11 ngân hàng bị thanh tra về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất 11 ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

 

Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước phát đi ngày 10/3, nhằm phản hồi kiến nghị của cử tri TP Hà Nội. Trước đó, cử tri này đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp có nhiều sai phạm, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Ngân hàng Nhà nước cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này thời gian qua đã thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 ngân hàng.

Dựa vào kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đã xử phạt hành chính với những ngân hàng vi phạm. Việc thanh tra và xử lý, theo cơ quan này, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro nguy cơ gây mất an toàn hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước cho biết cũng đã chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát trong năm nay phải thanh tra có trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu... Đồng thời, cơ quan thanh tra giám sát cần cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lại dự thu.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra các vi phạm đã cảnh báo, ngân hàng chậm khắc phục sai phạm.

Theo quy định hiện hành, ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp hay để tăng quy mô vốn hoạt động. Các nhà băng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các nhà băng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng...

Cập nhật ngày 5/4/2022: CTG và SHB tham gia sâu vào vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của nhóm công ty liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin.

Các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu trên. Đồng thời nhóm công ty Tân Hoàng Minh có trách nhiệm chấp hành quyết định kể từ ngày 3/4.

Các công ty liên quan là Bất động sản Ngôi Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông và Công ty Soleil (là các công ty chưa đại chúng) đã thực hiện các đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022.

Theo công bố trên chuyên trang trái phiếu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm công ty trên mới chỉ công khai về 8 lô trái phiếu với tổng trị giá 8.130 tỷ đồng.

Như vậy, nhóm này vẫn còn một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ khác nhưng chưa công bố thông tin với giá trị khoảng 1.900 tỷ đồng (có khả năng đang trong giai đoạn huy động vốn).

Với các lô đã công bố, điều đáng chú ý là không nhà đầu tư cá nhân nào tham gia mua. Tất cả người mua trong đợt phát hành nhóm công ty trên đều là tổ chức.

Thông tin về nhà đầu tư mua trái phiếu thường không được công bố chi tiết. Doanh nghiệp chủ yếu công bố cơ cấu nhà đầu tư bao gồm các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân trong ngoài nước.

Mặc dù vậy, các lô trái phiếu trên của Tân Hoàng Minh vẫn có thông tin về người đại diện chủ sở hữu trái phiếu (đứng tên hộ).

Cụ thể, riêng Tập đoàn Tân Hoàng Minh đứng tên sở hữu của lô trái phiếu ngày 5/7 trị giá 800 tỷ đồng do công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt phát hành.

Chứng khoán Agribank là đại diện cho người sở hữu các lô trái phiếu ngày 20/8 và 1/11 do công ty Soleil phát hành, cũng như lô 20/9 do Ngôi Sao Việt phát hành. Tổng giá trị đại diện cho các lô này là 2.850 tỷ đồng.

Chứng khoán An Bình đứng tên cho lô trái phiếu phát hành ngày 6/7 của công ty Soleil, trị giá 800 tỷ đồng. Chứng khoán KIS Việt Nam là bên đại diện người sở hữu lô trái phiếu ngày 22/11 trị giá 450 tỷ đồng do Cung điện Mùa Đông phát hành.

Một thông tin khác là các công ty chứng khoán đứng tên hộ cho người mua cũng chính là các đơn vị tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu trong các đợt phát hành đó.

Chỉ riêng lô trái phiếu ngày 5/7 do Tân Hoàng Minh làm đại diện chủ sở hữu thì đơn vị tư vấn phát hành là Công ty Chứng khoán Bảo Việt. 

Trong khi đó có 2 ngân hàng tham gia sâu vào hoạt động làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đại lý quản lý tài khoản và đại lý thanh toán là VietinBank (CTG) và SHB.

Trong đó, VietinBank làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản cho các lô trái phiếu từ ngày 20/8 về sau, với tổng giá trị trái phiếu đảm bảo tương ứng 3.300 tỷ đồng.

Ngược lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là đơn vị đại lý quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản cho các lô trái phiếu ngày 5/7 và 6/7 năm ngoái, tổng giá trị 1.600 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo là thông tin khá quan trọng trong các đợt phát hành trái phiếu. Đối với nhóm Tân Hoàng Minh, các tài sản này chủ yếu là quyền sở hữu đất và tài sản hình thành trên đất của một số lô thuộc dự án Hoàng Hải Complex (Phú Quốc).

Bên cạnh đó còn có quyền sử dụng đất và công trình dự kiến hình thành trong tương lai tại dự án phía nam đường Đại Cồ Việt. Tài sản khác như chính 12,5% cổ phần Ngôi Sao Việt hay 10 triệu cổ phần Cung Điện Mùa Đông.

Trong các đợt phát hành trái phiếu các công ty bên trên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và bên liên quan thường đứng ra làm bên bảo lãnh thanh toán.

Cũng phải nói thêm lãi suất vay trái phiếu của các đơn vị thành viên thuộc Tân Hoàng Minh ở mức cao. Năm ngoái khối doanh nghiệp bất động phát hành trái phiếu với lãi suất dao động 4,5-13%/năm (trung bình 10,36%).

Trong khi đó các đợt này của nhóm Tân Hoàng Minh xoay quanh mức 11,5-12%/năm, tương đương đứng ở mức cao so với mặt bằng chung của toàn ngành.

Link nội dung: https://vinabull.vn/ngan-hang-dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-a1362.html