VOS là doanh nghiệp vận tải biển lâu năm đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên khắp các tuyến hàng hải và cảng biển trong nước và thế giới.
Hiện nay đội tàu của VOS đang có tuổi đời cao, trước tình trạng nhu cầu vận chuyển sụt giảm do kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và sự cạnh tranh trong ngành ngày một khốc liệt khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng giảm, SBS đánh giá cổ phiếu VOS ở mức Rủi ro.
• Ngành vận tải biển nói chung và VOS nói riêng đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid năm 2020 và sự suy giảm của kinh tế toàn cầu. Khiến lực cầu bị giảm sút, tình trạng cạnh tranh trong ngành gia tăng và giá vận chuyển trong thời gian gần đây đang rất thấp khiến các doanh nghiệp vận tải biển đang rất khó khăn.
• Công ty đang sở hữu và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng tải trọng khoảng 460,000 dwt gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 3 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container.
• VOS dự kiến sẽ bán tàu hàng rời Neptune Star trong 2023, đang chiếm khoảng 7.1% tổng trọng tải đội tàu của DN, 2024 dự kiến bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thể bán được nên KQKD quý 4 theo chúng tôi vẫn sẽ kém khả quan.
• Theo kế hoạch dài hạn thì dự kiến đến năm 2027, VOSCO sẽ khai thác 23 tàu, với 16 tàu hàng khô (9 tàu thuê ngoài); 4 tàu dầu sản phẩm thuê ngoài; 3 tàu container (1 tàu thuê ngoài), tổng trọng tải khoảng 800.000 dwt.
• Sau thời gian dài khó khăn, quy mô và chất lượng đội tàu của DN đều giảm, trong khi đó cơ hội để đầu tư phát triển và trẻ hoá đội tàu đang gặp nhiều trở ngại.
• Các cuộc tấn công trên biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn thương mại quốc tế thông qua kênh đào Suez, tuyến vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 1/6 lưu lượng vận tải biển toàn cầu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng chi phí vận tải do nhiều tàu phải đi đường vòng, làm lạm phát tăng cao trong thời điểm nhu cầu vận chuyển đang sụt giảm, tăng trưởng kinh tế toàn câu đang giảm tốc.
- VOS đang vận hành đội tàu hàng rời và tàu container hoạt động dưới giá vốn và chờ thời điểm giá cước cải thiện để vận hành với giá cao hơn. Điều này khiến hiệu quả hoạt động của VOS suy giảm khi
chi phí vận hành ngày một tăng cao.
- Trong tình hình kinh tế nhiều nước khó khăn và nhiều bất ổn như hiện nay, lưu lượng hàng hóa giao thương sẽ giảm mạnh.
Định giá
1) PP So sánh P/E:
Dự báo năm 2023, VOS sẽ đạt LNST ở mức 69 tỷ, tương đương EPS-forward đạt 493. P/E mục tiêu cho các DN có quy mô tương đương là 13.9. Giá trị hợp lý của VOS: 6,853 đồng/cp
2) PP So sánh P/B:
Dự báo Book value-fw của VOS sẽ đạt 11,200 vào cuối năm 2023. P/B mục tiêu cho các DN có quy mô tương đương là 0.95. Giá trị hợp lý của VOS: 10,640 đồng/cp
SBS nhận định
VOSCO là một trong những công ty vận tải biển hàng đầu của Việt Nam, phục vụ đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Đội tàu hiện tại của VOSCO rất đa dạng, gồm các tàu chở hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên đứng trước một năm kinh tế khó khăn và nhiều những bất ổn đã khiến lượng cầu giảm mạnh cùng với đó là giá cước cũng về mức thấp khiến lợi nhuận DN ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời VOSCO cũng là doanh nghiệp đã hơn 12 năm nay chưa trả cổ tức bằng tiền mặt.
SBS đánh giá cổ phiếu VOSCO ở mức Rủi ro đối với hoạt động đầu tư dài hạn nên Khuyến nghị: BÁN.
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO, mã VOS)
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO, mã VOS) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2008 trên cơ sở chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) được thành lập ngày 01/7/1970.
Từ khi thành lập đến nay, VOSCO luôn không ngừng nỗ lực mở rộng, phát triển và đổi mới đội tàu. Đội tàu hiện tại của VOSCO rất đa dạng, gồm các tàu chở hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế.
Hoạt động kinh doanh chính của VOSCO là vận tải biển. VOSCO không chỉ là chủ tàu, quản lý và khai thác tàu mà còn tham gia vào các hoạt động thuê tàu, mua bán tàu, các dịch vụ liên quan thông qua các công ty con và chi nhánh như dịch vụ đại lý, giao nhận& logistic; sửa chữa tàu; cung ứng dầu nhờn, vật tư; cung cấp thuyền viên... cũng như các hoạt động liên doanh, liên kết.
VOSCO đã thiết lập, thực hiện, duy trì, vận hành có hiệu quả Hệ thống Quản lý An toàn, Chất lượng và Môi trường (SQEMS) và thường xuyên chú trọng bổ sung và cải tiến nâng cao hiệu lực của hệ thống theo các yêu cầu của Bộ luật Quản lý An toàn Quốc tế (ISM Code), tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và Công ước Lao động hàng hải.
Với bề dày truyền thống và sự tận tâm với khách hàng, VOSCO tự hào là một trong những công ty vận tải biển hàng đầu của Việt Nam, phục vụ đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng nỗ lực đảm bảo cung cấp cho khách hàng dịch vụ vận tải chất lượng, chuyên nghiệp và uy tín.
Những sự kiện nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển Vosco
+ Hai tàu biển Việt Nam đầu tiên là tàu Tự lực 06 và tàu Tăng-kít TK154 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký phong tặng danh hiệu Anh hùng vào ngày 7/6/1972 và ngày 31/12/1973.
+ Ngày 9/11/1973, tàu Hồng Hà (trọng tải 4.3888 DWT) mở luồng Việt Nam - Nhật Bản, là tàu đầu tiên của ngành Hàng hải mở luồng đi biển xa, tạo đà cho bước phát triển đội tàu vận tải viễn dương.
+ Năm 1974, Vosco là doanh nghiệp đầu tiên của ngành Hàng hải Việt Nam thực hiện phương thức vay mua tàu để phát triển đội tàu: mua 3 tàu Sông Hương, Đồng Nai và Hải Phòng. Cho đến nay, Công ty đã quản lý và khai thác gần 100 lượt tàu biển hiện đại. Tính bình quân sau 6 đến 7 năm, Công ty hoàn thành trả nợ vốn và lãi mua tàu
+ Ngày 13/5/1975, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tàu Sông Hương trọng tải 9.580 DWT là tàu đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa do Thuyển trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm chỉ huy cập Cảng Nhà Rồng, đặt nền móng đầu tiên cho việc thông thương hai miền Nam-Bắc bằng đường biển, góp phần đắc lực để phục hồi kinh tế đất nước sau chiến tranh.
+ Tháng 10/1975, hai tàu dầu Cửu Long 01 và Cửu Long 02 tải trọng 20.840 DWT là hai tàu dầu đầu tiên, lớn nhất của Việt Nam lần đầu mở luồng đến các nước Đông Phi và Nam Âu.
+ Năm 1977, tàu Sông Chu- tàu đầu tiên của ngành Hàng hải mở luồng đi châu Úc và Ấn Độ mở rộng thị trường vận tải ngoại thương.
+ Năm 1982, hai tàu Thái Bình và Tô Lịch là hai tàu đầu tiên của Việt Nam mở luồng đi các nước Tây Phi và châu Mỹ, đánh dấu đội tàu VOSCO đến đủ năm châu, bốn biển.Tàu Thái Bình đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là tàu Việt Nam đầu tiên hành trình vòng quanh Thế giới.
+ Ngày 24/7/1996 Công ty nhận tàu Morning Star trọng tải 21.353 DWT là tàu hàng rời chuyên dụng đánh dấu bước chuyển mình trong lĩnh vực đầu tư sang loại tàu chuyên dụng, cỡ lớn có tầm hoạt động rộng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
+ Tháng 7/1997, Vosco là Công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam triển khai áp dụng Bộ luật Quảnlý An toàn Quốc tế (ISM Code) trước khi Bộ luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1998.
+ Năm 1999 Công ty đặt đóng ba tàu Vĩnh Thuận, Vĩnh An, Vĩnh Hưng trọng tải 6.500 DWT tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng; đây là ba tàu biển đầu tiên, lớn nhất lúc đó đóng tại Việt Nam tạo tiền đề quan trọng cho ngành Đóng tàu Việt Nam phát triển và trở thành quốc gia đóng tàu biển có tên trong danh sách các cường quốc đóng tàu thế giới.
+ Ngày 27/10/1999 Công ty nhận tàu dầu Đại Hùng trọng tải 29.997 DWT tại cảng Mizushima, Nhật Bản và đưa vào khai thác chuyến đầu tiên từ Singapore về Đà Nẵng đánh dấu sự trở lại của Công ty trong lĩnh vực vận chuyển dầu-khí.
+ Ngày 02/5/2000, tàu Đại Long trọng tải 29.996 DWT là dầu sản phẩm đầu tiên mang cờ Việt Nam đến cảng Charleston, Hoa Kỳ sau Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ.
+ Năm 2002, Vosco là Công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng ISO9001-2000.
+ Năm 2004, Vosco là Công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam áp dụng Bộ luật An ninh Tàu và Bến cảng (ISPSCode).
+ Ngày 29/3/2006, thành lập Trung tâm Huấn luyện thuyền viên và Vosco trở thành Công ty vận tải biển duy nhất có một trung tâm được trang bị hệ thống thiết bị mô phỏng buồng lái, buồng máy hiện đại để đào tạo, huấn luyện sỹ quan thuyền viên, nâng cao trình độ quản lý khai thác đội tàu của Công ty.
+ Ngày 11/7/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 2138/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Vận tải biển Việt Nam, đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, Nhà nước sở hữu 60%. Từ ngày 01/01/2008 Công ty Vận tải biển Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi mới là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO).
+ Ngày 02/12/2008 Công ty đã mua và đưa 2 tàu container Fortune Navigator và Fortune Freighter (560TEU) vào khai thác chuyên tuyến đánh dấu sự tham gia của Công ty trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng container định tuyến - một lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
+ Ngày 17/4/2010, Công ty đã tiếp nhận và đưa vào khai thác tàu Vosco Sky, trọng tải 52.523 DWT đóng tại Nhật Bản năm 2004, là tàu hàng rời chuyên dụng cỡ Supramax đầu tiên của Công ty.
+ Ngày 08/9/2010, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch phiên đầu tiên tại Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán là "VOS".
Công ty Chứng khoán SBS
Link nội dung: https://vinabull.vn/dcall-dung-bo-cuoc-chi-vi-tam-thoi-thua-lo-a142.html