Triển vọng ngành Công nghệ: ít chịu tác động nghịch cảnh, có thể đầu tư dài hạn

Công nghệ nằm trong số những ngành gần như không bị tác động, thậm chí vẫn tăng trưởng ổn định.

 

viettel-1-scaled-1686110910.jpg
Trụ sở tập đoàn công nghệ Viettel 

Trước tác động của đại dịch những năm vừa qua, cũng như việc kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ suy thoái do tác động từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Trong nước kinh tế ảm đạm cũng mặt bằng lãi suất tăng cao đã khiến đa số các ngành nghề chịu kết quả kinh doanh tiêu cực thì ngành CNTT lại nằm trong số những ngành gần như không bị tác động, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn. Thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khoảng 2 tỷ USD chỉ chiếm 0.1% so với thị trường thế giới là 1,803 tỷ USD. Do đó, cơ hội thị trường là rất lớn.

Nhìn dài hạn hơn, chúng tôi vẫn đánh giá đây là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và khá ổn định tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức mà chúng ta cần phải nhắc đến như việc cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng, rủi ro từ yếu tố chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Với các cổ phiếu ngành CNTT, hầu hết các doanh nghiệp đang niêm yết đều đang có các chỉ số P/E ở mức cao trong khi mặt bằng P/E trung bình toàn thị trường ở mức thấp, điều đó cho thấy sự kỳ vọng của giới đầu tư vào các doanh nghiệp trong tương lai là rất tiềm năng.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ hoặc có thể mua vào cho danh mục nắm giữ trung và dài hạn.

Đánh giá ngành Công nghệ

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Chuyển đổi số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chính phủ đã và đang đẩy mạnh sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để thúc đẩy việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học-Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8.7% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số dăng ký năm 2022 ước đạt 70,000 doanh nghiệp, tăng 9.5% so với năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD, xuất siêu hơn 26 tỷ USD.

Công nghệ phần mềm: Việt Nam từ gia công phần mềm đến hành trình vươn ra thị trường thế giới Việt Nam ngày càng có vai trò lớn trong ngành công nghệ phần mềm thế giới khi liên tục cải thiện thứ hạng và lọt Top 30 thế giới về gia công phần mềm.

Xuất khẩu phần mềm của Việt Nam phần lớn cho 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật. Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu làm gia công phần mềm hoặc chỉ thực hiện một số công đoạn theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây các doanh nghiệp CNTT đã hướng ra thị trường nước ngoài, tư vấn dịch vụ, sáng tạo nội dung

Đã có doanh nghiệp nhờ nỗ lực chuyển dịch hàm lượng công nghệ, trước đây là gia công 99% theo đơn đặt hàng, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Hiện gia công phần mềm chỉ chiếm khoảng 40%, phần còn lại là sản phẩm Make in Vietnam

Công nghệ phần cứng: VN là điểm đến của các tên tuổi hàng đầu như Samsung, Intel, Foxconn Sản phẩm "phần cứng" là các sản phẩm máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi, thiết bị điện tử nghe nhìn, thiết bị điện tử chuyên dụng, linh kiện điện tử như các vi mạch, bo mạch..

Với những thành tựu công nghệ nhất định, Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới như IBM, Intel, Microsoft, Samsung, Toshiba.. Gần đây thông tin về việc những sản phẩm công nghệ nổi tiếng MacBook và Apple Watch sắp tới sẽ được sản xuất tại Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT, VNPT, Viettel hứa hẹn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Viễn thông Việt Nam trở thành nhóm nước đầu tiền trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này, tuy nhiên đây là kết quả của lao động sáng tạo, kích hoạt sự lao động sáng tạo này là một khát vọng lớn. 5G đã xuất hiện được vài năm nhưng người dùng chưa sử dụng hết tiềm năng của nó khi dịch vụ được hỗ trợ trên cơ sở hạ tầng 4G hiện có. Lộ trình tiếp theo trong quá trình triển khai mạng 5G là chuyển sang mô hình 5G SA – StandAlone tách bạch hoàn toàn với hệ thống mạng 4G. 5G SA có thể tự hoạt động, điều này khiến việc triển khai mạng 5G đơn giản và rẻ hơn. 5G sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối hàng trăm thiết bị IoT/IIiT, nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động, đồng thời cho phép phát triển các ứng dụng quan trọng trong hầu hết các ngành.

Mảng Phân phối – Bán lẻ: Các tổ chức phân tích và đánh giá cũng như các nhà phân phối đều cho rằng, thị trường sản phẩm công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong cả trung và dài hạn. Mảng Phân phối – Bán lẻ trong ngành CNTT phải kể tới FPT, Viettel và Thế giới di động.

Mảng kinh doanh này thường đóng góp tỷ trọng lớn doanh thu, nhưng tỷ suất lợi nhuận thường thấp do sự cạnh tranh trong ngành và chi phí triển khai mở rộng chuỗi bán lẻ chiếm chi phí lớn. Các doanh nghiệp hiện nay đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc tham gia và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị của lĩnh vực này như hoạt động logistic, bán hàng. Đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi dịch vụ sửa chữa, bảo hành trên phạm vi cả nước. Tiếp tục đầu tư cho thương mại điện tử, các chương trình khách hành và các sản phẩm mới.

Trong các năm gần đây từ đại dịch Covid-19 cũng như tác động chiến tranh Nga Ukraine tiếp tục thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu với sự tắc nghẽn, chậm trễ và gián đoạn. Các nhà sản xuất và công ty công nghệ trên khắp thế giới phải liên tục đối mặt với vấn đề tìm nguồn cung các bộ phận và nguồn cung cấp thiết yếu.

Các nhà sản xuất và công ty công nghệ trên khắp thế giới nói chung và Việt Năm nói riêng phải liên tục đối mặt với vấn về tìm nguồn cung các bộ phận và nguồn cung cấp thiết yếu. Tình trạng thiếu chất bán dẫn (chip) đã dẫn đến sự chậm trễ trong sản xuất một loạt ngành công nghiệp. Để có thể khắc phục và chủ động trong bối cảnh đó thì dù đã trực tiếp bị ảnh hưởng từ các nhà cung ứng quan trọng hay chưa, các doanh nghiệp cũng nên tự chuẩn bị cho mình danh sách những nhà cung ứng thay thế để đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời trước những tình huống xấu.

Thách thức cho ngành công nghệ

Về an ninh mạng gia tăng: Khi mọi hoạt động của các lĩnh vực kinh tế-xã hội đều phụ thuộc nhiều vào các thiết bị có kết nối internet và nhất là trong thời đại 4.0, an ninh mạng trở thành một thách thức không thể xem nhẹ của thời đại mới. Số vụ tấn công mạng gia tăng nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, với các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi.

Tội phạm mạng đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại trên nhiều khía cạnh, như phá hủy dữ liệu, trộm cắp tiền và tài sản trí tuệ, lừa đảo, làm tê liệt hệ thống, hủy hoại uy tín cá nhân và tổ chức...

Các cuộc tấn công mạng đang gia tăng khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang kỹ thuật số. Sự xuất hiện của điện toán lượng tử có thể khiến các hệ thống bảo mật hiện tại trở nên lỗi thời. Các tổ chức nào đang nắm giữ dữ liệu kỹ thuật số nhạy cảm đều nên đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng nhằm giải quyết mối đe doạ từ máy tính lượng tử, thông qua các kế hoạch quản lý rủi ro hoặc sử dụng điên toán lượng tử để giảm thiểu rủi.

Thiếu nhân lực chất lượng cao: Tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng tăng đã tạo ra nhu cầu về nhân lực chất lượng cao để đổi mới và duy trì các công nghệ kỹ thuật số. Nhu cầu về nhân lực trong ngành CNTT đang bùng nổ và rộng mở. Công việc ngành CNTT trải dài từ lĩnh vực ngân hàng tới hàng không, từ viễn thông tới kinh doanh, từ an ninh quốc phòng tới y tế. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Mặc dù hiện nay số lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin đã phát triển nhanh chóng so với những năm trước đây nhưng theo thống kê đây vẫn là ngành thiếu hụt nhân lực nhiều nhất trong thị trường lao động, đặc biệt là các vị trí lập trình viên, nhân viên thiết kế,...

Nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn nhân lực này không phải do không có ai lựa chọn công nghệ thông tin. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhiều bạn trẻ và các cơ sở đào tạo đổ xô vào tuyển sinh ngành này chỉ chú trọng vào các hoạt động, cơ sở vật chất tạo thu hút mà không chú trọng vào việc đào tạo chất lượng.

Thói quen vi phạm bản quyền làm hạn chế khả năng phát triển: Vi phạm bản quyền ngày càng trở nên phổ biến và xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những chiêu thức mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho chủ sở hữu. Sử dụng các giải pháp công nghệ được đánh giá là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Trong mọi trường hợp, vi phạm bản quyền không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cá nhân làm công việc sáng tạo, các đơn vị cung cấp nội dung mà còn ảnh hưởng tới công chúng. Hằng năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử phạt hàng tỷ đồng với hành vi vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền riêng tư…

Ðơn cử như theo thống kê của VTVcab - một đơn vị cung cấp nội dung nhiều chương trình lớn trong năm 2020, phải xử lý hơn 30 nghìn video lậu trên facebook, hơn 8 nghìn video lậu trên youtube và các nền tảng mạng xã hội; thiệt hại hơn 40 tỷ đồng tiền bản quyền, hàng trăm tỷ đồng từ nguồn thu quảng cáo và doanh thu thuê bao.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ để giải bài toán bản quyền đã được đặt ra từ lâu, và bước đầu được thực hiện nhưng để công nghệ trở thành giải pháp chủ lực thì còn nhiều trở ngại. Trở ngại từ chính hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng những giải pháp công nghệ.

Công nghệ blockchain được đánh giá là hiệu quả trong lĩnh vực bản quyền nhưng còn rất mới mẻ tại Việt Nam, chưa được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả.

SBS

Link nội dung: https://vinabull.vn/trien-vong-nganh-cong-nghe-a394.html