Đánh giá cổ phiếu DGC (Hóa chất Đức Giang): Cơ hội để tích luỹ

BSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DGC với giá trị hợp lý năm 2025F là 147,100 VND/CP chủ yếu do dời giá mục tiêu sang năm 2025F với P/E mục tiêu 2025F = 12.x tương đương mức trung vị 5 năm  và P/E 2024F = 14.9x.

 
dgc-3-1618850914.jpeg
Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang

BSC cho rằng đây là cơ hội để tích luỹ DGC trong bối cảnh lãi suất duy trì mức thấp do: (1) lợi nhuận của DGC đang ở vùng đáy và dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng 2023 – 2025 đạt CAGR 22%; (2) vị thế DGC sẽ gia tăng đáng kể khi dự án Nghi Sơn – Đức Giang đi vào hoạt động, đánh dấu bước đầu tham gia chế biến sâu hơn các sản phẩm hoá chất và (3) DGC là doanh nghiệp đầu ngành, tích cực mở rộng thông qua việc M&A;
 
DỰ BÁO KẾT QUẢ KINH DOANH 
 
Năm 2024, BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế DGC đạt 12,084 tỷ VND (+24% YoY) và 3,733 tỷ VND (+20% YoY) dựa trên các giả định:
(1) Doanh thu P4 vàng tăng +37% YoY nhờ: ASP và sản lượng lần lượt tăng +5% YoY và +31% YoY;
(2) Doanh thu axit Phosphoric tăng +19% YoY nhờ: giả định doanh thu WPA/H3PO4 lần lượt tăng  +15% YoY/+22% YoY;
(3) Doanh thu DAP/MAP +40% YoY nhờ: ASP tăng +10% YoY và sản lượng tăng +28% YoY
 
Năm 2025, BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế DGC đạt 14,450 tỷ VND (+20% YoY) và 4,644 tỷ VND (+24% YoY) dựa trên các giả định:
(1) Doanh thu P4 vàng tăng +16% YoY nhờ: ASP và sản lượng lần lượt tăng +5% YoY và +10% YoY;
(2) Dự án Nghi Sơn – Đức Giang vận hành 50% công suất với doanh thu đạt 971 tỷ VND và biên lợi nhuận gộp đạt 36.8%.
 
CẬP NHẬT DOANH NGHIỆP
 
KQKD 2023: DTT và LNST lần lượt đạt 9,748 tỷ VND (-33% YoY) và 3,250 tỷ VND (-46% YoY), chủ yếu do giá bán các sản phẩm chính giảm khiến doanh thu giảm, cụ thể: (1) Phốt pho vàng -43% YoY; (2) WPA -28% YoY và (3) phân bón: -12% YoY.
Kế hoạch kinh doanh 2024 thận trọng: DGC đặt kế hoạch DTT và LNST lần lượt đạt 10,202 tỷ VND (+5% YoY) và 3,100 tỷ VND (-4% YoY), đạt 85% dự báo BSC.
 
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ (tham khảo báo cáo gần nhất tại đây)
(1) Lợi nhuận tạo đáy, triển vọng phục hồi tươi sáng hơn nhờ  sản lượng phốt pho vàng phục hồi, dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng 2023 – 2025 đạt CAGR 22%;
(2) Nghi Sơn – Đức Giang là điểm nhấn cho tăng trưởng giai đoạn 2023F – 2026F, đóng góp 36% tăng trưởng lợi nhuận 2025F;
(3) Củng cố vị thế đầu ngành hoá chất thông qua các cơ hội M&A;
 
RỦI RO
Rủi ro giá bán và sản lượng phốt pho thấp hơn dự báo;
Rủi ro pháp lý: sự cố môi trường tiềm ẩn; Rủi ro về chính sách thuế 

Cập nhật ngày 15/4/2022: lại lên cơn sốt sau khi đã tăng cả 300% chỉ trong một năm qua

Trên thị trường, cổ phiếu DGC (Hóa chất Đức Giang) liên tục bứt phá. Chỉ trong một năm, thị giá cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang tăng gần 300%, đưa vốn hóa doanh nghiệp này tăng hơn 1,25 tỷ USD.

Cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang hôm 14/4/2022 lại tăng trần 7%, vượt VCF của Vinacafé Biên Hoà thành mã có thị giá cao nhất sàn HoSE.

Đà tăng của DGC bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, tức cách đây hơn hai năm, khi giá cổ phiếu còn dao động quanh vùng 15.000 đồng. Giá cổ phiếu hiện tại tăng gấp 16 lần so với giai đoạn đó. Tính riêng trong một năm trở lại đây thì cổ phiếu này tăng 315%.

Chất xúc tác của phiên tăng hôm 14/4/2022 là thông tin Hội đồng quản trị công ty thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 117%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu thì được nhận 117 cổ phiếu mới. Công ty dự kiến phát hành ngay trong tháng này hoặc tháng tới sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, việc DGC (Hóa chất Đức Giang) quý 1/2022 dự kiến lãi mỗi ngày 16,5 tỷ, cũng tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Công ty dự báo năm nay doanh thu đạt hơn 14.000 tỷ đồng và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ xấp xỉ 4.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 46,6% và 71,5% so với cùng.

Cập nhật ngày 25/3/2022: Vì sao giá cổ phiếu DGC (Hóa chất Đức Giang) tăng gần 300% chỉ trong một năm qua?

Với việc thị giá tăng gấp rưỡi chỉ trong một tháng qua, cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đang liên tục phá đỉnh lịch sử từng ghi nhận trước đó trên thị trường chứng khoán. Không chỉ lần đầu đưa thị giá vượt mốc 200.000 đồng/cổ phiếu, đà tăng mạnh gần đây của DGC còn đưa cổ phiếu này vào nhóm có thị giá cao nhất thị trường.

Nếu tính trong 1 năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu này đã tăng một mạch gần 290% từ vùng dưới 60.000 đồng vào tháng 3/2021 lên mức 227.100 đồng/cổ phiếu hiện tại (cuối ngày 23/2).

Đà tăng nhanh “như thổi” này cũng giúp Đức Giang từ một doanh nghiệp vốn hóa dưới 10.000 tỷ đồng cách đây một năm, hiện đã gia nhập nhóm vốn hóa tỷ USD với mức vốn hóa xấp xỉ 1,7 tỷ USD.

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiền thân là Công ty Hóa chất Đức Giang - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam - được thành lập từ năm 1963.

Đến tháng 3/2004, công ty thực hiện chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang. Cũng từ giai đoạn này, vốn điều lệ của công ty bắt đầu tăng nhanh.

Từ mức 15 tỷ tại thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của Đức Giang đã tăng lên mức 335 tỷ đồng vào cuối năm 2013, tương đương tăng 22 lần sau 10 năm.

Mức vốn này tiếp tục tăng trong các năm sau đó và lần đầu đạt trên 1.000 tỷ vào tháng 9/2018, sau khi công ty phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần sở hữu và sáp nhập Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai vào tập đoàn mẹ.

Trong các năm 2019-2021, Đức Giang có thêm 4 lần tăng vốn nữa, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp đến nay lên trên 1.710 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, vốn điều lệ của nhà sản xuất hóa chất và phân bón này đã tăng tới 114 lần.

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2012-2016, doanh thu bình quân của Hóa chất Đức Giang vào khoảng trên 2.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế dao động khoảng 200-300 tỷ đồng/năm.

Năm 2017, do giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai từ 61,68% xuống 42% nên công ty không được hợp nhất kết quả kinh doanh của Đức Giang Lào Cai vào tập đoàn mẹ, khiến doanh thu và lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh.

Đến năm 2018, Đức Giang đã phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần sở hữu tại Đức Giang Lào Cai và chuyển công ty này từ công ty liên kết sang công ty con, tiếp tục hợp nhất kết quả kinh doanh vào tập đoàn mẹ.

Cũng từ năm này, doanh thu của Hóa chất Đức Giang tăng vọt lên mức 5.000-6.000 tỷ/năm, lợi nhuận cũng tăng vọt lên 800-900 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang thực sự bùng nổ từ đầu năm 2021, khi giá các sản phẩm hóa chất và phân bón của công ty sản xuất tăng mạnh.

Cụ thể, các sản phẩm chủ lực của Đức Giang hiện nay bao gồm photpho vàng, axit photphoric, phân lân… Trong đó, 2/3 sản lượng sản xuất là để phục vụ thị trường nước ngoài.

Từ đầu năm 2021, việc Trung Quốc thiếu hụt năng lượng nội địa và hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá photpho vàng tăng mạnh. Hiện tại, giá nguyên liệu này tại thị trường Việt Nam phổ biến ở mức 7.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức 3.000 USD/tấn giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, nhu cầu photpho trên thế giới tăng còn do đây là nguyên liệu chính để sản xuất chip phục vụ cho thiết bị 5G và sản xuất pin cho xe điện. Chính điều này đã giúp doanh số xuất khẩu của Hóa chất Đức Giang tăng cao.

Nhờ giá thành sản phẩm tăng cao, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hóa chất Đức Giang vẫn thu về 9.550 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong năm 2021 vừa qua, tăng gấp rưỡi so với năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty theo đó cũng tăng 165%, đạt 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch đề ra. Đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả kinh doanh khả quan kể trên có được còn là nhờ công ty duy trì nhà máy hoạt động hết công suất và đưa mỏ Apatit Khai trường 25 (xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào hoạt động giúp giảm chi phí đầu vào.

Ngoài ra, với đặc thù doanh thu xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, Hóa chất Đức Giang luôn có lượng tiền USD dồi dào trong tài khoản, qua đó giúp công ty không bị chịu rủi ro tỷ giá khi đi vay đồng USD để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.

Năm nay, Hóa chất Đức Giang tiếp tục đặt tham vọng với doanh thu hợp nhất đạt 12.117 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Lợi nhuận kế hoạch của nhà sản xuất hóa chất này cũng là 3.500 tỷ, tăng tương ứng 39%.

Trước khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần nhất, đầu năm 2018, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang từng phải thừa nhận mảng kinh doanh hóa chất đã không còn dư địa mở rộng thêm.

Điều này buộc công ty phải tìm kiếm thêm mảng đầu tư mới để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai và mảng kinh doanh mới được Đức Giang lựa chọn chính là bất động sản.

Tham vọng lấn sân mảng bất động sản của Hóa chất Đức Giang được khởi đầu với dự án Khu chung cư Đức Giang tại số 18/44 đường Đức Giang, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội - cũng chính là trụ sở của công ty. Hiện dự án này do công ty con - Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang - quản lý với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Công ty cho biết dự án này đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể triển khai do chưa được cấp chủ trương đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại điều 75 Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, chủ đầu tư dự án nhà ở muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất làm đất ở.

Trong khi đó, quỹ đất mà Đức Giang đầu tư dự án chung cư là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và chưa có phần đất ở có quyền sử dụng hợp pháp. Dù tháng 1/2022, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi quy định này, tuy nhiên việc sửa đổi đã bị dời sang chương trình nghị sự của kỳ họp sau.

Ngoài tham vọng với lĩnh vực bất động sản, Hóa chất Đức Giang còn đang tập trung đầu tư vào Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn - do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn là chủ đầu tư.

Dự án này có quy mô 80 ha, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, là dự án tham vọng nhất của công ty hóa chất này để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai.

Theo kế hoạch, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2021-2025 với quy mô 60 ha. Trong đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng các công trình với tổng công suất 390.000 tấn hóa chất/năm.

Ở giai đoạn 2, với quy mô 20 ha, tổng vốn 2.000 tỷ, tiến hành từ năm 2026 đến năm 2027 với công suất dự kiến 250.000 tấn hóa chất/năm. Hóa chất Đức Giang cho biết hiện dự án vẫn chưa được khởi công do đang vướng vấn đề giải phóng dân cư vùng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đầu tư dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Theo công ty, đây chính là cơ sở pháp lý để có thể thực hiện việc di chuyển toàn bộ hộ dân cư ra khỏi vùng ảnh hưởng của dự án, giúp dự án sớm được khởi công.

Trong khi đó SSI Research cũng có dự báo doanh thu thuần Hóa chất Đức Giang có thể tăng 27% lên mức 7.900 tỷ đồng trong năm nay. Lợi nhuận ròng theo đó ước đạt 1.333 tỷ đồng, tăng khoảng 41%

Đà tăng trưởng cao ngay trong đại dịch là nhờ sản phẩm mới axit điện tử bắt đầu cung ứng từ tháng 8, nâng công suất sản xuất axit thực phẩm hiện tại và sản lượng tiêu thụ DAP tăng do nhu cầu phân bón nói chung tăng lên và hoạt động xuyên suốt trong năm 2021, so với chỉ 3 tháng hoạt động trong năm 2020.

SSI Research còn đánh giá biên lãi gộp trong nửa cuối năm 2021 sẽ tốt hơn do chi phí nguyên vật liệu quay lại mức bình thường từ mức cao nhất trong quý II/2021 và do tập đoàn đã chốt giá bán ở mức cao cho các hợp đồng trong những tháng cuối năm.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết giá photpho vàng tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, còn giá axit photphoric nhiệt cũng tăng 40% khi Chính phủ nước này hạn chế tiêu thụ năng lượng và các tiêu chuẩn môi trường đối với các nhà máy hóa chất.

Do vậy VCSC nâng dự báo giá bán trung bình (ASP) dự phóng giai đoạn 2021-2023 (dựa trên hàm lượng photpho) lên 15%. Do giá thị trường gần đây đã tăng mạnh, VCSC dự báo giá bán trung bình photpho của Hóa chất Đức Giang cũng tăng tương ứng 19% vào năm 2022.

 

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC)

DGC tiền thân là  Công ty Hóa chất Đức Giang là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập tử năm 1963, có trụ sở đặt tại số 18 ngõ 44 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Tháng 3 năm 2004, Công ty thực hiện chuyển đổi mô hình và chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty Cổ Phần với tên gọi là Công ty Cổ phần Bột giặt và hóa chất Đức Giang theo quyết định số 10/2004/QĐ-BCN ngày 13/02/2004 của Bộ Công nghiệp.

Năm 2007 trở thành công ty đại chúng và đến năm 2014 niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Đến nay tập đoàn có vốn điều lệ hơn 1.710 tỷ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, mảng bột giặt từng làm nên tên tuổi Đức Giang dần bị lu mờ khi chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ còn 1%), trong khi doanh thu và lợi nhuận hiện nay được đóng góp chủ yếu bởi các sản phẩm chính là phốt pho vàng (chiếm 47% doanh thu năm ngoái), axit các loại.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng mở rộng hoạt động sản xuất xút, hợp chất clo, nhựa PVC, phụ gia thức ăn chăn nuôi, apatit và các hóa chất đang thiếu nguồn cung tại Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu về các sản phẩm hóa chất ngày một lớn. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục lần lượt 6.236 tỷ và 948 tỷ đồng.

Sang năm 2021, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch tổng doanh thu 7.552 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

Theo báo cáo kinh doanh bán niên, công ty đạt gần 4.000 tỷ đồng doanh thu và 625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau hai quý đầu năm, Hóa chất Đức Giang thực hiện 53% chỉ tiêu doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo cơ cấu địa lý, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.812 tỷ và thị trường trong nước 1.176 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 70% và 30% trong doanh thu thuần.

Với hơn 50 năm hình thành, phát triển và sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ngày càng lớn mạnh, nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu…. góp phần xây dựng ngành công nghiệp nước nhà

BSC & VNDirect

Link nội dung: https://vinabull.vn/tai-san-cua-ong-chu-hoa-chat-duc-giang-tang-vot-a1273.html