Trong Q2/2023, TNH ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 4% svck (đạt 123 tỷ đồng) nhưng LNST giảm 2% svck (đạt 37 tỷ đồng), thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng LNST của chúng tôi. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận ròng của công ty lại khá lạc quan, cụ thể, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 470 tỷ đồng (tăng 1% svck) và 150 tỷ đồng (tăng 7% svck). Ngoài ra, việc xây dựng Bệnh viện Việt Yên đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024.
Kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 15% và phát hành 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua (với mức chiết khấu 63% so với giá thị trường) và dự kiến sẽ thực hiện trong Q4/2023. Nếu thành công, tổng số cổ phiếu của TNH sẽ tăng từ 96 triệu lên 125 triệu cổ phiếu.
Trong năm 2023, chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ ước tính doanh thu từ 493 tỷ đồng xuống 488 tỷ đồng (tăng 5% svck), trong khi lợi nhuận ròng giảm từ 152 tỷ đồng xuống 148 tỷ đồng (tăng 5% svck). Chúng tôi cũng đưa ra ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2024 lần lượt là 535 tỷ đồng (tăng 10% svck) và 157 tỷ đồng (tăng 6% svck), với giả định kế hoạch việc mở bệnh viện mới trong nửa cuối năm 2024 diễn ra đúng tiến độ. Trong khi doanh thu dự kiến sẽ tăng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có phần chậm hơn do chi phí vận hành cao tại Bệnh viện Việt Yên với công suất hoạt động thấp.
Tuy nhiên, do lãi suất thị trường đã giảm đáng kể, chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu TNH từ 27.000 lên 28.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 15x (tăng từ 13x).
SSI định giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu TNH là 28.000 Đồng/cp và duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP. Cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2023 và 2024 là 15x, tương đương với P/E trung bình là 15x.
Quan điểm ngắn hạn: Kết quả Q3/2023 ước tính cải thiện so với Q2/2023, do số lượt khám sức khỏe định kỳ tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng thấp svck do tỷ lệ thất nghiệp tại các KCN ở Thái Nguyên cao hơn so với năm ngoái.
Tiềm năng tăng giá và Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Số lượt khám chữa bệnh cao hơn/thấp hơn so với dự kiến và Bệnh viện TNH Việt Yên đi vào hoạt động đúng tiến độ/chậm so với kế hoạch.
Cập nhật ngày 10/10/2022: đà mở rộng quy mô sẽ gây áp lực lớn lên dòng tiền
Công ty cổ phần bệnh viện quốc tế Thái Nguyên hiện nay đang sở hữu hai bệnh viện là bệnh viện quốc tế Thái Nguyên và bệnh viện đa khoa Yên Bình. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú, doanh thu từ hoạt động khám chữa bệnh chiếm tỷ trọng lên tới 99% tổng doanh thu.
Ngoài ra, công ty còn có hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho các khối cơ quan nhà nước và ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cập nhật kết quả kinh doanh 1H2022
Kết quả kinh doanh 1H2022, doanh thu và LNST lần lượt đạt 207 tỷ đồng (+13% YoY) và 54 tỷ đồng (+9% YoY), tương ứng hoàn thành 48% và 36% kế hoạch năm. Trong nửa đầu năm, tổng số lượt khám tại 02 bệnh viện đạt khoảng 200.000 lượt và dự kiến tới cuối năm sẽ đạt khoảng 400.000 lượt.
Theo chia sẻ từ công ty, vào Q3/2022 công ty đã tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (mỗi năm sẽ điều chỉnh một lần) thêm 30% so với mức giá cũ và điều này đã làm giảm tổng số lượt khám khoảng 10% trong một tháng đầu tiên. Hiện tại, số lượt khám mỗi ngày của bệnh viện đã quay trở lại như thời điểm trước khi nâng giá dịch vụ, khoảng 1.000 lượt khám/ngày. Ngoài ra, số lượng người dân đăng ký khám chữa bệnh tại TNH để hưởng chế độ BHYT đã tăng lên 80.000 cao hơn rất nhiều so với con số khoảng 30.000 vào năm 2021.
Mở rộng quy mô với kế hoạch xây các bệnh viện mới
TNH đang có KH đầu tư Bệnh việt đa khoa Việt Yên với tổng vốn đầu tư là 618 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất rộng 5.487 m2 tại KDC Nguyễn Thế Nho, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án bệnh viện có mật độ xây dựng 39%, xây dựng tối đa 15 tầng và số giường bệnh thiết kế ban đầu là 300 giường. Hiện nay, công ty đã trúng thầu đấu giá đất vào ngày 03/03/2022 và đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đánh giá bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy. Dự kiến tới tháng 10/2022, công ty có thể hoàn thành giấy phép xây dựng bệnh viện Việt Yên và có thể đi vào hoạt động kể từ Q4/2023.
Kế hoạch xây dựng 02 bệnh viện chuyên khoa mắt và phụ sản TNH Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lần lượt là 165 tỷ đồng và 330 tỷ đồng. Trong đó, bệnh viện phụ sản dự kiến hoạt động tại tòa nhà 10 tầng cũ (xây dựng năm 2014) và bệnh viện mắt xây dựng trên quỹ đất còn lại TNH. Hiện nay, pháp nhân của hai bệnh viện mắt và phụ sản đều đã được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong tương lai, công ty có kế hoạch mở rộng bệnh viện đa khoa Yên Bình giai đoạn 2 sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động được một năm và vượt công suất khoảng 200%, số giường thực kê là 302 giường/tổng số 150 giường kế hoạch, công suất tối đa mà Yên Bình có thể đáp ứng lên tới 350 đến 400 giường.
Trong cơ cấu nguồn vốn của TNH, tỷ trọng về nợ vay đang chiếm tỷ lệ tương đối cao khiến cho việc triển khai đồng thời ba dự án xây dựng bệnh viện mới và mở rộng bệnh viện Yên Bình giai đoạn 2 sẽ gây áp lực lớn lên dòng tiền của công ty. Do đó, chúng tôi cho rằng, trong năm 2023, công ty sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Việt Yên với kế hoạch huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá chào bán 20.000 VNĐ/cổ phiếu. Tổng số vốn huy động dự kiến là 518,75 tỷ đồng được sử dụng cho ba mục đích (1) 300 tỷ đồng dành cho đầu tư bệnh viện đa khoa Việt Yên (2) 30,75 tỷ đồng dành cho đầu tư máy móc thiết bị tại bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (3) 188 tỷ đồng dành cho hoạt động trả nợ vay các tổ chức tín dụng.
Chúng tôi cho rằng, vị trí về địa lý và dân cư tại huyện Việt Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khám chữa bệnh so với tại Thái Nguyên (1) theo tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện nay đang có dân số cao hơn 1,8 triệu người so với tỉnh Thái Nguyên 1,3 triệu người (2) bệnh viện sẽ được đặt tại KCN Vân Trung – KCN có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bắc Giang (3) mật độ bệnh viện tại tỉnh Bắc Giang là khá ít khi xung quanh chỉ có 2 bệnh viện lớn là bệnh viện quốc tế Hà Nội – Bắc Giang và bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên sở hữu nhiều ưu điểm để thu hút người dân tới khám chữa bệnh
Khu vực xung quanh bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (QTTN) có tới 04 bệnh viện đa khoa, trong đó lớn nhất là bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên (TWTN) trực thuộc Bộ Y tế. Trong khu vực có mật độ bệnh viện dày đặc như vậy, chúng tôi nhận thấy bệnh viện QTTN có những ưu điểm thu hút lượng người khám chữa bệnh (1) cơ sở vật chất bệnh viện hiện đại, xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn với không gian thoáng đãng, sạch sẽ (2) người dân có xu hướng ưa thích lựa chọn khám dịch vụ tại bệnh viện QTTN để tiết kiệm thời gian hơn so với khám tại TWTN, đối với những bệnh chuyên khoa phải chữa trị dài ngày thì TWTN sẽ là lựa chọn được người bệnh hướng tới (3) Chính sách về BHYT hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh không đúng tuyến dành cho bệnh viện tuyến huyện và 40% dành cho bệnh viện tuyến trung ương.
Tổng quan về Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc. Gồm 2 Bệnh viện: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được xây dựng trên địa bàn phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên có địa chỉ tại xóm Chùa, xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên. Cả 2 Bệnh viện đều có vị trí thuận lợi về giao thông, tiếp giáp với nhiều địa phương, nơi tập trung dân cư và khu công nghiệp lớn. Do vậy rất thuận lợi cho nhân dân khi có nhu cầu đến khám và điều trị tại Bệnh viện.
Hai Bệnh viện với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ với đầy đủ các chuyên khoa phục vụ công tác khám và điều trị chất lượng cao. Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tự hào là thương hiệu có vị thế, uy tín lớn mạnh trong ngành Y tế, được Sở Y tế Thái Nguyên công nhận là một trong những bệnh viện tốt nhất trên địa bàn.
Nâng cao cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, cập nhật các tiến bộ khoa học vào điều trị, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân, đó là các nhiệm vụ mà ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã và đang tiếp tục đẩy mạnh.
Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị y tế, Công ty còn luôn chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên y tế giỏi chuyên môn, giàu y đức. Với phương châm hành động coi “người bệnh là số một”, sự tận tâm tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên đã trở thành điểm đến tin cậy đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bà con nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung.
Tháng 1/2021, cổ phiếu TNH của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã chính thức ghi danh là cổ phiếu công ty hoạt động trong lĩnh vực bệnh viện tư đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), vốn điều lệ hiện đạt 415 tỷ đồng, tương đương 41.5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Đây được xem là bước đi đột phá của TNH chỉ sau hơn 7 năm đi vào hoạt động từ năm 2014. Đến tháng 08/2021 quy mô chuỗi các bệnh viện của TNH đã tăng lên 550 giường bệnh, là hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc.
Tháng 10/2021 Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên công bố đầu tư xây dựng hai bệnh viện mới (Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư là 165 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu là 115,5 tỷ đồng, TNH chiếm 84,9% cổ phần; Bệnh viện Phụ Sản TNH Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu là 231 tỷ đồng, TNH chiếm 79,7% cổ phần).
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là nơi hội tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm vì người bệnh, liên tục cập nhật những phương pháp điều trị hiện đại; luôn không ngừng phấn đấu để khẳng định sứ mệnh lớn lao mà mình hướng tới: Trở thành một trong những hệ thống Y tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
SSI & Rồng Việt
Link nội dung: https://vinabull.vn/danh-gia-co-phieu-tnh-benh-vien-quoc-te-thai-nguyen-a1393.html