TPHCM siết quản lý sàn bất động sản và môi giới

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết yêu cầu các sàn bất động sản phải tuân thủ việc công khai thông tin sản phẩm khi đưa vào kinh doanh. Các sản phẩm được chào bán phải đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch. Mọi dịch vụ của sàn đều phải thông qua hợp đồng.

Lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các sàn phải lập báo cáo về tình hình giao dịch qua hệ thống, gửi cơ quan này và Bộ Xây dựng trước ngày 5 hàng tháng. Các hoạt động này được kiểm soát theo Nghị định 44 Chính phủ nhằm xây dựng, quản lý, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Sở Xây dựng lưu ý các đơn vị rà soát lại một số điều kiện, trong đó có việc mỗi sàn phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn thời hạn. Người quản lý điều hành sàn phải có chứng chỉ hành nghề.

Động thái siết quản lý hoạt động của các sàn bất động sản diễn ra trong bối cảnh các nhà làm luật và chuyên gia đầu ngành địa ốc có quan điểm trái chiều về quy định mọi giao dịch nhà đất phải thực hiện qua sàn khi lấy ý kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản. Luồng quan điểm ủng hộ cho rằng nếu 100% giao dịch nhà đất qua sàn sẽ cung cấp thông tin số liệu về giá nhà đất một cách chính xác. Ngược lại, nhiều chuyên gia am hiểu thị trường phản biện các sàn bất động sản đang hoạt động có chất lượng còn thấp, từng vi phạm nhiều quy định về đạo đức như thổi giá tài sản, lừa dối người mua, là nguyên nhân làm đội giá bất động sản.

Cập nhật ngày 7/3/2023: các sàn môi giới tìm cách xoay xở, thậm chí giải thể

Sở Xây dựng TP.HCM vừa công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, cơ quan này cho biết hiện trên địa bàn TP có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng công bố thông tin chấm dứt hoạt động của 9 sàn giao dịch. Trong đó, ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng công bố trong tháng đầu năm, cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.

Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.

Thực tế, sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua đã khiến các sàn môi giới phải tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí giải thể dù vừa mới thành lập được 8 tháng.

Trong tham luận gửi hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh ngày 17/2, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho biết doanh nghiệp môi giới bất động sản chật vật, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động. Số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng.

Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...

Cập nhật ngày 9/9/2021: Nhiều sàn giao dịch bất động sản không còn tiền trả lương nhân viên

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), do tình hình dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

“Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao”, VARS nhận định.

Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương cạn kiệt. Do vậy, chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50-80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu.

Có tới 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương; 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập - tương đương với 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch.

Số còn lại được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.

Moi gioi bat dong san cung lao dao vi dich Covid-19 anh 1

VARS cho biết có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản.  

Trong khi đó, có tới 89% sàn giao dịch không được hường chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hơn 70% sàn giao dịch phản ánh không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Thậm chí, ngay cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm.

Vì vậy, VARS kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành BĐS, trong đó có ngành dịch vụ môi giới BĐS vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với Nhà nước.

Kiến nghị giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch BĐS có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cơ quan chức năng cần thúc đẩy nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện việc giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư BĐS làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư của xã hội.

Chủ dự án cần hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn chưa thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do phải thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, VARS đề nghị chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch; sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán một phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.

 

Sàn giao dịch bất động sản là gì?

Nhu cầu về bất động sản của người dân ngày càng cao. Nhưng việc tìm cho mình một bất động sản ưng ý gặp khá nhiều khó khăn bởi một phần vì thị trường bất động sản diễn ra quá sôi động, các dự án được mở ra ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, người dùng cần phải biết thêm nhiều thông tin về bất động sản để so sánh, đối chiều và đưa ra lựa chọn.

Và đó cũng chính là một trong những tiền đề để mở ra một sàn giao dịch bất động sản. Nơi đó cung cấp môi trường để người bán và người mua gặp gỡ, trao đổi. 

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014, sàn giao dịch bất động sản được hiểu là nơi diễn ra các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản

Sàn giao dịch bất động sản được phép hoạt động dưới các nội dung quy định tại Điều 70 Luật kinh doanh bất động sản 2014. Bao gồm:

– Thực hiện việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

– Tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; giới thiệu, niêm yết, cung cấp công khai thông tin về bất động sản cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; kiểm tra giấy tờ về bất động sản bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch; làm trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản

Sau khi được phép thành lập sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh được phép thực hiện các quyền của mình cũng như chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ kèm theo. Điều 71, Điều 72 Luật kinh doanh bất động sản quy định cụ thể như sau:

Về các quyền: Sàn giao dịch bất động sản được pháp luật ghi nhận các quyền sau:

– Yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản.

– Từ chối đưa lên sàn giao dịch bất động sản các bất động sản không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

– Được thu phí dịch vụ của khách hàng có bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản.

– Yêu cầu khách hàng bồi thường thiệt hại do lỗi của khách hàng gây ra.

– Các quyền khác trong hợp đồng.

Về các nghĩa vụ: Đi kèm với các quyền trên, sàn giao dịch bất động sản phải thực hiện nghêm túc, đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định. Đó là:

– Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm bất động sản được đưa lên sàn giao dịch phải có đủ điều kiện được giao dịch.

– Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

– Cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp.

– Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

– Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng.

 

Link nội dung: https://vinabull.vn/nhieu-san-giao-dich-bat-dong-san-khong-con-tien-tra-luong-nhan-vien-a1255.html