Kết quả kinh doanh VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn): năm 2023 lỗ vì chứng khoán, lời nhờ tiền gửi ngân hàng

CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đã công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý gần nhất với doanh thu và lợi nhuận đáng chú ý.

untitled-wihz-mmht-1614646282.jpg

 

Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy công ty đang có 181,2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, tăng thêm khoảng 1,9 tỷ so với năm 2022. Nhưng giá trị hợp lý của các khoản này vào cuối năm chỉ còn 142,3 tỷ đồng.

Như vậy, Vĩnh Hoàn đang lỗ gần 39 tỷ đồng trong chứng khoán, tương đương 21,5%. Hiệu suất đầu tư của công ty ngược chiều so với thị trường chung khi năm 2023, VN-Index tăng hơn 12%.

Khoảng 97% vốn đầu tư của VHC nằm ở các cổ phiếu bất động sản, lần lượt theo thứ tự là NLG của Nam Long, DXS của Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Đô thị Kinh Bắc. So với năm 2022, Vĩnh Hoàn rót tiền thêm mua NLG và DXS, trong khi bán ra hơn một phần ba lượng cổ phiếu KBC.

DXS là mã gây thiệt hại nhiều nhất cho danh mục của VHC với mức lỗ 42%. Theo sau là NLG với mức lỗ 12% và KBC chỉ đi lùi 1,6%.

Vĩnh Hoàn bắt đầu đầu tư chứng khoán năm 2020 với số vốn khoảng 9 tỷ đồng. Trong năm đầu tiên, hoạt động này không ghi nhận lỗ hoặc lãi. Sang năm 2021, công ty bắt đầu rót tiền gom NLG và DXS để nâng tổng giá trị danh mục lên gần 80 tỷ đồng và ghi nhận hiệu suất 14,6%. Đây là thời điểm thị trường chứng khoán đang trong xu hướng lên giá (uptrend) với mức tăng trưởng của VN-Index đạt gần 36%.

Hoạt động đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn sa sút từ năm 2022. Doanh nghiệp này rót thêm vốn để nâng tổng giá trị danh mục lên hơn 179 tỷ đồng nhưng lỗ khoảng 77 tỷ với mức thâm hụt 42,7%. Thời điểm đó, thị trường chung ghi nhận "cú sập" lớn với VN-Index giảm gần 33%.

Ngoài đầu tư chứng khoán, Vĩnh Hoàn vẫn chuộng đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng. Công ty đang có hơn 236 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và gần 1.926 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng đến dưới một năm. Nhờ đó, doanh nghiệp này ghi nhận khoảng 117 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 50 tỷ đồng vào kênh trái phiếu.

Về kết quả kinh doanh, Vĩnh Hoàn vỡ kế hoạch đề ra khi sản lượng và giá bán đều giảm trong năm trước. Doanh thu giảm 24% về hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa còn gần 950 tỷ đồng, thấp nhất trong ba năm qua.

Cập nhật 9 tháng 2022: doanh thu 10.833 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9. Theo đó, tháng 9/2022, doanh nghiệp thu về 917 tỷ đồng từ doanh thu xuất khẩu, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, doanh thu xuất khẩu trong tháng 9 của doanh nghiệp vẫn thấp hơn 28% so với tháng 8 trước đó.

Cụ thể, doanh thu từ mảng cá tra ghi nhận đạt 540 tỷ đồng, tăng 15% so với tháng 9/2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ mảng phụ phẩm đạt 207 tỷ đồng, mảng chăm sóc sức khỏe đạt 57 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 50% so với tháng 9/2021.

Về cơ cấu doanh thu theo khu vực, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tại thị trường Trung Quốc là 81 tỷ đồng, tại Mỹ là 320 tỷ đồng, ghi nhận mức sụt giảm nhẹ lần lượt là 4% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tại châu Âu và các thị trường nước khác, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Đáng kể đến, tại Việt Nam, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng đáng kể 144%, đạt 260 tỷ đồng trong tháng 9/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Hoàn thu về khoảng 10.833 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu đến từ thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất, chiếm 4.997 tỷ đồng.

Cập nhật quý 2/2022: lợi nhuận gấp 3 lần

CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đã công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý II với doanh thu 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 784 tỷ đồng, gấp 3 lần.

Đây là mức lãi cao nhất tính theo quý kể từ khi niêm yết, quý đứng thứ 2 là quý III/2018 với 609 tỷ đồng. 

Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp cá tra tiếp tục cải thiện từ 18,45% lên 25,95%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý có mức tăng thấp hơn doanh thu với lần lượt 41% và 37%. 

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu đạt 7.494 tỷ đồng, tăng 81%; lãi ròng 1.332 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. EPS đạt 7.263 đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Công ty thực hiện 58% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm 

Doanh nghiệp cho biết sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận quý II cũng như nửa đầu năm tăng cao. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều phục hồi tốt trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng lập đỉnh 5 USD/kg, cao hơn gần 2 USD có với cùng kỳ năm trước. 

Cập nhật quý 1/2022: lợi nhuận tăng mạnh nhưng dòng tiền âm kỷ lục

CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022. Theo đó, trong quý I/2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.267,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 553,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,7% và 320,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,2% lên 23,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 185,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 505,9 tỷ đồng lên 778,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 88,8%, tương ứng tăng thêm 33,38 tỷ đồng lên 70,97 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 124,3%, tương ứng tăng thêm 23,5 tỷ đồng lên 42,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,4%, tương ứng tăng thêm 3,34 tỷ đồng lên 142,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Mặc dù lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục. Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 680,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 139,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 261 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 885,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, Công ty đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán hợp lý là 144,6 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá là 5,7 tỷ đồng. Trong đó, đang đầu tư 48,97 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS; 41,86 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG, đã trích lập 2,4 tỷ đồng; và các cổ phiếu khác là 53,8 tỷ đồng, trích lập 3,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 46,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 885,6 tỷ đồng lên 2.777 tỷ đồng và chiếm 27% tổng nguồn vốn.

Cập nhật quý 4/2021: lợi nhuận sau thuế đạt 461 tỷ đồng, tăng 176%

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 2.694 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng lên tới 2.053 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 638 tỷ đồng. 

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên lần lượt đạt 93 tỷ và 60 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 461 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ. EPS quý 4 đạt gần 2.500 đồng/cổ phiếu. 

Luỹ kế năm 2021, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 9.060 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn cả năm lên tới 7.303 tỷ đồng khiến lãi gộp đạt 1.752 tỷ. Chi phí quản lý bán hàng tăng gấp đôi lên 343 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên 212 tỷ. Do đó Vĩnh Hoàn đạt lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ đồng cho năm 2021, tăng 54,3% so với năm trước. 

Tính đến 31/12/2021, Vĩnh Hoàn có tổng tài sản đạt 8.734 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ so với con số đầu kỳ. Nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 2.852 tỷ, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.723 tỷ đồng, vay dài hạn chỉ 168 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn có tổng cộng 3.833 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. 

Theo ban lãnh đạo công ty chênh lệch biến động lợi nhuận sau thuế lớn so với cùng kỳ năm 2020 là do sản lượng bán tăng và giá bán tăng. 

Cập nhật quý 3/2021: kinh doanh lãi nhưng chơi cổ phiếu bị lỗ 

Trái với nhiều e ngại, kết quả kinh doanh quý III/2021 của CTCP Vĩnh Hoàn gây bất ngờ vì lãi ròng lên đến 255 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ. Danh mục đầu tư chứng khoán của VHC vẫn đang tiếp tục “gồng lỗ” CTG.
 
Trong quý III/2021, các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thuỷ sản bị ảnh hưởng mạnh khi phải sản xuất “3 tại chỗ” nhằm phòng chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực trên trước đó thông qua các hiệp hội cho biết rất khó khăn để duy trì hoạt động toàn công suất như bình thường, qua đó làm giảm đơn hàng xuất khẩu.

Mặc dù vậy, báo cáo quý III/2021 của VHC cho thấy, các chỉ tiêu của doanh nghiệp đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 2.232 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, giá vốn tăng ít hơn, 16%, giúp lợi nhuận gộp ghi nhận 408.7 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp 18,31%, trong khi quý III/2020 chỉ 12,6%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính 50 tỷ đồng, giảm 27%, trong khi các chi phí đều tăng mạnh, gồm chi phí tài chính 44,6 tỷ đồng, tăng 119%, chi phí bán hàng 60,6 tỷ đồng tăng 69%, và chi phí quản lý 51,5 tỷ đồng cũng tăng đến 52%.

Kết quả lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 255,4 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Theo lý giải của VHC, lợi nhuận tăng do giá bán tăng.

Luỹ kế 9 tháng, VHC ghi nhận doanh thu thuần 6.366 tỷ đồng, tăng 24% và lãi ròng 647 tỷ đồng, tăng 17%. Như vậy, VHC đã thực hiện được 74% chỉ tiêu doanh thu và 93% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021 sau 9 tháng.

Đáng chú ý trên báo cáo tài chính của VHC cho thấy, Công ty đã gia tăng gấp đôi tiền đầu tư cổ phiếu trong quý III. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III/2021, giá trị danh mục đầu tư là 141,2 tỷ đồng, giá trị thị trường là 132 tỷ đồng, theo đó VHC đang tạm lỗ vị thế 9,2 tỷ đồng. Danh mục đầu tư chiếm tỷ trọng lớn là CTG với giá gốc đầu tư 28,7 tỷ đồng và DXS hơn 38,35 tỷ đồng, còn lại đầu tư khác 74 tỷ đồng.

Trong đó, khoản đầu tư CTG đang tạm ghi nhận lỗ 5,42 tỷ đồng, tương ứng lỗ gần 19% và DXS lỗ 1,86 tỷ đồng, tương ứng âm 5%.

Cụ thể, cuối quý III, giá gốc đầu tư vào CTG là 12,217 tỷ đồng, giá trị hợp lý tại thời điểm 30/6/2021 là 12,121 tỷ đồng, tương ứng VHC nắm khoảng 230.000 cổ phiếu với giá mua ở vùng 53.100 đồng/cổ phiếu - là mức giá sát với vùng đỉnh của CTG (54.800 đồng/cổ phiếu ngày 28/6). Đến cuối quý III, với giá thị trường CTG là 30.400 đồng/cổ phiếu, ước tính VHC nắm giữ hơn 766.000 cổ phiếu CTG.

Còn với DXS, giá gốc đầu tư ghi nhận cuối quý II là 25,6 tỷ đồng, theo đó, VHC đã tham gia mua IPO DXS với giá 32.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng sở hữu 800.000 cổ phiếu DXS. Bước sang quý III, với giá thị trường 30/9 là 28.600 đồng/cổ phiếu, ước tính VHC đã tăng nắm giữ DXS lên khoảng 1.275.000 cổ phiếu.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận sau thuế 261 tỷ, tăng 16%

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố KQKD hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu bán hàng 2.344 tỷ đồng, tăng 38% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 4.134 tỷ đồng, tăng gần 24%.

Chi phí bán hàng của Vĩnh Hoàn tăng rất mạnh trong quý 2, lên tới 101 tỷ đồng, tăng 180% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng chi phí bán hàng lên tới 190 tỷ đồng, tăng 154% cùng kỳ 2020. 

Kết quả, lợi nhuận sau thuế và lãi ròng hợp nhất quý 2/2021 đạt 261 tỷ đồng, tăng 16% cùng kỳ năm trước và là quý có lãi lớn nhất trong 7 quý trở lại đây. Luỹ kế 6 tháng LNST hợp nhất đạt 392 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% cùng kỳ 2020. EPS 6 tháng đạt 2.152 đồng.

Cập nhật quý 2/2021: lợi nhuận giảm 13,5% do chi phí vận tải tăng mạnh

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã chứng khoán VHC - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với doanh thu thuần đạt 1.788,2 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Lợi nhuận sau thuế đạt 131,6 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,1% lên 15,2%.

Lợi nhuận quý I/2021 tiếp tục giảm chủ yếu do doanh thu tài chính giảm trong khi chi phí bán hàng và quản lý lại tăng mạnh. Doanh nghiệp có thuyết minh chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu tăng.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp chỉ còn ghi nhận 8,6 tỷ đồng so với đầu năm là 9 tỷ đồng. Như vậy, gần như sau khi trading cổ phiếu năm 2020, cuối năm, VHC tất toán các khoản mục đầu tư chứng khoán và chưa có dấu hiệu quay trở lại đầu tư tài chính với các cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã chứng khoán VHC - sàn HOSE)
Tiền thân của công ty CP Vĩnh Hoàn là Công ty TNHH Vĩnh Hoàn thành lập ngày 19/12/1997. Năm 2007, công ty chuyển đổi thành công ty CP với tên gọi Công ty CP Vĩnh Hoàn. Công Ty CP Vĩnh Hoàn là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam.
Vĩnh Hoàn là công ty có quy mô thuộc vào những doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến xuất khẩu của cả nước, tổng công suất hiện tại lên đến 250 tấn cá nguyên liệu/ngày.
Công ty có lợi thế về nguồn cung cấp nguyên liệu do nằm tại tỉnh Đồng Tháp, một tỉnh thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có môi trường và điều kiện được xem là thuận lợi nhất của ngành nuôi thả cá Tra, Basa nguyên liệu với 8 vùng nuôi cá tra, tổng diện tích 136,5 ha, cung cấp 34% nhu cầu nguyên liệu.
Các sản phẩm của công ty đủ điều kiện xuất khẩu rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ và các nước thuộc EU, thị trường khó tính nhất trong ngành xuất khẩu thực phẩm từ các thị trường ngoài nước và dần trở thành thương hiệu có uy tín cả trong và ngoài nước.

Link nội dung: https://vinabull.vn/ket-qua-kinh-doanh-quy-vhc-thuy-san-vinh-hoan-a154.html