|
Theo báo cáo tài chính vừa được Chứng khoán APEC (mã APS) công bố, chỉ riêng trong quý 2-2022 công ty đã lỗ tới 474 tỉ đồng từ hoạt động tự doanh. Sau khi cộng trừ các khoản thu nhập và chi phí khác, tổng kết quý doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế gần 363 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 9.330% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Đỗ Lăng - tổng giám đốc Chứng khoán APEC - thừa nhận kết quả kinh doanh thụt lùi phần lớn do hoạt động tự doanh chứng khoán gây nên.
Trong danh mục đầu tư của công ty chứng khoán này có các mã IDJ (Đầu tư IDJ Việt Nam), API (Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương), NBB (Năm Bảy Bảy), TCH (Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy), AAT (Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa), PHC (Xây dựng Phục Hưng Holdings), CEO (Tập đoàn C.E.O)...
Ở Công ty CP chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã ORS, một thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank), kết quả kinh doanh quý 2 cũng không kém phần ảm đạm.
Mặc dù doanh thu hoạt động trong quý tăng lên mốc 660 tỉ đồng (+132% so với cùng kỳ năm trước), cả lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng, song doanh nghiệp cho biết do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm, nên doanh thu mảng môi giới bị giảm theo (-27% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn xấp xỉ 18 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, việc phải cắt lỗ hàng loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư cũng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) gần 528 tỉ đồng (+488%).
Danh mục đầu tư của Chứng khoán Tiên Phong gồm có SSI (Chứng khoán SSI), VND (Chứng khoán VNDirect), HCM (Chứng khoán TP.HCM), HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), BCG (Bamboo Capital)...
Tổng kết quý 2, doanh nghiệp gánh khoản lỗ ròng sau thuế gần 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi hơn 54 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, Chứng khoán Tiên Phong gặt hái được tổng doanh thu gần 1.430 tỉ đồng (+164%), song lợi nhuận sau thuế chỉ còn xấp xỉ 93 tỉ đồng (-39%).
Trong lúc thị trường chứng khoán thuận lợi, thanh khoản bùng nổ, quý 2 năm trước Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mang về khoản lãi ròng sau thuế gần 149 tỉ đồng. Tuy nhiên niềm vui không kéo dài lâu, sang quý 2 năm nay công ty này báo lỗ ròng gần 234 tỉ đồng.
Giải trình với cơ quan quản lý, ông Lê Minh Hiền - phó tổng giám đốc của Rồng Việt - cho biết diễn biến thị trường chứng khoán thuận lợi, đã "ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới".
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty chứng khoán này bị lỗ ròng sau thuế 129 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỉ đồng.
Rổ danh mục đầu tư của Rồng Việt gồm CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), DBC (Dabaco)...
Trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán khác cũng chung cảnh lỗ nặng từ mảng tự doanh như Chứng khoán VPS - doanh nghiệp liên tục dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Chứng khoán Bảo Minh (BMS), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Liên Việt (LVS)...
Cập nhật ngày 22/10/2021: Vào sóng tưng bừng, từ công ty chứng khoán tới các quỹ VinaCapital đều lãi đậm
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý III tương đối ảm đạm, được phản ánh qua con số tăng trưởng GDP gần nhất giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đại dịch cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghề phát triển, trong đó có chứng khoán.
Là một ngành dịch vụ thiết yếu, hoạt động của thị trường chứng khoán không bị gián đoạn do giãn cách xã hội trong giai đoạn vừa qua, và còn thu hút được dòng tiền nhàn rỗi lớn từ các cá nhân, tổ chức.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước 9 tháng vẫn tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, nhờ một số lĩnh vực được hưởng lợi và duy trì được mức tăng trưởng khả quan như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Tổng cục Thống kê tính toán mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020.
Chứng khoán là một trong những ngày vẫn tăng trưởng khả quan trong dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới liên tục đạt mức cao. Lũy kế 9 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở thêm gần 1 triệu tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020.
Thị trường chứng khoán sôi động đã giúp cho các công ty môi giới đang ăn nên làm ra và liên tục mở rộng về quy mô hoạt động. Hàng loạt công ty đã tiến hành tăng vốn để bổ sung nguồn lực cho các hoạt động chính, qua đó ghi nhận sự tăng trưởng cao về kinh doanh.
Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang là đơn vị có lợi nhuận tốt nhất trong ngành khi ghi nhận mức lãi kỷ lục 802 tỷ đồng trong quý III, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu nhờ doanh thu tăng trưởng 39%.
Trong đó doanh thu từ hoạt động môi giới tăng 247% đạt 244 tỷ đồng khi TCBS vươn lên vị trí thứ 6 về môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 4,81% thị phần. Công ty cũng thuộc top 3 về cho vay ký quỹ (margin) chứng khoán với dư nợ gần 12.000 tỷ và vẫn còn dư địa cho vay thêm 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên nguồn thu chính của TCBS vẫn phần lớn từ hoạt động tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giữ vị thế độc tôn về thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE khi thu hút hơn 55.000 khách hàng đang đầu tư trái phiếu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty môi giới được hậu thuẫn bởi Techcombank ghi nhận doanh thu hoạt động cao gấp rưỡi cùng kỳ đạt 3.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thu về 2.847 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng thông báo kết quả tích cực. Lợi nhuận sau thuế riêng công ty mẹ đạt 831 tỷ đồng và lũy kế từ đầu năm là 2.063 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2020.
Doanh nghiệp cũng đưa ra ước tính lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế từ đầu năm vào khoảng 2.100 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động và vượt 12% kế hoạch năm. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về mảng cho vay ký quỹ với dư nợ đạt mức kỷ lục 18.100 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu 9 tháng năm nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020
Đây đang là giai đoạn đột biến của khối ngành chứng khoán khi nhiều cái tên khác cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục và lần đầu bước vào câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn chỉ công ty mẹ VNDirect đã báo cáo lãi trước thuế kỷ lục 686 tỷ đồng, tăng 122% trong quý vừa qua. Tính lũy kế nhà môi giới chứng khoán này có lợi nhuận 1.822 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần so với cùng kỳ và vượt 14% kế hoạch năm. Công ty này đã vươn lên vị trí thứ 3 về môi giới tại HoSE với thị phần hơn 7,7%.
Chứng khoán HSC cũng thông báo thu về hơn 318 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III, tăng 124% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận lãi trước thuế tăng 135% lên mức 1.151 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ đồng dù chưa kết thúc năm tài chính.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) báo lãi quý vừa qua 399 tỷ đồng, tăng 245% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư. Công ty có lãi 1.031 tỷ đồng, tăng trưởng 146% sau 9 tháng hoạt động.
Đơn vị cuối cùng lọt nhóm lãi nghìn tỷ là Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) với lợi nhuận trước thuế 1.028 tỷ đồng kể từ đầu năm, gần gấp đôi cùng kỳ và vượt 37% mức kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một biến động đáng chú ý là Chứng khoán VPS dẫn đầu về thị phần môi giới tại cả sàn HNX và HoSE nhưng quy mô lợi nhuận lại khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 8 (do công ty đẩy mạnh thị phần bằng các chương trình miễn giảm phí giao dịch).
Công ty báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III tăng 53% so với cùng kỳ đạt 240 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, VPS ghi nhận 6.648 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 604 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng tăng lần lượt 149% và 66% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó một số công ty chứng khoán quy mô nhỏ hơn cũng đạt mức tăng trưởng rất cao trong kinh doanh. Chẳng hạn như Chứng khoán FPT có lãi tăng 625% sau 9 tháng, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) tăng trưởng 541%, Chứng khoán Thành Công (TCI) tăng 369%...
Dù hoạt động trong một ngành được hưởng lợi, không phải công ty nào cũng kinh doanh hiệu quả. Hoạt động của một số công ty chứng khoán vẫn ghi nhận sụt giảm đáng kể và thậm chí là thua lỗ.
Diễn biến tích cực của VN-Index trong 9 tháng đầu năm hỗ trợ tích cực cho khối công ty chứng khoán. Đồ thị: TradingView. |
Đơn cử, Chứng khoán Agriseco báo cáo lợi nhuận trước thuế quý III giảm đến 40% so với cùng kỳ chỉ còn 30 tỷ đồng. Dù vậy sau 9 tháng, công ty môi giới này vẫn đạt kết quả tích cực với con số lợi nhuận 342 tỷ đồng, tăng trưởng 239%.
Hay Chứng khoán VIX có lợi nhuận trước thuế quý vừa qua giảm hơn 4% về 178 tỷ đồng. Nhờ kết quả cao hồi đầu năm nên công ty vẫn có lợi nhuận đột biến 708 tỷ đồng, tăng 190% và xuất hiện trong top 10 công ty có lợi nhuận tốt nhất.
Thậm chí Chứng khoán Bảo Minh (BMS) còn báo cáo tiêu cực hơn với khoản lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng trong quý III, chủ yếu do sự kém hiệu quả của bộ phận tự doanh chứng khoán - mảng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Dù vậy, lợi nhuận 9 tháng vẫn tích cực khi chuyển từ lỗ sang có lãi hơn 100 tỷ đồng.
Các quỹ mở thuộc VinaCapital lãi đậm
Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital vừa thông báo kết quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm của các quỹ mở thuộc tập đoàn với các con số khá tích cực.
Nhóm 5 quỹ mở bao gồm quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF), quỹ Đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital (VIBF), quỹ Đầu tư trái phiếu bảo thịnh VinaWealth (VFF), và quỹ ETF VinaCapital VN100 (ETF VN100).
Trong đó, quỹ VESAF tiếp tục là quỹ mở có kết quả hoạt động tốt nhất trên thị trường với mức lợi nhuận 57,6% sau 9 tháng hoạt động, duy trì vị thế dẫn đầu đã đạt được trong năm ngoái.
VESAF chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ, có tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt vào các cổ phiếu có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Quỹ phân bổ tài sản chủ yếu vào nhóm ngành tài chính (22,9%), công nghiệp (18,4%), nguyên vật liệu (13,9%), công nghệ (11,9%)... Lợi nhuận trung bình hàng năm đạt 22,5%/năm kể từ khi thành lập năm 2017 đến nay.
Hiệu quả cao tiếp theo quỹ VEOF và VIBF với lợi nhuận lần lượt đạt 45,2% và 31,9%, vượt xa mức tăng của chỉ số tham chiếu VN-Index.
VEOF là quỹ mở chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp đầu ngành có giá trị vốn hóa lớn và vừa, có lợi thế cạnh tranh khác biệt và tiềm năng tăng trưởng tốt để mang lại lợi nhuận cao hơn tăng trưởng của VN-Index trong dài hạn.
Tài sản của VEOF được đầu tư vào các ngành tài chính (24,5%), vật liệu (19,3%), bất động sản (16,7%), tiêu dùng không thiết yếu (12,5%), công nghiệp (8,0%), công nghệ (7,4%)... Lợi nhuận trung bình hàng năm đạt 13,2%/năm từ khi thành lập tháng 7/2014.
VIBF là quỹ mở cân bằng, chủ yếu đầu tư một nửa vào trái phiếu chất lượng tín dụng cao và một nửa vào cổ phiếu niêm yết của các công ty có nền tảng vững mạnh và triển vọng lợi nhuận bền vững. Lợi nhuận trung bình hàng năm đạt 19,2%/năm từ khi thành lập tháng 7/2019.
Quỹ hoán đổi danh mục VN 100 ETF mới được thành lập vào năm 2020 cũng đạt được lợi nhuận 31,8%. Đồng thời VFF đạt mức sinh lời 5,45% và là quỹ mở trái phiếu tăng trưởng cao nhất trên thị trường.
Tổng tài sản của 5 quỹ mở trên đạt hơn 2.850 tỷ đồng, với tổng cộng gần 17.000 nhà đầu tư tính đến hết tháng 9 vừa qua. Trong đó quy mô của VESAF là hơn 558 tỷ, VEOF đạt 435 tỷ, VIBF gần 515 tỷ, VFF xấp xỉ 1.219 tỷ và ETF VN100 là 126 tỷ đồng.
Ông Brook Taylor – Tổng giám đốc VinaCapital lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Vị này khuyến nghị nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn và kiến thức đầu tư vững chắc để chọn lựa được các cổ phiếu tốt và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán.
"Ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp với sự hỗ trợ từ các chuyên gia có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm là giải pháp đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn và giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính nhanh hơn" theo ông Ông Brook Taylor.
VinaCapital được thành lập vào năm 2003 và là một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam, đang quản lý nhiều danh mục khác nhau với tổng giá trị trên 3,7 tỷ USD. Sản phẩm chủ lực là quỹ đóng VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF), đồng thời còn quản lý 5 quỹ mở nêu trên, các tài khoản ủy thác...
Link nội dung: https://vinabull.vn/vao-song-tung-bung-hang-loat-cong-ty-chung-khoan-lai-nghin-ty-cho-chung-no-phai-the-a1319.html