Kết quả kinh doanh VPB (VPBank): quý 2/2023 lợi nhuận 8.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với nhiều con số đáng chú ý.

vpb1-1619078524.jpg

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt gần 8.000 tỷ đồng.

Các công ty con trong hệ sinh thái ghi nhận kết quả tích cực trong quý 2, đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng. Mảng tài chính tiêu dùng FE Credit, tuy vẫn chưa sinh lời do các khó khăn của thị trường chung nhưng bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với đầu năm.

Kết thúc quý 2, huy động từ tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng 28% so với cuối năm 2022, đạt gần 388 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng nằm trong top đầu thị trường khi so sánh với mức tăng trưởng huy động 3,3% của toàn hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, tại ngân hàng mẹ, huy động của khối khách hàng cá nhân (KHCN) có mức tăng ấn tượng 45% nhờ chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng, với loạt sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn phong phú. Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó, riêng khối KHCN đạt mức tăng 39% so với quý 1. Tín hiệu tích cực từ xu thế tăng trưởng CASA của VPBank – đặt trong bối cảnh CASA tăng trưởng chậm trong các quý trước, phần nào phản ánh nỗ lực của ngân hàng trong các chiến dịch marketing định kỳ, phủ mã QR, kết hợp với việc đa dạng hóa tính năng thanh toán, kích hoạt tài khoản trên ngân hàng số VPBank NEO.

Tín dụng hợp nhất của ngân hàng trong khi đó tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, cao gấp gần 3 lần so với mức 4,7% của toàn ngành, nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Trong đó dư nợ tín dụng của phân khúc KHCN đạt hơn 220 nghìn tỷ, tăng hơn 13% từ đầu năm – dẫn dắt bởi các sản phẩm cho vay kinh doanh và dòng thẻ tín dụng thông qua kích cầu từ các chương trình khuyến mại và hợp tác tăng cường với các đối tác và nhãn hàng lớn.

Cập nhật quý 1/2023: lợi nhuận giảm đến 81%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, trong đó ghi nhận lợi nhuận giảm đến 81% so với cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 2.550 tỷ đồng, giảm 77,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của VPBank đạt 1.650 tỷ đồng, giảm 81,5% so với số lãi 8.917 tỷ đồng đạt được quý 1/2022. “Soi” các nhân tố cấu thành nên lợi nhuận của VPBank cho thấy:

Thu nhập lãi thuần quý 1 đạt 9.534 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.668 tỷ đồng - tăng 33,5% so với cùng kỳ.

Báo cáo ghi nhận tổng huy động từ tiền gửi khách hàng đến 31/3/2023 đạt 331.184 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm, trong đó huy động từ hộ kinh doanh, cá nhân chiếm 60,3%, đạt khoảng 198.810 tỷ đồng. Trong khi đó dư nợ cho vay khách hàng đến hết quý 1/2023 lên đến 463.469 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối thua lỗ 346 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ 83 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1 năm ngoái. Trong khi đó chứng khoán đầu tư, mua bán chứng khoán kinh doanh đều có lãi (tổng cộng đạt 126 tỷ đồng).

Thu nhập từ hoạt động khác chính đạt 2.336 tỷ đồng, giảm 5.100 tỷ đồng (giảm 67% so với cùng kỳ). Trong quý VPBank trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6.386 tỷ đồng, tăng 2.254 tỷ đồng tương ứng tăng 54% so với cùng kỳ.

Cập nhật quý 4/2022: lợi nhuận trước thuế 1.383 tỷ đồng, giảm 47%

Kết quả kinh doanh trong quý cuối cùng của năm tại VPBank kém khả quan hơn so với 3 quý trước đó. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 chỉ đạt 1.383 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng tăng mạnh chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro.

Cụ thể, chi phí dự phòng quý 4 của VPBank tăng 31% so với cùng kỳ lên 7.320 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng tới 42% lên 4.065 tỷ đồng.

Trong khi về thu nhập, nhiều mảng kinh doanh của VPBank, đặc biệt là hoạt động cốt lõi vẫn có tăng trưởng tích cực trong quý 4. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 20,6% so với cùng kỳ và đạt 10.282 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 57% lên 1.881 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 54% lên 898 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan (bị lỗ 340 tỷ đồng). Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ, giảm 94% so với cùng kỳ.

Mặc dù quý 4 sụt giảm đáng kể nhưng VPBank vẫn ghi nhận lợi nhuận năm 2022 tăng 47,7% , đạt 21.219 tỷ đồng, lọt Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất. Động lực tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu ở những tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 1 ngân hàng có lợi nhuận đột biến nhờ thỏa thuận độc quyền bancassurance. Lợi nhuận của VPBank cũng chủ yếu nhờ ngân hàng mẹ (đạt hơn 24.000 tỷ đồng), cho thấy kết quả kinh doanh của các công ty con, đặc biệt là công ty tài chính đi xuống rõ rệt trong năm vừa qua.

Cuối năm 2022, tổng tài sản VPBank đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 23,4% lên 438.338 tỷ đồng.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng giảm từ 22,4% xuống còn 17,7%. Nợ xấu của VPBank hợp nhất (bao gồm công ty tài chính) là 4,73%. Đối với ngân hàng riêng lẻ, Tỷ lệ này tăng nhẹ từ 1,98% năm 2021 lên 2,19%.

Cập nhật quý 3/2022: 9 tháng lãi 19.837 tỷ đồng, tăng 69%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.

Ghi nhận, VPBank đạt lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngân hàng thu về gần 31.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 19% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác gấp 4,4 lần cùng kỳ, đạt hơn 9.000 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác (+58%, 2,084 tỷ đồng), thu nhập khác (gấp 26 lần, 5,885 tỷ đồng), phát sinh thêm 342 tỷ đồng thu từ hoạt động bán nợ.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 278 tỷ đồng, do thu từ công cụ tài chính phái sinh giảm 92% (còn 375 tỷ đồng); hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng bị lỗ hơn 217 tỷ đồng. Trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm đến 78%, còn hơn 531 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản VPBank tăng 9% so với đầu năm, lên gần 596.000 tỷ đồng trong đó tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 58%, tiền gửi tại các TCTD khác giảm 20%, cho vay khách hàng tăng 13%.

Tính đến 30/09/2022, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank tăng 24% so với đầu năm trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 5.679 tỷ đồng, gấp 2,8 lần. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 4,57% đầu năm lên 5,02%.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận 15.300 tỷ đồng, tăng 70% 

Hoạt động kinh doanh của VPBank trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỉ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng "ngân hàng mẹ" là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành, cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của 2 phân khúc chiến lược này đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.

Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng ấn tượng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 khi ghi nhận gần 2.800 tỉ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Đáng chú ý, tổng chi tiêu thẻ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ, hậu thuẫn bởi loạt sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch. VPBank vừa qua đã được tổ chức VISA vinh danh với giải thưởng thuộc 2 lĩnh vực dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số và tỷ lệ thẻ hoạt động.

Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1,7 nghìn tỷ đồng.

Trong khi doanh thu tăng mạnh, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6% - tỷ lệ nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay.

Nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã có tốc độ tăng ấn tượng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm.

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận kỷ lục hơn 11.000 tỷ đồng

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng VPBank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng VPBank đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 15%. Trong đó việc độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA đã góp phần đưa VPBank lên đỉnh cao nhất về lợi nhuận trong quý I vừa qua.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của VPBank cũng cực kỳ ấn tượng khi tăng tới gần 56%. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,3%, tăng gấp đôi trung bình ngành. Vì thế kế hoạch năm 2022, VPBank đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 107% so với năm 2021, tương ứng gần 30 nghìn tỷ đồng.

Chính sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh cốt lõi quý I vừa qua, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế, đã giúp VPB tự tin vào một kế hoạch đầy tham vọng trong 5 năm tiếp theo với mục tiêu: Mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank đến năm 2026 sẽ đóng góp 60% vào quy mô dư nợ của ngân hàng. Các phân khúc như thẻ tín dụng hay cho vay tín chấp, thế chấp sẽ vươn lên top 1 trên thị trường.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận cao kỷ lục, đạt trên 1 tỷ USD

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý IV/2021. Đáng chú ý, ở báo cáo kết quả kinh doanh riêng ngân hàng mẹ, VPBank đã ghi nhận quý kinh doanh cuối năm với khoản lợi nhuận cao kỷ lục, đạt trên 1 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.

Cụ thể, báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ VPBank cho biết ngân hàng này ghi nhận tới 27.863 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2021, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các khoản thu nhập từ hoạt động cho vay và dịch vụ ngân hàng, lý do khiến ngân hàng mẹ VPBank có doanh thu cao đột biến là khoản thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đạt 20.532 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Đây chính là tiền ngân hàng này nhận được sau khi bán 50% vốn tại công ty con - FE Credit cho đối tác SMBC Group (Nhật Bản).

Riêng khoản tiền từ thương vụ này đã đóng góp 73% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng mẹ phát sinh trong 3 tháng gần nhất và là lý do chính giúp VPBank thu về khoản lãi trước thuế 23.488 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD quy đổi.

So với cùng kỳ, mức lãi này đã tăng gấp 7,6 lần và cao hơn 2,5 lần tổng lợi nhuận ngân hàng mẹ thu về được trong cả năm 2020 trước đó.

Khoản lãi ròng sau khi trừ thuế nhà băng này thu về được cũng là 18.787 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 660%.

Lũy kế cả năm 2021, tổng thu nhập riêng ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận được lên tới 51.870 tỷ, cao gấp 2,5 lần so với năm trước và tương đương quy mô thu nhập của ngân hàng mẹ nhóm quốc doanh như BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Ngoài nguồn thu gần 24.000 tỷ đồng đến từ hoạt động góp vốn mua cổ phần (đa số từ thương vụ bán vốn FE Credit), hoạt động cho vay của ngân hàng mẹ VPBank năm qua cũng mảng về gần 19.400 tỷ đồng lãi thuần, tăng gần 30%.

Ngoài ra, các mảng kinh doanh ngoài tín dụng của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng dương với lãi từ dịch vụ tăng 19%; lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 170% và lãi hoạt động khác tăng 17%...

Nhờ vậy, ngân hàng mẹ VPBank đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 37.963 tỷ đồng trong năm 2021, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp rưỡi.

So với năm 2020, khoản lãi riêng ngân hàng mẹ kể trên đã tăng gấp 4 lần và là mức lợi nhuận cao nhất thị trường tính riêng tại nhóm ngân hàng mẹ đã công bố báo cáo tài chính hiện nay.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, VPBank thu về khoản lãi ròng sau thuế 31.088 tỷ, cũng tăng 318%.

Theo lãnh đạo VPBank, nếu không tính phần lợi nhuận thu được từ giao dịch bán vốn FE Credit, lợi nhuận của ngân hàng mẹ cũng đạt gần 14.011 tỷ, tăng 51% so với năm trước.

Xét trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng thu nhập hoạt động VPBank thu về trong năm vừa qua là 44.301 tỷ, tăng 13% và ngân hàng báo lãi trước thuế 14.580 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 12%.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt trên 547.600 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cuối năm 2020. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của ngân hàng là tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đạt lần lượt 241.800 tỷ và 355.300 tỷ đồng, cao hơn 3,6% và 22,2% so với cuối năm 2020.

Nếu tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2021 của VPBank đã đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%.

Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết đã giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ. Các hoạt động này giúp nhà băng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và nợ xấu ngân hàng riêng lẻ ở mức 1,51%.

Cập nhật quý 3/2021: lợi nhuận chỉ đạt 2.700 tỷ do tăng trích lập dự phòng

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, với các trụ cột kinh doanh chính đều thấp hơn cùng kỳ.

Cụ thể, nhà băng này ghi nhận hơn 7.474 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm hơn 5% so với quý III/2020. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 15% xuống 790,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu nhập hoạt động vẫn cao hơn cùng kỳ nhờ mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác. Hai khoản mục này ghi nhận gần 1.900 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước.

Cùng với việc giảm chi phí hoạt động, thu nhập thuần từ kinh doanh của VPBank tăng gần 15%. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất nhà băng này chỉ đạt gần 2.700 tỷ đồng trong quý III, thấp hơn cùng kỳ do tăng chi phí trích lập dự phòng.

 

Hoạt động chung chững lại chủ yếu do hoạt động của FE Credit. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính riêng lẻ của VPBank, ngân hàng mẹ ghi nhận hơn 2.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, tăng gần 46%. Nếu căn cứ theo số liệu hợp nhất và riêng lẻ, FE Credit có thể đã lỗ hơn 200 tỷ đồng trong ba tháng gần nhất.

Kinh doanh chững lại trong ba tháng gần nhất cũng công ty tài chính cũng thu hẹp mức tăng từ đầu năm của VPBank. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.700 tỷ đồng, tăng gần 25%.

Đến cuối quý III, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 479.400 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 9 tăng hơn 9%, trong đó ngân hàng mẹ tăng hơn 15%.

Nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ cho vay hợp nhất đến cuối quý III ở mức 4%, trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất hơn gấp đôi cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 50%. Xét riêng ngân hàng mẹ VPBank, tỷ lệ nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ đến cuối quý III ở mức hơn 2,2%.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận 4.016,3 tỉ đồng, tăng 36,1% 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.016,3 tỉ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà băng này báo lãi sau thuế 7.218 tỉ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của VPBank trong kỳ đạt 9.231,8 tỉ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 1.390,3 tỉ đồng, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng đem về cho VPBank khoản lãi 1.084,9 tỉ đồng trong quý 2/2021, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.Động lực cho đà tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2021 của VPBank chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư.

Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VPBank trong quý 2/2021 đạt 4.199,2 tỉ đồng, tăng 1,54 lần so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế nửa đầu năm 2021, chỉ tiêu này của VPBank đạt 8.652,5 tỉ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên bảng cân đối, tính đến ngày 30/6/2021, quy mô tổng tài sản của VPBank đạt 451.767 tỉ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 310.852,5 tỉ đồng, chiếm 68,8% tổng tài sản, tăng trưởng 6,9%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn đạt 7.898,6 tỉ đồng, tăng 31,1%; nợ có khả năng mất vốn đạt 1.113,7 tỉ đồng, giảm 46,3% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (bao gồm cả FE Credit) đạt 3,5%, tăng nhẹ so với đầu năm. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm, đạt 44,7%, trong khi cuối năm ngoái đạt mức 45,3%.

Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của VPBank tại ngày 30/6/2021 không có nhiều biến động so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn đạt mức 42.347,6 tỉ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Điều này giúp tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi được cải thiện từ 15,2% lên mức 18,1% vào cuối quý 2/2021.

Cập nhật quý 1/2021: lợi nhuận tăng 37,6%, đạt 4.000 tỷ đồng

VPBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, Theo đó, tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020. Tín dụng ngân hàng hợp nhất tại 31/3/2021 đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2020; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 3,6%.

Tốc độ tăng trưởng trên bám sát diễn biến phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu vay vốn có xu hướng mạnh hơn so với cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tại VPBank tập trung ở các khối chiến lược với kết quả vượt kế hoạch đề ra cho 3 tháng đầu năm, gồm khối Khách hàng Cá nhân tăng trưởng gần 7% và khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 11% so với cuối năm 2020.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank quý I/2021 đã tăng trưởng mạnh ở mức 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.000 tỷ đồng, trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Được thành lập ngày 12/8/1993, VPBank đã phát triển mạng lưới lên 227 điểm giao dịch với đội ngũ gần 27.000 cán bộ nhân viên. VPBank đang từng bước khẳng định uy tín của một ngân hàng năng động, có năng lực tài chính ổn định và có trách nhiệm với cộng đồng.

Sự tăng trưởng vượt bậc của VPBank thể hiện sinh động ở mức độ mở rộng mạng lưới các chi nhánh, điểm giao dịch trên toàn quốc cùng sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng và phân phối.

Bên cạnh đó, theo định hướng “Khách hàng là trọng tâm”, các điểm giao dịch đã được thay đổi hoàn toàn về diện mạo, mô hình và tiện nghi phục vụ. Các sản phẩm, dịch vụ của VPBank luôn được cải tiến và kết hợp thêm nhiều tiện ích nhằm gia tăng quyền lợi cho khách hàng... Liên kết với nhiều đối tác lớn trên các lĩnh vực như Vinmec, Be Group, Bestlife, FTU, Flywire, Opes…VPBank đã và đang đưa khách hàng bắt kịp xu thế, trải nghiệm những tiện ích hiện đại, đẳng cấp. Tất cả đã góp phần làm hài lòng khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới, mở rộng tập khách hàng của VPBank cả về độ lớn và thời gian gắn bó với tốc độ nhanh chóng.

Ngân hàng luôn đi đầu thị trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống vận hành. Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, hiệu quả, các hệ thống quản trị nhân sự cốt lõi đã được xây dựng và triển khai thành công tại VPBank. Bên cạnh đó, Ngân hàng đã từng bước phát triển một hệ thống quản trị rủi ro độc lập, tập trung và chuyên môn hóa, đáp ứng chuẩn mực quốc tế và gắn kết với chiến lược kinh doanh của Ngân hàng. Song song với việc thực thi những thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, VPBank cũng không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo chính sách quản trị công ty rõ ràng và minh bạch.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-vpb-vpbank-loi-nhuan-quy-doanh-thu-ket-qua-kinh-doanh-a505.html