Đối mặt với hoàn cảnh “ngược chiều gió”
Lũy kế 6T2023, doanh thu thuần của TCM giảm 27.6% YoY đạt 1,570.74 tỷ đồng và LNST là 105.63 tỷ đồng, giảm 18% YoY do chịu sự tác động nặng nề từ việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.
Tính riêng Q2/2023, doanh thu thuần giảm 33.8% YoY đạt 694 tỷ đồng, trong khi đó, LNST giảm nhẹ 8.2% YoY đạt 50.6 tỷ đồng nhờ ghi nhận 1.3 triệu USD lợi nhuận từ việc bán hơn 3.7 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX (HOSE: SAV), tương đương tỷ lệ sở hữu là 20.59%.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023: Trong bối cảnh nhu cầu dệt may toàn cầu suy yếu, TCM đặt mục tiêu một cách thận trọng với kế hoạch doanh thu thuần đạt 3,927.41 tỷ đồng và LNST đạt 244.89 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 13% so với mức thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo cho biết khách hàng đặt hàng nhỏ giọt và cẩn trọng hơn, theo kịch bản khả quan nhất, đến hết năm 2023 thị trường dệt may mới phục hồi. Tính đến Q3/2023, công ty chỉ mới nhận được 77% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu.
Dự án nhà máy Vĩnh Long: Do đơn hàng sụt giảm, TCM chỉ tập trung vận hành 1 nhà máy may Vĩnh Long. Đối với nhà máy may Vĩnh Long 2, TCM sẽ tuyển dụng lao động để đạt công suất theo kế hoạch ngay sau khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, đối với kế hoạch xây dựng nhà máy đan và nhuộm tại tỉnh Vĩnh Long, TCM cho biết do chi phí xây dựng nhà máy quá cao và công suất mà tỉnh Vĩnh Long cấp phép không đạt như kỳ vọng, do đó TCM sẽ tạm dừng mở rộng dự án nhà máy tại Vĩnh Long và chuyển nhượng phần còn lại của dự án nhà máy đan và nhuộm với diện tích đất khoảng 68 ngàn m2.
TCM đã đầu tư mảnh đất này ở mức USD 26/m2 và giá thị trường hiện tại đạt khoảng USD 80-85/m2, ban lãnh đạo dự kiến chuyển nhượng và dùng khoản tiền này để mua lại nhà máy hiện hữu khác gần Tp.HCM. Ước tính lợi nhuận từ việc chuyển nhượng mảnh đất này sẽ rơi vào khoảng hơn 3.5 triệu USD.
Cổ tức: Năm 2023, TCM chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 20%, với 7% cổ tức bằng tiền mặt (đã chi trả vào tháng 4/2023) và 13% cổ tức bằng cổ phiếu. Cổ tức năm 2023 dự kiến ở mức 15%.
Định giá & khuyến nghị
Trước áp lực sức mua yếu và tồn kho cao khiến cho đơn hàng sụt giảm, tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 được dự báo sẽ giảm 5% YoY từ 722 tỷ USD xuống mức 685 tỷ USD, chúng tôi dự phóng thận trọng doanh thu thuần của TCM năm 2023 đạt 3,501 tỷ đồng (-19.3% YoY).
Ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2023 sẽ giảm xuống mức 15.8% dựa trên tình hình chung của ngành là thiếu đơn hàng trong khi giá bán bị ép giảm. Qua đó, LNST năm 2023 đạt 211 tỷ đồng (-25.1% YoY).
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, Công ty Chứng khoán Phú Hưng - PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu TCM là 52,300 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị Giữ cho TCM.
Rủi ro: (1) Rủi ro tỷ giá; (2) Rủi ro cạnh tranh; (3), Rủi ro thanh toán; (4) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (5) Rủi ro lạm phát; (6) Rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới nhu cầu đơn hàng
Cập nhật ngày 10/3/2021: Tiềm năng tăng trưởng đã phản ánh vào giá, khuyến nghị BÁN
Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần của TCM giảm 4.8% YoY còn 3,470 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu nhờ xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và bán vải kháng khuẩn.
LNST đạt 276 tỷ đồng, tăng mạnh 27.4% YoY, vượt 45% kế hoạch năm do biên lợi nhuận của khẩu trang, đồ bảo hộ và vải kháng khuẩn cao hơn biên lợi nhuận của các đơn hàng truyền thống đã góp phần cải thiện biên của toàn công ty. Biên lợi nhuận gộp tăng 2% lên 17.9% vào kết thúc năm 2020.
Điểm nhấn đầu tư
Chuỗi cung ứng Dệt – Nhuộm – May tạo lợi thế giúp TCM ổn định nguồn cung nguyên liệu, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may. TCM sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh gồm sợi, dệt, đan, nhuộm, may và phân phối, giúp TCM tự chủ nguồn cung vải và ổn định biên lợi nhuận.
Tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là điểm vượt trội của TCM so với các doanh nghiệp khác trong ngành khi “điểm nghẽn” của ngành là 70% vải nguyên liệu phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu.
TCM sẽ đầu tư xây dựng nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long vào tháng 4/2021. Nhà máy với công suất 12 triệu sản phẩm/năm, đi vào hoạt động sẽ tăng công suất may thêm 50% lên 36 triệu sản phẩm/năm trong năm 2022.
Bên cạnh đó, TCM có kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm và đan của dự án Vĩnh Long trong 2022, sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm 33% công suất vải đan và 50% công suất vải dệt.
Hơn nữa, trong năm 2019, TCM đã gia nhập chuỗi giá trị của Adidas, việc nhà máy Vĩnh Long số 2 đi vào hoạt động sẽ giúp TCM tháo gỡ thách thức trong năm 2019 khi năng lực may hiện tại không thể giải quyết hết được các đơn hàng xuất khẩu đã nhận và nắm bắt tốt hơn cơ hội từ Adidas.
Chiến lược tập trung công tác nghiên cứu phát triển (R&BD) nâng cao giá trị chuỗi cung ứng. Nhằm bắt kịp xu hướng thời trang thế giới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, TCM đã hợp tác với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) gia tăng công tác R&BD, để phát triển các loại vải có tính năng nổi trội, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm của TCM.
Năm 2020, TCM đã cho ra mắt thương hiệu thời trang INNOF bán trong nước và ONLEE bán trên Amazon.
Hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ của CPTPP và EVFTA.
Định giá & khuyến nghị
Ước tính doanh thu năm 2021 khoảng 3,806 tỷ đồng (+9.7% YoY), trong khi LNST năm 2021 đạt 287 tỷ đồng (4.0% YoY). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu TCM khoảng 66,000 đồng/cổ phiếu (-17% so với giá hiện tại).
Công ty Chứng khoán Phú Hưng - PHS cho rằng các tiềm năng tăng trưởng của TCM đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị BÁN cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Rủi ro về nguồn cung lao động; (2) Rủi ro nhu cầu dệt may thế giới giảm hậu Covid-19; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia; (5) Rủi ro khoản phải thu.
Công Ty Cổ Phần Dệt May - Đầu Tư - Thương Mại Thành Công (mã TCM)
Công ty CP Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công có tiền thân là Hãng Tái Thành Kỹ nghệ Dệt được thành lập năm 1967. Sau vài lần chuyển đổi mô hình hoạt động và thay đổi tên gọi, tháng 05 năm 2008, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công.
Công ty Cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Với quy trình sản xuất khép kín và lịch sử phát triển lâu dài, Thành Công được khách hàng quốc tế biết đến như một trong những công ty dệt may hàng đầu Việt Nam.
Công ty thiết kế, sản xuất và kinh doanh sợi, vải và các sản phẩm may bằng các loại vải do chính công ty sản xuất gồm: áo polo, T-shirt, trang phục thể thao, sản phẩm may thời trang… phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trong những năm vừa qua, công ty quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của công ty. Đặc biệt, công ty thường xuyên đổi mới, trang bị máy móc thiết bị, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, công ty còn tạo ra môi trường làm việc tốt, chăm lo và không ngừng cải thiện đời sống vật chất tinh thần, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Tổng công ty.
Trong suốt 6 thập kỷ qua, Thành Công luôn nỗ lực tạo dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các đối tác trên cơ sở mang lại lợi ích song phương, không ngừng phát triển hoạt động kinh doanh của mình, mang đến cho khách hàng sản phẩm và dịch vụ với chất lượng tốt nhất.
CÁC LĨNH VỰC KINH DOANH CHÍNH
1. Dệt may – Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi, dệt, đan kim, nhuộm và may mặc.
2. Thời trang bán lẻ
3. Bất động sản
4. Thương hiệu: TCM
Trụ Sở Chính: 36 Tây Thạnh, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành Phố Hồ Chí Minh
Công ty Chứng khoán Phú Hưng - PHS
Link nội dung: https://vinabull.vn/danh-gia-co-phieu-tcm-det-may-thanh-cong-tiem-nang-tang-truong-da-phan-anh-vao-gia-khuyen-nghi-ban-a243.html