Cập nhật ngành hàng không: khởi sắc với số chuyến bay tăng 157%

Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết trong tháng 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều hành 60.500 chuyến, tăng 157% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, có 13.200 chuyến bay quá cảnh, tăng hơn 67% so cùng kỳ năm trước.

vna-air-1617242073.jpeg
 

 

Lượng khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước đạt hơn 6,1 triệu lượt, tăng gần 58% so với tháng 2/2021. Trong đó, 105.000 khách quốc tế, tăng 350% so với tháng 2/2021. Khách nội địa đạt hơn 6 triệu, tăng hơn 56% so với tháng 2/2021. Ngoài ra, hàng hóa được vận chuyển thông qua đường hàng đạt 113.000 tấn, tăng gần 28% so với tháng 2/2021.

Đây là những tín hiệu khởi sắc của ngành hàng không sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đồng thời cho thấy tâm lý người dân sẵn sàng thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Đặc biệt, các hãng bay quốc tế sẽ sôi động hơn khi Việt Nam đã chính thức mở cửa từ ngày 15/3 đối với các hành khách quốc tế.

Vượt qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã khiến ngành hàng không chịu những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, khi thế giới cũng như Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành hàng không sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong năm 2022-23 khi các doanh nghiệp hàng không sẽ phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại. 

Cập nhật ngày 6/12/2021: Đề xuất cho hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ đồng với lãi suất 0%

Theo đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), VABA mong bộ này kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, chấp thuận cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000-6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).

Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000-30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%). Gói này sẽ giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, duy trì hoạt động, phát triển trong và sau dịch.

Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị nhà chức trách cần điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế, tức là về mức 1.000 đồng một lít cũng như cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.

Trước đó, lãnh đạo các hãng hàng không tư nhân cũng nhiều lần đề nghị cho Chính phủ và các tổ chức tín dụng trong nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay ưu đãi có tài sản đảm bảo để bổ sung vào dòng tiền đang gặp khó vì dịch bệnh.

Cập nhật ngày 17/6/2021: Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet (VJC) đối mặt nguy cơ lớn

Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2020 và trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, hàng không đang là nhóm điêu đứng nhất.

Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch Đầu tư dẫn hàng không là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến "các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản".

Cụ thể, Covid-19 khiến nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh 34,5- 65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh:Quỳnh Trần.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch bùng phát lần thứ ba trong giai đoạn sát cao điểm Tết Nguyên đán 2021 đã khiến doanh thu của ngành hàng không Việt giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Khả năng thanh toán của các đơn vị suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Bộ dự báo, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Nếu Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024, ngành mới có thể phục hồi như trước khi có dịch.

Cơ quan này cũng dẫn báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

"Vietnam Airlines đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn ở các ngân hàng", báo cáo viết.

Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 4% trong năm 2021 - 2023 cho các hãng. Với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Song song đó, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm 2021.

Cơ quan này cũng đề xuất, Bộ Tài chính sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Hồi đầu tháng 6, Vietnam Airlines vừa phát thông tin đấu giá 11 máy bay Airbus A321 CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Đây cũng là động thái có thể giúp Vietnam Airlines có thêm dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Trước đó vào đầu tháng 4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4 khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, hàng không Việt có thể lỗ tới 15.000 tỷ trong năm 2021. Thời điểm đó, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tín dụng. VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ.

Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã lỗ trên 18.000 tỷ đồng, doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Cập nhật ngày 30/3/2021: Cục Hàng không đề xuất nối lại đường bay quốc tế?

Theo các nguồn truyền thông trong nước, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đề xuất mở đường bay quốc tế thường lệ, đưa khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (full combo), áp dụng với công dân Việt Nam. Ở giai đoạn này, chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid19, khách sạn cách ly, tiền ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về nơi cách ly. Các chuyến bay này sẽ được thực hiện cùng với các chuyến bay giải cứu của Chính phủ với tần suất tùy thuộc vào công suất cách lý của các tỉnh thành trong nước. Chuyến bay chỉ được cấp phép sau khi chính quyền địa phương thông qua phương án tiếp nhận cách ly.

Giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2021. Giai đoạn này sẽ tổ chức các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam. Hành khách được cách ly sau khi nhập cảnh áp dụng với cả công dân Việt Nam và nước ngoài (hành khách phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi bay).

Ban đầu, các chuyến bay được nối lại giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Để thức hiện chuyến bay, các hãng hàng không và kế hoạch cách ly cần được chính quyền địa phương nơi máy bay hạ cánh phê duyệt. Dự kiến hàng tuần sẽ có 24 chuyến bay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trong đề xuất, với lượng hành khách cần cách ly là 6.000 - 7.000 người.

Giai đoạn 3 dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến độ tiêm chủng vaccine tại Việt Nam và thế giới cũng như đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng. CAAV sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine".

Các đường bay trong giai đoạn này được triển khai giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hiệu quả loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều bay cho các hãng hàng không của mỗi bên. Khi đó, hành khách sẽ không phải cách ly tập trung nếu có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế với loại vaccine phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận. Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7 đến 14 ngày. Hành khách không có đủ giấy xét nghiệm COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế buộc phải cách ly 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói tương tự chuyến bay combo.

Link nội dung: https://vinabull.vn/nganh-hang-khong-khoi-sac-so-chuyen-bay-tang-157-a398.html