Phân tích cổ phiếu MBB (Ngân hàng Quân đội): hấp dẫn nhờ chi phí vốn thấp và tỷ lệ CASA đứng đầu ngành

Với mức định giá này, MBB vẫn hết sức hấp dẫn nhờ các động lực tăng trưởng dài hạn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng.

Q1/23: Thu nhập lãi tăng trưởng mạnh và chi phí dự phòng được kiểm soát tốt

Thu nhập lãi thuần trong Q1/23 tăng 22% svck, nhờ tăng trưởng tín dụng 13% svck và NIM tăng 10 điểm cơ bản. Thu nhập ngoài lãi giảm 48% svck do (1) thu nhập từ phí dịch vụ giảm 38% do hoạt động môi giới chứng khoán/bảo hiểm kém tích cực, (2) thu nhập từ mua bán chứng khoán giảm 85% và (3) thu nhập từ HĐKD ngoại hối giảm 21%.

Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và giảm lần lượt 13% và 1% svck. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động tăng 3% svck và LN ròng tăng 11% svck, vượt dự báo.

NIM được duy trì với tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tương đối tốt

Lợi suất tài sản của MBB tăng 190 điểm cơ bản svck trong khi chi phí vốn tăng 210 điểm cơ bản svck trong Q1/23. NIM tăng thêm 10 điểm cơ bản svck lên 5,7% (-10 điểm cơ bản sv quý trước), tiếp tục ở top đầu ngành và vượt xa kỳ vọng.

Tỷ lệ CASA của MBB, mặc dù giảm trong quý như hầu hết các ngân hàng khác, nhưng vẫn đầu ngành ở mức 35,5% (-5,1đ% sv quý trước) và góp phần duy trì NIM. MBB đạt mức tăng trưởng tín dụng 3,8%% sv đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn hệ thống là 2,1%. Tăng trưởng tiền gửi ổn định ở mức 2,0% sv đầu năm với tiền gửi cá nhân tăng 10,5% và tiền gửi doanh nghiệp giảm 8,4%.

Chất lượng tài sản suy giảm nhưng TT 02/23 sẽ giúp MBB kiểm soát nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu tăng 75 điểm cơ bản svck và 65 điểm cơ bản sv quý trước lên 1,8% vào cuối Q1/23. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng mạnh 230 điểm cơ bản svck và 180 điểm cơ bản sv quý trước lên 3,5%. Khả năng cao chất lượng tài sản suy giảm chủ yếu ở mảng bất động sản (BĐS), bao gồm cả cho vay các DN phát triển BĐS và cho vay mua nhà.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB đã giảm từ 238% cuối 2022 xuống còn 138% cuối Q1/23 do nợ xấu tăng đột biến. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu/ nợ nhóm 2 gia tăng là đáng quan ngại, MBB vẫn sẽ có thể kiểm soát tốt nợ xấu/dự phòng trong năm nay khi xét đến khả năng hưởng lợi từ Thông tư 02/23 và những diễn biến tích cực gần đây trong lĩnh vực BĐS và năng lượng tái tạo (NLTT), hai ngành MBB có mức dư nợ tín dụng đáng kể.

Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 29.300đ/cp

Với kết quả Q1/23 tốt hơn kỳ vọng, VNDirect điều chỉnh giảm dự phóng chi phí dự phòng và nâng dự báo LN ròng giai đoạn 2023-24 tăng nhẹ 2,2%/3,0% lên 19,6/22,9 nghìn tỷ đồng, đã cập nhật cổ tức tiền mặt 500đ/cp (lợi suất 2,7%) vào định giá.

Nhìn chung, phần lớn những yếu tố bất lợi và rủi ro xung quanh chất lượng tài sản của MBB đã được phản ánh vào giá cp vì MBB hiện chỉ đang giao dịch ở mức 0,9 lần P/B 2023, thấp hơn nhiều so với TB 3 năm là 1,5 lần.

Với mức định giá này, MBB vẫn hết sức hấp dẫn nhờ các động lực tăng trưởng dài hạn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng. Do đó, VNDirect duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi là 29.300đ/cp.

Rủi ro giảm giá bao gồm nợ xấu cao hơn và tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với dự kiến.

Cập nhật ngày 22/8/2021: Hàng tốt dài hạn, giá hợp lý 39.484 đồng/cp

VCBS khuyến nghị MUA cổ phiếu MBB với chất lượng tài sản tốt, triển vọng tăng trưởng dài hạn. Giá trị hợp lý của cổ phiếu MBB là 39.484 đồng/cp.

Quan điểm đầu tư

Tín dụng còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn; Số lượng khách hàng tăng nhanh nhờ chiến lược tiếp thị và bán hàng hiệu quả với sự hỗ trợ của ngân hàng số; Lợi thế về chi phí vốn và thanh khoản dồi dào giúp biên lãi ròng NIM tiếp tục duy trì ở mức cao;

Các công ty con hoạt động hiệu quả giúp thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ; Tiết giảm chi phí hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ và số hóa vào hoạt động; Áp lực trích lập thấp nhờ bắt đầu quá trình trích lập xử lý tài sản sớm.

Khuyến nghị

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu MBB với tập khách hàng phong phú và đa dạng, chất lượng tài sản tốt, nguồn vốn dồi dào và triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Giá trị hợp lý của cổ phiếu MBB là 39.484 đồng/cổ phiếu.

mbb3-1619586411.png

 

Tăng trưởng tín dụng ấn tượng

Trong 6T.2020, MBB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.986 tỷ đồng (+56% yoy) nhờ tín dụng tăng trưởng tốt và NIM tiếp tục mở rộng. Tín dụng tăng trưởng 10,7% với quy mô tín dụng đạt 360.450 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 331.147 tỷ đồng (+11% ytd) và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 29.303 tỷ đồng (+6,9% ytd).

Mức tăng chủ yếu tập trung ở Q1.2021, sang Q2.2021 tín dụng tăng trưởng chậm lại do tác động của dịch bệnh bùng phát, cùng với việc ngân hàng vẫn đang chờ được NHNN cấp thêm “room” tín dụng.

Cấu trúc dư nợ cho vay của MBB bao gồm 44% dư nợ cá nhân, 8,2% dư nợ doanh nghiệp nhà nước và 47,8% dư nợ doanh nghiệp tư nhân. Tín dụng phân khúc khách hàng doanh nghiệp tư nhân có mức tăng trưởng cao nhất +20,6% yoy, trong khi dư nợ nhóm doanh nghiệp nhà nước ghi nhận mức giảm -24,8% yoy. Dư nợ khách hàng cá nhân tăng +11,3% yoy, với đóng góp lớn từ mảng cho vay tiêu dùng với MCredit (+53% ytd, chiếm 6,6% tổng dư nợ).

Huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 396 nghìn tỷ đồng (+9,3% yoy). Trong khi mức độ thanh khoản của nhiều ngân hàng không còn dồi dào như trước do dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác thì tốc độ tăng trưởng huy động của MBB vẫn tốt nhờ thu hút được lượng khách hàng lớn.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 119 nghìn tỷ đồng (+3,3% yoy), tỷ lệ CASA giảm nhẹ xuống 34,6%.

Chất lượng tài sản liên tục được cải thiện

Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống 0,76% so với mức 1,29% trong Q1.2021 nhờ tăng cường trích lập xóa nợ xấu đạt 1.787 tỷ đồng trong kỳ. Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03 là 2.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ. MBB đã trích lập dự phòng 70% cho các khoản nợ tái cơ cấu và dự kiến sẽ trích lập toàn bộ trong năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) tăng lên đến 236%, mức cao nhất trong lịch sử của MBB.

screenshot-2021-08-23-at-144739-1629704884.png

 

Triển vọng

Tín dụng còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn: Đáp ứng lời kêu gọi của NHNN, MBB đã thực hiện sớm việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các khách hàng hiện hữu với lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ giữa tháng 7 đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục.

Cùng với việc ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, nguồn vốn dồi dào đáp ứng tốt chuẩn Basel II, chúng tôi tin rằng đây là những điều kiện để MBB được giao chỉ tiêu tín dụng cao hơn trung bình ngành trong các giai đoạn sắp tới. MBB đã được nâng “room” tăng trưởng tín dụng lên 15% và nhiều khả năng sẽ được cấp thêm khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu tín dụng khả quan hơn vào cuối Q3.2021.

MBB hiện đặt trọng tâm tăng trưởng tín dụng ở mảng bán lẻ, tiêu dùng, và các ngành nghề đa dạng, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như điện, may mặc, y tế, logistics…

Số lượng khách hàng tăng nhanh nhờ chiến lược tiếp thị và bán hàng hiệu quả với sự hỗ trợ của ngân hàng số: Các chiến dịch quảng cáo như chương trình tài khoản số đẹp và ứng dụng số rất thành công trong việc thu hút khách hàng mới.

Trong năm 2021, MBB cũng phát triển các kênh bán hàng mới (ngân hàng tự động smartbank, các điểm bán hàng và đại lý hợp tác với Viettel, VNPost, Digiworld) nhằm mở rộng mạng lưới tiếp cận khách hàng, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Nhờ đó, tính đến Q2.2021, số lượng khách hàng của MBB đạt 8,8 triệu (+60% yoy), trong đó số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số đạt 5,5 triệu, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tập khách hàng cá nhân dồi dào, đa dạng sẽ củng cố năng lục cạnh tranh của MBB trong việc thu hút CASA và tiền gửi, tăng trưởng về tín dụng và tỷ suất sinh lời, cũng như tiềm năng bán chéo các sản phẩm dịch vụ.

Các điểm mạnh khác

Duy trì lợi thế về chi phí vốn: Chúng tôi đánh giá cao chiến lược hướng trọng tâm tới khách hàng giúp MBB ghi nhận tỷ trọng CASA từ khách hàng cá nhân cao hơn trước cũng như mức lãi suất huy động tốt hơn. Với cơ cấu huy động và cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn đa dạng, chúng tôi cho rằng MBB có thể duy trì lợi thế chi phí vốn thấp và duy trì biên lãi ròng NIM ở mức cao trong dài hạn.

Các công ty con hoạt động hiệu quả giúp thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ: Trong 6T.2021 các công ty con của MBB tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận. Trong thời gian tới, nếu MBB thành công tìm kiếm đối tác chiến lược cho ngân hàng con tại Campuchia và 3 công ty con khác là MIC, MBS và MB Capital, chúng tôi kỳ vọng hiệu quả hoạt động sẽ tăng cao đóng góp đáng kể vào lợi nhuận, giúp MB mở rộng quy mô, thị phần trong nước và quốc tế.

Tiết giảm chi phí hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ và số hóa vào hoạt động: Hoạt động chuyển đổi số thực hiện thành công giúp giảm quy mô nhân sự và nâng năng suất lao động với tỷ lệ Lợi nhuận trước thuế/Nhân viên đạt 517 triệu đồng trong 6T.2021 (+52% yoy).

Tiếp tục xu hướng số hóa của ngành ngân hàng, 5 năm tới MBB sẽ dành ra khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho hạ tầng công nghệ. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng nhân sự của MBB sẽ chậm hơn tốc độ tăng trưởng tài sản trong các năm tiếp theo giúp hạ tỷ lệ CIR của ngân hàng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - MBB

Ngân hàng Quân đội (MB), là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Các cổ đông chính của Ngân hàng Quân đội là Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Ngoài dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Quân đội còn tham gia vào các dịch vụ môi giới chứng khoán, quản lý quỹ, kinh doanh địa ốc, bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản bằng cách nắm cổ phần chi phối của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Ngân hàng Quân đội đã có mạng lưới khắp cả nước với trên 100 chi nhánh và trên 190 điểm giao dịch trải dài khắp 48 tỉnh thành phố. Ngân hàng còn có văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, chi nhánh tại Lào và Campuchia. 

Lịch sử

Ngày 04 tháng 11 năm 1994, ngân hàng chính thức đi vào hoạt động[1][7] với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng với 25 cán bộ nhân viên.
Năm 2000, thành lập Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội MBS) và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC).
Năm 2003, MB tiến hành cải tổ toàn diện về hệ thống và nhân lực.
Năm 2004, MB là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phần thông qua bán đấu giá ra công chúng với tổng mệnh giá là 20 tỷ đồng.
Năm 2005, MB tiến hành ký kết thỏa thuận ba bên với Vietcombank và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel về việc thanh toán cước viễn thông của Viettel và đạt thỏa thuận hợp tác với Citibank.
Năm 2006, thành lập Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hà Nội HFM (nay là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Ngân hàng Quân đội MB Capital). Triển khai thành công dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin CoreT24 của Tập đoàn Temenos (Thụy Sĩ)
Năm 2008, MB tái cơ cấu tổ chức. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức trở thành cổ đông chiến lược.
Năm 2009, MB ra mắt Trung tâm dịch vụ khách hàng 247.
Năm 2010, Khai trương chi nhánh đầu tiên tại nước ngoài (Lào).
Năm 2011, Thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) từ ngày 01 tháng 11 năm 2011. Khai trương chi nhánh thứ hai tại nước ngoài (Campuchia). Nâng cấp thành công hệ thống CoreT24 từ R5 lên R10
Năm 2019, MB ra mắt logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.
Năm 2020, MB được vinh danh "Ngân hàng tiêu biểu Việt Nam"

VNDirect & VCBS

Link nội dung: https://vinabull.vn/phan-tich-co-phieu-mbb-ngan-hang-quan-doi-hang-tot-dai-han-gia-hop-ly-39484-dongcp-a1202.html