Theo phía ngân hàng, tính đến ngày 30/4, tổng dư nợ khoản vay phát sinh với Công ty Cửu Long là gần 200,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 158 tỷ và dư nợ lãi, phát quá hạn là gần 42,2 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản vay cũng là tài sản ngân hàng dự kiến thu giữ để siết nợ là 2 nhà đất tại huyện BÌnh Chánh và quận 5, TP.HCM.
Cụ thể, tài sản thứ nhất là nhà đất rộng 100 m2 tại số 5B Khu dân cư Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và tài sản thứ 2 là nhà đất rộng 260,2 m2 tại số 56 đường Phó Cơ Điều, phường 12, quận 5.
BIDV cho biết khoản vay của Công ty Cửu Long đã quá hạn từ ngày 31/8/2019 và doanh nghiệp không tiến hành bàn giao tài sản theo quy định, vì vậy ngân hàng sẽ tiến hành phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Sau thu giữ, BIDV sẽ mời tổ chức định giá để thậm định và bán đấu giá tài sản.
Theo tìm hiểu, Công ty Cửu Long được thành lập từ năm 2004, hoạt động chính trong lĩnh vực xử lý và tiêu huỷ rác thải không độc hại. Khi mới thành lập, công ty này có vốn điều lệ 40 tỷ đồng.
Cũng tại BIDV, nhà băng này đã có thông báo tới khách hàng Nguyễn Mậu Hoàng Hưng, Dương Ngọc Cẩm và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vải Gia Khang An về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý khoản nợ phát sinh tại Chi nhánh Bình Tân.
Trong đó, tổng dư nợ phát sinh với ông Hưng và bà Cẩm tính đến 26/5 là 14,2 tỷ đồng, trong khi dự nợ tại Công ty Vải Gia Khang An là 7,1 tỷ. Tài sản đảm bảo bị ngân hàng thông báo thu giữ là nhà đất tại số 2791 Huỳnh Tân Phát, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM có diện tích 236,2 m2.
Tương tự, nhà băng này cũng thông báo với ông Nguyễn Ánh Ngọc, bà Nguyễn Thị Oanh về việc thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ 16,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản bị thu giữ là nhà đất rộng gần 200 m2 tại số 195 Đường TTN 1A, khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.
Theo tìm hiểu, không riêng BIDV, từ đầu tháng 6, các ngân hàng khác cũng đang ráo riết thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo để siết nợ, đặc biệt là bất động sản.
Trong đó, Vietcombank đang siết lô đất 5.073 m2 tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) để thu hồi nợ.
Tại Agribank, nhà băng này đã ra thông báo thu giữ hàng nghìn m2 đất ở và hàng trăm ha đất rừng trồng cây để xử lý nợ. Trong đó, số tài sản bị ngân hàng siết nợ đợt này bao gồm gần 9.000 m2 đất ở; 88,3 ha rừng trồng cây cao su và 913,5 ha đất dự án trồng cây cao su kết hợp bảo vệ rừng tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Tương tự, để siết khoản nợ gần 9 tỷ đồng của bà Vũ Thị Thanh Xuân, nhà băng này cũng ra thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là nhà đất rộng 77,5 m2 tại tổ 37 cụm 6, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Với khoản vay của Công ty CP Năng lượng Kỷ Nguyên, Agribank thông báo thu giữ nhà đất rộng gần 220 m2 tại số 7, ngách 52/28, Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, cùng 15.000 m2 đất khu công nghiệp tại huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh...
Tương tự, các nhà băng SHB, VietinBank, Sacombank... gần đây đều có thông báo thu giữ tài sản để siết nợ. Các tài sản này chủ yếu vẫn là bất động sản và một phần là phương tiện vận chuyển, máy móc và thiết bị sản xuất.
Cập nhật ngày 23/10/2021: Siết nợ kiểu TPB (Ngân hàng TPBank): cẩu xe thu nợ không thèm báo người vay
Ngày 23/10, lãnh đạo Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, cho biết đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc xác minh sau khi tiếp nhận đơn trình báo mất tài sản của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Anh Tuấn Phát.
Theo đơn trình báo, sáng 15/10, chiếc xe khách 47 chỗ (nhãn hiệu 3-2 AUTO, loại xe Universes, đời xe 2018) của Công ty Anh Tuấn Phát gửi tại bãi xe số 5 đường Phong Châu (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) đã bị mất.
Nhóm người đến bãi xe số 5 đường Phong Châu cẩu xe của Công ty Anh Tuấn Phát. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Tuấn cho biết do dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên xe công ty phải gửi ở bãi. Tuy nhiên, sáng 15/10, ông nhận tin là xe mình đã bị mất.
"Đến nơi tôi cho trích xuất camera an ninh thì thấy một số người mặc đồng phục ngân hàng, công an và thừa phát lại cho xe đến cẩu ôtô đi. Tôi không biết những người này và không ai thông báo gì về việc cẩu xe của công ty cả", ông Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hải, chủ bãi xe số 5 đường Phong Châu, xác nhận khoảng 9h15 ngày 15/10, khoảng 7 người lạ đi trên 2 ôtô 4 chỗ và xe máy đưa xe cẩu đến bãi, chở ôtô 47 chỗ của Công ty Anh Tuấn Phát đi và không thông báo gì cho chủ bãi.
Theo Phó giám đốc Công ty Anh Tuấn Phát, một ngày sau khi công ty bị mất xe, có người tự xưng làm ở ngân hàng TPBank Nha Trang gọi xin địa chỉ email của công ty và sau đó gửi thông báo với nội dung: “Đề nghị công ty thực hiện nghĩa vụ tín dụng như thoả thuận đã ký trên hợp đồng tín dụng kể từ ngày nhận được thông báo này đến hết ngày 22/10/2021. Sau thời gian nêu trên, nếu công ty chưa thực hiện nộp tiền để tất toán khoản vay và các khoản quá hạn tại thông báo, TPBank tiến hành thực hiện đấu giá, phát mãi tài sản thu hồi nợ theo quy định".
"Trong thông báo phía ngân hàng không nhắc gì đến việc đã cho cẩu xe của tôi ở bãi. Do vậy, tôi đã làm đơn gửi công an trình báo mất tài sản vì chưa biết có phải TPBank Nha Trang siết nợ xe của mình hay không”, ông Tuấn nói.
Đại diện TPBank Nha Trang sau đó xác nhận ngày 15/10 có cử người đến bãi xe số 5 đường Phong Châu cẩu xe của Công ty Anh Tuấn Phát. Sau đó đơn vị có gửi email thông báo với nội dung như trên cho Công ty Anh Tuấn Phát. Hiện, tài sản là ôtô 47 chỗ để tại kho bãi của TPBank Nha Trang.
Khi được hỏi vì sao ngân hàng cho thu hồi nợ, xong mới gửi thông báo, đại diện TPBank Nha Trang cho biết không có thẩm quyền trả lời và sẽ gửi câu hỏi lên cấp cao hơn.
Liên quan đến việc vay nợ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm 2018, công ty vay TPBank Nha Trang hơn 3,8 tỷ đồng mua 4 ôtô loại 47 chỗ để vận chuyển du lịch. "Do dịch, từ tháng 3/2020, công ty không hoạt động nên đã xin giãn nợ, miễn giảm lãi suất theo Thông tư số 03 ngày 2/4/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng phía TPBank Nha Trang không chịu", chia sẻ.
Link nội dung: https://vinabull.vn/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-a1320.html