Đánh giá cổ phiếu BWE (Cấp nước Biwase): khởi sắc cùng Bình Dương, giá mục tiêu 43.800 đồng/cp

Dựa vào phương pháp định giá SoTP, BSC đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) với giá mục tiêu năm 2024 là 43,800VND/CP. 

 

bwe-1649315944.jpg
CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE)

DỰ BÁO KẾT QUẢ KINH DOANH 

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần năm 2024 của BWE dự báo sẽ đạt 3,725 tỷ VND (+8% YoY) và 758 tỷ VND (+7% YoY).

Doanh thu nước sạch, xử lý rác thải, nước thải tăng lần lượt 5% YoY, 16% YoY, 19% YoY được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất ở tỉnh Bình Dương và nhà máy nước, xử lý rác được nâng công suất. 

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ 

Sản lượng nước thương phẩm tiếp tục tăng và khối lượng rác thải phục hồi nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh Bình Dương khởi sắc. 
Tăng thêm khách hàng mới nhờ 1) đầu tư tăng đường ống nước và nâng công suất nhà máy xử lý rác thải và 2) dân số và tỷ lệ đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương được dự báo tiếp tục gia tăng. 
Triển vọng dài hạn sẽ đến từ các công ty liên kết. 
CATALYST:  UBND tỉnh Bình Dương có thể duyệt kế hoạch tăng giá nước trong năm 2024. 

RỦI RO 

Kinh tế tỉnh Bình Dương phục hồi yếu hơn dự báo. 
Các công ty liên kết hoạt động kém hiệu quả. 

Cập nhật ngày 24/8/2023: không ngừng mở rộng,  giá mục tiêu 70.902 đồng/cp

CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 2H23 nhờ sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Yuanta khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 70.902 đồng/cổ phiếu.

CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) đã hoàn thành việc mua lại nhóm công ty nước ở Long An. BWE đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Công Ty Cổ Phần Nước BIWASE Long An (Biwase Long An Water) lên 91,6%, tăng từ mức 25,4% trong tháng 05, hoàn thành việc mua lại nhóm công ty trong lĩnh vực nước ở tỉnh Long An.

Tăng gấp đôi công suất thiết kế của Biwase Long An Water lên 120.000 m3/ngày và đang trong quá trình thực hiện, với vốn đầu tư 1000 tỷ đồng, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động sang tỉnh có nguồn vốn FDI lớn thứ 3 của Việt Nam. Công ty tự tin rằng nhu cầu thị trường sẽ lớn và sẽ sớm đạt 100% công suất sau khi mở rộng do nguồn nước ở Long An hiện nay hầu hết đã bị nhiễm mặn. Giá bán lẻ nước tại Long An đã được thông qua, ban lãnh đạo không tiết lộ chi tiết nhưng tự tin mức giá này đủ để bù đắp chi phí và đem đến biên lợi nhuận ổn định.

Công ty đặt mục tiêu mở rộng công suất của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Tân (BWE sở hữu 31,5%) lên gấp ba lần đạt 200.000 m3/ngày. Công ty Cấp nước Gia Tân sẽ cung cấp nước cho nhu cầu tiềm năng của 200.000 ha diện tích đất công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai.

BLĐ hướng tới quản lý chất thải theo mô hình tuần hoàn, trong đó chất thải sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiệt điện khí sinh học, vật liệu xây dựng và phân bón. Sẽ không có chất thải nào được xả ra môi trường kể từ ngày 01/08. Hiện tại, BWE đã hoàn thành 80% việc xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ có công suất 840 tấn/ngày, nâng tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón hữu cơ lên 1.680 tấn/ngày. Ngoài ra, điện từ khí sinh học thu được đã đạt 5MW

Nhu cầu nước và xử lý chất thải rắn thải tại Bình Dương ổn định. Ban lãnh đạo ước tính rằng nhu cầu cung cấp nước và xử lý chất thải rắn sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm trong điều kiện kinh doanh bình thường. Tăng trưởng sản lượng nước trong 1H23 ở mức khiêm tốn 1,4% nhưng ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 2H23 nhờ sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Yuanta nhắc lại khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 70.902 đồng/cổ phiếu. Việc mua lại gần đây mang đến tiềm năng tăng giá đối với dự báo lợi nhuận hợp nhất trong dài hạn.

CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE)
Trước năm 1975, Công ty CP Nước-Môi Trường Bình Dương (BIWASE) tiền thân là “Trung Tâm Cấp Thủy Bình Dương” với 5 trạm bơm nước ngầm. Năm 2005, thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp, công ty chuyển tên thành Công ty TNHH MTV Cấp Thoát Nước-Môi Trường Bình Dương. Sau nhiều lần chuyển đổi, năm 2016 công ty đã chính thức chuyển hình thức từ công ty TNHH 100% vốn sở hữu của nhà nước thành Công ty CP với tên Công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương, trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia 51% và vốn tư nhân 49% vốn điều lệ.
Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) là một trong những đơn vị dẫn đầu về ngành sản xuất - kinh doanh nước sạch, xử lý chất thải, nước thải. 
Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình dịch bệnh tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng với nỗ lực vượt qua khó khăn, Biwase không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra mà còn góp phần hoàn thành nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời giải quyết tốt việc thu gom, xử lý các loại rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều năm qua, Biwase là cánh chim đầu đàn trong ngành cấp nước của cả nước, 3 lần được vinh danh là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết ở sàn chứng khoán tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2019, 2020 và 2021. Hiện Biwase là đơn vị đứng thứ 4 về công suất cấp nước và đứng thứ 3 về doanh thu, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng nước tiêu thụ của Công ty đạt trên 73,5 triệu m3, tỷ lệ thất thoát nước 5%, tổng doanh thu đạt 1.508 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 333 tỷ đồng…

Với vai trò là đơn vị chủ lực của tỉnh Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực cấp nước và môi trường, Biwase đã phát huy nội lực, đầu tư hệ thống cấp nước sạch phủ rộng khắp toàn tỉnh, từ các vùng công nghiệp và đô thị phát triển đến những vùng nông thôn xa, với khoảng 250.000 khách hàng, trong đó có gần 7.000 khách hàng là doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nếu so với thời điểm năm 1997, công suất hiện tại tăng hơn 30 lần với 760.000m3/ngày đêm, công suất xử lý đạt 1 triệu m3/ngày đêm, đủ đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới.

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ban, ngành, các dự án của Biwase đầu tư ở các địa phương được Công ty đặt nhiều kỳ vọng tạo tiền đề để phát triển bền vững trong tương lai.

Cùng với nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, Biwase còn được giao nhiệm vụ thoát nước đô thị, xử lý môi trường.

Với thế mạnh phát triển công nghiệp với 29 khu công nghiệp, kéo theo tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, ước tính mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt các loại. Xác định nhiệm vụ thu gom, xử lý các loại chất thải chính là nền tảng để duy trì phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong lĩnh vực thu gom xử lý nước thải sinh hoạt tổng công suất là 90.000m3/ngày đêm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên.

Các nhà máy xử lý nước thải của Biwase đều hoạt động phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường ở lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Hầu hết chất thải, rác thải đều được Biwase xử lý triệt để để bảo vệ môi trường. “Biến rác thành tiền” - một câu chuyện tưởng như khó thực hiện nhưng Biwase đã hiện thực hóa được thông qua việc tự nghiên cứu thành lập nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh tái chế từ rác đạt 1.680 tấn/ngày. Biwase tận dụng nhiệt từ lò đốt lắp turbine phát điện với công suất 5MW, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2022. Bên cạnh đó Biwase còn sản xuất các loại gạch tái chế không nung thân thiện với môi trường, phục vụ công tác phát triển hạ tầng.

Lãnh đạo Công ty nhận thức rõ con người là nhân tố quan trọng tạo nên những giá trị cốt lõi để giúp một doanh nghiệp phát triển bền vững, và đầu tư về con người, công nghệ, điều kiện làm việc, góp phần cho công ty thực sự đủ “tầm” để thực hiện nhiệm vụ. Định hướng này đã trở thành một trong những nội dung quan trọng và là nhiệm vụ xuyên suốt của Biwase thời gian qua.

BSC & Yuanta

Link nội dung: https://vinabull.vn/danh-gia-co-phieu-bwe-cap-nuoc-binh-duong-biwase-a1230.html