Trong 9 tháng đầu năm 2023, PVS ghi nhận doanh thu đạt 12.591 tỷ đồng (+14% YoY) và LNST CĐCTM là 580 tỷ đồng (+40% YoY).
Cho Q4/2023, kỳ vọng PVS sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án đang triển khai như Hải Long OSS, Shwe Giai đoạn 3, CHW2204 và Bồn chứa LPG Thị Vải. Hoạt động xuất khẩu phục hồi sẽ hỗ trợ doanh thu của mảng Dịch vụ căn cứ cảng, trong khi lợi nhuận từ các liên doanh (FSO/FPSO) sẽ ổn định do hầu hết các hợp đồng đã được ký đến hết năm 2024.
Theo đó, doanh thu và LNST CĐCTM dự phóng 2023 đạt 19.725 tỷ đồng (+20% YoY) và 895 tỷ đồng (+1% YoY). EPS tương ứng là 1.686 đồng.
Cập nhật tiến độ Lô B:
Trong tháng 9/2023, do việc chấp thuận FID lại trễ tiến độ, PVN đã triển khai Thỏa thuận khung (HOA) với MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) để làm cơ sở thực hiện Trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI#1, với ngân sách phê duyệt trong 6 tháng. Sau 6 tháng, nếu FID vẫn chưa được phê duyệt, PVN sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác nước ngoài ký một thỏa thuận (Side Agreement) đồng ý cho PVN tiếp tục triển khai dự án cho đến khi có FID.
Điểm mấu chốt của chuỗi dự án là việc phê duyệt Quyết định đàu tư (FID) để triển khai các gói tổng thầu ở tất cả các khâu (thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn). Một trong những vướng mắc chính của dự án đến từ việc đàm phán hợp đồng mua bán khí đầu vào (từ Lô B) đến các nhà máy điện khí Ô Môn (GSA), và hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện khí này với EVN (PPA).
Giá khí đầu vào khai thác từ Lô B ước tính vào khoảng 12 – 14 USD/MMBTU, cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại (~ 9,2 USD/MMBTU). Do đó, việc đàm phán mua bán điện giữa EVN và các nhà máy điện khí Ô Môn sẽ còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là khi tình hình tài chính của EVN đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, Chính phủ cũng đang cho thấy nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN bằng các quyết định tăng giá bán điện. Động thái này sẽ tạo tiền đề để FID có thể được chấp thuận trong thời gian tới (có thể trong nửa đầu năm 2024), mặc dù thời điểm chính xác vẫn chưa được công bố.
Một số dự án nổi bật của PVS trong giai đoạn 2024-2026:
Mới đây liên doanh nhà thầu giữa PVS và McDermott đã được trao gói thầu cho Lô B (EPCI#1 &2) với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ USD, dự kiến bắt đầu khởi công trong 2024. Trong đó, tổng giá trị thầu trao cho cho PVS trị giá khoảng 1 tỷ USD. Gói thầu EPCI#1 bao gồm thiết kế, thi công và lắp đặt giàn xử lý trung tâm và giàn nhà ở. Gói thầu EPCI#2 bao gồm thiết kế, thi công và lắp đặt 4 giàn thu gom/giàn đầu giếng.
Tuy nhiên, với ngân sách hạn chế từ PVN, và việc thi công chỉ được đẩy mạnh khi tiến trình phê duyệt FID được công bố rõ ràng, chúng tôi cho rằng PVS chỉ ghi nhận một phần doanh thu khoảng 100tr USD đối với dự án Lô B trong năm 2024.
Trong Q3/2023, Murphy Oil (Mỹ) đã nhận được phê duyệt từ Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển mỏ Lạc Đà Vàng, thuộc Lô 15-1/05 của bể Cửu Long, với tổng giá trị đầu tư đến 700tr USD, và kỳ vọng có dòng khí đầu tiên trong năm 2026. Dự báo PVS có thể ghi nhận 200tr USD doanh thu từ hợp đồng xây dựng giàn trung tâm và các công trình phụ trợ đối với dự án này.
Định giá PVS
Cho năm 2024, Rồng Việt dự phóng doanh thu và LNST CĐCTM tăng trưởng lần lượt đến 29.147 tỷ đồng (+48% YoY) và 1.351 tỷ đồng (+51% YoY). EPS tương ứng là 2.544 đồng.
Có điều, mặc dù triển vọng 2024 khá tích cực, giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh nhiều kỳ vọng vào Lô B. Do đó, khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu 36.300 đồng/cp.
Cập nhật ngày 27/9/2022: khá nhiều điều trong ngắn và dài hạn, giá mục tiêu 21.500 đồng/cp
PVS tích cực đấu thầu các hợp đồng trong khi chờ đợi chính sách mới để thúc đẩy hoạt động thăm dò & khai thác tại Việt Nam.
Kết quả kinh doanh PVS: quý 2/2022 lợi nhuận xuống thấp kỷ lục với Biên gộp giảm mạnh từ 7,3% xuống còn 4,4% trong nửa đầu năm khi biên gộp các mảng chính giảm. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19,7% lên 502 tỷ đồng khi chi phí cho nhân viên tăng mạnh. LNST cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 223 tỷ đồng, giảm 24,7% svck.
Xét riêng từng hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm ghi nhận lỗ 192 tỷ đồng so với mức lỗ 50 tỷ đồng cùng kỳ. Và lợi nhuận sau thuế PVS dương nhờ bù đắp bởi các lợi nhuận các hoạt động khác.
Dự phóng doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 16.584 tỷ đồng (+16,8% svck) và 663 tỷ đồng (+10,3% svck) trong cả năm 2022. Đồng nghĩa với việc kết quả kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn nửa đầu năm.
Hiện PVS được kỳ vọng sẽ nhận được nhiều công việc hơn cho mảng xây lắp nhờ dự án Lô B. Tuy nhiên, FID của dự án vẫn chưa có thông tin cụ thể cho dù kỳ vọng trước đó cho rằng FID có thể sẽ được công bố trong tháng 7/2022. Việc dự án tiếp tục bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PVS trong 1 hay 2 năm tới khi mà công ty chưa có nhiều dự án gối đầu lớn. Tiềm năng dài hạn của PVS đến từ việc dịch chuyển sang ngành năng lượng tái tạo với vai trò là chủ đầu tư và tổng thầu.
Do đó, Rồng Việt vẫn duy trì quan điểm thận trọng với PVS. Giá mục tiêu của cổ phiếu vẫn được giữ nguyên 21.500 đồng/cp. P/E 2022 tại mức giá mục tiêu này tương ứng là 21,1x.
Lợi nhuận liên doanh liên kết tốt và hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình sẽ đóng góp vào lợi nhuận cuối năm
Trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận liên doanh liên kết đạt 335 tỷ đồng so với mức 308 tỷ đồng năm ngoái. Chúng tôi lưu ý rằng, FPSO Lam Sơn vừa ký hợp đồng mới đến hết tháng 6/2023. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận liên doanh liên kết sẽ duy trì tốt trong nửa cuối năm. Ngoài lợi nhuận liên doanh liên kết, PVS nhiều khả năng sẽ hoàn nhập bảo hành công trình xây dựng từ các dự án M&C trước đó trong nửa cuối năm 2022. Tổng quan lại, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện so với nửa đầu năm nay.
Chúng tôi dự phóng doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 16.584 tỷ đồng (+16,8% svck) và 663 tỷ đồng (+10,3% svck) trong cả năm 2022.
Lô B được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hợp đồng lớn cho PVS nhưng vẫn chưa rõ tiến độ
Lô B là dự án có tổng mức đầu tư lên đến 10 tỷ USD gồm các hạng mục từ thượng nguồn đến hạ nguồn. PVS được kỳ vọng được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án nhờ vị thế dẫn đầu của mình trong mảng xây lắp. Ngoài ra, PVS còn có lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ tàu FSO. Chính vì những lý do trên, cổ phiếu PVS tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, FID của dự án vẫn chưa có thông tin cụ thể cho dù kỳ vọng trước đó cho rằng FID có thể sẽ được công bố trong tháng 7/2022. Việc dự án tiếp tục bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PVS trong 1 hay 2 năm tới khi mà công ty chưa có nhiều dự án gối đầu lớn. Do đó, chúng tôi tỏ ra khá thận trọng với triển vọng ngắn hạn của PVS.
Tiềm năng dài hạn từ điện gió ngoài khơi
Trong thời gian vừa qua, PVS đã bổ sung thêm mảng điện gió vào hoạt động kinh doanh của mình. Chúng tôi đánh giá đây là mảng tiềm năng trong dài hạn của PVS khi công ty trở thành nhà thầu cũng như chủ đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi. Vài năm gần đây, PVS đã tích cực tham gia vào các khâu thi công của các dự án điện gió ngoài khơi từ vận chuyển, lắp đặt đến tổng thầu. Một số dự án mà PVS đã tham gia như Thăng Long Wind (lắp đặt thiết bị đo gió), La Gàn (khảo sát địa chấn), Hải Long (EPC trạm biến áp) vv…
Cập nhật ngày 20/4/2021: Tích cực kiếm thêm hợp đồng, chờ động lực từ chính sách mới
Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ NĐT của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) ngày 20/04/2021.
Trong khi ban lãnh đạo nhận thấy những thách thức trong ngắn hạn do tiến độ đấu thầu hợp đồng chậm trong khi tác động tích cực của giá dầu cao hơn chưa xuất hiện do độ trễ, công ty vẫn lạc quan về triển vọng từ cuối năm 2021/đầu năm 2022 do cơ hội việc làm từ các dự án khí trong nước và các trạm khí LNG - bên cạnh các cơ hội việc làm ở nước ngoài.
Kế hoạch 2021
PVS đặt mục tiêu 2021 với doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (-49,6% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 560 tỷ đồng (-23,8% YoY). Các mục tiêu tương ứng này thấp hơn 33,3% và 12,5% so với kế hoạch năm 2020 của công ty, dựa trên khối lượng công việc thấp hơn cho mảng cơ khí dầu khí (M&C).
Kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2021 thấp hơn 29,5% so với dự báo; tuy nhiên, lưu ý rằng PVS thường đưa ra kế hoạch thận trọng khi con số lợi nhuận ròng thực tế cao hơn 20%-60% so với kế hoạch trong 5 năm qua.
Tiến độ đấu thầu hợp đồng M&C
Trong khi có một số ít dự án M&C trong 6 tháng đầu năm 2021, ban lãnh đạo cho biết PVS đang đấu thầu từ 7-8 dự án M&C ở thị trường nước ngoài và kỳ vọng công ty có thể trúng thầu 2-3 dự án.
Ngoài ra, công ty đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong các dự án điện gió ngoài khơi.
Đàm phán hợp đồng kho chứa dầu nổi (FSO/ FPSO)
PVS vẫn đang đàm phán với khách hàng về hợp đồng dài hạn cho FPSO Lam Sơn cũng như giá thuê ngày mới cho FPSO Ruby II. Ban lãnh đạo kỳ vọng giá dầu tiếp tục ở mức cao như hiện nay, vốn sẽ thuận lợi cho việc đàm phán các hợp đồng này.
Kỳ vọng luật mới trong lĩnh vực dầu khí để đẩy nhanh tiến độ các dự án khí trong nước: Khi giải đáp thắc mắc của cổ đông về luật dầu khí mới, ban lãnh đạo chia sẻ rằng luật mới sẽ cho phép các nhà khai thác dầu khí đẩy mạnh hoạt động thăm dò và sản xuất của họ thông qua việc hạ tỷ lệ giữ lại của nước sở tại và giảm thuế cho các dự án trọng yếu.
Trên cơ sở sơ bộ, công ty chia sẻ luật mới này có thể được trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 và có hiệu lực trong quý 1/2022.
Công ty Chứng khoán Bản Việt đang có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG. Theo mức giá đóng cửa hôm nay, PVS đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2021 là 17,8 lần và EV/EBITDA là 5,9 lần.
Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS)
PVS là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN).
Được thành lập trên cơ sở triển khai quyết định số 458/TTg ngày 24/11/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu, trải qua 46 năm hình thành thành và phát triển, PTSC đã có những bước phát triển vượt bậc. Là Tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp tại Việt Nam, và là thương hiệu lớn trên thị trường dịch vụ dầu khí, công nghiệp trong khu vực.
Lĩnh vực hoạt động chính của PTSC là cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ mang tính chiến lược, chất lượng cao, mũi nhọn, đã phát triển và được chuyên nghiệp hóa đạt trình độ quốc tế như: EPCI công trình biển; EPC công trình công nghiệp; Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPS0; Tàu dịch vụ dầu khí; Khảo sát địa chấn, địa chất và công trình ngầm; Lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển; Cảng dịch vụ và Dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt & Bản Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn/dinh-gia-co-phieu-pvs-a499.html