Cập nhật cổ phiếu SAB (Sabeco): không thể chờ "gió lặng, mưa ngừng"

Sáng 25/4, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 trong bối cảnh ngành bia rượu chịu nhiều bất lợi như nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và các quy định về đồ uống có cồn.

 

sab-sabeco-beer-pg-1617185800.jpg
 Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco

Hoạt động sản xuất kinh doanh Sabeco vì thế chỉ đạt lần lượt 76% và 74% mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2023 giảm 13% so với 2022, còn 30.461 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 23%, còn 4.255 tỷ đồng.

Dự báo thị trường bia 2024 vẫn đối diện nhiều khó khăn nhưng Đại hội cổ đông của Sabeco vẫn thông qua kế hoạch doanh thu 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận 4.580 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 7,6% so với 2023.

Bình luận về mục tiêu tham vọng trong bối cảnh thị trường nhiều bất lợi, Tổng giám đốc Lester Tan Teck Chuan nói rằng không thể đợi giông bão đi qua. "Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa", ông Lester Tan tuyên bố.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Sabeco Koh Poh Tiong xem hoạt động của Sabeco thời gian qua là điệu nhảy Rumba - Chachacha. Hiện ông muốn nhảy nhanh hơn. "Tôi rất tự tin với mục tiêu mới. Tôi cũng nói với Tan (CEO Sabeco) là không cần nhảy chậm nữa, nhảy RocknRoll luôn đi", ông ví von.

Chỉ ra các bất lợi năm nay, Sabeco cho rằng người dân vẫn thắt chặt chi tiêu trong khi chi phí đầu vào từ bao bì, nguyên vật liệu, vận tải vẫn ở mức cao. Song song đó, Nghị định 100 được dự đoán tiếp tục kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự báo tiếp tục là một sức ép không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.

Những yếu tố này khiến mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của Sabeco năm hay "hơi cao một xíu", theo CEO Lester Tan. Tuy nhiên, ông dự báo công ty có thể đạt được bằng 3 chiến lược chính là tập trung vào tối ưu hoạt động thương mại, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và ESG (chỉ tiêu môi trường, xã hội và quản trị).

Trong đó, Sabeco tiếp tục tìm cách cắt giảm, sử dụng chi phí hiệu quả. Ở tiếp cận thị trường, công ty làm việc trực tiếp với chuỗi cung ứng cũng như các nhà phân phối cấp 1 để đảm bảo phát triển về khả năng bán hàng và năng lực bán hàng.

Gần đây, họ thành lập một công ty chuyên tập trung vào kênh bán mang về hiện đại và đang trong những công ty có hiệu suất tốt nhất. Chỉ mới chính thức gia nhập thương mại điện tử từ tháng 10/2023 nhưng đây được xem là kênh rất triển vọng.

"Có nhiều khách hàng am hiểu công nghệ, sử dụng các nền tảng mua bán rất thành thạo, nên đây là lĩnh vực rất hứa hẹn và tiềm năng mà chúng tôi phải nghiên cứu", ông Lester Tan đánh giá.

Chủ thương hiệu bia Sài Gòn và 333 đã có quý khởi đầu 2024 thuận lợi với doanh thu doanh thu tăng 15,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 2%, lên hơn 1000 tỷ đồng. Động lực của 3 tháng đầu năm nhờ tối ưu hoạt động thương mại và đội ngũ bán hàng làm việc hiệu suất tốt, theo CEO.

Nhận định cả năm, Sabeco cho rằng thị trường vẫn có "cơ hội vàng" nhờ: cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh; tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.

Đến nay, cơ cấu cổ đông của Sabeco vẫn không đổi khi Vietnam Beverage - công ty con của ThaiBev (Thái Lan) nắm hơn 687 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Sabeco trình đại hội phương án phân phối lợi nhuận 2024 với việc dành ra 4.489 tỷ đồng để chia cổ tức, tương ứng tỷ lệ 35%.

Đầu tháng 2 vừa qua, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Dự kiến đợt 2 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt sẽ thanh toán vào 31/7. Vietnam Beverage của tỷ phú Thái lan Charoen Sirivadhanabhakdi vì vậy sẽ tiếp tục nhận thêm gần 1.400 tỷ cổ tức còn lại năm 2023 và hơn 2.400 tỷ cổ tức 2024.

Thành viên cập nhật ngày 7/4/2023: trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%, tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm một cổ phiếu phát hành mới.

Thông tin trên được Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco công bố trong tài liệu họp thường niên tổ chức vào cuối tháng.

Theo đó, công ty sẽ dùng hơn 6.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phát hành cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1. Điều này đồng nghĩa cổ đông của Sabeco đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu thì nhận thêm chừng đó cổ phiếu mới. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.

Đợt phát hành dự kiến thực hiện năm nay. Thaibev, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 53,59% vốn, sẽ nhận hơn 343 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành mới. Bộ Công Thương đang nắm giữ 36% vốn sẽ nhận gần 231 triệu cổ phiếu.

Vốn điều lệ của Sabeco sẽ tăng từ 6.412 tỷ đồng lên 12.825 tỷ đồng sau đợt phát hành.

Đây là lần đầu tiên Sabeco phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016. Trước đây, công ty chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ dao động 15-50% một năm, tức cổ đông cứ sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận 1.500-5.000 đồng.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu được Sabeco công bố sau một năm kinh doanh thuận lợi. Doanh thu và lợi nhuận năm ngoái lần lượt đạt 34.980 tỷ đồng và 5.500 tỷ đồng, tăng 32% và 40% so với cùng kỳ, vượt xa kế hoạch đề ra. Kết quả này cũng là kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Sabeco, hoạt động kinh doanh năm ngoái có nhiều thuận lợi nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần trở lại và các chuỗi sự kiện lớn được tổ chức đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ uống nói chung và bia nói riêng.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 15% doanh thu và 5% lợi nhuận, lần lượt đạt 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đồng, để tiếp tục xác lập đỉnh cao mới. Ban lãnh đạo công ty này nhận định ngành bia Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng khi thu nhập của người dân tăng nhanh, cộng thêm tiềm năng lớn từ phân khúc "bia không cồn" và xuất khẩu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn là sự cạnh tranh thị phần tiếp tục diễn ra gay gắt.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO

Người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với thương hiệu Bia Sài Gòn của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO. 

Hương vị độc đáo của Bia Sài Gòn là kết tinh sản vật của vùng đất phương Nam trù phú và tinh thần hào sảng phóng khoáng của người Sài Gòn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống vui buồn  hàng ngày.

Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. 

Đến nay, dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan v..v.  

Năm 2017, ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của SAB với giá 4,8 tỷ USD, trở thành công ty mẹ của công ty sản xuất bia này. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO ThaiBev trong chia sẻ mới đây còn nhấn mạnh: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.

Theo số liệu năm 2021, Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-sab-sabeco-a194.html