụi mà người dân cho rằng đó là bụi sắt - Ảnh: TRẦN MAI
Theo người dân, họ không chịu nổi với tiếng ồn, bụi bặm khủng khiếp trong quá trình hoạt động sản xuất thép và cả việc thi công giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
"Chúng tôi sẵn sàng nhường đất cho dự án nhưng không chịu nổi ô nhiễm, nên chặn nhà máy, yêu cầu đảm bảo các vấn đề dân sinh. Ngoài ra, phải nhanh chóng có khu tái định cư, di dân đến nơi ở mới", bà Lê Thị Trí, ngụ tại thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, nói.
Toàn bộ các hộ dân dựng trại, rào dây trước cổng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đều nằm trong khu vực 115ha, thuộc giai đoạn 2 của dự án này.
Để chứng minh cho lời nói của mình, nhiều người dân còn dùng cục nam châm hút bụi bỏ vào bao đưa cho chủ tịch UBND tỉnh xem.
Trước những bức xúc của người dân, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng thấu cảm và hứa sau buổi gặp gỡ này sẽ giải quyết những vấn đề bà con nêu.
"Mặc dù các hành vi vi phạm không của doanh nghiệp, nhưng chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân. Tôi xin lỗi bà con vì khu tái định cư triển khai quá chậm. Đáng ra phải thực hiện 3 năm trước chứ không phải đến bây giờ", ông Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Dội (thôn Đông Lỗ) đưa bột sắt cho ông Đặng Văn Minh xem - Ảnh: TRẦN MAI
"Tôi xin thừa nhận phần lỗi của chính quyền. Chậm nhất đến tháng 10-2021 sẽ khởi công khu tái định cư Vạn Tường. Đến tháng 10-2022 sẽ hoàn thành và đưa bà con vào sinh sống. Nếu không làm được, chủ tịch UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước bà con. Mong bà con chia sẻ bởi cần có thời gian để chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và triển khai thi công", ông Minh hứa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng bà con đã chia sẻ với Hòa Phát thực hiện dự án, "thì Hòa Phát phải chia sẻ lại với người dân".
Cụ thể, ông Minh nói rằng trong khi chờ khu tái định cư hoàn thành, phía Hòa Phát phải có trách nhiệm làm việc với người dân, hỗ trợ kinh phí cho người dân thuê nhà.
"Nếu bà con không thuê nhà phải xây dựng nhà tạm ở khu vực chính quyền chỉ định để bà con sinh sống; dừng ngay việc thi công ở khu vực 115ha khi chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dân…", ông Minh nói.
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trao đổi với người dân về tình trạng ô nhiễm tại nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI
Hiện có khoảng 340 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án thép Hòa Phát tại Dung Quất. Trong đó có khoảng 70 hộ đã đồng ý di dời, số còn lại vẫn chưa hoàn thành áp giá đền bù và di dời.
Cập nhật ngày 1/6/2021: Hoà Phát mua mỏ quặng sắt 320 triệu tấn tại Australia
Thương vụ mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley của Hoà Phát vừa được Uỷ ban Đầu tư nước ngoài liên bang Australia (FIRB) chấp thuận.
Sau khi giao dịch hoàn tất, Hoà Phát trở thành chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng 320 triệu tấn, công suất khai thác 4 triệu tấn một năm.
Ngoài mỏ Roper Valley, tập đoàn này cho biết đang nghiên cứu mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, nhằm đảm bảo ít nhất 50% nguồn cung quặng sắt của tập đoàn này (khoảng 10 triệu tấn mỗi năm) về dài hạn.
Ngoài quặng sắt, tập đoàn này cũng đang đặt ra tham vọng mua một vài mỏ than luyện cốc của Australia, nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này. Hiện than luyện cốc chiếm 30% giá thép và được Hoà Phát nhập khẩu từ Australia, thị trường cung cấp loại nguyên liệu này lớn nhất thế giới.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương tuần trước, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát đề xuất Bộ quan tâm tới vấn đề nhập khẩu quặng sắt, thép cuộn cán nóng HRC của doanh nghiệp thép, trong đó có Hoà Phát. Ông Long cũng đề xuất cơ quan này ủng hộ doanh nghiệp ngành thép trong việc có ý kiến góp ý xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp, sát tình hình thực tế.
Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Giá nguyên liệu thế giới tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, khiến giá thép trong nước tăng 40-50%, buộc Chính phủ đưa ra yêu cầu hạ nhiệt giá mặt hàng này thông qua hạn chế xuất khẩu loại thép trong nước có nhu cầu và tăng năng lực sản xuất thép trong nước.
Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước.
Quý I năm nay, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh là 6.500 tỷ, còn lại là lợi nhuận từ thoái vốn mảng nội thất.
Cập nhật ngày 10/5/2021: Tiêu thụ trứng gà của Hoà Phát tăng mạnh
Ngoài đứng đầu thị phần về thép xây dựng, Hoà Phát còn trong top doanh nghiệp cung ứng trứng gà lớn nhất miền Bắc.
Những ngày đầu tháng 5, trứng gà của Công ty Gia cầm Hoà Phát tiêu thụ tăng 40% so với bình thường, đạt 1 triệu quả một ngày.
Ngoài các chứng chỉ đạt chuẩn an toàn thực phẩm, mỗi khay trứng đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc từng quả, lô trứng được sản xuất. Hiện trứng gà Hoà Phát đang cung cấp cho các doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và phát triển thêm hệ thống đại lý, kênh phân phối tại các siêu thị phía Bắc.
Mảng nông nghiệp được Hoà Phát đầu tư từ năm 2015 với khởi đầu là chăn nuôi, thức ăn gia súc và sau này là gia cầm. Đến nay nông nghiệp trở thành mảng đóng góp doanh thu, lợi nhuận thứ 2 cho tập đoàn này, sau thép.
Ba tháng đầu năm nay, trong cơ cấu doanh thu 31.177 tỷ đồng của tập đoàn này thì mảng nông nghiệp góp gần 2.250 tỷ đồng, tương đương 7% tổng doanh thu.
Cuối năm 2020, tập đoàn này cung cấp ra thị trường 700.000 trứng gà mỗi ngày và dự kiến trên 300 triệu trứng gà một năm vào năm 2022 sau khi nhà máy gia cầm nâng công suất.
Cập nhật ngày 14/3/2021: Hoà Phát muốn đầu tư 2 dự án bất động sản ở Cần Thơ
Hoà Phát vừa được UBND TP Cần Thơ cho khảo sát dự án quy mô 88,2 ha tại Cái Răng và dự án 6,24 ha tại Ninh Kiều.
Dự án khu đô thị thương mại – dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng có quy mô 88,2 ha, trong đó khu nhà ở là 58,1 ha, diện tích còn lại là trung tâm hội chợ triển lãm. Khu đô thị thương mại – dịch vụ thứ hai tại đường Lê Lợi và Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều có quy mô 6,24 ha.
Lãnh đạo Cần Thơ cho biết sẽ tạo điều kiện cho Hoà Phát nghiên cứu đầu tư nhưng lưu ý quyết định lần này không mang ý nghĩa chấp thuận chủ trương đầu tư hay chủ đầu tư dự án.
Hoà Phát có 6 tháng để khảo sát, nghiên cứu các dự án tính từ ngày 6/5. Doanh nghiệp tự chi trả các chi phí liên quan đến hoạt động này và không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.
Bất động sản được Tập đoàn Hoà Phát xác định là mũi nhọn trong thời gian tới bên cạnh gang thép, sản phẩm thép và nông nghiệp. Nói với các cổ đông tại phiên họp mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát cũng thừa nhận "không ai có thể làm thép mãi được" khi nói về hướng đi với mảng bất động sản. Theo ông Long, bất động sản ở đây trọng tâm là nhà ở chứ không phải là khu công nghiệp.
Cuối năm ngoái, Hoà Phát đã lập Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hoà Phát với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ.
Hòa Phát dự tính sẽ "đi bằng hai chân" trong mảng kinh doanh này. Một phần tập đoàn sẽ tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án... Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ thực hiện M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian.
Cập nhật ngày 24/2/2021: Kế hoạch doanh thu năm nay tăng, lợi nhuận giảm
Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ lên 150.000 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế 8.000 tỷ, giảm hơn 440 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu này vừa được HĐQT Hòa Phát thông qua ngày 22/2 để trình cổ đông tại phiên họp thường niên cuối tháng 3. Kế hoạch doanh thu cả năm nay của Hòa Phát tăng khoảng 5%, còn lợi nhuận sau thuế giảm tỷ lệ tương ứng so với năm 2022.
Hoạt động kinh doanh của ông lớn ngành thép đi xuống rõ rệt trong nửa cuối năm ngoái. Công ty lỗ lần lượt hơn 1.780 tỷ trong quý III và xấp xỉ 2.000 tỷ đồng quý IV.
Năm nay, công ty của ông Trần Đình Long cũng dự kiến không chia cổ tức. Tính đến hết 31/12, Hòa Phát còn lại khoảng 8.400 tỷ đồng lợi nhuận sau khi trích các quỹ. Tuy nhiên, theo công ty, số tiền này sẽ được để lại dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là lần đầu tiên Hòa Phát dự kiến không chia cổ tức từ khi niêm yết. Từ năm 2007 đến 2021, doanh nghiệp này vẫn đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền và cổ phiếu, với tỷ lệ thấp nhất là 20%.
Dù vậy, mục tiêu doanh thu vừa đưa ra của Hòa Phát đều cao hơn dự báo của một số công ty chứng khoán gần đây. Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự tính Hòa Phát tiêu thụ 7 triệu tấn thép năm nay, giảm 16%. Doanh thu có thể đạt 126.770 tỷ đồng và lãi ròng gần 3.800 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và thịt bò Úc. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 DN lợi nhuận tốt nhất, Top 5 DN niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ đô la Mỹ, nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới.
Với triết lý kinh doanh “Hòa hợp cùng phát triển”, Hòa Phát dành ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-hpg-hoa-phat-a514.html