Cập nhật cổ phiếu CII: chỉ riêng dịp Tết Giáp Thìn thu hơn 130 tỷ đồng phí cầu đường BOT

CII thu hơn 130 tỷ đồng phí cầu đường trong dịp Tết Giáp Thìn

cii-bot-1616385667.jpg

Trạm BOT Xa lộ Hà Nội của CII.

Ngày 16/2, CTCP Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) ghi nhận doanh thu phí cầu đường đạt 11 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngày sau đó, 7 trạm thu phí BOT của doanh nghiệp này tiếp tục mang về cho doanh nghiệp số doanh thu tương tự.

Đến ngày 18/2, tức ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, doanh thu phí BOT của CII mới hạ nhiệt và giảm về mức 9,2 tỷ đồng.

Điều này cho thấy người lao động khu vực phía Nam có xu hướng di chuyển lên các thành phố lớn sớm hơn 1-2 ngày trước khi tuần làm việc đầu tiên của năm mới Âm lịch bắt đầu.

Trên thực tế, lưu lượng di chuyển của các phương tiện đã rục rịch tăng từ ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết) khi doanh thu phí BOT của CII đã tăng từ 8,4 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng.

Bên cạnh tâm lý di chuyển sớm để tránh kẹt xe, tình trạng đông đúc hay phát sinh tình huống không đáng có, việc một số công ty, tổ chức bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 15-16/2 cũng là lý do khiến nhu cầu đi lại của người dân vào những ngày này tăng đột biến.

Trong khi đó, đối với giai đoạn trước Tết, nhu cầu “rời phố về quê” của người dân đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 2 và kéo dài cho đến ngày 6/2 trước khi giảm mạnh vào ngày 7/2 (tức 28 tháng Chạp).

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, doanh thu phí cầu đường của CII đạt tổng cộng 44 tỷ đồng, tương đương 6,2 tỷ đồng/ngày. Con số bình quân trong giai đoạn này thấp hơn 10% so với tháng 1.

Như vậy, kể từ đầu tháng 2 đến ngày 18/2, CII đã thu về 150 tỷ đồng từ phí đường bộ, qua đó nâng tổng doanh thu phí từ đầu năm lên 390 tỷ đồng.

Bên cạnh lưu lượng di chuyển của các phương tiện, một trong những nguyên nhân giúp doanh thu phí cầu đường của CII tăng đột biến là việc được phép áp dụng biểu phí mới cao hơn 18% tại một số trạm như Cà Ná (Ninh Thuận) và Cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) vào cuối năm ngoái.

CII thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Cầu đường CII quản lý 7 dự án BOT đang thu phí. Trong đó, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mở rộng Xa lộ Hà Nội đóng góp nhiều nhất cho doanh thu phí cầu đường.

Cập nhật ngày 28/8/2023: đầu tư lớn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và mở rộng BOT

Công ty CII muốn dành 22.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, còn 53.000 tỷ là rót vào các BOT mở rộng đường xá.

Trong tài liệu họp thường niên mới công bố, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết đang đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các dự án thu phí đường bộ (BOT) mới với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng giai đoạn 2024-2030.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, CII sở hữu 89%. Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Xếp thứ hai là dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP HCM (quận 12, Tân Bình, Hóc Môn) với hơn 19.000 tỷ đồng. Theo sau là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (Bình Chánh) với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ khác là nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) với hơn 10.100 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại có vốn đầu tư khoảng 6.600 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đều ở huyện Bình Chánh. Lần lượt là dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Ban lãnh đạo CII nói, điểm chung của 6 dự án BOT kể trên là "giải quyết ách tắc giao thông một cách tổng thể". Công ty muốn các dự án phải có quy mô đủ lớn và có khả năng kết nối trực tiếp, xuyên suốt với các tuyến cửa ngõ, tuyến liên kết vùng và các đầu mối kinh tế lớn để tránh nguy cơ "di dời điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác".

Trong tương lai, công ty xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên với nhiều cơ hội. Thứ nhất, Chính phủ đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm nay, tổng số vốn thực hiện các dự án giao thông đạt hơn 94.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2021.

Thêm vào đó, Nghị quyết 98/2023 cho phép TP HCM đầu tư theo hình thức PPP (gồm BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, thay vì chỉ các tuyến mới. CII đánh giá nghị quyết này giúp tháo gỡ phần nào các khó khăn về giải phóng mặt bằng, khả năng hoàn vốn và huy động vốn tín dụng.

Hiện tại, CII sở hữu danh mục 12 dự án hạ tầng giao thông với tổng giá trị đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, 7 dự án đang vận hành gồm Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng Xa lộ Hà Nội, BOT Ninh Thuận, tỉnh lộ ĐT741 Bình Dương, mở rộng Quốc lộ 60 và cầu Cổ Chiên. Mảng này đang mang về doanh thu bình quân 7 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương hơn 2.500 tỷ đồng một năm.

Cập nhật ngày 2/6/2023: được Vietcombank cho vay 9.300 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa cho biết Vietcombank đã chính thức phê duyệt cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của công ty để tái cấu trúc dòng tiền các dự án này với tổng hạn mức hơn 9.340 tỷ đồng.

Trong đó, khoản cấp tín dụng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội sẽ là gần 2.398 tỷ đồng, thời hạn vay 7 năm, không vượt quá ngày 26/11/2029. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sẽ cấp khoản tín dụng trị giá 6.942 tỷ đồng với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với thời hạn vay 12 năm, không vượt quá ngày 9/1/2035.

Hai doanh nghiệp được phê duyệt khoản cấp tín dụng kể trên từ Vietcombank cũng chính là các công ty thành viên của CII đang đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư tại 2 dự án hạ tầng giao thông quan trọng là Xa lộ Hà Nội và BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

CII đánh giá việc nhận được chấp thuận cấp tín dụng trung và dài hạn với giá trị rất lớn (gần 398 triệu USD) từ Vietcombank sẽ mở ra cơ hội cho công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền của các dự án đã đi vào khai thác để có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái đầu tư các dự án mới, cũng như thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Đồng thời, giao dịch kể trên cũng cho thấy năng lực của CII trong việc quản trị tài chính và các hoạt động của mảng hạ tầng cầu đường, thu phí giao thông, cũng như tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn của công ty trong lĩnh vực này.

Trước đó, đã có nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới đứng ra thu xếp vốn cho các dự án hạ tầng giao thông của CII như Goldman Sachs, Ayala, MPTC, Rhinos, GuarantCo…

Cập nhật ngày 31/5/2023: vay gần 2.400 tỷ đồng mở rộng BOT Xa lộ Hà Nội

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) chấp thuận cho công ty này bảo lãnh khoản vay trung - dài hạn của dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.

Số tiền vay tối đa là khoảng 2.398 tỷ đồng trong thời gian 7 năm. Công ty không công bố thông tin gì thêm về khoản vay trên.

BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TP HCM, do CII làm chủ đầu tư. Dự án này chia thành 3 giai đoạn, hiện hoàn thành toàn bộ trục chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP HCM, nâng cấp rải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An (Bình Dương).

Dự án còn dang dở hai trục đường song hành Xa lộ Hà Nội do vướng mặt bằng, chồng lấn hạ tầng của một số dự án như metro Bến Thành - Suối Tiên, vệ sinh môi trường.

Với riêng CII, dự án này có tầm quan trọng rất lớn trong mạch kinh doanh của doanh nghiệp. BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội chiếm 25% tỷ trọng đóng góp tài sản cho công ty, chỉ sau cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Với thời điểm hoàn vốn vào năm 2035, theo tính toán của ban lãnh đạo, dự án có thể chiếm 30% doanh thu mỗi năm trong giai đoạn 2023-2032. Trong khi đó, CII ước tính doanh thu giai đoạn này tăng từ gần 2.400 tỷ lên 5.000 tỷ đồng.

Mở rộng Xa lộ Hà Nội cũng như các dự án BOT khác mà CII đang đầu tư, tuy mang lại nguồn thu lớn và ổn định trong tương lai, vẫn để lại cho doanh nghiệp này rủi ro từ đòn bẩy tài chính. Nợ vay của công ty cuối 2016 gần 3.600 tỷ đồng, đến 2021 đã lên hơn 17.000 tỷ đồng. Tính riêng năm ngoái, doanh nghiệp này phải chi hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày để trả lãi vay.

Dẫu vậy, lãnh đạo CII tuyên bố, với hai nguồn thu lớn từ BOT và bất động sản, công ty đủ khả năng hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính. Sau thời gian dài "gắn liền với nợ", công ty cũng bắt đầu tập trung vào lộ trình tăng vốn và giảm nợ vay.

Cập nhật ngày 30/5/2023: bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, dự tính lỗ khoảng 190 tỷ

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) vừa thông qua việc bán toàn bộ hơn 31,7 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương với 12,6% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Công ty ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện bán cổ phiếu quỹ.

Số cổ phiếu quỹ này trên báo cáo tài chính gần nhất được ghi nhận có giá trị 737 tỷ đồng, tương đương giá gốc mà doanh nghiệp mua vào khoảng 23.179 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu CII trên thị trường đang có giai đoạn bứt tốc mạnh mẽ lên 17.300 đồng/cổ phiếu (ngày 26/5), là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 đến nay nhưng vẫn thấp hơn 25% so với giá trị ghi sổ.

Tạm tính theo thị giá này, CII có thể thu về 548 tỷ đồng nếu giao dịch thành công, dự tính lỗ khoảng 190 tỷ đồng so với giá trị gốc trên báo cáo tài chính.

CII cũng từng đăng ký bán hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ trong đợt giao dịch từ 24/1-22/2/2022. Tuy nhiên, do thị giá chưa đạt mong muốn nên công ty chỉ bán được 3,5 triệu đơn vị (giá bình quân khoảng 35.128 đồng/cổ phiếu).

Sau đó, từ ngày 22/3-6/4/2022, công ty tiếp tục bán thành công 9 triệu cổ phiếu quỹ khác với giá bình quân 32.222 đồng/cổ phiếu, để giảm về khối lượng như hiện tại.

Liên quan đến cổ phiếu quỹ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức bất thành lần 1 (ngày 26/4), Tổng giám đốc Lê Quốc Bình nhấn mạnh CII khi đầu tư sẽ nghiên cứu doanh nghiệp rất kỹ và không thể nào chạy theo giá cổ phiếu được, "nếu đứng ra tạo ảnh hưởng thì sẽ làm mất yếu tố thị trường".

Trong phiên họp cổ đông thành công (ngày 24/5), CII đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 50% so với kết quả năm ngoái.

Công ty dự kiến doanh thu thu phí giao thông đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ nhờ việc hợp nhất dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. CII cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án hạ tầng mới có tổng mức đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng như dự án đường trên cao, các nút giao thông trong TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4...

Về lĩnh vực bất động sản, công ty dự kiến doanh thu khoảng 1.300 tỷ đồng. Công ty sẽ bàn giao phần còn lại của các dự án D'Verano (Thủ Thiêm Lake View 3), The River Thủ Thiêm và toà nhà 152 Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công đối với các dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và De Lagi (Bình Thuận).

Bàn về chiến lược dài hạn, CEO Lê Quốc Bình cho biết công ty trong 20 năm nay luôn theo đuổi chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt chứ không phải chỉ dự án BOT, công ty có thể làm thêm các dự án bất động sản chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu.

Theo báo cáo kinh doanh quý đầu năm, CII ghi nhận doanh thu thuần tăng 5% lên hơn 748 tỷ đồng, nhưng lãi ròng lại lao dốc 99% còn hơn 7 tỷ đồng, do giảm các khoản lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng đầu tư tài chính.

Với kết quả đạt được, CII mới thực hiện được gần 15% chỉ tiêu doanh thu và gần 2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cập nhật ngày 14/3/2023: thấy trước khó khăn. rụt rè đặt mục tiêu lãi năm nay giảm 50%

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa công bố thông qua kế hoạch tài chính năm nay.

Cụ thể, lãnh đạo công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 5.155 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 469 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ biên lãi thuần 9%. Như vậy, mục tiêu lãi ròng năm nay giảm 50% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Doanh nghiệp cũng thông qua kế hoạch chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14% và cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Kế hoạch này sẽ được HĐQT CII trình Đại hội đồng cổ đông triển khai trong thời gian tới.

Dự kiến ngày 14/3, CII sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại TP.HCM.

Trong các tờ trình đại hội sắp tới, đáng chú ý có tờ trình tạm dừng trái phiếu chuyển đổi CII42013 đợt 5 ngày 3/5. Hiện doanh nghiệp chưa công bố các tài liệu chi tiết cho kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên này.

Cập nhật ngày 6/7/2022: tiếp tục thoái vốn ồ ạt ở NBB, lần này xả 10 triệu cổ phiếu

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) trong thời gian từ ngày 7/7 đến ngày 5/8. Giá trị giao dịch dự kiến là 100 tỷ đồng, được CII dùng để cân đối tài chính. Tỷ lệ sở hữu sau đó giảm từ 47,51% về 37,52%.

Đây là lần thứ 9 CII thoái vốn tại Năm Bảy Bảy tính từ tháng 10/2021 với lũy kế khoảng hơn 43 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công. Tỷ lệ sở hữu giảm từ 93,7% về mức 47,51% hiện tại.

Lần gần nhất là hồi đầu tháng 6, công ty này cũng đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB nhưng chỉ thực hiện được 1,5 triệu cổ phiếu, phần còn lại chưa đạt được giá bán kỳ vọng. Trước đó vào đầu tháng 3, CII bán thành công 2,14 triệu cổ phiếu NBB. Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, công ty cũng thoát vốn 9 triệu cổ phiếu. Cách đó vài ngày, CII đã hoàn tất bán ra 5,2 triệu đơn vị.

Trong giai đoạn cuối năm ngoái, CII thực hiện liên tiếp 4 đợt thoái vốn tại Năm Bảy Bảy. Trong tháng 10/2021, công ty đăng ký 2 đợt bán tổng cộng 10,8 triệu cổ phiếu NBB. Tháng sau bán tiếp 11,5 triệu cổ phiếu và sang tháng 12 thoái vốn thêm 3,1 triệu đơn vị.

Năm ngoái, CII công bố thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB. Tuy nhiên, do Năm Bảy Bảy vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng lỗ ròng hơn 240 tỷ đồng, lần đầu tiên từ khi niêm yết.

Báo cáo hồi tháng 3 của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự đoán kế hoạch bán cổ phiếu NBB sẽ mang về khoảng 1.600 tỷ đồng với khoản lãi tài chính tiềm năng 738 tỷ đồng cho CII. Theo đơn vị này, khoản tiền trên sẽ được ghi nhận trong năm nay, điều này sẽ thúc đẩy đáng kể lợi nhuận của CII.

Gần đây, ban lãnh đạo CII thông báo từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023, công ty mẹ có kế hoạch thanh toán khoảng 2.800 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu dù chưa đến hạn. Mục tiêu là đưa số dư trái phiếu vào cuối quý I năm sau dự kiến còn gần 3.700 tỷ đồng. Nhiều năm qua, việc vay nợ lớn, trong đó chiếm phần lớn là kênh trái phiếu đã dồn CII vào thế chịu nhiều áp lực trả lãi, góp phần bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh thường xuyên âm...

6 tháng đầu năm, CII ước tính đạt hơn 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, hoàn thành 93% kế hoạch cả năm. Trong đó, hoạt động thu phí giao thông có sự tăng trưởng đáng kể với tổng doanh số khoảng 710 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng giảm tỷ lệ tại các công ty con và thu hồi vốn đầu tư, bên cạnh Năm Bảy Bảy còn có Công ty Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII).

Cập nhật ngày 22/6/2022: đến lượt CII lo trả 2.800 tỷ nợ trái phiếu trước hạn

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết đến cuối năm ngoái, tổng dư nợ trái phiếu của đơn vị khoảng 7.342 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này đã thanh toán khoảng 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Dư nợ kênh huy động vốn này vào cuối tháng 6 về khoảng 6.472 tỷ đồng.

Theo CII nghĩa vụ nợ gốc trái phiếu đến hạn vào cuối năm nay của công ty mẹ còn khoảng 200 tỷ đồng nhưng từ 7/2022 đến tháng 2/2023, ban lãnh đạo muốn thanh toán trước hạn khoảng 2.800 tỷ đồng. Nếu đúng như kế hoạch này, số dư trái phiếu vào cuối quý I năm sau dự kiến còn gần 3.700 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, việc vay nợ lớn, trong đó chiếm phần lớn là kênh trái phiếu đã dồn CII vào thế chịu nhiều áp lực trả lãi, góp phần bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh thường xuyên âm...

Lãnh đạo CII cho biết, các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và cao ốc 152 Điện Biên Phủ đi vào khai thác đã đem lại dòng tiền lớn cho công ty, giúp cải thiện sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ.

6 tháng đầu năm, CII ước tính đạt hơn 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, hoàn thành 93% kế hoạch cả năm. Trong đó, hoạt động thu phí giao thông có sự tăng trưởng đáng kể với tổng doanh số khoảng 710 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng giảm tỷ lệ tại các công ty con và thu hồi vốn đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, CII đã bán tổng cộng 16,3 triệu cổ phiếu NBB của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 49%. Công ty cũng đang có ý định bán tiếp 10 triệu đơn vị NBB để giảm tỷ lệ xuống 39% nhằm mục đích cân đối tài chính. Ngoài ra trong tháng 3, Hội đồng quản trị cũng đã chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) mà CII sở hữu gần 51% vốn.

Trong các tháng cuối năm, công ty cho biết sẽ ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản đang hoàn thiện như The River Thủ Thiêm - bắt đầu bàn giao cuối quý II, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) - hoàn thành công tác bán hàng vào cuối năm, khối căn hộ dự án 152 Điện Biên Phủ - dự kiến hoàn thành trong năm nay...

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương đưa vào sử dụng hồi tháng 4, dự kiến bắt đầu thu phí hoàn vốn trong quý III. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự án này sẽ giúp củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với tổng dòng tiền hàng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

Song song đó, công ty cho biết tiếp tục triển khai đầu tư các dự án BT Thủ Thiêm, mở rộng Xa lộ Hà Nội... Việc này sẽ được thực hiện khi CII được bàn giao mặt bằng thi công.

Năm nay, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu tăng 2,7 lần lên hơn 8.010 tỷ đồng, lãi ròng kỷ lục gần 757 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2018 đến nay. Báo cáo tài chính quý đầu năm cho thấy, lợi nhuận công ty mẹ của CII ghi nhận gần 647 tỷ đồng. Mức này cao đột biến do doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, chủ yếu là lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và lãi tiền gửi, tiền cho vay...

Cập nhật ngày 24/3/2022: CII tiếp tục bán công ty con sau khi thoái vốn ồ ạt ở NBB

Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty Hạ Tầng Nước Sài Gòn (SII). Chủ tịch CII Lê Vũ Hoàng được uỷ quyền quyết định các vấn đề liên quan.

Theo báo cáo tài chính, SII là một trong 12 công ty con của CII tính tới cuối năm 2021, với tỷ lệ sở hữu 50,61%. Doanh nghiệp này hoạt động trong ba mảng chính là đầu tư phát triển các dự án về xử lý nước, dịch vụ kỹ thuật môi trường nước và phát triển dịch vụ vận hành, bảo trì.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này thời gian gần đây không khả quan. SII báo lỗ trong hai năm gần nhất với lỗ ròng năm 2020 và 2021 lần lượt là 111 tỷ và 78 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn khỏi SII của CII nối tiếp việc bán ra cổ phần của công ty con liên tục từ cuối năm trước. Từ đầu tháng 10 năm trước khi cổ phiếu NBB tăng mạnh, CII đã liên tục bán ra cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB giảm từ 93,7% xuống 65,32% tính tới cuối năm 2021 và tiếp tục giảm xuống 51% vào đầu năm nay.

Việc thoái vốn khỏi các công ty con diễn ra trong bối cảnh CII báo lỗ kỷ lục. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của công ty này giảm 47% xuống 2.868 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm hơn 30%. Kết quả là CII báo lỗ ròng hơn 240 tỷ đồng, lần đầu tiên từ khi niêm yết.

Trong văn bản giải trình, CII cho biết hai quý cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Hai nguồn thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề.

Tất cả trạm BOT do CII quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo CII, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu thực tế trong năm.

Cụ thể, CII đã thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, do NBB vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng "lời thật, lỗ giả".

Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã bổ sung cổ phiếu CII vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính là số âm.

Cập nhật ngày 16/6/2021: NBB thưởng toàn bộ cổ phiếu quỹ cho cổ đông, CII hưởng gần hết

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) vừa thông qua nghị quyết về phương án chi tiết sử dụng toàn bộ số cổ phiếu quỹ hiện nắm giữ để chia cho cổ đông, trị giá 222 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông tại Năm Bảy Bảy (NBB) có CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang sở hữu hơn 93% vốn điều lệ. Với hoạt động thưởng lần này, Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM có thể được nhận đến 20 triệu cổ phần của NBB

Cụ thể, Năm Bảy Bảy dự kiến thưởng cho cổ đông hiện hữu hơn 22,2 triệu cổ phiếu quỹ ứng với giá trị theo mệnh giá là hơn 222 tỷ đồng. Tỷ lệ phân phối là 25:7, đồng nghĩa cổ đông sở hữu 25 cố phiếu sẽ được nhận 7 cổ phiếu thưởng.

Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ khi được Ủy ban CKNN chấp thuận. Cổ phiếu thưởng không bị hạn chế chuyển nhượng.

Về phương án xử lý cổ phiếu lẻ, Năm Bảy Bảy sẽ phát hành cho tổng giám đốc dưới hình thức ESOP với giá 10.000 đồng/đơn vị.

Mới đây, Năm Bảy Bảy cũng đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức đợt 1 năm 2020 vào ngày 25/6/2021 và dự kiến thanh toán vào ngày 24/9/2021. Tỷ lệ chi trả đợt này sẽ là 16% bằng tiền mặt. Với hơn 78 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Năm Bảy Bảy sẽ chi ra khoảng hơn 125 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2021, Năm Bảy Bảy đạt doanh thu hơn 162 tỷ đồng, trừ đi các khoản chi phí thì công ty lãi hơn 32 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Kế hoạch cả năm 2021 của Năm Bảy Bảy đề ra mức tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 450 tỷ đồng.

Như vậy với kế hoạch này kết thúc 3 tháng đầu năm, NBB mới hoàn thành được 11,6% kế hoạch về doanh thu và vỏn vẹn 7,2% mục tiêu về lợi nhuận.

Cập nhật ngày 22/3/2021: trạm BOT Xa lộ Hà Nội thu phí từ 1/4 

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) công bố rằng theo Quyết định 922/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của UBND TP.HCM, dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội của CII sẽ bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2021.

Theo CII, việc thu phí này nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đã triển khai thi công xây dựng hơn 10 năm qua.

Mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm Xa lộ Hà Nội từ ngày 1-4 đến 31-3-2022 từ 25.000 đồng tới 140.000 đồng/lượt xe. 

Mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm Xa lộ Hà Nội từ ngày 1-4-2022 đến 31-3-2026 tăng lên là 28.000 đồng tới 155.000 đồng/lượt xe.

Việc thu phí dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội sẽ cải thiện năng lực tài chính của CII với dòng tiền ước tính khoảng 500 tỷ đồng trong năm 2021.

Năm 2021, CII đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng 14,3% so với thực hiện trong năm 2020.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thông qua kế hoạch trả cổ tức 14%. Trong đó, cổ tức 2% cho năm 2019 và 12% cho năm 2020, tương ứng 1.400 đồng/cổ phiếu và ủy quyền Chủ tịch HĐQT quyết định cụ thể thời điểm chốt và thời điểm thanh toán.

Doanh nghiệp bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh môi giới bất động sản để trình Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Bên cạnh đó, hủy bỏ việc điều chỉnh giảm sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 70% về 49%.

888b9-1e2a8426-auto-crop-1616385667.jpg

Việc thu phí dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội sẽ mang lại cho CII dòng tiền ước tính khoảng 500 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong năm 2020, CII ghi nhận doanh thu đạt 5.379,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 538 tỷ đồng, lần lượt tăng 196,7% và 6,9% so với thực hiện trong năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31,5% về chỉ còn 21,3%.

Được biết, năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 808 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh nghiệp chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 293,3 tỷ đồng,chỉ hoàn thành 36,3% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 1.403,5 tỷ đồng trong năm 2020. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, doanh nghiệp đã huy động chủ yếu dòng tiền tài chính.

Trong năm 2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm tới 19,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.734,7 tỷ đồng lên 16.586,1 tỷ đồng. Như vậy, trong năm tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng nguồn vốn tiếp tục tăng mạnh từ 47,4% lên thành 56% tổng nguồn vốn.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII)

Trước nhu cầu vốn đàu tư cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật ngày càng gia tăng của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nguồn vốn ngân sách của nhà nước còn hạn chế, cuối năm 2001 Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) đã được thành lập với ba cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong TPHCM (VYC) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TPHCM (INVESCO).

Với tư cách là một tổ chức đầu tư tài chính, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng, việc ra đời của CII đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước, thông qua việc hình thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tài chính, cũng như vốn nhàn rỗi trong dân và các thành phần kinh tế khác.

Để mở rộng khả năng huy động vốn, ngày 18/05/2006 Công ty CII đã niêm yết 30 triệu cổ phiếu lần đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Là một công ty đi đầu trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán đề đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cổ phiếu của công ty đã được chọn vào trong “top 30” chứng khoán có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường.

Năm 2011 Công ty đã phát hành thành công 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho tập đoàn Goldman Sachs, đánh dấu một bước phát triển mới của CII trong việc huy động vốn tư nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2012, một sự kiện đáng ghi nhận nữa là sự gia nhập của nhà đầu tư chiến lược Ayala Corporation khi chính thức trở thành một trong những cổ đông lớn của công ty, góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển hệ thống quản trị quốc tế.

TÁI CẤU TRÚC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Bước sang năm 2013, với tốc độ tăng trưởng cao và hàng loạt các dự án đầu tư được triển khai, mô hình quản trị ban đầu không còn phù hợp nữa, CII quyết định tiến hành quá trình tái cấu trúc tài chính. Đến nay, công ty đang tham gia vôn điều lệ vào 17 công ty chủ yếu đều thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong đó có 9 công ty con. Tổng vốn công ty tham gia vào các công ty trên là gần 3.000 tỷ đồng. Với số vốn “mồi” này, công ty đã huy động được gấp nhiều lần số vốn từ thị trường tài chính để đầu tư vào các dự án bằng nhiều hình thức như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi, vay vốn ngân hàng. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ thực hiện trong một vài năm tới đây lên đến 20.000 tỷ đồng.

Công ty đã khẳng định được thương hiệu là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và uy tín trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng bao gồm: cầu đường giao thông, hạ tầng khu dân cư, hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất và cung ứng nước sạch, dịch vụ thu phí giao thông.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-cii-nguon-thu-lon-nho-du-an-bot-xa-lo-ha-noi-bat-dau-thu-phi-tu-142021-a317.html