Định giá cổ phiếu KBC (Kinh Bắc City): Đẩy mạnh bàn giao đất khu công nghiệp, khuyến nghị KHẢ QUAN

Tổng CT Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) tăng giá cho thuê và diện tích cho thuê tại các khu công nghiệp chính và áp dụng tỷ lệ chiết khấu thấp hơn

kbc-1616429047.jpeg

Tổng CT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). 

Trong năm 2023, KBC duy trì kế hoạch (đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào tháng 12/2022) với 9 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 9,4 lần svck) và 4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (+151% svck). Kế hoạch lạc quan này dựa trên kỳ vọng bàn giao (i) 250 ha đất khu công nghiệp (phần lớn ở KCN Quảng Châu & Nam Sơn Hạp Lĩnh) và (ii) 10 ha đất ở (chủ yếu ở KĐT Phúc Ninh) trong năm.

Mặc dù công ty khá tự tin trong việc ký kết hợp đồng cho thuê đất, lưu ý rằng vẫn có thể có rủi ro chậm giao đất do quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và như vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh.

SSI duy trì triển vọng tích cực đối với mảng kinh doanh KCN của KBC vì hầu hết các dự án đang và sắp triển khai của KBC đều tọa lạc tại các trung tâm khu công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên), là những khu vực đang được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, không loại trừ những rủi ro như nhu cầu toàn cầu suy yếu, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chi phí lao động cao hơn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu cơ sở hạ tầng có thể đặt ra những thách thức cho KBC nói riêng cũng như cho ngành nói chung.

SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu KBC và nâng giá mục tiêu lên 33.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.000 đồng/cổ phiếu) chủ yếu nhờ tăng giá cho thuê và diện tích cho thuê tại các khu công nghiệp chính và áp dụng tỷ lệ chiết khấu thấp hơn.

Cập nhật ngày 24/12/2021: hạ từ MUA xuống KHẢ QUAN do đã tăng nóng, giá mục tiêu 56.900 đồng/cp

Công ty Chứng khoán Bản Việt điều chỉnh khuyến nghị của Tổng CT Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) từ MUA xuống KHẢ QUAN mặc dù đã nâng giá mục tiêu thêm 19% lên 56.900 đồng/CP.

Nguyên nhân điều chỉnh do giá cổ phiếu của KBC đã tăng 36% trong 3 tháng qua.

Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 10/04/2021 tại Bắc Ninh của Tổng CT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), cổ đông đã thông qua kế hoạch 2021 của KBC với tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính và thu nhập khác) đạt 6,600 tỷ đồng (+167% YoY) và LNST đạt 2.000 tỷ đồng (+525% YoY), cao hơn lần lượt 32% và 30% dự báo.

Kế hoạch của KBC bao gồm doanh số bán đất 195ha KCN và 8,4ha khu đô thị (KĐT) trong năm 2021 so với dự báo lần lượt là 135ha và 8,4ha. Dự báo doanh thu và LNST thấp hơn so với kế hoạch 2021 của công ty chủ yếu do giả định thận trọng hơn của chúng tôi cho ghi nhận doanh số bán đất KCN.

 

Ngoài ra, ban lãnh đạo chia sẻ tiến độ tích cực liên quan đến quá trình phê duyệt và triển vọng bán đất cho KCN Tràng Duệ 3 tại Hải Phòng.

Cổ đông thông qua kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu của KBC với tỷ lệ dự kiến 3:1 (mỗi 3 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian thanh toán.

Ngoài ra, cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu (tương ứng với 21% cổ phiếu đang lưu hành và 16% cổ phiếu dự kiến lưu hành sau phát hành cổ tức cổ phiếu) và ủy quyền cho HĐQT quyết định giá phát hành và thời gian thực hiện.

Chủ tịch HĐQT của KBC chia sẻ rằng công ty sẽ không thực hiện phát hành riêng lẻ nếu không thể thương lượng đươc mức giá hợp lý và có thể ưu tiên cho các cổ đông hiện hữu tham gia đợt phát hành riêng lẻ.

Đề xuất của KBC về việc không chia cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2019 được thông qua khi ban lãnh đạo có ý định giữ lại tiền mặt cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai Trong khi đó, cổ tức tiền mặt năm tài chính 2020 không được đề cập.

Ngoài ra, cổ đông đã thông qua ủy quyền cho HĐQT thực hiện các quyết định quan trọng (kể cả khi vượt thẩm quyền – vốn cần được ĐHCĐ thông qua – như giá trị khoản đầu tư hoặc thanh lý tài sản chiếm hơn 35% tổng tài sản) và báo cáo các quyết định này tại ĐHCĐ gần nhất sau khi thực hiện.

Các quyết định quan trọng này liên quan đến đầu tư, đảm bảo, sử dụng tài sản đảm bảo, thu xếp vốn cho các dự án của KBC, mua hoặc bán các dự án lớn và cổ phần của KBC tại các công ty con và công ty liên kết.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC)

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc từ khi thành lập đến nay luôn tạo được vị thế chủ đạo trong kinh doanh. Ưu thế cạnh tranh nổi bật của KBC là việc kết hợp giữa KCN và đô thị dịch vụ. Ý tưởng độc đáo này không những mang lại giá trị kinh tế cho đất nước, cho doanh nghiệp mà còn thể hiện giá trị xã hội sâu sắc.

Các Khu Công nghiệp và đô thị dịch vụ của KBC luôn là những địa bàn thuận lợi về mọi mặt: Nằm trên vị trí giao thông thuận lợi, gần cảng biển, sân bay… Hội tụ tất cả những tiềm năng, thuận lợi cùng vốn kinh nghiệm dày dặn, trong những năm gần đây, những dự án hàng đầu về bất động sản tại Việt Nam mà KBC đang nắm quyền quản lý như­: KCN Quế Võ – Bắc Ninh; KCN Tràng Cát – Hải Phòng; Tổ hợp văn phòng, Trung tâm thương mại, Khách sạn 6 sao – Mỹ Đình – Hà Nội… là ước mơ cạnh tranh của các Doanh nghiệp bất động sản khác.

Hiện nay, KBC là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao (CNC) từ các Tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries, … Sản phẩm của Canon và Foxconn sản xuất tại KCN Quế Võ của KBC được Chính phủ Việt Nam đánh giá là sản phẩm công nghệ cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Điều ít ai ngờ đến là những thành công của Kinh Bắc hôm nay đạt được chỉ trong 10 năm hoạt động với vốn ban đầu chỉ là 20 tỷ đồng khởi nguồn từ việc xây dựng phát triển khu công nghiệp. Chia sẻ với báo chí và toàn thể cổ đông, Chủ tịch HĐQT KBC – Ông Đặng Thành Tâm khẳng định: "Chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn thử thách để biến những mảnh đất hoang sơ ở những vùng kinh tế khó khăn, kém phát triển trở thành những KCN được lấp đầy bởi những nhà máy công nghệ cao".

Sắp tới, các dự án lớn ở Hà Nội và TP HCM sẽ là các dự án khẳng định vị thế của KBC trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và hoạt động xã hội ở Việt Nam. Điểm đặc biệt nhất của KBC đó là chiến lược phát triển ổn định, bền vững với kế hoạch được chuẩn bị cho 10 năm đến 20 năm mà chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam làm được.

Với số lượng KCN, đô thị, các dự án bất động sản lớn đang nắm giữ hiện nay, KBC sẽ có đủ tài nguyên để phát triển rất mạnh trong 10 năm sắp tới, đặc biệt để đón đầu nhịp sống cho chu kỳ tăng trưởng hậu khủng hoảng.

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT KBC

Ông ĐẶNG THÀNH TÂM (sinh 1964) kỹ sư Hàng Hải (đại học Hàng Hải, Hải Phòng), từng công tác tại công ty vận tải biển Sài Gòn (1988-1996). Ông học thêm hai ngành luật, quản trị kinh doanh và có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh, Bằng Diploma of Business Management của Trường Henley - Anh Quốc.

Ông là một doanh nhân Việt Nam, được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của các công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.

Ngoài công việc kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm còn là Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

SSI & Bản Việt

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-kbc-trien-vong-tich-cuc-cho-cac-du-an-hien-tai-va-ke-hoach-mo-rong-a467.html