Mức án cho tội thao túng chứng khoán của Chủ tịch Louis Đỗ Thành Nhân và Tổng giám đốc Trí Việt Đỗ Đức Nam

Mức án đề nghị được đại diện VKSND Hà Nội nêu sáng nay, sau hơn một ngày xét hỏi.

 

luois-nhan-1683695169.jpg

Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân cùng các bị cáo tại tòa sáng 10/5.


Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân bị cáo buộc "chủ mưu, khởi xướng" vụ thao túng giá chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, gây hỗn loạn thị trường và bị đề nghị 6-7 năm tù. 

Cùng bị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán, 7 đồng phạm của ông Đỗ Thành Nhân gồm: Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt) bị đề nghị 30-36 tháng tù treo; Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) 4-5 năm tù; Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) 30-36 tháng; Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt) và Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) 15-18 tháng; Vũ Ngọc Long (cựu Tổng giám đốc Louis Holding) 6-9 tháng và Ngô Ngọc Vũ (Tổng giám đốc Công ty CP Louis Capital) 6-9 tháng.

VKS đề nghị HĐXX tuyên cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ và làm việc trong lĩnh vực tài chính chứng khoán 1-3 năm.

Nêu nội dung luận tội, cơ quan công tố đánh giá vụ án xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán đầu tư tài chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian dài, tác động xấu đến hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, môi trường đầu tư, Việc làm của các bị cáo tác động tiêu cực tâm lý của các nhà đầu tư, gây ra sự bất ổn, hỗn loạn của thị trường chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp. Hành vi phạm tội không chỉ tác động xấu đến hai mà cổ phiếu bị thao túng, BII và TGG, mà toàn bộ hoạt động của thị trường.

Các bị cáo Nam, Nhân, Tùng "vì động cơ hám lợi" đã thao túng thị trường, lợi dụng chức vụ quyền hạn và trình độ hiểu biết của mình để câu kết phạm tội.

Trong 8 bị cáo, ông Nhân bị đánh giá giữ vai trò cao nhất, do là người "khởi xướng, bàn bạc, câu kết" với bị cáo Nam, tích cực chỉ đạo người khác thực hiện hành vi phạm tội.

Trước khi công bố bản luận tội, theo triệu tập của HĐXX, sáng nay giám định viên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trả lời một số câu hỏi của các luật sư quanh việc định giá thiệt hại. Các luật sư của ông Nhân cho rằng con số thiệt hại nhỏ hơn 154 tỷ đồng song giám định viên giữ nguyên quan điểm và khẳng định phương pháp tính thiệt hại đảm bảo khách quan, chính xác.

Qua hai ngày xét hỏi, ông Nhân dần thừa nhận hành vi, dù ban đầu chỉ cho rằng muốn mua đủ lượng cổ phiếu chi phối để thâu tóm hai công ty, không có ý định thao túng thị trường chứng khoán. Bị cáo nhiều lần khẳng định "không biết gì về đầu tư chứng khoán", mọi đường đi nước bước nghe theo Nam, Tổng giám đốc chứng khoán Trí Việt khi đó.

Cuối phiên xét hỏi chiều qua, ông Nhân vừa khai vừa khóc, xin được hưởng án nhẹ do "gia đình khó khăn".

Trong khi đó, bị cáo Nam phủ nhận vai trò "đầu não" của kế hoạch thao túng giá chứng khoán. Ông cho rằng mình và các nhân viên tại Chứng khoán Trí Việt chỉ làm theo hoạt động giao dịch bình thường của công ty môi giới chứng khoán. "Mọi hành động đều theo ý chí khách hàng, tức ông Nhân", Nam khẳng định sau 2 lần được HĐXX cho đối chất với ông Nhân

Nhóm bị cáo là nhân viên Trí Việt đều khai làm theo chỉ đạo của ông Nam.

Cựu Chủ tịch trí Việt Phạm Thanh Tùng bị cáo buộc chỉ đạo Nam tiếp tục phê duyệt cho ông Nhân vay tiền để thao túng thị trường. Ông Tùng dặn dò Nam xoá dấu vết bằng cách "chia nhỏ các khoản vay, tránh bị cơ quan thẩm quyền phát hiện kiểm tra", cáo trạng nêu.

VKS cáo buộc cuối năm 2021, khi bị cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, Tùng chỉ đạo cấp dưới thay toàn bộ ổ cứng máy tính, xoá toàn bộ tin nhắn liên quan phi vụ với Nhân "để che giấu hành vi phạm tội". Trước toà, ông Tùng phủ nhận.

Theo VKS, vụ án xảy ra trong giai đoạn 2020-2021, khi ông Nhân rục rịch mua lại hai công ty thua lỗ, có nguy cơ bị huỷ niêm yết mã chứng khoán. Bị cáo sau đó lần lượt đổi tên hai công ty thành Công ty Louis Land (mã cổ phiếu BII) và Louis Capital (mã cổ phiếu TGG). Từ đây, ông tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings, cùng bị cáo Nam thao túng giá chứng khoán với 2 mã BII và TGG.

Ông Nhân chỉ đạo thuộc cấp cùng người thân đứng tên đăng ký 17 tài khoản chứng khoán, ký hợp đồng vay vốn với công ty Trí Việt, dùng thao túng hai mã cổ phiếu trên.

Theo cơ quan điều tra, để thu hút thêm nhiều "con mồi", ông Nhân lập nhóm trên mạng xã hội mang tên Louis Family hơn 10.000 thành viên và thường xuyên đăng bài viết hô hào "lùa gà", để tác động đến các nhà đầu tư, tăng giao dịch với BII và TGG.

Sau 9 tháng, cổ phiếu BII ban đầu được mua giá 1.000-5.000 đồng, đã được đội giá, lập đỉnh 33.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TGG từ 1.800-6.000 đồng lập đỉnh giá 74.800 đồng, tức gấp 42 lần giá mua vào. Khi BII và TGG lập đỉnh cũng là lúc nhóm của ông Nhân bán chốt lời, cáo trạng nêu.

Khi vừa lập đỉnh, các phiên TGG, BII giảm sàn liên tục do mất thanh khoản, khối lượng giao dịch ít, rớt giá, nằm sàn. Song nhóm của ông Nhân đã kịp chốt lời, thu lợi bất chính hơn 152 tỷ đồng, VKS cáo buộc.

Cập nhật ngày 9/12/2022: Khởi tố ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt (TVB) tội thao túng cổ phiếu

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt, bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu thao túng giá cổ phiếu BII và TGG.

Ông Tùng, 43 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố ngày 9/12 về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo điều 211 Bộ luật Hình sự.

tvb-triviet-tung-1670901459.jpg

Khởi tố ông Phạm Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt (TVB) tội thao túng cổ phiếu

Đây là động thái mới nhất của C03 sau khi điều tra bổ sung vụ án thao túng cổ phiếu BII và TGG xảy ra ở Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đơn vị liên quan.

 

Ông Tùng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Trí Việt từ năm 2010 đến tháng 7/2022. Sau 5 tháng gián đoạn, ngày 5/12, ông trở lại vị trí Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt. Ông còn là thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC).

Ngày 12/12, Chứng khoán Trí Việt thông báo, việc ông Tùng bị khởi tố là trách nhiệm cá nhân và chưa có kết luận chính thức.

Trí Việt khẳng định sự việc trên không tác động hoặc làm thay đổi định hướng trong kinh doanh của công ty và "không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cổ đông, khách hàng đang có giao dịch".

Theo kết luận điều tra, ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings) cùng Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt); Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt) và Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) bị đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Nhà chức trách cáo buộc từ năm 2020 đến cuối 2021, ông Nhân cùng Đỗ Đức Nam thao túng hai mã cổ phiếu BII và TGG. Điển hình là ngày 18/9/2021, sau một thời gian "lùa gà", BII lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần giá thời điểm nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1/2021. Mã TGG cũng liên tục tăng trần và lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9/2021, gấp 37 lần thời điểm mua vào.

Cơ quan điều tra cho biết ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.

Ông Nam bị xác định phê duyệt cho ông Nhân vay vốn và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện thao túng chứng khoán, giúp ông Nhân thu lời bất chính. Ông Nam còn lợi dụng việc cho Louis Holding vay tiền mua bán, thao túng giá cổ phiếu để yêu cầu ông Nhân chi hoa hồng ngoài hợp đồng 500 triệu đồng.

Cập nhật ngày 20/9/2022: Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt (TVB) Đỗ Đức Nam giúp Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân thao túng cổ phiếu ra sao?

Sau khi ban hành kết luận điều tra vụ thao túng chứng khoán liên quan 2 mã cổ phiếu BII và TGG, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Họ gồm Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc Hành chính Louis Holding), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt) cùng 2 thuộc cấp gồm Lê Thị Thu Hương (phó tổng giám đốc), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính).

Kết quả điều tra cho thấy năm 2020, bị can Nhân và ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghiệp Bảo Thư, là doanh nghiệp hoạt động yếu kém, có nguy cơ bị hủy niêm yết, mã chứng khoán BII) thỏa thuận về việc ông Dũng chuyển nhượng công ty này cho Nhân.

Sau đó, ông Dũng đã giới thiệu Đỗ Đức Nam cho ông Nhân để Nam giúp xử lý việc vay tiền mua cổ phiếu BII. Qua thỏa thuận với Nam, tháng 1/2021, ông Nhân và người thân, nhân viên đã mua 9 triệu cổ phiếu BII. Một tháng sau, Nam tư vấn để ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu “rác” mã TGG của Công ty CP Trường Giang.

Để thao túng thị trường đối với mã BII và TGG, ông Nhân đã bàn bạc, thỏa thuận với Đỗ Đức Nam về việc mở, sử dụng nhóm tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, cổ đông, người thân của Nhân. Mục đích để thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh, làm tăng tính thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu BII và TGG tăng cao, giúp ông Nhân thu lợi bất chính, thâu tóm các công ty khác.

Sau khi thống nhất với nhau, bị can Nam sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo nhân viên Công ty Trí Việt thao tác khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC... đối với các mã BII và TGG cho nhóm tài khoản Đỗ Thành Nhân. Đồng thời, Nam xử lý nguồn tiền từ Công ty quản lý tài sản Trí Việt (mã TVC) cho nhóm Nhân vay để giao dịch, mua bán các mã chứng khoán này.

Trong khi đó, ông Nhân chỉ đạo nhân viên, người thân đứng tên trong nhóm thực hiện việc nhận tiền, chuyển tiền, nộp rút tiền vào các tài khoản chứng khoán để thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu BII, TGG.

Sau khi thống nhất về cách thức thao túng, ông Nhân mở 2 tài khoản tại Công ty CP Chứng khoán Beta và Công ty Chứng khoán Trí Việt (mã TVB). Bên cạnh đó, người thân, bạn bè của ông Nhân đăng ký thêm 18 tài khoản mở tại Trí Việt và các công ty khác. Các tài khoản này sau đó đều chuyển về cho ông Nhân và Nam sử dụng.

Theo cáo buộc, để giúp ông Nhân thâu tóm thị trường, Đỗ Đức Nam chỉ đạo Lê Thị Thu Hương và Lê Thị Thùy Liên liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC... đối với cổ phiếu TGG và BII.

Tiếp đó, ông Nam nói với Hà Thị Phi Yến (nhân viên của Trí Việt tại TP.HCM) đặt lệnh mua bán thỏa thuận cổ phiếu TGG và BII cho nhóm Đỗ Thành Nhân. Hàng ngày, khi phát sinh giao dịch khớp lệnh, Nam thông báo và chốt với Nhân danh sách, số lượng tiền vào từng tài khoản.

Sau đó, ông Nhân chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Linh nhận tiền, chuyển tiền, rút, nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau. Bộ Công an xác định nguồn tiền để nhóm Đỗ Thành Nhân mua bán, khớp lệnh đối với các mã BII và TGG, chủ yếu là nguồn cho vay của Công ty quản lý tài sản Trí Việt do Đỗ Đức Nam và Hội đồng thẩm định của công ty này phê duyệt, giải ngân.

Cuối mỗi tháng, Đỗ Đức Nam và Lê Thị Thu Hương chỉ đạo Lê Thị Thùy Liên, Hà Thị Phi Yến in, tập hợp các chứng từ đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng từ vay nợ và chuyển cho các cá nhân thuộc nhóm tài khoản chứng khoán của Đỗ Thành Nhân ký xác nhận để hợp thức thủ tục.

Từ ngày 4/1/2021 đến 6/10/2021, giá cổ phiếu BII liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao. Điển hình là ngày 18/9/2021, mã BII lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần giá thời điểm nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1/2021. Kết quả điều tra xác định mã BII có tổng 31 lần giao dịch khớp lệnh hơn 3,6 triệu cổ phiếu. Trong đó, 20 lần có lượng mua, bán chiếm tỷ lệ trên 50% tổng khối lượng khớp lệnh trong ngày.

Đối với TGG, mã này cũng liên tục tăng trần và lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9/2021. Mức giá này được xác định tăng gấp 37 lần thời điểm ông Nhân mua vào. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh mua, bán là hơn 2,6 triệu cổ phiếu.

Quá trình điều tra, ông Đỗ Thành Nhân thừa nhận toàn bộ hành vi thao túng thị trường chứng khoán như trên. Qua đó, bị can thu lời bất chính gần 154 tỷ đồng.

Còn bị can Đỗ Đức Nam khai đã bàn bạc, thỏa thuận với ông Nhân về phương án, cách thức giao dịch và mua bán để đẩy giá cổ phiếu BII và TGG. Tổng giám đốc chứng khoán Trí Việt cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền thao tác đặt lệnh các giao dịch trên sàn cho các mã BII và TGG.

"Đỗ Đức Nam khai được Đỗ Thành Nhân đưa 500 triệu đồng tiền lãi ngoài hợp đồng vay vốn với TVC theo thỏa thuận để Nam xử lý cho Nhân vay tiền mua mã BII", cáo trạng nêu.

Ngoài ra, ông Nam khai đã cùng bị can Hương dùng tên người môi giới chứng khoán là Hà Thị Tam Nguyên để quản lý nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân. Sau đó, các bị can thu phí hoa hồng bất hợp pháp, thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu TGG và BII với số tiền gần 1,7 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 20/4/2022: Bắt tạm giam Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt (TVB) Đỗ Đức Nam  và Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân 

Ngày 20-4, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. Cơ quan điều tra cũng thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Nhân để phục vụ công tác điều tra.

Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam, tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt; Trịnh Thị Thúy Linh, giám đốc hành chính Công ty cổ phần Louis Holding và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Đỗ Thành Nhân đã thông đồng với Đỗ Đức Nam và một số người khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng. 

Mới đây, hồi cuối tháng 1, Công ty chứng khoán Trí Việt (TVB) do bị can Đỗ Đức Nam làm tổng giám đốc bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt tổng cộng 310 triệu vì vi phạm nhiều lỗi. Trong đó, công ty này bị phạt 250 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng nhưng không báo cáo và không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. 

Số tiền còn lại do công ty bị phạt vì bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ chứng khoán. Ngoài ra, Chứng khoán Trí Việt còn bị nhận hình phạt bổ sung là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán trong hai tháng.

tvb-1650466916.jpeg

Các bị can (từ trái qua): Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam, Trịnh Thị Thúy Linh và Lê Thị Thùy Liên - Ảnh: CACC

Giữa tháng 3, Công ty cổ phần Louis Holdings bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng vì mua "chui" cổ phiếu công ty con.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Louis Holdings hơn 161,2 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng. Nguyên nhân là doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital vượt quá giá trị đăng ký.

Theo đó, ngày 11-11-2021, Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân đăng ký giao dịch mua 3,6 triệu cổ phiếu TGG. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã mua hơn 4,6 triệu cổ phiếu, vượt hơn 1 triệu cổ phiếu so với đăng ký.

Đầu năm nay, Louis Capital thuộc hệ sinh thái "họ Louis", cũng bị phạt 232,5 triệu đồng với nhiều lỗi như vi phạm công bố thông tin, không đảm bảo cơ cấu và số thành viên hội đồng quản trị độc lập, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định…

Năm ngoái, Công ty cổ phần Louis Holdings nổi lên khi từ một công ty gạo lại đứng ra thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis". 

Chỉ trong một năm, doanh nghiệp của ông Đỗ Thành Nhân đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Công ty cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty cổ phần Louis Land (BII), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - AGM) và Công ty cổ phần Sametel (SMT).

 

tgg-louis-nhan-1650466916.jpeg

Ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch Louis Holdings bị điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

 

Cập nhật ngày 24/3/2022: Louis Holdings lại dính phốt ăn gian khi chơi chứng khoán: Mua chui hơn 1 triệu cổ phiếu TGG 

Ngày 23/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Louis Holdings.

Theo đó số tiền doanh nghiệp bị phạt là hơn 161 triệu đồng, do vi phạm hành chính về giao dịch vượt quá giá trị đăng ký.

Cụ thể Louis Holdings đăng ký mua 3,6 triệu cổ phiếu Louis Capital (TGG) từ ngày 17/11/2021 đến ngày 15/12/2021. Tuy nhiên thực tế tổ chức này đã mua đến 4.674.700 cổ phiếu TGG từ 17/11/2021 đến 30/11/2021.

Như vậy doanh nghiệp do ông Đỗ Thành Nhân là chủ tịch HĐQT đã mua vượt hơn 1,07 triệu cổ phiếu TGG so với số lượng cổ phiếu đã đăng ký, tương ứng khoảng 10,75 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu.

Bên cạnh phạt tiền thì UBCKNN cũng phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ giao dịch chứng khoán hai tháng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22/3.

Nhóm doanh nghiệp có liên quan đến hệ sinh thái từng gây xáo động thị trường chứng khoán với đà tăng sốc giảm sâu và từng bị đặt cầu hỏi về việc thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên lãnh đạo Louis Holdings nhiều lần khẳng định không có chủ trương tác động lên giá cổ phiếu.

Trước đó vào tháng 1/2022, Louis Capital cũng đã bị xử phạt 232,5 triệu đồng với hàng loạt lỗi như vi phạm công bố thông tin về các tài liệu giải trình, ngày chốt danh sách cổ đông, báo cáo ngày trở thành cổ đông lớn một số cá nhân.

Thêm nữa Louis Capital còn không đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành; không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định; không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định pháp luật.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TGG của Louis Capital đóng cửa phiên 23/3 giảm 2,78% xuống còn 26.250 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là vùng giá mà Louis Holdings từng mua vào gần cuối năm 2021.

 

Cập nhật ngày 10/10/2021: CEO Louis Holdings khẳng định không làm giá cổ phiếu họ Louis

Ngay sau khi kết thúc lễ bổ nhiệm trở thành tân tổng giám đốc Louis Holdings diễn ra vào sáng nay 11-10, ông Nguyễn Mai Long đã đối thoại trực tiếp với nhiều phóng viên báo đài liên quan đến nghi vấn thao túng giá cổ phiếu của 'nhóm Louis'.

"Các biến động giá cổ phiếu - sức nóng "nhà Louis" khiến chúng tôi ngạc nhiên. Biến động trên gây ra làn sóng tiêu cực lẫn tích cực", ông Long nói và khẳng định đội ngũ Louis Holdings không tham gia các vấn đề liên quan đến việc tăng-giảm.

Tân tổng giám đốc cũng cho biết doanh nghiệp đang đón tiếp đoàn thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) liên quan đến cổ phiếu TGG (Louis Capital) và đang chờ kết quả.

Về nội dung thanh tra của SSC, ông Ngô Thục Vũ - tổng giám đốc Louis Capital - bổ sung: "Bất kỳ cổ phiếu nào có biến động, biên độ giao dịch giá rộng cũng có sự quan tâm giám sát. SSC kiểm tra tính tuân thủ công bố thông tin, quản trị công ty, các yếu tố liên quan đến báo cáo tài chính, mục đích sử dụng vốn...".

Ông Long cũng khẳng định luôn hoan nghênh đoàn thanh tra của SSC, vì "không có gì bằng các kết luận của cơ quan nhà nước".

Thời gian gần đây cổ phiếu "nhóm Louis" liên tục mất thanh khoản khiến nhà đầu tư không thoát được hàng, nhiều người đặt nghi vấn thao túng.

Trước đó, sau khi ông Đỗ Thành Nhân - chủ tịch hội đồng quản trị Louis Holdings - và nhóm cổ đông liên quan tiến hành thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập), Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường Giang (mã chứng khoán TGG, tên mới Louis Captial) trở thành tâm điểm, kéo lập đỉnh 74.800 đồng vào tháng 9-2021, tăng 6.000% so với thị giá 1.200 đồng hồi đầu năm, cao hơn cả giá cổ phiếu của Techcombank, Tập đoàn Hòa Phát, Vincom Retail, Petrolimex...

Ngoài TGG, từ cảnh bị ngó lơ dưới mệnh giá, hàng loạt cổ phiếu khác liên quan đến "nhóm Louis" bỗng thành "siêu cổ", nối nhau lập đỉnh giữa tháng 9 này, với mức tăng từ 150-600% so với hồi đầu năm, như BII (Louis Land), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), TDH (Thu Duc House), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh)...

Sáng nay, trong khi tân tổng giám đốc của Louis Holdings khẳng định với giới báo chí rằng "không làm giá cổ phiếu", thì nhiều cổ phiếu thuộc hệ sinh thái như TGG, BII... cũng đang giảm giá, nằm sàn.

"Hôm nay họp báo nhưng cổ phiếu giảm là bình thường. Điều mà công ty có thể "giải cứu" trên thị trường chứng khoán là cung cấp thông tin minh bạch, cho thấy phương án phát triển. Nếu mong muốn đẩy giá lên để xả thì chúng tôi không gia tăng đầu tư lâu dài tại nhiều công ty", ông Long chia sẻ.

Theo đó, Louis Holdings lên kế hoạch phấn đấu đạt tỉ lệ sở hữu không thấp hơn 70% cổ phần của Louis Captial, nắm quyền chi phối Angimex và Louis Land. Trong giai đoạn 2021-2025, tập đoàn sẽ tập trung vào bốn nền tảng chính, bao gồm lĩnh vực lương thực, tài chính, bất động sản và công nghiệp.

"Chúng tôi mong muốn nhà đầu tư ra quyết định đầu tư cẩn trọng và thông thái. TGG gần đây cũng đã đề nghị SSC trong chức năng quyền hạn làm rõ các dư luận về "thao túng giá", tránh thông tin gây nhiễu ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp đang niêm yết", ông Long chia sẻ và cho biết đang chờ kết luận thanh tra của SSC.

Link nội dung: https://vinabull.vn/ceo-louis-holdings-khang-dinh-khong-lam-gia-co-phieu-a1305.html