Tác động từ giá thép Trung Quốc
Giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp quanh 3,600-4,200 USD/Tấn như hiện nay cho tới ít nhất nửa đầu 2024 do 1) Nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên với số nhà xây mới liên tục sụt giảm bởi nguồn vốn để phát triển dự án vẫn còn nhiều vướng mắc tại đây; 2) Niềm tin người mua nhà tại Trung Quốc suy yếu và chưa có nhiều động lực để quay trở lại (3) Các chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản cần thêm nhiều thời gian để thẩm thấu giúp thị trường hồi phục thực sự.
Việc cắt giảm nguồn cung thép và các gói chính sách đưa ra của chính phủ sẽ chưa thể mang lại hiệu quả rõ ràng trong ngắn hạn. Dựa theo chỉ số RMI (chỉ số BĐS Trung Quốc) vốn có tương quan khá sát với biến động giá thép, chúng tôi đánh giá cao khả năng chu kỳ giá thép dò đáy ít nhất sẽ cần 6 tháng tới.
Hiện nay RMI đang ở dưới mốc 100 (RMI ở mức 93.44 – thấp ngang khủng hoảng BĐS TQ năm 2014-2015) cho thấy ngành BĐS Trung Quốc vẫn ở giai đoạn rất yếu. Quá trình hồi phục từ đáy thường mất từ 6 tháng tới 1 năm sau những chính sách kích thích của chính phủ.
Theo thống kê tương quan lịch sử, biến động xu hướng của giá thép Trung Quốc và giá thép EU, Mỹ có sự tương quan chặt chẽ. Giá thép HRC tại Mỹ và EU thời gian gần đây có sự đầu cơ tăng giá mạnh mẽ trước những kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế và những thông tin hỗ trợ từ Trung Quốc. Tuy nhiên như đã nhận định ở slide trước đó, giá thép tại Trung Quốc khó có thể đi vào một xu hướng tăng trong nửa năm tới và gặp nhiều lực cản làm cho giá thép duy trì vùng giá thấp.
Vì vậy, VCBS đánh giá sự đầu cơ giá thép tại Mỹ và EU có thể sẽ sớm kết thúc và giá thép HRC có thể sớm quay lại điều chỉnh trong bối cảnh nguồn cung thép giá rẻ tại Châu Á sẽ sớm bù đắp phần thiếu hụt tại 2 khu vực này.
Giá thép nội địa đã tạo đáy
Giá thép thanh tại Việt Nam sau đà giảm liên tiếp đã đi ngang ở mốc 13,5 triệu đồng/tấn (thấp nhất) đã hồi phục nhẹ lên mức 14 triệu đồng/Tấn.
Tình trạng này đến từ 1) Áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; 2) Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong Q3/2023 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán hàng tồn kho; 3) Cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc.
VCBS đánh giá giá thép ở mức 13,5 triệu đồng/Tấn (Giá thép thanh thấp nhất của HPG) đã là mức đáy của thép thanh do ở mức giá này các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hòa vốn hoặc lỗ.
Ngoài ra, giá thép thanh trong nước hiện tại đã thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên tiềm năng giảm giá là không nhiều. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc như đã nhận định ở phần trước đó và khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.
Giai đoạn vừa qua giá thép có sự hồi phục chủ yếu do những kỳ vọng ngắn hạn từ các gói chính sách của chính phủ Trung Quốc và giá đầu vào tăng cao. VCBS kỳ vọng giá thép thanh duy trì ở mức 14,000-15,000 triệu đồng/Tấn cho đến hết nửa đầu năm 2024 trước khi có những sóng tăng giá sau đó.
Xuất khẩu thép tích cực
Theo dự báo của WSA (Hiệp hội Thép thế giới), nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023 hồi phục nhẹ ở mức 1.8% và tăng trưởng 1.9% vào năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở đa phần các quốc gia như Châu Âu, Châu Á, Mỹ…. Quốc gia chiếm trọng số lớn nhất và thiếu động lực tăng trưởng trong 2024 là Trung Quốc với dự phóng tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ ở mức 0%.
VCBS cho rằng giả định tăng trưởng này sẽ hợp lý trong bối cảnh nền tảng lãi suất của các quốc gia lớn như Châu Âu, Mỹ giảm xuống trong nửa cuối năm 2024 và không có trường hợp suy thoái kinh tế.
Nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU có tốc độ hồi phục tốt trong 9M.2023 tính từ đáy Q4.2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU và Mỹ và khu vực Châu Á đang ở mức cao.
Đầu tư công tạo ra nhu cầu đối với thép
Kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi (1) giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang, và (2) gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý, tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.
Ngành BĐS nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.
Ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15% trước khi hồi phục 11% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.
Cập nhật ngày 12/2/2023: Khó khăn nhất đã qua?
Chúng tôi đã tham gia ĐHCĐ 2023 của một số công ty thép niêm yết, đáng chú ý hầu hết ban lãnh đạo nhóm công ty này đều đưa ra thông điệp tích cực hơn. Nhưng liệu khó khăn đã qua chưa?
Các công ty đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023 và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong Q1/23 đều ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên đã được cải thiện đáng kể về mặt lợi nhuận so với 2 quý trước đó.
Xu hướng này đến chủ yếu bởi trung bình giá thép xây dựng và HRC tại Việt Nam trong Q1/23 lần lượt là 15,9 triệu đồng/tấn (-7% svck/+6% sv quý trước đó) và 660 USD/tấn (-20% svck/+18% sv quý trước đó);
Giá bán thép tăng cũng giúp nhiều doanh nghiệp trong Q1/23 ghi nhận hoàn nhập dự phóng giảm giá hàng tồn kho;
Chí phí lãi vay trong Q1/23 tăng mạnh svck phản ánh chi phí vốn tăng và (4) tỷ giá diễn biến thuận lợi hơn và việc chủ động giảm các khoản vay ngoại tệ giúp các công ty trong Q1/23 đã hạn chế khoản lỗ ròng tỷ giá so với 2 quý cuối năm 2022.
Nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023
Triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành. Ngày 03/04/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu có sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Do đó, nguồn cung BĐS nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi (1) Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và (2) áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.
Cập nhật ngày 12/2/2023: Triển vọng ngành thép năm 2023 vẫn kém khả quan
Chi phí nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều tăng vọt khiến lợi nhuận hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đi xuống. Năm 2023 doanh nghiệp ngành thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn
Sản lượng tiêu thụ năm 2022 kém khả quan ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Kết thúc năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép toàn ngành -10.8% yoy, trong đó, nội địa -7% yoy, xuất khẩu -21% yoy.
Sang năm 2023, BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép sẽ có sự phục hồi nhờ tháo gỡ chính sách về Bất động sản. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sản lượng thép sẽ chậm do (1) thị trường bất động sản trong nước chững lại, cần thời gian để các doanh nghiệp tái cơ cấu dự án, 2) các nền kinh tế lớn dự báo tiếp tục suy thoái, kéo theo nhu cầu giảm. Theo đó BSC dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép +3-5% yoy.
Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép sẽ cải thiện trong Q1.2023 nhờ hàng tồn kho giá cao phần lớn đã được thanh lý hết vào trong 2H.2022, dựa trên 2 yếu tố sau: Thứ nhất, (1) các doanh nghiệp thép thường duy trì lượng nguyên vật liệu đủ cho 3 tháng bán hàng, và đã liên tục cắt giảm công suất từ Tháng 7, thậm chí, đóng lò như HPG (T11) POM (T10). Thứ hai, (2) lượng tồn kho thép toàn ngành đã về mức thấp nhất trong 5 Quý. Kết thúc tháng 12.2022, hàng tồn kho thép các loại đã giảm còn 990,000 tấn (-29% yoy). Trong đó, tồn kho xây dựng -28% yoy, tôn mạ -16% yoy, HRC/CRC -46% yoy.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản suất đã duy trì ở mức thấp từ T7.2022, giúp giảm giá vốn hàng tồn kho trong thời gian tới. Do vậy, BSC cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép sẽ cải thiện trong Quý 1.2023.
Trong đó, HPG, HSG sẽ có mức độ cải thiện tốt hơn các doanh nghiệp còn lại nhờ (1) tập trung thị trường nội địa, do vậy, có khả năng tiêu thụ nhanh hơn, (2) đã sớm giảm công suất sản xuất thép (HPG: T11.2022, HSG: T4.2022).
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ – TRUNG LẬP
BSC nâng khuyến nghị từ KÉM KHẢ QUAN lên TRUNG LẬP đối với ngành Thép trong Q1.2023 chủ yếu đến từ việc hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận trong 2H.2022. Tuy vậy, BSC lưu ý triển vọng tiêu thụ kém khả quan sẽ kéo dài sang năm 2023.
Cập nhật ngày 28/1/2023: đà lỗ nặng cuối 2022 có thể tiếp nối sang 2023
Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Nam Kim, VNSteel lần lượt báo lỗ kỷ lục trong quý IV/2022 khi tiêu thụ thép giảm theo giá bán.
Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi hơn 7.400 tỷ đồng. Lỗ quý thứ hai liên tiếp kéo lợi nhuận cả năm giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn hơn 8.400 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, nâng mức lỗ thêm 93% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.
Mới đây, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) công bố lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cả năm 2022, NKG lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.
Nắm phần lớn thị phần ngành thép, việc ba doanh nghiệp trên báo lợi nhuận đi lùi đã phác họa nên bức tranh kinh doanh xám màu của toàn ngành. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát và VNSteel là hai doanh nghiệp chiếm lớn nhất cả nước về thép xây dựng, lần lượt đạt gần 35% và hơn 11%. Trong khi đó, Nam Kim mạnh mảng tôn mạ, giữ gần 17% thị phần cả nước, chỉ sau Hoa Sen.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của ngành thép không gây bất ngờ khi tình hình tiêu thụ lẫn giá bán sản phẩm kém khả quan trong năm 2022. Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm hơn đạt 29,3 triệu tấn, giảm gần 12% so với năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm hơn 7%. Trong đó xuất khẩu giảm hơn 19%. Chênh lệch giữa sản xuất và bán hàng lên đến hơn 2 triệu tấn thép thành phẩm.
"Đối với ngành thép Việt Nam, 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ", VSA nhận định.
Ngay cả quý cuối năm - cao điểm của ngành thép, tình hình tiêu thụ cũng không khả quan như thường lệ. Bán hàng thép thành phẩm quý IV/2022 đạt 5,99 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình... ngày càng cao. Tuy nhiên nhóm này chiếm tỷ trọng không quá lớn. Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản...
Về giá bán, khép lại đợt tăng mạnh sau Tết nguyên đán, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 từng bước lùi về vùng 15 triệu đồng một tấn từ cuối tháng 8/2022. Trong quý IV, giá thép về đáy hai năm khi nhiều thương hiệu lớn bán ra với giá quanh 14 triệu đồng một tấn.
Gần đây, nhiều thương hiệu nâng giá bán mỗi tấn thép vượt 15 triệu đồng. Tuy nhiên động lực tăng giá lại là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, chưa phải đến từ nhu cầu thị trường sôi động trở lại.
Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022. Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Tựu trung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.
Cập nhật ngày 7/5/2022: hết thời lợi nhuận khủng
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý đầu năm nay, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu thép đạt khoảng 2.275 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,15% về khối lượng nhưng lại tăng 12,53% về giá trị so với cùng kỳ.
Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành lại không biến động thuận chiều.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSteel (mã TVN) cho thấy đà giảm mạnh lợi nhuận tại các đơn vị thành viên, đặc biệt là ở mảng thép xây dựng và tôn mạ.
Cụ thể, ở mảng thép xây dựng, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam lãi trước thuế 5 tỷ đồng, chỉ bằng 7% kết quả cùng kỳ; CTCP Thép Vicasa (mã VCA) lãi trước thuế 11,1 tỷ đồng, giảm 21,76% so với cùng kỳ; CTCP Thép Thủ Đức (mã TDS) lãi hơn 8 tỷ đồng, giảm 37,21% so với cùng kỳ.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) cũng suy giảm lợi nhuận tới 35%, chỉ còn 29,2 tỷ đồng. Ở mảng tôn mạ, CTCP Tôn mạ VNSteel Thăng Long (mã TVT) ghi nhận số lãi vẻn vẹn 73 triệu đồng, trong khi cùng kỳ con số 27,6 tỷ đồng của cùng kỳ. Công ty Tôn Phương Nam (SCCS) cũng có lợi nhuận sụt giảm 23%, xuống còn 30,1 tỷ đồng.
Theo VNSteel, nguyên nhân chính khiến nhiều công ty thành viên suy giảm lợi nhuận là biến động kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá các nguyên liệu đầu vào của ngành thép như quặng sắt, than, khí đốt và cước vận chuyển tăng mạnh.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) dù đạt doanh thu 1.796 tỷ đồng trong quý I, tăng tới 83% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
VNSteel công bố kế hoạch doanh thu năm nay đạt 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,4% và 51,6% so với thực hiện 2021.
Thép Vicasa, công ty thành viên của VNSteel đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế ở mức 16,56 tỷ đồng, giảm gần 55% so với năm 2021. Sự thận trọng trong kế hoạch lợi nhuận của VCA xuất phát từ dự báo giá thép quay đầu giảm trong năm 2022 và cạnh tranh trên thị trường gay gắt hơn.
Tương tự, Thép Thủ Đức đặt kế hoạch lãi sau thuế năm nay đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm 56% so với mức thực hiện năm 2021. Hay Gang thép Thái Nguyên dù đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế kế hoạch lại suy giảm 29,4%, với 110 tỷ đồng.
Thép Tiến Lên thì đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với doanh thu thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, giảm 35% so với số lãi thực hiện của năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, TLH đã thực hiện được 28% kế hoạch lợi nhuận và 32% mục tiêu doanh thu cả năm.
Tập đoàn Hoa Sen lại đưa ra 3 kịch bản kinh doanh cho năm nay; trong đó, kế hoạch về sản lượng được đề ra là 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng cho cả 3 phương án. Riêng với chỉ tiêu lợi nhuận có ba mức: 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng, phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.
Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận giảm 11,1% về sản lượng, gần 5% về doanh thu và giảm từ 42 - 65% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện niên độ 2020 - 2021.
CTCP Tôn Nam Kim (mã NKG) lên kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, giảm 28%. Hay CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 20.000 tỷ đồng, giảm 6,2%; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 66,8% so với năm 2021.
VNSteel nhận định trong thời gian tới, giá nguyên liệu thế giới còn tiếp tục tăng cao khi nguồn cung bị thắt chặt, chi phí tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu của các đơn vị, hiệu quả kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng.
Với thị trường xuất khẩu, mặc dù do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga- Ukraina khiến nhu cầu thép tại các thị trường châu Âu và Mỹ gia tăng, nhưng áp lực cạnh tranh cũng tăng lên khi nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng công suất, do vậy, khó có thể đem lại hiệu quả cao như trong năm 2021.
Cập nhật ngày 15/3/2022: Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng 600.000 đồng/tấn
Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, thông báo thay đổi giá sản phẩm từ ngày 10/3. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 ở mức 18,33 triệu đồng/tấn. Loại D10 CB300 là 18,43 triệu đồng/tấn. Cả hai loại trên đều tăng 600.000 đồng/tấn so với ngày hôm qua. Ở khu vực miền Nam, giá các loại trên cũng được điều chỉnh tăng 600.000 đồng/tấn. Sau điều chỉnh, CB240 là 18,33 triệu đồng/tấn, D10 CB300 là 18,48 triệu đồng/tấn.
Trong tháng 1, Việt Nam mua 331.324 tấn thép, tương đương 354,56 triệu USD, chiếm 32,5% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Giá thép trong nước cũng ảnh hưởng lớn bởi thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Giá thép không gỉ giao ngay tại Trung Quốc ngày 9/3 là 19.373 nhân dân tệ/tấn (3.066 USD/tấn), cao hơn 2,5% so với ngày trước đó. Tính từ đầu tháng đến nay, giá mặt hàng này tăng hơn 12%. So với thời điểm đầu năm, giá thép không gỉ tăng hơn 21%. Thép cuộn cán nóng ở mức 5.166 nhân dân tệ/tấn (816 USD/tấn), cao hơn 4,2% so với đầu tháng. Thép cuộn cán nguội là 5.673 nhân dân tệ/tấn (898 USD/tấn), tăng 3,5% kể từ đầu tháng.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc lên cao trong tháng 3, một phần do chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh thị trường bất động sản đi xuống. Bên cạnh đó, giá thép tăng vì lo ngại nguồn cung bị đứt gãy do chiến sự tại Ukraine. Các quốc gia nhập khẩu từ Nga, Ukraine đang tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Nga chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thép của thế giới, còn Ukraine chiếm khoảng 4%.
Giá thép tăng trong bối cảnh giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, hay thép phế) trên thị trường thế giới tăng vọt. Đồng thời, nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra khi Nga là nước sản xuất thép lớn trên thế giới. Hơn nữa, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cũng đóng góp vào giá thành sản xuất thép tại các doanh nghiệp tăng lên. Việc giá năng lượng liên tục được đẩy cao có thể khiến giá sản xuất thép tiếp tục tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Cập nhật ngày 27/10/2021: Nhiều doanh nghiệp thép đồng loạt tăng giá
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép và xi măng đã điều chỉnh mức tăng giá bán. Cụ thể:
Giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg.
Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.
Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng diễn ra vào đầu năm, thì vào thời điểm này thì giá thép và các vật liệu khác lại bước vào đợt tăng mới sau một thời gian hạ nhiệt diễn ra chỉ trong vài tháng.
Cập nhật ngày 10/8/2021: Sản xuất và tiêu thụ thép chững lại do ảnh hưởng của Covid-19
Theo báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 7 và 7 tháng năm 2021 vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 7/2021 chững lại, nhưng tính chung 7 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 7 sản xuất thép các loại đạt 2.398.028 tấn, giảm 6,48% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 7 tháng năm 2021, sản xuất thép các loại đạt 18.325.583 tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2020.
Về tiêu thụ thép các loại, trong tháng 7/2021 đạt 2.101.200 tấn, ngang mức tháng 6/2021, nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước, và tăng 55% so với cùng kỳ tháng 7/2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tiêu thụ đạt 16.161.179 tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 4.078.19 tấn, tăng 78,9% so với 7 tháng năm 2020.
Về tình hình nhập khẩu, báo cáo cập nhật đến hết tháng 6/2021 cho thấy, trong tháng 6 nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 1,12 triệu tấn với kim ngạch 1,1 tỷ USD, tăng 18,13% về lượng và tăng 25,73% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 5,65% về lượng nhưng tăng 75,16% về giá trị.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 7,09 triệu tấn với trị giá trên 5,78 tỷ USD, tăng lần lượt 5,92% về lượng và 44,12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, thống kê từ báo cáo cho thấy, giá quặng sắt ngày 11/8/2021 giao dịch ở mức 165,95-166,45 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm mạnh khoảng 56 USD/tấn so với thời điểm 6/7/2021.
Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày 11/8/2021 khoảng 221,5USD/tấn, tăng mạnh 21,5USD so với đầu tháng 7/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao.
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 495USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/8/2021. Mức giá này giảm 23USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 11/8/2021 ở mức 917USD/T, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 37 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 7/2021.
VCBS & BSC & VNDirect
Link nội dung: https://vinabull.vn/cap-nhat-nganh-thep-a1206.html