Trong đó, nhà băng quốc doanh sẽ chào bán 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 5.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đều là chào bán ra công chúng.
Đợt phát hành đầu tiên dự kiến từ quý IV/2022 đến quý I/2023 với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng và đợt tiếp theo 4.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời gian quý II-III/2023.
Trường hợp đợt đầu tiên chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết được chuyển qua đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.
Lãi suất của các trái phiếu trên là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh theo định kỳ), áp dụng cho toàn bộ thời hạn của mỗi trái phiếu, tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm (%/năm) và được xác định theo công thức: Lãi suất mỗi trái phiếu = lãi suất tham chiếu + biên độ lãi suất.
VietinBank sẽ thực hiện quyền mua lại trái phiếu sau 3 năm kể từ ngày phát hành đối với lô trái phiếu kỳ hạn 8 năm. Các trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ được thực hiện mua lại sau 5 năm kể từ ngày phát hành.
Toàn bộ số tiền thu về từ các đợt phát hành sẽ được ngân hàng dùng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng nhà nước, đồng thời thực hiện giải ngân/cho vay với một số lĩnh vực công nghiệp, sản xuất điện, khí đốt...
Mức độ sử dụng vốn sẽ căn cứ theo tiến độ giải ngân cụ thể của từng ngành nghề, lĩnh vực nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và an toàn hoạt động theo quy định NHNN, ưu tiên các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích.
Trường hợp không thu đủ như kế hoạch, ngân hàng có thể sử dụng và bố trí nguồn vốn thông qua các kênh huy động vốn khác như huy động tiền gửi dân cư, tổ chức, phát hành giấy tờ giá khác… phù hợp với quy định pháp luật, nhằm đảm bảo và đáp ứng tối đa nhu cầu giải ngân/cho vay trên cơ sở bảo đảm mục tiêu cân đối, sử dụng vốn hiệu quả.
VietinBank cho biết đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xin chấp nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sẽ thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định.
Cập nhật ngày 3/11/2021: sắp thu 1.400 tỷ từ Manulife và 2.000 tỷ bán công ty con
Kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ 2019-2020 nhưng do thay đổi tiến độ nên từ quý 1/2022, Ngân hàng VietinBank sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).
Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 3/11, Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Minh Bình, cho biết như trên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VietinBank cũng cho hay, việc thoái vốn khỏi các công ty con như công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán và quản lý quỹ dự kiến cũng được thực hiện trong năm sau.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm sau có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng. Từ việc thoái vốn công ty con, BVSC ước tính VietinBank có thể ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khách hàng bị tác động bởi Covid-19, ông Bình cho rằng, quan điểm của ngân hàng là tăng cường trích lập dự phòng một cách thận trọng để đảm bảo có bộ đệm dự phòng tốt nếu có biến cố vào năm sau. Lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về 1,4%, đẩy trích lập dự phòng lên 17.000 tỷ đồng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 169% vào cuối năm (trích thừa so với yêu cầu).
Tại đại hội, cổ đông cũng thông qua hai đề xuất của Hội đồng quản trị về việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng của VietinBank (bao gồm trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2021 và các năm tiếp theo) trên hệ thống giao dịch chứng khoán/Sở Giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc các đợt chào bán.
Cổ đông cũng nhất trí bầu ông Lê Thanh Tùng - Trợ lý nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đồng thời, miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024 đối với ông Nguyễn Mạnh Toàn để đảm nhận công việc khác tại ngân hàng.
Thành viên Hội đồng quản trị mới của Vietinbank - ông Lê Thanh Tùng sinh năm 1978 là cử nhân kế toán, Đại học Kinh tế Quốc dân, là thạc sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng Đại học Paris Dauphine (CFVG). Ông Tùng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và gắn bó với VietinBank từ năm 2003 đến năm 2014.
Ông từng làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối quản lý rủi ro VietinBank, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Cho thuê Tài chính VietinBank. Bên cạnh đó, ông Tùng cũng từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước qua các vị trí như Chánh văn phòng, Vụ trưởng, trợ lý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi công tác tại Ban Kinh tế Trung ương.
Cập nhật ngày 19/8/2021: Ngân hàng VietinBank: sắp bán vốn tại một số công ty con?
Công ty Chứng khoán KB cho biết ngoài việc thoái 50% vốn khỏi VietinBank Leasing, VietinBank còn đang muốn thoái bớt vốn tại một số công ty con khác là CTS và VietinBank Capital.
Đây là thông tin được ghi nhận trong báo cáo của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cập nhật về hoạt động kinh doanh của VietinBank nửa đầu năm nay và dự báo 6 tháng cuối năm.
Theo đó, KBSV cho biết ban lãnh đạo VietinBank đang có kế hoạch thoái vốn khỏi một số công ty con trong lĩnh vực cho thuê tài sản, chứng khoán và quản lý quỹ.
Trong đó, ngân hàng này đang trình xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoái 50% vốn tại VietinBank Leasing với kỳ vọng có thể thực hiện vào cuối năm nay.
Tương tự, VietinBank đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) từ từ 75,6% xuống khoảng 50% và dần hoàn thành việc thu bớt vốn từ 950 tỷ đồng xuống 300 tỷ tại Vietinbank Capital.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá trị của các thương vụ thoái vốn này không đáng kể so với quy mô của VietinBank nhưng việc thoái vốn sẽ giúp ngân hàng tập trung nguồn lực và tăng tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh ngân hàng mẹ.
Liên quan tới hoạt động thoái vốn kể trên, mới đây HĐQT VietinBank cũng đã ban hành nghị quyết về việc gia hạn thời gian liên quan giao dịch chuyển nhượng 50% vốn tại công ty con - VietinBank Leasing với đối tác Nhật.
|
Ngoài công ty cho thuê tài chính, VietinBank còn đang muốn thoái bớt vốn khỏi công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ thuộc sở hữu của ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lý do thương vụ chưa thể diễn ra vì các cơ quan có thẩm quyền đang trong quá trình xem xét chấp thuận thương vụ nên VietinBank đã chủ động gia hạn thêm thời gian thực hiện chuyển nhượng để đảm bảo giao dịch không bị gián đoạn.
VietinBank Leasing là công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do VietinBank nắm 100%, hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê tài chính. Tính đến cuối tháng 6, công ty có tổng nguồn vốn vào khoảng 3.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng của VietinBank Leasing đạt 3.431 tỷ, tăng 3,6%.
Cũng trong nửa đầu năm, công ty cho thuê tài chính này ghi nhận 105 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 74%.
Về kết quả kinh doanh trong quý II gần nhất, VietinBank đã ghi nhận 10.879 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 2% so với quý liền trước và cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, thu nhập ngoài lãi cũng tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 3.205 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng mạnh 221% so với cùng kỳ, đạt 7.106 tỷ đã khiến lợi nhuận sau thuế quý II/2021 chỉ đạt 2.239 tỷ đồng, thấp hơn 65% so với quý liền trước và giảm 38% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 6 quý gần đây của ngân hàng.
Tính chung nửa đầu năm nay, VietinBank ghi nhận hơn 27.000 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 31% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 10.850 tỷ, vẫn tăng 45%. Mức lợi nhuận kể trên cũng tương đương 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngân hàng mẹ.
Đáng chú ý, KBSV cho biết tỷ lệ nợ xấu quý II của ngân hàng này đạt 1,34%, tăng 0,46 điểm % so với quý trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng đột biến 0,59 điểm %.
Theo thông tin từ phía ngân hàng, đây là phần nợ xấu tương ứng của một doanh nghiệp lớn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thuộc đối tượng được áp dụng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021.
VietinBank đánh giá cao khả năng chuyển về nhóm nợ thấp hơn khi đã có những cam kết và động thái tích cực từ phía doanh nghiệp.
Trong cả năm nay, KBSV ước tính tăng trưởng tín dụng của VietinBank có thể đạt 8% khi các doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ để hồi phục sau dịch. Với chỉ tiêu này, lợi nhuận sau thuế dự kiến của ngân hàng năm nay đạt 16.876 tỷ đồng, tăng 23% so với năm liền trước.
Trong năm 2022, mức lợi nhuận sau thuế của VietinBank có thể đạt khoảng 24.032 tỷ đồng, tăng 42%, với tổng thu nhập tăng 9% và chi phí trích lập dự phòng giảm 47%.
Cập nhật ngày 16/04/2021: kế hoạch lợi nhuận tăng 2,4%, nợ xấu dưới 1,5%
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ Ngân hàng Công Thương VietinBank - CTG thường niên diễn ra ngày 16/04/2021. Chương trình chính của đại hội bao gồm kế hoạch kinh doanh 2021 và bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) mới bổ sung.
Kế hoạch 2021 bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng đạt 7,5% so với giả định hiện tại là 9%, (2) tăng trưởng tiền gửi huy động 8-12% - phù hợp với dự báo hiện tại của chúng tôi là 9,1%, (3) tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 1,5%, và (4) LNTT riêng lẻ đạt 16,800 tỷ đồng (+2,4% YoY).
CTG đề xuất 2 kịch bản thanh toán cổ tức cho năm 2020 so với kịch bản ban đầu là tổng cổ tức 15% mệnh giá cho năm tài chính 2020 (cổ tức tiền mặt 5% và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu). Kế hoạch cổ tức cho năm 2021 không được đề cập tại ĐHCĐ.
CTG chưa có ý định phát hành cổ phiếu mới hoặc tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược trong tương lai gần.
Cập nhật ngày 28/3/2021: sẽ chia cổ tức 12% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Theo đó, trong tổng tỷ lệ dự kiến chia trên 12% này, ngoài chia tiền mặt 5%, phần còn lại (sau khi nộp thuế, trích lập các quỹ và cổ tức tiền mặt) sẽ chia bằng cổ phiếu nhằm cân đối giữa vai trò ngân hàng thương mại nhà nước và lợi ích cổ đông, nhà đầu tư. Phương án cụ thể vẫn theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Vietinbank đặt mục tiêu năm nay dư nợ tín dụng tăng 6-12%, vốn huy động tăng 8-12% và tỷ lệ nợ xấu không quá 2%.
Ngân hàng không đặt kế hoạch lợi nhuận cụ thể, mà chỉ cho biết các chỉ tiêu này "bảo đảm hiệu quả và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh, trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền".
Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm ngoái lên đến 17.085 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2019 và vượt 64% kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng và dư nợ tín dụng 1,03 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 8,1% và 7,8%.
Hồi tháng 10/2020, bằng các biện pháp xử lý nợ kết hợp với đẩy mạnh trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC, CTG đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC. Việc tất toán toàn bộ đem lại cho CTG:
(1) được phép chia cổ tức tiền mặt. Theo thông tư 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt VAMC không được chia cổ tức tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán nhằm tạo nguồn để xử lý nợ xấu. ngay sau khi tất toán trái phiếu VAMC, CTG quyết định chia cổ tức tiền mặt 5%;
(2) Chủ động hơn trong việc phân loại và xử lý nợ xấu để đạt hiệu quả tối ưu, giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2021 do đã trích lập toàn bộ trong năm 2020.
CTG hiện được giao dịch ở mức P/B là 1.62, thấp hơn so với 2 ngân hàng quốc doanh là VCB (3.75) và BID (2.21) và thấp hơn so với trung bình các ngân hàng TMCP top đầu (1.76).
Với việc là ngân hàng quốc doanh có lợi thế về chi phí vốn, hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước, cùng với triển vọng tích cực từ việc áp dụng Basel II và kế hoạch tăng vốn cũng như áp lực trích lập dự phòng là không quá lớn trong năm 2021 nếu so sánh tương quan với các ngân hàng khác, chuyên gia cho rằng CTG xứng đáng được giao dịch ở mức P/B tương đương BID, là ngân hàng quốc doanh có quy mô vốn chủ khá tương đồng nhưng có mức ROE thấp hơn so với CTG.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG)
Vốn điều lệ: 48.057.506.090.000 đồng
Vốn chủ sở hữu: 93.247.451.000.000 đồng (tại thời điểm 30/06/2021)
Địa chỉ hội sở chính: 108 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết từ ngày 16/7/2009.
30 năm xây dựng và phát triển:
1. Giai đoạn I (từ tháng 7/1988 - 2000): Thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Công Thương (Nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) hình thành và đi vào hoạt động.
2. Giai đoạn II (từ năm 2001 - 2008): Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Ngân hàng Công Thương về xử lý nợ, mô hình tổ chức, cơ chế chính sách và hoạt động kinh doanh.
3. Giai đoạn III (từ năm 2009 - 2013): Thực hiện thành công cổ phần hóa, đổi mới mạnh mẽ, phát triển đột phá các mặt hoạt động ngân hàng.
4. Giai đoạn IV (từ năm 2014 đến nay): Tập trung xây dựng và thực thi quản trị theo chiến lược, đột phá về công nghệ, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh gắn với bảo đảm hiệu quả, an toàn, bền vững.
TẦM NHÌN
Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới.
SỨ MỆNH
Là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.
GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. KHÁCH HÀNG LÀ TRUNG TÂM
"Lấy nhu cầu của khách hàng là mục tiêu phục vụ của Ngân hàng. Lắng nghe tiếng nói của khách hàng và chia sẻ với các bên liên quan để đưa ra giải pháp/ tư vấn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho khách hàng nội bộ, khách hàng bên ngoài."
2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
"Luôn thể hiện sự sáng tạo trong mọi hoạt động; liên tục đổi mới có sự kế thừa để tạo ra những giá trị tốt nhất cho hệ thống, khách hàng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước."
3. CHÍNH TRỰC
"VietinBank luôn nhất quán trong suy nghĩ và hành động đảm bảo sự tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, minh bạch và giữ vững đạo đức nghề nghiệp."
4. TÔN TRỌNG
"Thể hiện thái độ và hành động lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, ghi nhận đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và tôn trọng bản thân."
5. TRÁCH NHIỆM
"Thể hiện tinh thần, thái độ và hành động của toàn hệ thống, của từng bộ phận, từng cán bộ VietinBank có trách nhiệm cao đối với khách hàng, đối tác, cổ đông, lãnh đạo, đồng nghiệp và cho chính thương hiệu của VietinBank. Thực hiện tốt trách nhiệm VietinBank với cộng đồng, xã hội là trách nhiệm, vai trò, vinh dự, và tự hào của VietinBank."
TRIẾT LÝ KINH DOANH
An toàn, hiệu quả và bền vững;
Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương;
Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-ctg-ngan-hang-vietinbank-buoi-gap-go-tich-cuc-a291.html